Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Phép thử phản xạ của quốc gia Việt

Phép thử phản xạ của quốc gia Việt

- La Thành — published 08/05/2009 21:00, cập nhật lần cuối 08/05/2009 11:07
Một phân tích chính trị từ chuyện bauxite Tây Nguyên. Táo bạo và nhức nhối - tác giả nói rõ mình "không thuộc phe lạc quan".


Bauxite Tây Nguyên: Phép thử phản xạ tự vệ của quốc gia Việt


La Thành



Bauxite sẽ được làm bằng mọi giá!


Dù lạc quan hay ngờ vực, có thể nói từ sau ngày mồng 9 tháng Tư, thời điểm diễn ra cuộc hội thảo một ngày ở Khách sạn Meliã, quả bóng bauxite Tây Nguyên phồng căng trong suốt mấy tháng trước đó đã xì hơi phần nào. Đối với không ít người, câu nói khi kết luận hội thảo của ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải — “Chúng ta sẽ không làm bauxite bằng mọi giá” — dường như đã làm dịu đi ít nhiều nhiệt độ của công luận, vào thời điểm thời tiết đang bước sang mùa hè. Bán nguyệt san Tổ quốc có lẽ đã thuộc về phe lạc quan khi viết trong “Thư Toà soạn” của số 62:

“Hội nghị về bauxite Tây Nguyên ngày 9-4 vừa qua tại Hà Nội là một bước tiến khiêm nhường nhưng đáng mừng theo chiều hướng của chọn lựa phải có, nghĩa là huỷ bỏ dự án này…”

Phe lạc quan có thể đã có thêm hi vọng khi Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản cho công bố (hôm 24 tháng Tư) Thông báo số 245/TB-TW về “Kết luận của Bộ Chính trị” đối với bản qui hoạch ngành công nghiệp bauxite giai đoạn 2007-2015, tầm nhìn 2025 của Chính phủ. Trong các “kết luận” (?) được thông báo, người ta đọc thấy chỉ thị:

“(…) Chính phủ chuẩn bị báo cáo vấn đề này với Ban Chấp hành Trung ương trong kì họp giữa năm 2009 và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong phần báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2009.”

Tôi không thuộc phe lạc quan. Lâu nay, tôi thường xuyên phải trải nghiệm cảm giác thất vọng về bản tính dễ quên của người Việt. Niềm hi vọng vào việc các dự án thăm dò và khai thác bauxite đang triển khai có khả năng bị lật ngược, một lần nữa, lại là biểu hiện của hội chứng quên cố hữu khi người ta không nhớ rằng: các cuộc hội thảo, báo cáo, lấy ý kiến, xin tư vấn hay biểu quyết / bỏ phiếu v.v. do giới cầm quyền Việt Nam tổ chức luôn luôn là và chỉ là những thao diễn vẽ vời nhằm che đậy, củng cố hoặc hợp thức hoá các quyết định đã được lấy một cách dứt khoát và đầy quyết tâm. Màn hài kịch lấy ý kiến đóng góp cho bản Báo cáo chính trị Đại hội Mười của Đảng Cộng sản đã từng là một thí dụ. Việc đưa ra thảo luận và bỏ phiếu trước Quốc hội về đề án sáp nhập địa lí hành chính Hà Tây và Hà Nội có thể là thí dụ thứ hai… Xung quanh chủ đề qui hoạch bauxite, cuộc hội thảo hôm mồng 9 tháng Tư không hề là cái workshop đầu tiên: sáu tuần trước đây, hôm 20 tháng Hai, một cuộc “toạ đàm” tương tự do Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản chủ trì đã diễn ra rồi, cũng với những tham luận thuận/chống và sự vô tác dụng hoàn toàn tương tự trước một đại dự án đang được thực sự triển khai.

Một biểu hiện khác của tính hay quên của người Việt là phương pháp phản biện chính sách mà giới khoa học chính trị vẫn gọi bằng thuật ngữ “chủ nghĩa đối lập trung thành” (loyal oppositionism). Thí dụ gần đây nhất là những bức thư / bài viết của các cựu nhân của chế độ — những chính trị gia đã một thời vang bóng trên những đỉnh cao danh giá của quyền lực như danh tướng và cựu Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… — gửi các chính khách đương quyền từ vị thế hưu trí của mình, phản biện những quyết định lớn (phá và xây mới Toà Quốc hội) hay kiến nghị những quốc sách quan trọng (hoà giải và hoà hợp dân tộc, chính sách đối với người nghèo, v.v.). Trong luồng ý kiến phản đối đại dự án bauxite Tây Nguyên diễn tiến nhiều tuần qua, bên cạnh hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp — một gửi đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một gửi các đại biểu tham dự cuộc hội thảo mồng 9 tháng Tư — có bức thư của nhà văn, nhà báo quân đội Phạm Đình Trọng, cũng gửi tới người đứng đầu Chính phủ.

