Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / "Quán Cụ Hồ" và nhà thơ chủ quán

"Quán Cụ Hồ" và nhà thơ chủ quán

- Thanh Thảo — published 04/11/2011 19:04, cập nhật lần cuối 05/11/2011 12:07
nhà thơ Thanh Thảo viết từ Quảng Ngãi -- chẳng lẽ chuyện đang xảy ra ở Foyer Việt Nam chỉ đáng một tiếng thở dài ?




“ QUÁN CỤ HỒ ”
VÀ NHÀ THƠ CHỦ QUÁN


thanh thảo


Năm 2003, lần đầu tiên tôi sang Paris tham dự liên hoan Thơ quốc tế Val-de-Marne, có một hôm nhà văn Đặng Tiến đón bố con tôi về nhà anh chơi. Trước khi đi, anh Đặng Tiến đưa chúng tôi đến Foyer Việt Nam đón chủ quán Võ Văn Thận cùng đi cho vui. Gặp anh Thận tại quán Foyer, điều khiến tôi có cảm tình ngay với anh là cái cách đón khách xởi lởi, thân tình và thiệt thà của anh – một người quê Nam Bộ chính gốc. Điều thứ hai đập vào mắt tôi là ở nơi trang trọng nhất của quán có treo một tấm ảnh chụp chân dung Cụ Hồ. Đã có nhiều ảnh chân dung Cụ Hồ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy tấm ảnh này ngay tại Paris, mà anh Thận nói do một nhà báo Pháp chụp. Tấm ảnh rất thu hút, chụp Cụ Hồ đang thanh thản… hút thuốc, gương mặt sáng và cặp mắt rất có thần, bên dưới chú thích bằng tiếng Pháp câu nói bất hủ của Cụ Hồ : “ Không có gì quý hơn Độc lập Tự do ”. Nhà văn Đặng Tiến nói với tôi, chính vì tấm ảnh này mà quán Foyer còn được gọi là “ Quán Cụ Hồ ” từ nhiều năm nay i.


dt

Võ Văn Thận và TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh treo trên tường là tác phẩm của nhà nhiếp ảnh và điến ảnh Roger Pic.

Thì ra, ngay giữa trung tâm Paris vẫn tồn tại một cái quán thuần Việt mà nhà văn Đặng Tiến dịch cho tôi nghe nghĩa chữ “ Foyer ” là “ Mái ấm ”. Anh Đặng Tiến cũng kể tôi nghe về lịch sử ngôi nhà này. Hóa ra, gần ngôi nhà Foyer Việt Nam có một ngôi nhà mà ngày xưa Cụ Hồ đã có thời gian làm thợ ảnh trú ngụ tại đó ii. Nhà đã thay nhiều chủ, nhưng cấu trúc ngôi nhà vẫn gần như cũ, ấy là theo nhà văn Đặng Tiến nói. Bố con tôi đã tranh thủ sang viếng ngôi nhà ấy, không gặp được chủ nhà nhưng đã chụp được vài kiểu ảnh kỷ niệm.


Từ hôm ấy, quán Foyer và vợ chồng chủ quán Võ Văn Thận đã thành thân thiết với tôi suốt thời gian tôi ở Pháp. Liền hai năm sau, năm 2004 và 2005, tôi đều có dịp sang Pháp, và Foyer Việt Nam đã thực sự trở thành “ Mái ấm ” của tôi. Mà đâu chỉ riêng tôi được hưởng may mắn ấy. Quán Foyer trong vòng hơn 10 năm “ dưới thời ” chủ quán Võ Văn Thận đã đón tiếp, đã thành nơi trú ngụ thân tình cho hàng trăm người Việt từ Việt Nam qua Pháp công tác hay thăm viếng. Và với ai, chủ quán Võ Văn Thận cũng đều để lại trong họ những kỷ niệm khó quên vì sự tiếp đón chân tình, chu đáo và hào hiệp.


