Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Phải chi lúc này có ông Sáu Dân

Phải chi lúc này có ông Sáu Dân

- Tương Lai — published 29/11/2015 16:40, cập nhật lần cuối 07/12/2015 01:21


Mênh mông thế sự 20



PHẢI CHI LÚC NÀY CÓ ÔNG SÁU DÂN



Tương Lai



Điệp khúc này lại nhức nhối giục giã trong buổi họp mặt tưởng niệm ngày sinh ông Sáu Dân hôm 23.11.2015. Một số anh chị em quây quần bên nhau trong một căn phòng có bức ảnh ông Sáu được phóng to treo trang trọng giữa nhà, gần gũi thân tình. Cũng như vào ngày này năm ngoái tại căn phòng này, dưới nhiều cách biểu đạt khác nhau, nhưng rồi vẫn dồn vào một ý tưởng đã thành “điệp khúc” khi ngước nhìn lên tấm hình của người mình thương mến: phải chi lúc này có ông Sáu Dân.


Vẫn những gương mặt quen thuộc ấy, nhóm “thứ Sáu” với Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng.., rồi cánh nhà báo vốn nhận được sự chăm sóc ân tình của ông Bí thư Thành uỷ thời “cởi trói” để dám mạnh dạn và sắc sảo bung ra như Kim Hạnh, Huỳnh Sơn Phước, Tống Văn Công…, nhóm “phong trào” từng gặp ông Sáu Dân từ hồi lên rừng nhận nhiệm vụ còn phải bịt mặt như Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, …. rồi đám văn nghệ sĩ vốn nổi đình đám trong những buổi tưởng niệm năm nay gặp trục trặc “bất khả kháng”, phút cuối gọi điện tỏ ý “quá tiếc” như Nguyễn Duy đang phải chăm vợ ốm kiêm nhiệm đưa võng ru cháu nội không thể đến để “Đánh thức tiềm lực…” và “Nhìn từ xa…tổ quốc” ;


Nhưng bù vào những người mà sự vắng mặt là bất khả kháng ấy thì năm nay lại có thêm những gương mặt thân quen mà năm ngoái không đến được như chị Cúc, nữ doanh nhân vốn được biết đến với cái Hợp Tác Xã mây tre lá Ba Nhất mà ông Sáu Dân đã từng tìm đến Bình Dương để mời về Vũng Liêm, Vĩnh Long “dạy dân quê tôi làm mây tre mỹ nghệ xuất khẩu”. Chân tình ông nói. Và người sáng lập, tổ chức thành công doanh nghiệp độc đáo này – “bà này dữ thiệt” như nhận xét của ông Sáu mà Nguyễn Trọng Huấn đã ghi lại trong một bài báo dạo ấy – đã vui vẻ nhận lời.


Và ông Bảy Thanh, người từng gắn bó với ông Sáu Dân trên nhiều lĩnh vực quan trọng mà tôi được nghe ông Sáu nhiều lần nhắc đến với thái độ tin cậy và chân tình, “biết hôm nay sẽ có nhiều anh em mình lâu không gặp, nhân dịp này cùng nhau ngồi lại với nhau nhắc lại những kỷ niệm về Chú Sáu thì chắc là thú vị lắm”, ông hồ hởi nói với mọi người đang ngồi cạnh ông. Dạt dào và cuốn hút trong dòng chảy những kỷ niệm, ông ngồi lại với một nhóm anh em đang say chuyện sau khi một vài ông U80 yếu sức buộc phải tiếc nuối ra về như Đào Công Tiến, Mười Thôn…Câu chuyện bên ông Bảy kéo đến gần 3 giờ chiều mới dứt ra được sau khi lưu luyến hẹn sẽ có dịp tái ngộ.