Có một sự thật là phương pháp đối lập trung thành chưa bao giờ gặt hái thành công. Trong bức thư đề ngày mồng 9 tháng Tư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã công khai phàn nàn rằng lá thư ông gửi Thủ tướng Ba Dũng trước đó vẫn “chưa được trả lời”. Gác qua một bên vấn đề nghi lễ ứng xử, điều đáng lẽ phải được tôn trọng dù ở bất cứ cấp độ nào — giữa hai người đồng chí / hai đảng viên cộng sản, giữa một kẻ hậu bối với một tiền bối tầm khai quốc công thần hay trên hết, giữa một công chức nhà nước với một công dân –, việc ông Dũng không trả lời thư Tướng Giáp lần này hoàn toàn nhất quán với những lựa chọn ứng xử từ bấy lâu của giới chức toàn trị: mọi người đã từng thấy những bức thư trước đây của Cố Thủ tướng Kiệt, của Đại tướng Giáp, của Cựu đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, v.v. được trả lời bao giờ chưa? Đẩy kí ức xa hơn về quá khứ, hẳn dư luận còn chưa quên việc Cố giáo sư Hoàng Minh Chính, rồi nhà hoạt động lão thành và cựu đảng viên của Đảng Cộng sản Nguyễn Hộ cùng nhóm Câu lạc bộ Những người kháng chiến cũ đã từng vì những biểu tỏ chính kiến một cách ôn hoà trong khuôn khổ chế độ — tức đối lập trung thành — mà bị đàn áp khốc liệt như thế nào. Từ những kinh nghiệm tương tự, có thể dự đoán trước rằng hoạt động trình thỉnh nguyện thư Kiến nghị về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên hôm 17 tháng Tư vừa rồi của nhóm trí thức do các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thế Hùng, học giả Phạm Toàn và thi sĩ Dương Tường chủ trương, bên cạnh ý nghĩa khả dĩ thức tỉnh một xã hội dân sự còn yếu ớt, khó lòng đem lại kết quả như trông đợi. Tuy nhiên, tôi đi tới kết luận này còn vì — và chủ yếu vì — một lí do khác.

Như bức thư đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho hay, vào đầu thập kỉ 1980, sự trù mật quặng bauxite ở cao nguyên miền Trung đã từng được đưa ra mời mọc các đối tác COMECON như một món quà ra mắt đáng giá của tân binh Việt Nam vào thời điểm nó vừa mới gia nhập khối này, song lời mời đã được can ngăn — một sự can ngăn được cho là công tâm — bởi các chuyên gia Liên Xô. Hẳn rằng khi đóng lại hồ sơ dự án đầu tiên về bauxite Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Giáp đã không thể ngờ rằng nó sẽ được phục hồi và hơn nữa, được thực hiện một cách đầy quyết tâm bởi các hậu bối của ông sau đó gần ba thập niên, cũng dưới quan kiến của nước ngoài. Mặc dù sự khép lại dự án 30 năm về trước là một quyết định đúng đắn một cách may mắn, ít ai để ý rằng giữa hai quyết định trái ngược nhau vào hai thời điểm khác nhau kia tồn hữu một qui luật: trong khi khinh thị, bấp chấp và sẵn sàng đè bẹp mọi ý kiến khác biệt từ nội bộ, các chính quyền kế tiếp nhau của Đảng Cộng sản luôn luôn ngoan ngoãn phục tùng ý chỉ của các nước lớn có cùng ý thức hệ. Vì sao vậy? Câu trả lời đã có sẵn và hoàn toàn đơn giản: chính thể toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã và luôn luôn được duy trì chủ yếu nhờ các thế lực bên ngoài. Từ sự thật mang tính nguyên lí này, sẽ không có khả năng đại dự án khai thác bauxite bị lật ngược. Chính phủ Việt Nam đang và sẽ “làm bauxite bằng mọi giá”!


Chủ nghĩa bán nước Việt Nam versus Tinh thần ái quốc Mĩ Latin


Ở một đơn vị lớn của quân đội đóng trên địa bàn Hà Nội, những cuộc họp chi bộ Đảng hằng tháng gần đây đã biến thành những xê-mi-na sôi nổi xung quanh chủ đề bauxite Tây Nguyên. Một vài sĩ quan đã không ngần ngại phát biểu công khai: “Chúng nó đang bán nước!” Thái độ khiếp nhược, nô lệ của giới cầm quyền trước nước lớn phương Bắc đã được đem ra mổ xẻ. Có ý kiến cho rằng sự thần phục và những nhượng bộ của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc trong nhiều năm qua là bất khả kháng, thậm chí là lựa chọn khôn ngoan duy nhất của một nhược quốc không may có chung đường biên giới với Trung Quốc. Bác lại ý kiến này, nhiều người đã đưa ra những phản đề đầy sức thuyết phục. Một trong những phản thí dụ điển hình nhất là ứng xử đối với Trung Quốc và đối với các cường quốc nói chung của ban lãnh đạo Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, quốc gia có vị thế địa chính trị và ý thức hệ tương đồng với Việt Nam. Có thể thấy rõ rằng trong suốt nửa thế kỉ tồn tại của chế độ cộng sản Bắc Hàn, các nhà độc tài Kim Il Sung và Kim Zhong Il ở đây — mặc dù khét tiếng về hạnh kiểm nhân quyền đối với nhân dân của họ — chưa bao giờ tự coi mình là những hầu tước của triều đình Bắc Kinh, bất chấp món nợ xương máu mà chế độ của họ từng mắc phải với Trung Quốc hồi thập niên 1950.

Ứng xử của lãnh tụ các lân bang nhỏ bé bên cạnh một siêu cường có bản chất đế quốc khác là Liên bang Nga cũng là những lệ cử xứng đáng về tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc. Mặc dù có tổng diện tích chỉ bằng một nửa và tổng dân số chưa đầy một phần mười so với Việt Nam, ba cựu lãnh thổ cộng hoà vùng Baltic của Liên Xô cũ — Estonia, Latvia và Lithuania — luôn luôn có những nhà lãnh đạo quật cường. Mới đây, vào năm 2005, Tổng thống Arnold Rüütel của Estonia và Tổng thống Valdas Adamkus của Lithuania đã từng thẳng thừng khước từ lời mời tham dự đại lễ 60 năm Chiến thắng Đức Quốc xã của Tổng thống Nga lúc đó là Vladimir Putin; còn nữ Tổng thống Vaira Vīķe-Freiberga của Latvia thì nhận lời Putin, nhưng kèm theo những ngôn luận chua cay:

