Những vụ án trắc nghiệm
Tham nhũng đất
đai :
những vụ án -
trắc nghiệm đối với chính quyền
Đất đai đã trở thành điểm nóng của thời sự ở khắp nước, từ mọi quận huyện cho đến thủ đô Hà Nội. Cách xét xử các vụ tham nhũng về đất đai được người dân xem như là một « trắc nghiệm » đối với chính quyền sau những cam kết ở đại hội X Đảng cộng sản và việc thành lập Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng.
Đồ Sơn : một bản án thách thức dư luận
Vụ án trọng điểm hiện nay đang diễn ra ở Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng), nơi lãnh đạo thị xã đã lợi dụng dự án cấp đất tái định cư dành cho người dân bị giải toả để chia chác 30% đất đai (33/113 hộ được cấp phát đất không hề thuộc diện của dự án). Bị cáo là bí thư thị uỷ Vũ Đức Vận, chủ tịch thị xã Hoàng Anh Hùng và phó chủ tịch Lưu Kim Thái. Trong vụ án, còn có giám đốc sở tài nguyên - môi trường thành phố Hải Phòng Chu Mạnh Tuấn là người ký báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân thành phố khẳng định rằng việc cấp phát đất ở Đồ Sơn là « đúng quy định ». Ông Tuấn bị đề nghị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo báo cáo của Thanh tra chính phủ tháng 10.2005 (Tuổi Trẻ ngày 9.9.2006), trong thời kỳ 2001-2004, khi ông Chu Minh Tuấn đảm nhiệm cương vị giám đốc sở Tài nguyên - môi trường, ngoài vụ Đồ Sơn Hải Phòng còn “bùng nhùng” với 15 dự án đầu tư liên quan tới sử dụng đất. Trong đó báo chí quan tâm nhất là dự án giao đất làm nhà ở tại khu Quán Nam, xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải. Theo kế hoạch được duyệt, đối tượng giao đất chủ yếu là người dân trong xã nhưng trên thực tế hầu hết đối tượng được giao đất đều là cán bộ các ban, ngành của Thành ủy, HĐND và UBND TP. Cơ quan thanh tra đã chỉ rõ trong số 848 hộ được giao đất, 420 hộ thuộc các cơ quan của thành phố, 35 hộ của Viện Qui hoạch (thuộc Sở Xây dựng), 152 hộ của UBND huyện An Hải… Thế nhưng, trong một công văn gửi Viện KSND tối cao, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã viện cớ ông Chu Minh Tuấn là « người có nhiều công lao, đóng góp đối với thành phố, nhân thân tốt, sai phạm chưa gây hậu quả lớn... » để đề nghị miễn truy cứu.
Ngày 28.8, phiên toà sơ thẩm Hải Phòng đã ra bản án chỉ phạt ba người lãnh đạo thị xã ở mức án « cảnh cáo », mỗi người nộp 50 000 đồng gọi là tiền án phí ! Còn ông Chu Mạnh Tuấn thì được Viện kiểm sát tối cao « miễn truy tố ». Bị công luận chất vấn tới tấp, phó chánh án Dương Văn Thành, người chủ tọa phiên tòa, đã phải khai rằng chính bí thư thành uỷ Hải Phòng, uỷ viên trung ương đảng Nguyễn Văn Thuận, đã « chỉ đạo » ông xử phạt theo hướng « nhẹ nhàng ». Chỉ thị cụ thể ông Thuận là : « Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì có thể xử phạt các bị cáo dưới mức khung hình phạt qui định ». Ông Thành than với báo chí : « khi sếp đã có ý kiến, thì mình phải tuân theo chứ… ».
Còn vụ phó Viện kiểm sát tối cao Mai Anh Thông, người trực tiếp giữ quyền công tố, cũng thừa nhận trước báo chí rằng ông đã « chịu ảnh hưởng » của công văn uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị « miễn truy cứu trách nhiệm hình sự » đối vói ông Tuấn. Người ta còn được biết bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thuận đã đích thân ngăn chặn Đài truyền hình Việt Nam lên sóng một chương trình ‘Tiêu điểm’ dành cho vụ án Đồ Sơn. May là có người trong Ban chỉ đạo trung ương can thiệp nên chương trình cuối cùng cũng được phát sóng (ngày 7.9, hai ngày sau dự kiến).
Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã phải nói với báo chí (xem Tuổi Trẻ 11.9.2006) : « Xét xử như thế làm sao chúng ta chống được tham nhũng ? » !
Trước phản ứng phẫn nộ của người dân, ngày 1.9, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét lại quá trình xét xử vụ án, cụ thể là huỷ bỏ bản án sơ thẩm và cho điều tra trở lại từ đầu, đồng thời là làm rõ trách nhiệm của các cán bộ giữ quyền công tố, xét xử vụ án sơ thẩm và công khai hoá kết quả trước công luận. Còn phó thủ tướng kiêm trưởng ban nội chính trung ương đảng Trương Vĩnh Trọng thì sẽ kiểm tra và báo cáo về sự can thiệp của lãnh đạo thành phố Hải Phòng vào vụ án. Bằng cách đó, ông Dũng hy vọng có thể đương đầu với không khí xã hội hoài nghi quyết tâm bài trừ tham nhũng của chính quyền. [VnExpress, VietnamNet, Tiền Phong, Tuổi Trẻ cuối tháng 8-đầu tháng 9]
Vụ xẻ thịt lòng hồ thuỷ điện Trị An : mức kỷ luật tối đa là cảnh cáo
Khi chỉ thị xử nhẹ tay các quan chức « ăn đất » của dân ở Đồ Sơn, bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Thuận có đưa ra so bì : « Vụ lòng hồ Trị An to như thế còn không xử lý hình sự nữa [huống hồ] là vụ này... ». Ông Thuận nhắc đến vụ « xẻ thịt » lòng hồ Trị An để nuôi tròng thuỷ sản ở huyện Định Quán, tỉnh Biên Hoà, trong đó có một số đông quan chức lãnh đạo huyện và tỉnh (nắm đến 2/3 của diện tích 550 ha bị chiếm lấn) : nào là bí thư huyện uỷ (Trương Thị Nguyệt), phó bí thư (Tô Công Hiếu), phó công an huyện (Nguyễn Đức Chương), huyện đội (Nguyễn Tấn Linh), giám đốc công an tỉnh (Huỳnh Văn Hoàng), chỉ huy trưởng quân sự tỉnh (Nguyễn Tấn Danh), chánh thanh tra tỉnh (Năm Luận)... Uỷ ban nhân dân Định Quán đã công khai tiếp tay các quan chức vi phạm luật bằng cách cấp cho họ sổ đỏ, mặc dù đất sử dụng nằm trong vùng bán ngập lòng hồ Trị An.
Sai phạm nghiêm trong như vậy, gây hậu quả khôn lường cho hoạt động của nhà máy thuỷ điện Trị An, mà kết quả xử lý của tỉnh Đồng Nai vào cuối năm 2005 - sau khi thủ tướng Phan Văn Khải có ý kiến chỉ đạo - chỉ là : kỷ luật 9 tập thể, trong đó có 8 tập thể bị « kiểm điểm » (uỷ ban kinh tế tỉnh uỷ, văn phòng uỷ ban nhân dân tỉnh, thanh tra tỉnh, các sở nông nghiệp - phát triển nông thôn và tài nguyên - môi trường, ban thường vụ huyên uỷ, uỷ ban nhân dân huyện) và, nặng hơn một chút, Trung tâm thuỷ sản Đồng Nai bị « khiển trách » ; kỷ luật 37 cán bộ đảng viên trong đó có 29 người bị « kiểm điểm », 5 người bị « khiển trách » và 3 người bị nặng nhất : « cảnh cáo » ! Cho đến hôm nay, người ta vẫn không thấy chính phủ phản ứng gì đối với quyết định xử lý này của chính quyền Đồng Nai. Việc đối chiểu hai vụ án Đồ Sơn và Trị An phải chăng sẽ buộc thủ tướng Dũng mở lại hồ sơ Trị An ? [VietnamNet 8.9.06 ; 14.12.05 ; 23.10.03]
Hà Nội : liên tục biểu tình
Trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ [8.7.06], thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, phó tổng cục trưởng an ninh thuộc bộ công an, đã thẳng thắn nhận xét : « Tỉnh nào cũng có chuyện chính quyền cấp cơ sở bán đất vô tội vạ. [...] Nhưng có thể nói dứt khoát rằng phải có trách nhiệm của người lãnh đạo cấp tỉnh. Chủ tịch tỉnh có quyền hoàn toàn cho thanh tra, kiểm tra, giám sát [mà] để xảy ra hàng loạt xã bán đất vô tội vạ như thế ». Ngay giữa thủ đô Hà Nội người ta cũng đã bán đất vô tội vạ. Đó là trường họp của hàng ngàn hecta rừng phòng hộ của huyện Sóc Sơn đã bị lâm trường, có sự tiếp tay của chính quyền địa phương, bán trái phép cho hằng trăm hộ. Hay, tại huyện Đông Anh, « có cán bộ xã như vua một vùng đã bán đất bừa bãi như mớ rau, con cá. Hiện nay còn hàng trăm ngàn hecta kiểu này chưa được thu hồi », ông Thu nhấn mạnh.