Anh Nguyễn Bá Thuận, một trí thức sống ở Đan Mạch, đã từng về nước sớm nhất sau năm 75 và có dịp làm việc với ông Sáu Dân, hôm nay có mặt với áo vét nghiêm chỉnh khác với lối xuề xoà quần soóc lửng như mọi lần, đã gợi lên một vài chuyện mà mọi người còn muốn biết kỹ nhưng nhà trí thức chỉ kín đáo cười trừ…để rồi mấy ông ghiền, trong đó có Hạ Đình Nguyên, tác giả của bài nói về “ba gã bán tơ” làm xôn xao dư luận, lấy cớ rủ rê Thuận ra ngoài ban công hút thuốc để gợi chuyện thêm. Rồi Kha Lương Ngãi, Tô Lê Sơn và những bạn thân quen khác. Mọi người đều dành cho Hiếu Dân lời thăm hỏi trìu mến khi cô khệ nệ đem thêm vào bữa nhậu chiếc bánh mừng sinh nhật và mấy món để các chú các anh chị vừa lai rai vừa tiếp tục chuyện trò vào bữa trưa.


Đáng tiếc là vắng mấy nhà sử học đã hăng hái hẹn đến để gợi lại những việc làm thật có ý nghĩa của Võ Văn Kiệt đối với lịch sử đúng vào thời điểm nhạy cảm mà đề tài lịch sử đang hứng lấy những cơn sóng trào phẫn nộ. Quả đúng là vào những lúc như thế này mới càng thấm thía hơn cái tầm nhìn vượt hẳn lên trước và lên trên tầm tư duy kiểu tuyên giáo ẩm mốc, thiển cận, xúc phạm đến ông cha mà ông Sáu Dân đã từng phê phán, và trong những trường hợp có thể, Ông trực tiếp góp phần chỉnh sửa một cách cụ thể và thết thực. Điều này một số nhà sử học biêt rõ hơn tôi nên thật là đáng tiếc vì đến phút cuối lại “xin kiếu” với hai từ “rất tiếc”. Dụng ý mời một vài nhà sư học trao đổi trong buổi kỷ niệm năm nay chính vì chủ đề lịch sử lại đang nổi cộm lên trong chuyện “tích hợp” môn lịch sử ngớ ngẩn và dại dột của Bộ GD&ĐT.


Nhưng đành vậy, “Dù sao cũng chẳng làm sao, dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi” nhỡ ra có “chuyện làm sao” e cũng cũng phiền hà. Nhà sử vốn cẩn trọng mà. Tôi nhớ đến Trần Quốc Vượng, nhà sử học đáng kính, đã từng viết : “nỗi ám ảnh của quá khứ” vẫn không tha người làm Sử như tôi… cứng đầu thì dại, “khôn ngoan” nhất là “luồn cúi” và trí thức “lớn” thì cũng tự an ủi “gặp thời thế thế thời phải thế”….Ngoài thì “bế môn toả cảng”, trong thì “chuyên quyền độc đoán”, cho nên sĩ khí ắt phải bạc nhược…Thế giới giờ đây thay đổi đã nhiều. Song trong nước mình thì chưa đổi được bao nhiêu. “Nỗi ám ảnh của Quá khứ” vẫn còn đè nặng”.


Có lần vui chuyện nhân bàn về một số sự kiện lịch sử vào dịp ông Sáu Dân giục Nguyễn Duy bay ra Thanh Hoá để cố gắng thuyết phục lãnh đạo tỉnh hỗ trợ tích cực cho các nhà sử học tổ chức Hội thảo khoa học về Nhà Nguyễn, tôi kể cho ông về Trần Quốc Vượng và câu vừa nói. Nét thích thú hiện rõ trong ánh mắt và miệng cười của ông, tiện thể tôi nhắc đến câu "Chép đúng sự thật là chức phận người làm sử. Nếu làm trái chức phận để sống thì thà chết còn hơn" của người em thứ tư quan Thái sử nước Tề bên Tàu dưới thanh gươm của Tể tướng Thôi Trữ vừa loang máu ba người anh ruột của mình. Người chép sử trẻ tuổi đó đã nhất quyết chép đúng chuyện xảy ra: “Thôi Trữ giết vua”. Câu chuyện hình như đã làm ông Sáu Dân xúc động. Tôi nhớ hôm ấy ông bảo tôi nhắc lại để ghi vội vào sổ tay câu của Tư Mã Thiên: “Con người đã đội chậu làm sao còn nhìn được trời”.