” (…) Tham dự những sự kiện trọng thể ở Moskva, tôi sẽ chìa bàn tay hữu nghị ra với nước Nga. Latvia mời nước Nga cũng biểu tỏ thái độ hoà giải như vậy với Latvia, Estonia và Lithuania, và hãy lên án những tội ác trong Đệ nhị Thế chiến, bất luận chúng do ai phạm phải. Các nhà lãnh đạo của những quốc gia dân chủ hãy khuyến khích nước Nga tỏ bày sự hối lỗi về ách nô dịch mà họ đã đặt lên Đông và Trung Âu sau chiến tranh, một hậu quả trực tiếp của Hiệp ước Ribbentrop-Molotov. Bằng cách này, Nga sẽ đi theo cùng một con đường mà các láng giềng phía Tây của họ đã bước lên: con đường của tự do, dân chủ, pháp quyền và thượng tôn các quyền con người.” [Gerald Mercer, "The origins of World War II: Inviting Russia to examine its past", Social Action February 2005]

Từ sau ngày thoát khỏi ách thực dân Xô-viết (năm 1990), ba nước Baltic đã mau chóng trở thành những quốc gia công nghiệp phát triển với thu nhập bình quân (năm 2008) xấp xỉ 20 nghìn đô-la trên mỗi đầu người, đồng thời gia nhập NATO (năm 2004) để được khối này bảo vệ vững chắc biên cương trước nanh vuốt của người láng giềng khổng lồ phía Đông.

Tôi còn muốn dẫn ra đây một biểu tượng lãnh đạo chính trị khác, từng là hiện thân của chủ nghĩa bất khuất nước nhỏ. Trước cuối thế kỉ XIX, quốc gia nhỏ bé ở Trung phần châu Mĩ là Panama vẫn còn là một bộ phận lãnh thổ của Colombia. Lịch sử hiện đại của miền đất này gắn liền với sự ra đời của Kênh đào Panama. Ý tưởng xây dựng con kênh liên đại dương này được đề xuất lần đầu bởi kĩ sư Ferdinand de Lesseps, quốc tịch Pháp, người từng thực hiện việc tái kiến thiết Kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Hồng Hải. Tuy nhiên, vào cuối những năm 80 của thế kỉ XIX, sau nhiều trắc trở về kĩ thuật và tài chính, phía Pháp buộc phải từ bỏ dự án về con kênh xuyên qua eo đất mà ngày nay là Panama, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương này. Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của con kênh đào tương lai, vào năm 1903, Tổng thống Hoa Kì lúc đó là Theodore Roosevelt đã điều chiến hạm Nashville đến Trung Mĩ, cho quân đội đổ bộ lên Panama, giết chết thủ lĩnh phe chống đối bản địa rồi tuyên bố Panama là quốc gia độc lập, tách khỏi Colombia. Một chính phủ bù nhìn do Hoa Kì dựng lên đã hợp pháp hoá quyền kiểm soát của nước lớn này đối với Vùng Kênh Đào. Trong hơn nửa thế kỉ, cho đến trước năm 1968, nền chính trị của Cộng hoà Panama bị lũng đoạn bởi những gia đình oligarch thân Mĩ. Tháng Mười năm 1968, sau một cuộc đảo chính quân sự của những lực lượng có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, một quân nhân Panama tên là Omar Torrijos đã lên cầm quyền. Sở hữu một hấp lực mãnh liệt bởi tính cách hoạt bát, lòng nhân ái dân tuý chủ nghĩa và viễn kiến chính trị, Omar Torrijos nuôi ước vọng giành lại chủ quyền đối với Kênh đào Panama từ tay Hoa Kì, song không phải bằng cách liên minh với những kẻ thù khu vực và quốc tế của Mĩ - vào thời gian đó, hiển nhiên, là Cuba, Liên Xô và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Để đạt được mục tiêu của mình, Tướng Torrijos đã lựa chọn một nước cờ độc đáo là bí mật liên kết với một trong số các tập đoàn tài phiệt Mĩ — công ty Chas. T. Main Incorporated — để, một mặt, nhận được hỗ trợ tài chính cho các chương trình kinh tế - xã hội của ông; mặt khác, đẩy lui dần ảnh hưởng của các thế lực Mĩ khác, có lợi ích gắn với quyền lực của Hoa Kì ở Vùng Kênh Đào.

Trong cuộc chiến chính trị - ngoại giao mà Torrijos phát động (vào đầu thập kỉ 1970) nhằm đòi lại chủ quyền của Panama đối với Vùng Kênh Đào, ông đã tỏ ra đầy mưu lược và dũng cảm. Torrijos đặt vấn đề như sau:

“Chúng tôi sẽ lấy lại Kênh Đào. Song như thế chưa đủ. Chúng tôi còn phải làm nên một mô hình. Chúng tôi phải chứng tỏ để không ai có thể nghi ngờ rằng chúng tôi đang trăn trở bởi người dân khốn khó của mình, rằng quyết tâm giành độc lập của chúng tôi không hề bị giật dây bởi Tô Nga, Trung Quốc hay Cuba. Chúng tôi phải chứng minh cho thế giới thấy Panama là một xứ sở chuộng lẽ phải, chúng tôi không chống lại Hợp Chúng Quốc Hoa Kì, chúng tôi chỉ đấu tranh cho quyền lợi của người nghèo.” [John Perkins, Confessions of an Economic Hit Man, ISBN 1-57675-301-8, p. 74.]