Riêng tôi, ít nhất đã ba lần tôi có dịp sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại quán Foyer vào ngày Chủ nhật, trong đó có lần tôi nói chuyện trước 50 anh chị em trí thức Việt kiều tại Pháp về Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cuộc nói chuyện rất ấm áp và thành công chính vì nhờ sự ấm áp của “ Mái ấm ” Foyer và người chủ của nó. Tôi cũng biết, quán Foyer từ chỗ là một Hội quán của sinh viên du học tại Pháp trước năm 1975, sau này thuộc quyền quản lý của Đại sứ quán Việt Nam. Nhưng “ quan nha thì xa, anh em ta mới gần ”, tôi bảo đảm, nếu đó chỉ đơn thuần là ngôi nhà do Đại sứ quán Việt Nam quản lý, thì chẳng mấy ai, nhất là các văn nghệ sĩ, các nhà văn và nhà báo từ Việt Nam có dịp qua Pháp dám léo hánh đến ở. Chúng tôi nghèo thật, nhưng không phải bất cứ chỗ nào cũng tấp vào, nhất là những chỗ lạnh nhạt về tình cảm. Foyer Việt Nam và chủ quán Võ Văn Thận, ngược hẳn lại, luôn tạo cho khách từ Việt Nam sang một cảm giác thân gần ấm cúng, cứ gợi cho họ về một quê nhà xa tít tắp, và bù đắp cho họ mỗi khi nỗi nhớ nhà “ len lén tâm tư ”. Chính chủ quán Thận đã làm nên diện mạo tinh thần và sự thu hút cho quán Foyer Việt Nam. Những món ăn thuần Việt ở quán Foyer cũng rất ngon, rất hạp khẩu vị người Việt, kể cả những người có “ gu ” thưởng thức cao về ẩm thực. Không phải cao lương mỹ vị, mà chính sự giản dị trong các món ăn, phản ánh sự giản dị thuần khiết của tâm hồn chủ nhân, đã khiến những món ăn ở quán này trở nên “ đậm đà khó quên ”. Tôi cũng đã viết ít nhất là 5 bài báo về quán Foyer và chủ quán của nó – nhà thơ Võ Văn Thận cùng gia đình anh. Những bài báo ấy đã được nhiều bạn đọc tại Việt Nam đọc. Nhưng không chỉ riêng tôi, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ và nhà báo ghé qua quán Foyer, ăn ở tại quán Foyer đã viết không ít bài báo in trên các báo trong nước. Tôi còn nhớ, nhà văn Mai Quốc Liên còn nhiệt tình giới thiệu cả một chùm thơ của nhà thơ – chủ quán Võ Văn Thận trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam số Tết. Ẩm thực và thơ cứ như quyện vào nhau, và lan tỏa.


Nói đến chủ quán Võ Văn Thận và Foyer Việt Nam, tôi không sao quên được những nghĩa cử của gia đình anh Thận và Foyer Việt Nam đối với đồng bào trong nước chịu thiên tai, lũ lụt. Hàng năm cứ đến mùa mưa bão, nhà thơ Võ Văn Thận lại đều đặn gửi tiền về giúp bà con trong nước, qua cầu nối của tôi – một nhà báo. Gần đây nhất, mùa bão lũ năm 2010, gia đình anh Thận đã gửi qua tôi 1500 Eu, nhờ tôi trao tận tay bà con bị thiên tai ở Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tôi đã nhờ đoàn cứu trợ tình nguyện của các kỹ sư và công nhân nhà máy lọc dầu Dung Quất ra tận vùng rốn lũ hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh để trao món quà của Foyer Việt Nam đã được chuyển thành lương thực và thực phẩm cho bà con đang đói lạnh. Sau lần ấy, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã gửi biên nhận cùng với thư cảm ơn của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình tới Foyer Việt Nam và nhà thơ Võ Văn Thận.