Thống kê không đầy đủ của ngành công an còn cho biết, sáu tháng đầu năm 2006, trong hơn 7200 người kéo về thủ đô khiếu kiện thì 60% vụ liên quan đến đất đai. Mới đây nhất là cuộc biểu tình của hàng trăm nông dân Hưng Yên bị chính quyền thu hồi đất để giao cho công ty Việt Hưng xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang có quy mô 500 ha (chính ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó làm phó thủ tướng, đã ký quyết định này). Tập họp trước Quốc hội, các nông dân phản đối mức đền bù mà công ty Việt Hưng đề xuất và được chính quyền thông qua. Mặc dù bị lực lượng công an bao vây, cô lập, các nông dân đã liên tục biểu tình nhiều ngày cho đến khi phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, thay mặt thủ tướng Dũng, ký thông tư yêu cầu chính quyền Hưng Yên dừng lại dự án Văn Giang để « thanh tra và tìm giải pháp khiếu kiện trước ngày 15.9 » [BBC 5.9.06]
Trong các vụ khiếu kiện về đất đai, theo thiếu tướng Trịnh Xuân Thu đánh giá, « đại thể là chính quyền không thực hiện đúng Luật đất đai. Luật có qui định rõ : khi giao đất, chuyển người dân đến nơi ở mới thì phải bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc hơn trước. Thực tế không bao giờ được như thế. Ngay cả đền bù đất theo giá cao, nhiều nơi, dân vẫn không đủ tiền mua đất ở nơi tái định cư mới ». Ồng còn nhấn mạnh rằng : « Điều đáng quan tâm là từ chỗ cán bộ phạm tội, dân bất bình khiếu kiện, và từ chỗ khiếu kiện kéo dài không được giải quyết, người dân bức xúc và có hành động manh động, dẫn đến phạm tội, và chính người dân lại bị truy tố trước pháp luật ».
Cùng ngày 1.9, trong phiên họp thường kỳ của chính phủ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe bộ Công an báo cáo tình hình điều tra bốn vụ án lớn : vụ tiêu cực tại Ban quản lý dự án (PMU) 18, vụ án Nguyễn Đức Chi lừa đảo trong dự án Rusalka, vụ tiêu cực tại 21 bưu điện tỉnh, thành phố liên quan đến Nguyễn Lâm Thái và vụ tiêu cực trong quá trình thanh tra các công trình dầu khí của Thanh tra Chính phủ. Ông Dũng đã yêu cầu bộ công an khẩn trương kết thúc điều tra, đưa các vụ án này ra xét xử.
Hiển nhiên, đó cũng là điều cấp bách phải làm một cách kiên quyết, nghiêm minh. Tuy nhiên, nếu về quy mô phạm tội mỗi vụ tham nhũng đất đai (thường có tính chất địa phương) có thể không lớn bằng 4 vụ án kể trên, những nhận xét của thiếu tướng Trịnh Xuân Thu cho thấy tầm quan trọng lớn hơn nhiều của các vụ án đất đai, mà điển hình là hai vụ Đồ Sơn và Trị An. Liệu chính phủ của ông Dũng có đủ quyết tâm (và khôn khéo) để giải quyết các « vụ án trắc nghiệm » này một cách thấu đáo như người dân mong đợi ?
Hải Vân
Tin, bài liên quan :
Hơn 1.300 cán bộ bị khởi tố vì tham nhũng đất đai : http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/11/3B9E3A98/
Vĩnh Phúc : lại thêm một vụ “quan ăn đất” : http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=161560&ChannelID=3
Đà Nẵng : Bao giờ người dân có đất làm nhà t? http://www.thanhnien.com.vn/Nhadat/2006/9/12/162112.tno
v.v.
Các thao tác trên Tài liệu