Bằng lối tiếp cận này, Torrijos đã vạch ra rằng việc Hoa Kì phải trả lại chủ quyền Vùng Kênh Đào cho Panama không đơn thuần chỉ là vấn đề pháp lí mà còn là vấn đề đạo lí, nhờ đó tranh thủ được dư luận có lương tri trên thế giới và ngay tại chính Hoa Kì. (Nhớ rằng vào đầu những năm 1970, trong khi Panama — cũng như hầu hết các quốc gia Mĩ Latin khác — đang đắm chìm trong đói nghèo, doanh thu hằng năm của Kênh Đào do Mĩ kiểm soát từ lệ phí quá cảnh hàng hải là hàng trăm triệu đô-la. Đây cũng là thời đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh trên bình diện quốc tế.) Theo một phóng sự của tạp chí Time, vào ngày khai mạc cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Panama đề nghị triệu tập, diễn ra tại Panama City hồi tháng Ba năm 1973, Torrijos đã cho dựng trước Cung Nghị viện Panama một tấm pa-nô cao ba tầng nhà, mang thông điệp sau đây bằng cả năm ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc: “Quí ngài có thể yên chí rằng trong những cuộc đàm phán của chúng tôi với Hợp Chúng Quốc, quí ngài sẽ luôn luôn thấy chúng tôi hoặc đứng trên hai chân hoặc chết. Không bao giờ quì gối. Không bao giờ! — Omar Torrijos.”

Sau nhiều vòng đàm phán, ngày mồng 7 tháng Chín năm 1977, Torrijos đã kí kết với người đối nhiệm của ông tại Washington D.C. (lúc đó là Jimmy Carter) bản Hiệp ước Torrijos-Carter, qui định rằng Panama sẽ tiếp quản toàn bộ trách nhiệm vận hành, cai quản và bảo vệ Vùng Kênh Đào kể từ 12 giờ trưa ngày 31 tháng Mười Hai năm 1999, sau hơn 96 năm vùng đất này là một bộ phận lãnh thổ của Hoa Kì. Là một tổng thống Mĩ tương đối biết lẽ phải, Jimmy Carter sau đó đã nỗ lực vận động để Thượng viện Hoa Kì phê chuẩn bản hiệp ước mới về Vùng Kênh Đào. Một ngày sau khi cơ quan lập pháp Mĩ thông qua bản thoả ước (tháng Tư 1978, với số phiếu thuận chỉ trội hơn số chống một phiếu), Torrijos tiết lộ với báo giới rằng ông đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch phá huỷ con kênh nếu việc phê chuẩn Hiệp ước thất bại.

Omar Torrijos đã vĩnh viễn đi vào lịch sử của quốc gia nhỏ bé Panama — có diện tích chưa bằng 1/4 và dân số chưa bằng 1/25 so với Việt Nam — và lịch sử thế giới như một chính trị gia đảm lược và quả cảm, một nhân cách có lí tưởng và ý thức sâu sắc về phẩm giá.

Nhận định về chủ nghĩa cộng sản, vào thời gian mà nó đang đầy hấp lực đối với thế giới thứ ba, Torrijos từng có câu nói nổi tiếng: “Tôi không khoái chủ nghĩa cộng sản: nó cho không sự giàu sang thông qua những cuốn sách được phân phối hạn chế.


Hành trình từ kẻ thù thành đồng chí


Câu hỏi được đặt ra là vì sao ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam — dù đứng đầu một đảng có số đảng viên bằng dân số của Panama và một quốc gia lớn thứ 13 thế giới về kích thước dân số — lại tỏ ra thiếu can đảm trước chủ nghĩa sô-vanh của giới chức ở Trung Nam Hải đến vậy?

Nhớ lại hồi còn mồ ma Liên Xô, những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng có lúc tự phá thế trung lập giữa Moskva và Bắc Kinh, đứng hẳn vào hàng ngũ khối Xô-viết. Một chiến dịch truyền thông mang đầy tính sám hối về sự mù quáng một thời trước chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa bá quyền đại Hán tộc đã được phát động. Trên mặt báo Nhân Dân và trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam, người ta từng được nghe những bài chính luận đanh thép, rằng “Việt Nam không phải là cái sân sau, và Biển Đông không phải là cái ao nhà của Trung Quốc.” Quân đội, công an và các lực lượng vũ trang khác được phổ biến học thuyết quân sự mới, xác định “đế quốc Mĩ là kẻ thù chiến lược lâu dài, còn bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm trực tiếp.” Sự thù địch với quốc gia phương Bắc thậm chí còn được ghi hẳn vào các lời nói đầu của bản Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1980Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1982. Trong các cơ quan công quyền, đơn vị lực lượng vũ trang và cơ sở kinh tế / văn hoá / khoa học, những cán bộ từng được đào tạo từ Trung Quốc về bị bất tín nhiệm, thất sủng và tuyệt đường thăng tiến. Ở Hà Nội, các khoa Trung văn của Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội), Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường Ngoại ngữ — Đại học Quốc gia) và Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia) bị giải thể… Tôi còn nhớ về một người bạn học cùng lớp thời trung học, con gái một cán bộ cao cấp trong Tổng cục Chính trị của quân đội: khi cô này có tình yêu đầu với một thanh niên “Tàu Hàng Buồm”, cha mẹ cô đã phản đối quyết liệt và đe doạ từ mặt, nếu cô không chịu dứt tình với người bạn trai gốc Hoa; mối tình vì thế đã vô hậu.

Trong nhiều tài liệu, cuộc Chiến tranh Biên giới Việt-Trung được mô tả là mở màn ngày 17 tháng Hai năm 1979 và kết thúc ngày 18 tháng Ba cùng năm: cả hai mốc thời gian đều gắn với sự tấn công và rút lui của quân đội Trung Quốc trong chiến dịch đầu tiên của chúng. Trên thực tế, từ ngày 17 tháng Hai năm 1979, xung đột quân sự giữa hai bên đã liên tục tiếp diễn suốt mười một năm sau đó, cho đến tận giữa năm 1990 mới chấm dứt hẳn, với nguyên nhân thường xuyên là sự chủ động khiêu khích / gây hấn của Trung Quốc. Vào tháng Năm năm 1985, tôi đã từng có mặt trên một chốt giữ của Sư đoàn 313 bộ binh Quân khu 2 — điểm chốt nằm ở sườn Nam đồi 685, bên bờ Bắc suối Thanh Thuỷ (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) –, chứng kiến hàng ngày những trận pháo kích hằn học từ bên kia biên giới cùng những thương vong thảm khốc của các đồng ngũ. Sau này, khi đọc thiên hồi kí Hồi ức và Suy nghĩ của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, tôi mới hiểu rằng ngay trong lúc máu của binh sĩ và thường dân Việt Nam còn đang đổ xuống đường biên, một số kẻ cầm quyền đã rắp tâm xúc tiến những hoạt động bán rẻ tổ quốc.