Tiếc là giá mà những người biết kỹ hơn tôi về vấn đề ông Sáu Dân đặt ra với Phan Thanh Giản, rồi Hội thảo về Nhà Nguyễn ở Thanh Hoá vừa nói… có mặt trong dịp này để ôn lại thì thật có ý nghĩa. Vì thế mà tiếc. Nhưng đành an ủi rằng câu chuyện “Thôi Trữ giết vua” còn có một đoạn kết thật thâm thuý mà hôm ấy tôi chưa kịp kể. Đoạn kết ấy khiến người ta tin rằng không hề thiếu những người có bản lĩnh dám nói lên sự thật. Đoạn đó như sau:

Quí [tên người em thứ tư của Thái sử] cầm cái thẻ [bằng tre để chép chữ lên đấy] đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị. Quí hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói : Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép ”. Những người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sợ sự thật lịch sử bị vùi lấp đã “cầm thẻ đến để chép” như Nam Sử Thị đã là biểu tượng tuyệt vời của sứ mệnh được trao cho người chép sử.


Và đó cũng là khát vọng về tính trung thực lịch sử được trầm tích trong dòng chảy bất tận của cuộc sống con người, cuộc sống đất nước. Trong miên man suy ngẫm vể buổi kỷ niệm ngày sinh ông Sáu Dân trong căn phòng nhỏ hẹp này, tôi nhớ đến ông, một con người đã đi vào lịch sử như một trong những con người đẹp nhất đã góp phần tô điểm cho truyền thống bất khuất, quật cường của dân tộc, đã bằng trí tuệ mẫn tiệp và bản lĩnh quyết đoán trong hành động là minh chứng của lòng yêu nước rất sống động và cụ thể.


Nói “lịch sử”, “đi vào lịch sử” cứ ngỡ như cao xa vời vợi. Nhưng thật ra, những chuyện ông Sáu Dân đã làm để góp phần nắn lại những nét cong của lịch sử mà người chép sử, bình luận về lịch sử, do bản lĩnh chưa xứng với thiên chức cao quý của họ, đã bị những áp lực của bạo quyền đe doạ mạng sống đã bẻ cong lịch sử. Có khi không là một mạng người, mà chỉ là một chiếc ghế, một chức danh, một chỗ dựa cho con cháu mà lịch sử dưới ngòi bút của họ đã bị xuyên tạc đến thảm hại. Trong bài “Mênh mông thế sự” tuần trước tôi đã dẫn ra lời ông Sáu Dân : “Cách mạng tháng 8 năm 45 đánh đổ thực dân phong kiến là chuyện tất yếu phải làm để giành lại độc lập cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng rồi theo trớn đó mà chửi phong kiến tùm lum thì vô tình đã chửi cha ông mình chứ còn gì nữa! Thử hỏi các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi diệt quân Minh xâm lược và lên ngôi vua thì đều là “phong kiến” cả chứ gì? Liệu có ai dung túng cho chuyện xúc phạm đến ông cha? Thế mà cứ thoải mái chửi phong kiến thì khoa học cái nỗi gì”?


Với ông Sáu tôi hiểu sâu hơn điều tôi vẫn hay suy ngẫm về một quá khứ gần và một quá khứ xa, ở những chừng mức nào đó, đang hoà quyện vào nhau trong cuộc sống hiện tại của mỗi đời người. Câu chuyện lịch sử, nói về những điều xảy ra trong quá khứ nhưng lại đang nóng hổi tính thời sự. Xin gợi ra một kỷ niệm:


Hôm ấy, ngày 19.5.2008, tôi bay từ Sài Gòn ra, vừa xuống sân bay Nội Bài lúc 10h30 thì nhận được điện thoại của Trịnh bảo về thẳng nhà số 6 ở Hồ Tây, “chú Sáu đang chờ”. Vào phòng, thấy ông ngồi tựa trên ghế, dáng hơi mệt mỏi. Nghe tôi vắn tắt nói về công việc chuẩn bị để ông làm việc với một trí thức ở Mỹ vừa sang muốn xin gặp. Dặn Trịnh ghi lại lịch làm việc, rồi ông nói với tôi điều ông đang bức xúc “Tôi vừa yêu cầu phải trả tự do ngay cho Chiến và Hải, hai nhà báo ở “Thanh Niên” và “Tuổi Trẻ”, còn để lâu ngày nào thì Trung Quốc mừng ngày ấy đấy”. Ông còn nói rõ thêm một số chuyện nữa để dặn tôi nói lại ngay với anh Việt Phương và mấy anh khác, tôi không tiện viết ra ở đây. Ngày 20.5 ông tiếp hai trí thức Việt kiều. Tối hôm 20.5, theo dự định, ông có bữa “nhậu” với cánh văn nghệ sĩ và trí thức tại một quán nhỏ giữa Hô Tây nhưng “may” mà không thực hiện được. Nói “may” vì Nguyễn Duy người – chủ xị đầu têu chuyện “nhậu” này – sau đó nói với tôi “không thì oan Thị Kính đấy ông ạ, hôm sau bay về Sài Gòn là ông Cụ nhập viện ngay, bọn mình hút chết cả nút nếu có bữa “nhậu” ấy”. Quả đúng. 21.5 ông về lại Sài Gòn thì ngã bệnh, rồi vào viện.