Vậy mà…


Chuyện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp toan tính đuổi gia đình nhà thơ Võ Văn Thận khỏi quán Foyer để cho người khác thuê, tôi đã biết từ năm ngoái. Trong các câu chuyện tình cờ, tôi cũng đã thông báo “tin xấu” này cho nhiều người bạn của mình trong nước biết. Trong đó có vài bạn đang giữ những chức vụ cao trong bộ máy lãnh đạo của Việt Nam. Họ nghe chuyện này một cách thông cảm nhưng cũng chỉ… thở dài. Họ cũng không biết phải can thiệp thế nào để bảo vệ một biểu tượng của tình đoàn kết người Việt tại Pháp đang có nguy cơ bị xóa sổ. “ Quan thì xa, bản nha thì gần ”, đúng như vậy ! Chỉ có điều mà một số người quên, là tuy quán Foyer thuộc quyền quản lý của Đại sứ quán Việt Nam, nhưng quán ấy lại nằm ở quận 5 Paris, nghĩa là thuộc lãnh thổ… Pháp. Ở đó, quán Foyer và gia đình nhà thơ Võ Văn Thận được sự bảo vệ của luật pháp nước Pháp – một đất nước văn minh, pháp quyền và dân chủ. Không phải như ở Việt Nam bây giờ, muốn “ giải tỏa ” ai thì giải tỏa, muốn đuổi ai đi khỏi nơi họ đã cư trú đã lập nghiệp hàng chục năm, là đuổi.


Cả gia đình tôi đều có dịp ăn ở tại Foyer Việt Nam, được gia đình anh Võ Văn Thận đón tiếp thân tình và rất chu đáo. Chúng tôi đã thân thiết với nhau như bao người Việt vẫn vậy mỗi khi gặp nhau trên đất khách quê người.


Cả gia đình tôi đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu bảo vệ gia đình nhà thơ Võ Văn Thận trước nguy cơ họ bị “ trục xuất ” khỏi ngôi nhà mà họ đã đổ bao mồ hôi công sức xây dựng lên một thương hiệu : Foyer Việt NamMái ấm Việt Nam.


Để “ Mái ấm ” mãi mãi là mái ấm cho những người Việt xa đất nước tìm về những phút giây ấm cúng và chân tình giữa người Việt với nhau. Và là một địa chỉ văn hóa Việt tọa lạc ngay tại Paris Kinh đô Ánh sáng.



Quảng Ngãi 4/11/2011

thanh thảo

(nhà thơ và nhà báo)




i  “ Quán Cụ Hồ ”, tên gọi truyền thống của “quán ăn Việt kiều”, có từ cuối những năm 1950, khi quán này đặt tại trụ sở của Liên Hiệp Việt Kiều, đường Gît-le-Coeur, quận 6 Paris (gần ngay quảng trường St-Michel). Năm 1959, để bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình ở miền Nam, chính phủ Pháp cải thiện quan hệ với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa : cụ thể là giải tán Liên Hiệp Việt Kiều, cho phép chính quyền Sài Gòn mở một quán ăn sinh viên tại 80 rue Monge, quận 5, để “sinh viên quốc gia” có nơi ăn món ăn Việt Nam, không lai vãng “Quán Cụ Hồ” tiêm nhiễm “tuyền truyền cộng sản”. Sau khi quán Gît-le-Coeur bị đóng cửa, phong trào Việt kiều (hoạt động bí mật) mở quán ăn Maubert, ngay gần quảng trường Maubert, đầu phố Monge. Thế là, từ năm 1959 đến 1975, cuộc đấu tranh chính trị đã diễn ra ở Paris dưới cả hình thức... ẩm thực ở hai đầu phố Monge, nằm giữa khu La tinh : “quán Cụ Hồ” ở đầu phố, “quán Monge” ở cuối phố. Sau 1975, nước nhà thống nhất, hai quán ăn cũng hợp nhất. Đặt tại 80 rue Monge, “Foyer Việt Nam” vẫn được quen gọi là “quán Cụ Hồ” (chú thích của Diễn Đàn).

ii  Đó là ngôi nhà ở số 3, rue du Marché des Patriarches, quận 5 Paris, cách “Quán Cụ Hồ” chừng 400 mét. Xa hơn chút nữa, là ngôi nhà 6, villa des Gobelins, quận 13, nơi ở của luật sư Phan Văn Trường và cụ Phan Châu Trinh. Năm 1917, Nguyễn Ái Quôc cũng ở đây trước khi dọn sang rue du Marché des Patriarches, rồi ngõ Compoint (quận 17).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us