Nửa cuối thập kỉ 1980, khi Liên Xô và khối quốc gia cộng sản Đông Âu đang đi những bước chóng vánh ra khỏi các chế độ chuyên chế, Bộ Chính trị Hà Nội đã hoảng hốt ngoảnh cổ trở lại hướng Bắc Kinh. Vào lúc mà các địa phương biên giới của Việt Nam đang phải hứng chịu hàng nghìn quả đạn pháo của Trung Quốc mỗi ngày, Nguyễn Văn Linh — cho đến ngày nay vẫn được truyền thông chính thống mệnh danh là “Tổng Bí thư Đổi Mới” — đã vội vã gác sang một bên mọi chủ đề an ninh phòng thủ, quốc kế dân sinh cấp bách cũng như những trách nhiệm quốc tế mà Việt Nam đang can dự (nổi cộm nhất lúc đó là “vấn đề Cam-pu-chia”), đặt việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc thành ưu tiên đối ngoại hàng đầu mà theo lời ông ta là để “[cùng Trung Quốc] bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống diễn biến hoà bình”, một sự thiển cận chính trị sặc mùi chủ nghĩa giáo điều. Trần Quang Cơ cho biết:

“… sang năm 1989, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng trong phe xã hội chủ nghĩa, một số ngành trong Trung ương và ngay trong Bộ Chính trị lại xuất hiện những ý kiến khác nhau về đánh giá sự kiện Thiên An Môn cũng như đánh giá tình hình Liên Xô - Đông Âu. Lúc này luận điểm được ưa dùng lại là ‘dù bành trướng thế nào Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa’ (L.T. đánh đậm để nhấn mạnh).” [Trần Quang Cơ, Hồi ức và Suy nghĩ, Chương 4: "CP87 và ba tầng quan hệ của vấn đề Cam-pu-chia"]

“Tháng 6-1989 xảy ra vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc. Cũng trong năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu như Cộng hoà Dân chủ Đức, Ba Lan, Romania, Hung, Tiệp, Ba Lan đều đã sụp đổ. Đầu tháng 10-1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đi dự kỷ niệm 40 năm quốc khánh Cộng hoà Dân chủ Đức, khi về đến Hà Nội thì Bức tường Berlin đổ, Honecker bị lật. Lãnh tụ Romania Ceauşescu, người mà khi ở Berlin anh Linh xem ra tâm đầu ý hợp trong việc bàn chuyện tâm huyết cứu vãn sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới đang lâm nguy, vừa chân ướt chân ráo về đến Bucharest thì bị truy bắt. Với “tư duy mới” của Gorbachëv, tình hình Liên Xô ngày càng trở nên lộn xộn. Trước tình hình ấy, trong nội bộ lãnh đạo ta đã nảy sinh những ý kiến khác biệt trong nhận định về sự kiện Thiên An Môn cũng như về những biến đổi dồn dập tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô. Nổi lên là ý kiến nhấn mạnh mặt xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, phải bằng mọi giá bắt tay ngay với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác. Chính điều đó đã tạo nên bước ngoặt khá đột ngột trong thái độ của ta đối với Trung Quốc.” [Tài liệu đã dẫn, Chương 9: "Đặng Tiểu Bình tiếp Kayson Phomvihan để nói với Việt Nam"]

“… Lê Đức Anh mở rộng thêm: ‘Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.’” [Tài liệu đã dẫn, Chương 14: "Thành Đô là thành công hay thất bại của ta?"]

Nỗi hoảng hốt trước các sự kiện ở Liên Xô - Đông Âu và tâm lí “mót” bình thường hoá quan hệ Việt-Trung của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ngày ấy — đứng đầu là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh — ngay lập tức đã được giới chức Bắc Kinh bắt mạch, và hành trình đi tìm lại đồng minh Trung Quốc của giới cầm quyền Việt Nam, như đã được nhà ngoại giao cộng sản kì cựu Trần Quang Cơ thuật lại, là một hành trình đầy phản trắc. Sự giáo điều ý thức hệ, nỗi lo sợ bị mất quyền lực toàn trị cộng với sự cả tín / mù quáng chính trị, ảo tưởng về tính chất “xã hội chủ nghĩa” của thể chế chính trị ở Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mà bản chất là chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa vụ lợi đại Hán tộc luôn luôn nhất quán dưới vỏ bọc cộng sản, đã khiến nhóm lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lao như những con thiêu thân vào cái bẫy hiểm độc của Bắc Kinh. “Cuộc gặp cấp cao Việt-Trung” ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) tháng Chín năm 1990 đã trở thành cái cột mốc bẽ bàng đầu tiên trên con đường ô nhục bán rẻ chủ quyền và danh dự của tổ quốc, bán rẻ đồng minh quốc tế, bán rẻ sự nghiệp chính trị của chính Đảng Cộng sản Việt Nam và của bản thân giới cầm quyền.