Nghĩ đến chuyện đau buồn này, tôi rất ân hận và tự giày vò mình mãi về câu tôi buột miệng nói ra khiến ông đang mệt lại mệt thêm lên hôm 19.5 khi ông nhắc đến tên một người, “Thì thưa anh, cũng là từ trong ống tay áo của anh chui ra đấy thôi. Đã bị ném vào sọt rác rồi, anh lại móc lên đấy chứ”. Tôi thấy ông trầm ngâm, ngả người tựa vào lưng ghế, im lặng. Định đứng dậy ra ngoài để ông được yên tĩnh một lát nhưng ông đưa tay ngăn lại.


Câu chuyện trên xe từ Cần Thơ về vẫn đang còn nóng hổi đấy, có dịp anh nên viết ra”, ông chậm rãi nói. “Càng hiểu sâu thêm những tiên lượng của anh Ba Duẩn về cái đại hoạ này” ông trầm giọng như tự nói với chính mình. Đó cũng là lý do của buổi về Cần Thơ dạo ấy mà tôi đã có dịp nhắc đến.


Tôi đã không viết nguyên văn “câu chuyện trên xe” vừa nói. Nhưng chiều sâu ý tưởng của câu chuyện về âm mưu và thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán được đề cập đến trong câu chuyện đã giục giã những bài viết. Kết quả đến đâu tôi không thể đo đếm được. Nhưng tôi đã làm hết sức mình. Quyết liệt hướng ngòi bút vào chủ đề nhạy cảm đang chi phối nặng nề cái não trạng đã đẩy tới những quyết sách sai lầm liên quan đến vận mệnh của dân tộc, điều mà ông Sáu Dân khi thì kín đáo, khi thì trực diện nhắc nhở trong những dịp ông gặp chúng tôi.


Người có sự nhạy bén chính trị đặc biệt ấy hiểu rất sâu sắc những sự kiện lịch sử, trong khi một lịch sử gần đây chạy nhanh về với chúng ta thì một lịch sử xa xưa lại chạy đến với chúng ta bằng những bước chân chậm rãi thì cả hai lại “đang hoà quyện vào nhau trong cuộc sống hiện tại” 1 với những điều mà Võ Văn Kiệt đã sớm thấy ra và tỉnh táo cảnh báo.


Nhiều dự báo của ông về tiến trình hội nhập khu vực và thế giới đang ngày càng trở thành hiện thực, đặc biệt là sự kiện Myanmar. Và đó cũng là lý do khiến cho điệp khúc. “Phải chi lúc này có ông Sáu Dân” lại giội lên trong tâm tư, tình cảm của những ai đang ưu tư về vận nước. Nhưng rồi tôi nhớ một phát biểu chí lý của Kim Hạnh trong một buổi tưởng niệm như thế này cách nay đã mấy năm : “Tại sao chúng ta lại cứ dồn lên vai một ông già đã 86 tuổi phải tiếp tục gánh vác trách nhiệm khi mà ông đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình để thanh thản ra đi ? Vậy còn chúng ta, chúng ta phải làm gì để tiếp tục sự nghiệp của ông để lại ?


Đúng vậy, chúng ta phải làm gì để không một lần nữa vuột mất thời cơ mà Võ Văn Kiệt đã từng đón đợi ?

Tương Lai





1 Fernand Braudel : Tìm hiểu các nền văn minh, Nhà xuât bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992, tr33.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us