Những thông điệp trái ngược
Những thông điệp trái ngược
Đoàn Khắc Xuyên
Như chỉ chờ có thế, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua luật biển – một việc bình thường của một quốc gia ven biển và lẽ ra phải làm từ lâu sau khi tham gia Công ước về luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS) – Trung Quốc đã cấp tập phản ứng bằng một loạt những hành động gây hấn, khiêu khích, đe doạ xem ra đã được tính toán từ trước: nâng cấp hành chính cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà họ đã thành lập từ năm 2007 bao gồm trong đó cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thành lập chính quyền để quản lý “thành phố” này, lập đơn vị quân đồn trú đặt trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, xua đội tàu đánh cá lớn xuống Trường Sa đánh bắt trái phép, gọi thầu dầu khí trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cho tàu chiến xuống biển Đông tuần tra “sẵn sàng chiến đấu”, giở giọng đe doạ không úp mở trên báo chí. Không chỉ gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc trước đó cũng đã gây hấn với Philippines sau khi cho tàu bè xâm phạm vùng biển của nước này.
Với
Việt Nam, những hành động ức hiếp
của Trung Quốc không phải hôm nay mới
diễn ra mà đã kéo dài từ
nhiều năm qua. Đầu năm 2005, tàu
tuần tra của Trung Quốc đã bắn
thẳng vào ngư dân Thanh Hóa đang
đánh bắt trong vùng biển của
Việt Nam ở vịnh Bắc bộ, cách
đường ranh giới trên biển đến
10 hải lý, làm chết 9 ngư dân và
bị thương 7 người, 8 ngư dân
sống sót bị bắt đưa về Hải
Nam, bị vu là cướp biển. Những
năm sau đó, nhất là từ sau khi
Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm
đánh bắt hàng năm trên biển
Đông và cho đến tận hôm nay,
ngư dân Việt Nam đánh bắt trên
vùng biển Việt Nam ở biển Đông
liên tục bị bắt giữ, đánh
đập, cướp tài sản, tịch thu
tàu thuyền, đòi tiền chuộc. Năm
2011, Trung Quốc hai lần cho tàu hải giám
cắt cáp tàu thăm dò địa
chấn của Việt Nam ngay trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam. Họ cũng
nhiều lần đe doạ các công ty dầu
khí nước ngoài muốn hợp tác
thăm dò, khai thác dầu khí với
Việt Nam khiến các công ty này phải
rút lui.
Những hành động đó
của Trung Quốc đã gây nên nỗi
bức xúc lớn nơi người dân
Việt Nam và gây nên nỗi lo ngại
về chủ quyền đất nước, sự
toàn vẹn lãnh thổ bị đe doạ.
Chính vì vậy, người dân đã
rất vui mừng khi Quốc hội thông qua
luật biển, trong đó khẳng định
lại Hoàng Sa, Trường Sa là của
Việt Nam. Nhưng càng vui mừng trước
quyết định của Quốc hội bao nhiêu,
người dân lại càng âu lo, thấp
thỏm, bối rối bấy nhiêu trước
những tín hiệu, những thông điệp
không rõ ràng hoặc theo chiều hướng
ngược lại với xác quyết của
Quốc hội, với mối lo hiển hiện
trên biển Đông. Khi tình hình
biển Đông đã căng như dây
đàn sau hàng loạt hành động
gây hấn cấp tập, khi nhiều người
cảm nhận mối đe doạ đối với
chủ quyền đất nước đã ở
trước ngõ, khi giới truyền thông
và các nhà sử học, luật gia
trong nước đang ra sức đấu tranh bảo
vệ chủ quyền của Việt Nam đối
với Hoàng Sa, Trường Sa bằng cách
vạch rõ sự vô căn cứ về mặt
pháp lý và lịch sử của “đường
lưỡi bò” trên biển Đông
thì người ta lại tổ chức những
hội nghị rình rang bày tỏ lòng
biết ơn với nước láng giềng
và tình cảm thắm thiết giữa hai
nước, hai quân đội. Với truyền
thống tốt đẹp của người Việt,
ơn thì phải nhớ, phải trả, tất
nhiên, nhưng giờ có phải là lúc
thích hợp để nói chuyện ơn
nghĩa khi người “làm ơn” đã
lật lọng, công khai gây hấn mà
lại giở giọng vu khống ta, khiêu khích,
đe doạ ta, và lộ mặt là kẻ
xâm lấn? Những tín hiệu, những
thông điệp trái ngược đó
khiến người dân bối rối, không
biết nên hiểu thế nào, nên tin
vào đâu. Dư luận nước ngoài,
vốn gần như thống nhất phê phán
sự sai trái của Trung Quốc qua những
hành động hung hăng vừa qua, chắc
cũng phải tự hỏi Việt Nam đang muốn
gì?
Tháng 11 năm ngoái, trong một
lần trả lời chất vấn trước
Quốc hội, ông Thủ tướng có
đề cập đến quan điểm của
Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp
biển Đông. Trong một dịp gặp gỡ
cử tri, ông Tổng bí thư cũng có
nói mấy câu hiếm hoi gì đó
về việc bảo vệ chủ quyền. Nhưng,
sau những hành động mới nhất của
Trung Quốc, tình hình đã khác.
Nhiều người ước muốn, giá
như có ai đó ở cấp nguyên
thủ quốc gia đĩnh đạc xuất
hiện trên truyền hình hoặc trước
Quốc hội để trình bày một
cách rõ ràng, rành mạch trước
quốc dân về điều gì đã
và đang diễn ra, quan điểm và lập
trường của nhà nước ta ra sao, ta
sẽ làm gì để bảo vệ biên
cương và ích lợi của mình
ở biển Đông. Một việc cần
thiết như thế để đoàn kết
lòng người, để gửi đến
người dân một thông điệp rõ
ràng, không thể mơ hồ, vậy mà
xem ra quá khó1.
Thay vào đó người dân chỉ
được thông tin về việc hai bộ
ngoại giao và quốc phòng “trả
lời kiến nghị” của cử tri liên
quan đến những vấn đề trên.
Sao lại chỉ là một sự “trả
lời kiến nghị” thay vì giải
trình trách nhiệm và trình bày
đường hướng xử lý vấn
đề ở cấp cao nhất?
Và như
thế, trước những tín hiệu, những
thông điệp trái ngược, không
nhất quán, lòng người vẫn khó
thể yên.
Nguồn : trên trang Facebook của tác giả, với lời dẫn như sau : « Để xuất hiện trên bản in Thời báo Kinh tế Sài Gòn số vừa rồi, bài này đã phải làm "mềm" đi, đổi tựa (xem hình trên). Ở đây thì không cần ». Tác giả cho phép DĐ đăng nguyên văn bản gốc này.
1 Về sự “im lặng đáng sợ” này, có thể xem thêm bài Biển Đông sục sôi & sự im lặng kỳ lạ từ phía Việt Nam của blogger Trương Duy Nhất (chú thích của DĐ).
Các thao tác trên Tài liệu