Tháng Sáu năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp Đại hội Toàn quốc lần thứ VII. Tự cảm thấy ngày càng bất lực và bị cô lập trước thế lực của phe nhóm Đỗ Mười - Lê Đức Anh, trước Đại hội Nguyễn Văn Linh đã một mực rút lui khỏi danh sách đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khoá mới. Sau Đại hội, Đỗ Mười vào vai Tổng Bí thư Đảng, Lê Đức Anh trở thành Uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị phụ trách cả ba khối ngành Quốc phòng - An ninh - Ngoại giao đồng thời lên chức Chủ tịch Nước. Từ đây, hành trình bình thường hoá quan hệ Việt-Trung — hành trình đổi kẻ thù thành đồng chí — “như cỗ máy đã được tra dầu đầy đủ, diễn biến trơn tru theo trình tự đã định.” [Tài liệu đã dẫn, Chương 18]

Tháng Mười Một 1991, Đỗ Mười lên đường đi Hoa Lục trong một lịch trình thăm thú dông dài. Ở Bắc Kinh, mặc dù được tiếp đón không mấy vồn vã, Mười vẫn lao đến ôm hôn Giang Trạch Dân, không một chút tự trọng. Khi những cuộn băng hình ghi lại chuyến đi được phát trên ti-vi Hà Nội, nhiều người đã không khỏi sượng sùng trước cảnh Tổng Bí thư Việt Nam lăn xả vào vòng tay của ngay cả một viên bí thư huyện uỷ của Trung Quốc, đến nỗi một quan chức tháp tùng phải níu tay kéo lại…

Đó là hành xử của những kẻ bất tài và nô lệ. Bất tài nên chỉ biết nệ giáo điều, không có khả năng vượt thoát những tư duy xơ cứng của một ý thức hệ lỗi thời và lầm lạc để tranh thủ một vận hội lớn lao đã từng gõ cửa đất nước và dân tộc. Nô lệ nên phải có chủ để dựa dẫm, để được giúp lựa chọn các quyết định và để được thực thi các mệnh lệnh trong khi hoàn toàn vô ý thức về phẩm giá.

Hãy nói qua một chút về sự xuất hiện của những kẻ bất tài và nô lệ ở địa vị cầm quyền. Trong một tiểu luận, nhà sử học Nga Sergey Kirilov đã nhận định:

“(…) chế độ Xô-viết là chế độ được xây dựng trên nguyên tắc phản-chọn-lọc. Nó không chỉ tiêu diệt những người ưu tú nhất, mà (điều này quan trọng hơn) còn liên tục cất nhắc những kẻ tồi tệ nhất. Quá trình chọn lựa kéo dài hơn một nửa thế kỉ những kẻ xấu xa nhất đã dẫn đến kết quả là không những nhóm lãnh đạo chính trị chóp bu mà cả ở những nấc thang thấp hơn của kim tự tháp quyền lực đều chỉ là những kẻ chẳng ra gì.” [Sergey Kirilov, "Về giới trí thức Nga", bản dịch tiếng Việt của Phạm Minh Ngọc]

Nhận định trên đây hoàn toàn có thể áp dụng cho chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam, một nhà nước toàn trị rập khuôn theo mô hình Xô-viết.


Phép thử phản xạ tự vệ của dân tộc và quốc gia Việt


Cần phải thấy rằng sự trở lại bình thường của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hồi thập niên 1990 là một thắng lợi của Trung Quốc, chứ không phải của Việt Nam. Trước đó, vị thế quốc tế của Trung Quốc đang hết sức khó khăn: trong “vấn đề Cam-pu-chia”, họ đang bị cộng đồng quốc tế cô lập vì đã hậu thuẫn những tội ác diệt chủng của nhóm Pol Pot, và đang đứng trước khả năng bị mất vai trò trong việc giải quyết vấn đề Cam-pu-chia. Việc Liên Xô - Đông Âu tan rã và ban lãnh đạo Việt Nam cuống cuồng cầu thân trở lại với Trung Quốc đã trở thành một cống vật bất ngờ đối với Bắc Kinh. Từ đấy, tiến trình giải quyết vấn đề Cam-pu-chia đã diễn ra theo những điều kiện của Trung Quốc, bởi lẽ sự hoàn tất tiến trình này là giá của món quà “quan hệ bình thường” mà Trung Quốc đã giành được quyền trao cho ban lãnh đạo Việt Nam.

Từ khi quan hệ Việt-Trung được tái bình thường hoá, sau các hiệp định bất bình đẳng về hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam mà nước lớn hơn là kẻ thủ lợi, bauxite Tây Nguyên chỉ là nước ăn quân tiếp theo của tay cờ Bắc Kinh trên bàn cờ thế Trung-Việt mà lợi thế áp đảo luôn luôn nghiêng về Trung Quốc. Nói đúng hơn thì phía Việt Nam đã và luôn luôn chủ động “thí quân” một cách ô nhục. Biểu hiện điển hình nhất là lâu nay, trước những hoạt động của Trung Quốc gặm nhấm và/hoặc hợp pháp hoá sự cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa, giới chức Việt Nam tỏ ra buông xuôi rõ rệt, không hề làm gì tích cực hơn những tuyên bố môi mép sáo rỗng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao (đã từ rất lâu rồi người ta không thấy một phản đối nào được đưa ra ở tầm Chính phủ!), trong khi đáng lẽ cần phải mạnh mẽ đầu tư thu thập chứng lí và khởi kiện Trung Quốc ra một toà án quốc tế để ít nhất, quốc tế hoá vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa. Một nỗi nhục khó quên khác là hồi đầu 2005, trước việc một nhóm ngư dân Việt Nam đang hành nghề trên vùng biển huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá bị hải quân Trung Quốc vô cớ bắn giết, bắt giữ trái phép và vu cáo một cách đê tiện, nhà đương cục Việt Nam đã chỉ ươn hèn câm lặng đồng thời ép buộc các nạn nhân phải câm lặng… Những động thái vừa nêu hoàn toàn tương phản với sự tận tuỵ mẫn cán mà giới chức các cấp đang thể hiện trong việc triển khai và bảo vệ các dự án khai thác bauxite phục vụ cho nhu cầu của Trung Quốc.

Vì sao lại như vậy? Vào lúc này, sau hai thập kỉ kể từ các sự biến Liên Xô - Đông Âu, nỗi lo mất chế độ của giới cầm quyền Việt Nam đang tạm thời giảm tính nguy cấp. Mặt khác, mặc dù đã tự đặt mình vào vị thế hèn đớn để luôn luôn bị Trung Quốc chèn ép, giới chức Việt Nam chưa phải đã không còn gì để mặc cả: đằng sau họ là cả một dân tộc mà hàng nghìn năm nay Trung Quốc chưa khuất phục thành công, là một quốc gia có toạ độ địa chính trị và địa vị quốc tế không đến nỗi tầm thường; ngoài ra, chuyến thăm Việt Nam mới đây của Thượng nghị sĩ Hoa Kì John McCain được biết là đã mang theo những gợi ý có sức nặng nếu được chấp thuận… Trong những điều kiện như vậy, sự nhũn nhượng khó coi của tập đoàn cầm quyền ở Việt Nam trước Trung Quốc chỉ có thể được giải thích bởi một sự thật: ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng tất cả các thuộc cấp gắn bó với nó về lợi ích, đã hoàn toàn bị nước lớn kia mua chuộc. Không còn gì phải nghi ngờ, bauxite Tây Nguyên là một qui hoạch tuyệt đối vô giá trị về kinh tế đối với đất nước, song những kẻ bày ra và theo đuổi qui hoạch này sẽ không bao giờ thua lỗ: họ đã được giới tài phiệt đỏ Trung Hoa bảo đảm quyền lợi.

Hôm mồng 4 tháng Năm, trong các cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội theo thông lệ trù bị cho kì họp Quốc hội sắp tái nhóm, trước đòi hỏi của nhiều cử tri “Quốc hội phải đứng ra giám sát các dự án bauxite”, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã viện lí: “Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào qui mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, qui mô mỗi dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đô-la.” Nhớ rằng trước đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản mà ông Trọng là thành viên đã huấn thị: “(…) Chính phủ chuẩn bị báo cáo vấn đề này với Ban Chấp hành Trung ương trong kì họp giữa năm 2009 và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong phần báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2009.” Giở lí như trên với các cử tri, có lẽ ông Trọng đã cố tình quên rằng Quốc hội, do chính ông đứng đầu, với tư cách cơ quan lập pháp và “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” trên giấy trắng mực đen của Hiến pháp, là nơi làm ra và có thể thay đổi các qui tắc loại như ông đã viện dẫn. Đến lượt mình, quyền lực của Quốc hội — theo những lí luận mà ông Trọng rành hơn ai hết — có nguồn gốc từ các cử tri đã bầu ra nó. Đấy là chưa kể, vẫn theo Thông báo ngày 24 tháng Tư của Bộ Chính trị, “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài,” tức là quá đủ để Quốc hội phải để mắt đến mọi dự án [có yếu tố nước ngoài] đang được triển khai trên đó.

Thực ra, người Việt Nam đã thừa thãi kinh nghiệm về hoạt động của các thiết chế nhà nước dưới một chính thể đảng-cộng-sản-trị. Tôi không có lí do nào để lạc quan rằng trong [những] kì họp tới đây, Quốc hội có thể bác được đại qui hoạch bauxite, nếu giả sử Chính phủ Ba Dũng quyết định trình bản qui hoạch ra nghị trường, và giả sử nó làm thất vọng đa số các đại biểu. Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chưa từng tích luỹ được một kinh-nghiệm-thành-công nào trong việc phủ quyết những dự án đã thành “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” (lưu ý rằng ở Việt Nam, “Nhà nước” chỉ là một bí danh của Đảng!): việc [buộc phải] thông qua các đề án sáp nhập địa hành chính Hà Nội - Hà Tây và đề án tái thiết Toà Quốc hội là những kinh-nghiệm-thất-bại gần đây nhất của “cơ quan quyền lực nhà nước tối cao” này.

*

Trên quảng trường Ba Đình, chạy dài suốt một bên khán đài lăng Hồ Chí Minh là câu khẩu hiệu: “NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM MUÔN NĂM!” Đây cũng là một trong những câu khẩu hiệu thông dụng nhất, được các diễn giả hô lên khi kết thúc diễn từ vào những ngày lễ trọng của chế độ, và là câu khẩu hiệu phổ biến trên các khán đài hoặc trong những hội trường ở khắp nơi. Về phương diện lịch sử, cảnh tượng này chỉ là sự nhân bản những cảnh quan nghi lễ ở Liên Xô cũ, nơi mà một thời, câu khẩu hiệu đỏ rực “DA ZDRAVSTVUET NASHA VELIKAYA RODINA - SOVETSKIY SOYUZ!” (= “Liên bang Xô-viết — Tổ quốc vĩ đại của chúng ta muôn năm!”) được căng và tung hô trên khắp lãnh thổ rộng mênh mông của “thành trì chủ nghĩa xã hội”.

Trong tiếng Việt, “muôn năm” có nghĩa đen là “một vạn năm”, nghĩa ẩn dụ là “một khoảng thời gian không giới hạn, lâu tuỳ ý”. Còn trong tiếng Nga, “da zdravstvuet” là “[hãy] sống khoẻ / sống sung sướng / sống lâu”. Ấy vậy mà thời gian sống của Liên bang Xô-viết — quốc gia cộng sản đầu tiên và lớn nhất — đã không vượt qua nổi giới hạn một đời người!

Một trong những người thầy Nga của tôi, một nữ giáo sư ngôn ngữ học, khi được tôi hỏi “theo bà, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự tan rã của Liên Xô?”, đã viết trong thư trả lời tôi như sau:

“Sự suy đồi đạo đức, có lẽ vậy. Y như thời kì cuối của Đế quốc La-mã, nếu anh từng quan tâm đến. Vào thời gian cuối của Liên Xô, xã hội Xô-viết giống như một cái thùng sắt tây rỗng tuếch. Quân đội thì vẫn còn một chút nanh vuốt nào đấy, nhưng mọi thứ khác đều đã thành vô dụng và nhạt thếch. Nạn nhũng lạm lây lan như dịch hạch, trở thành nguồn sống và môi trường sống cho mọi người. Trọn một thế hệ đã sinh ra, được dưỡng dục và trưởng thành trong đó. Cuối cùng thì điều không tránh khỏi là chỉ cần một cú chọc bất kể theo hướng nào cũng sẽ khiến cái vỏ rỗng kia bẹp dúm vào trong. Không ai biết chắc sai hỏng bắt đầu từ đâu. Có thể là từ những năm tháng sơ khởi đẫm máu của chế độ: thói độc đoán và lạm dụng bạo lực đã in hằn vào dân chúng tình cảm bất tín và căm ghét chính quyền…”

Ngay từ năm 1970, Andrei Amalrik, một tị dân Xô-viết đã tiên đoán — trong một chuyên luận mỏng nhan đề Will the Soviet Union Survive until 1984? (= Liệu Liên Xô có tồn tại được đến năm 1984?, lấy tứ từ tên tác phẩm 1984 của George Orwell) — rằng xã hội toàn trị Xô-viết phát triển theo xu thế tích tụ chóng vánh các mâu thuẫn bất khả giải:

“Có một nhân tố mạnh mẽ sẽ cản phá mọi cơ hội cải tổ [xã hội xô-viết] một cách hoà bình, một nhân tố sẽ tác động tiêu cực đến mọi tầm mức của xã hội, đó là việc chế độ tự đặt bản thân nó và xã hội vào một sự cô lập cùng cực. Sự cô lập này không chỉ chia rẽ chế độ với xã hội hay chia rẽ mọi bộ phận của xã hội với nhau, mà còn đặt đất nước vào tình thế bị cô lập tột độ khỏi phần còn lại của thế giới. Sự cô lập này bao trùm lên tất cả: từ đám quan chức danh lưu cho đến những giai tầng thấp nhất của xã hội — một bức tranh siêu thực quái dị về xã hội xô-viết, về vị trí của nó và các bộ phận của nó trong thế giới. Tình trạng này càng kéo dài, sự tan rã bất khả cưỡng sẽ đến càng chóng vánh một khi [chế độ] phải đương đầu với hiện thực.

(…)

Bất cứ một nhà nước nào tập trung một cách khiên cưỡng quá nhiều sức lực vào việc kiểm soát các công dân của nó về cả thể xác lẫn tinh thần sẽ không thể tồn tại lâu dài.” [Andrei Amalrik, Will the Soviet Union Survive until 1984?, Harper & Row 1970]

Khi tôi đưa cho một đồng nghiệp xem những trích đoạn này, anh đã phát biểu không một chút do dự: “Ở Việt Nam điều này không còn là tiên tri nữa, mà là thực tế: chế độ cộng sản đang vô cùng cô độc. Việc nó ngã vào vòng tay Trung Quốc là hậu quả tất yếu của sự cô độc đó.” Tôi xin thêm vào nhận xét của anh: đất nước cũng đang bị cách li với thế giới bởi hàng loạt tiêu chí giá trị, nổi cộm là các giá trị đạo đức. Bản Thông cáo Báo chí của Bộ Công thương hôm 27 tháng Tư, từ góc nhìn khái quát, chỉ là một trong những biểu hiện cụ thể của sự suy đồi đạo đức.

Trong tiểu luận của mình, Amalrik đưa ra dự báo rằng chế độ Xô-viết sẽ sụp đổ vào thập niên 1980 (!). Tiếc rằng ông đã tử nạn vào ngày 12 tháng Mười Một năm 1980, trong một tai nạn giao thông được cho là do KGB thu xếp, để không thể chứng kiến những sự kiện lịch sử chấn động mà ông từng tiên liệu, diễn ra chỉ mười năm sau đó.

Vậy cỗ máy Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam — đang ở tuổi  thứ 64 và hội đầy đủ các “tố chất” chết chóc mà những người Nga có lương tri đã liệt kê — sẽ dời chỗ vào kho đồ cũ của lịch sử trong bao lâu nữa?

Tôi e rằng so với Liên Xô cũ, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn nguy khốn hơn nhiều. Liên Xô đã sụp đổ chỉ như một thiết chế nhà nước, còn các bản thể quốc gia - dân tộc của thiết chế này — Liên bang Nga và những nền độc lập mới tách ra từ nó — vẫn nguyên vẹn, trong đó nước Nga từ nhiều thế kỉ nay đã vươn lên thành một sức mạnh toàn cầu. Việt Nam, trái lại, trong 150 năm qua hết là thuộc địa lại bị chia cắt bởi các trung tâm quyền lực quốc tế. Ba mươi tư năm sau thời khắc loé sáng 1975 — hãy cứ cho là như vậy –, quốc gia nghìn năm sử của người Việt chẳng những vẫn chưa được thái an, mà còn đang đứng trước hoạ bị tận diệt. Đây không hề là sự kích động.

Bauxite Tây Nguyên hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho một sự tan rã, không chỉ ở mức thể chế chính trị mà ở tầm quốc gia - dân tộc.

Hoặc nó đang là phép thử đối với phản xạ tự vệ của dân tộc và quốc gia Việt.


© 2009 La Thành


Nguồn : Talawas 7.5.2009

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us