Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Quản lý nghiên cứu khoa học kỹ thuật

Quản lý nghiên cứu khoa học kỹ thuật

- Đặng Đình Cung — published 09/04/2012 17:41, cập nhật lần cuối 09/04/2012 17:41

Quản lý nghiên cứu khoa học kỹ thuật

 

ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn



Xin cảm ơn Bác Tường và các Bác trong ngành nghiên cứu khoa học kỹ thuật (NCKHKT, Research and Development) đã phản biện bài về cay đắng và thất vọng của tôii. Xin độc giả coi bài này là bài trả lời GS Hà Dương Tườngii và là bài tiếp theo hai bài về nghề kỹ sư và học vị tiến sĩ tôi đã viết để tư vấn các thanh niên thanh nữ trong nước muốn học tiếp sau tú tàiiii.

Về những sai sót các Bác nêu lên, tôi xin tự bào chữa với hai tình tiết giảm tội : (a) kiến thức là những gì còn lại sau khi đã học và quên hết và (b) sai lầm là quyền của mọi người có trách nhiệm và có tinh thần trách nhiệm.

Những bài tôi viết dựa trên ký ức. Trong khi viết tôi tra lại trên những bài ghi hồi còn đi học, trong các sách giáo khoa tôi còn giữ hay trên mạng Internet và, trước khi gửi xin đăng trên mạng, tôi bàn với một hai sư huynh nếu đã gặp khó khăn trong khi viết bài. Cũng như các Bác trong ngành NCKHKT, tôi đã liên tục trau giồi kiến thức. Nhưng sau năm năm học kỹ sư, bốn chục năm hành nghề và hai năm ngồi xơi nước nhiều khi tôi lầm lẫn mà không biết để kiểm tra cho đúng. Tỷ dụ tôi đinh ninh GS Laurent Schwartz là người được huy chương Fields đầu tiên. Thực ra thì đã có GS Lars Ahlfors và GS Jesse Douglas nhận giải này năm 1936 rồi. GS Schwartz là người thứ nhất sau Đệ nhị Thế chiến và người Pháp thứ nhất được giải này. Về Henri Poincaré thì tôi chỉ nhớ rằng ông là nhà khoa học cuối cùng của nhân loại am hiểu tất cả các môn khoa học chứ không phải chỉ riêng về toán. Tôi cũng còn nhớ một lần đến giảng đường Point K (Amphithéatre Henri Poincaré) của trường Polytechnique để nghe một nhạc sĩ Việt Nam đánh dương cầm chứ còn hỏi tôi ông ấy đã đóng góp gì cho toán học thì tôi chịu.

Sai phạm và sai lầm là hai khái niệm khác nhau. Không ai có quyền sai phạm, nghĩa là làm trái với pháp luật và đạo đức. Nhưng, trong số cả nghìn việc một người trách nhiệm phải làm thì chắc chắn không thể tránh một vài sai lầm. Nếu không có quyền được sai lầm thì không ai dám làm gì cả. Tỷ dụ, nhiều Bác phê phán về sức ỳ của các chính khách Việt Nam. Ai cũng biết chính thể CHXHCN ở nước ta phải gấp rút đổi mới nhưng không ai đưa ra một giải pháp nào cả. Lý do không phải là họ xấu mà vì phương pháp lãnh đạo (gouvernance) của họ không cho phép một chút sai lầm nào đặc biệt sai lầm về tư tưởng chính trị. Khi tôi đi thanh tra ở một công trường, vừa xuống tầu là người ta bu lại để tranh nhau xin lệnh. Tôi phải quyết định ngay, dù là đúng hay sai, vì nếu chần chừ thì công trường sẽ ngưng và công ty sẽ bị thiệt. Khi về trụ sở mà kết toán hậu quả của những quyết định đúng vượt hậu quả những quyết định sai thì cấp trên coi tôi đã xứng đáng với đồng lương rồi. Nhưng, vì có tinh thần trách nhiệm đối với quốc dân, nếu tôi đã trót cho xây một nhà máy alumin mà không biết chuyển tải sản phẩm bằng phương tiện nào, xây một đường sắt cao tốc tốn đến một nửa năm sản lượng quốc nội hay một nhà máy điện nguyên tử khi dân trí vẫn còn ở trình độ một nước chậm tiến thì tôi cũng có quyền tự mổ bụng giữa quảng trường trước Lăng Hồ Chí Minh để chuộc tội.

Sau đây tôi xin đề cập đến đề tài của bài này : quản lý ngành NCKHKT. Tôi không tự bào chữa mà sẽ trình bày mục đích, phương pháp và hệ lý luận của những người làm nghề quản lý NCKHKT. Hy vọng sau khi đọc xong các Bác sẽ hiểu nghề của chúng tôi hơn.

Quản lý NCKHKT và thực hiện một công trình NCKHKT là hai nghề khác nhau. Mỗi nghề có cái vinh nhục của nó. Một nghiên cứu sư không thể quản lý NCKHKT trừ khi đã được đào tạo thêm về quản lý Nhà Nước và quản lý xí nghiệp. Ngược lại, muốn làm nghề quản lý NCKHKT thì phải trải qua kinh nghiệm NCKHKT. Nhưng đó chỉ là một lý tưởng và nhiều người đã được bổ nhiệm ở chức vụ uy thế này nhờ bè phái. Dựa trên ký ức của tôi thì, ở Pháp chỉ có GS Pierre Aigrain, một nhà khoa học lỗi lạc, là một nghiên cứu sư đã thành công khi làm Bộ trưởng Nghiên cứu cho Tổng thống Giscard d'Estaing. Những vị khác đã thành công ở chức vụ này là kỹ sư, như Pierre Guillaumat, hay là cựu quân nhân, như Pierre Messmer.

Tôi khởi nghiệp làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt Nhân ở Saclay và đã học nghề NCKHKT nhân dịp đó. Nhưng các Bác thâm niên và có nhiều kinh nghiệm về nghề này hơn tôi. Về quản lý NCKHKT thì thỉnh thoảng tôi điều khiển một vài công trình nghiên cứu có tính cách áp dụng và ở quy mô một tập đoàn đa quốc gia (multinational company). Để có thể làm tốt việc này, tôi đã theo học một khóa cao học về Kinh tế Nghiên cứu và Phát triển (Économie de la Recherche et du Développement) của INSTN (Institut National des Sciences et Techniques Nucléaires, Viện Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Hạt Nhân) và, để liên tục bồi dưỡng kiến thức, tôi thường xuyên trao đổi với các sư huynh làm công chức ở Bộ Công nghiệp và Bộ Đại học Pháp. Trong số những vị này, có nhiều vị chuyên về quản lý NCKHKT. Tôi thì bảo vệ quyền lợi của công ty thuê tôi còn các sư huynh tôi bảo vệ quyền lợi của Nhà nước Pháp. Như tôi đã có dịp kể, các thày tôi ở Mines đã đào tạo tôi làm công chức cao cấp cho Bộ Công nghiệpiv. Mơ ước của tôi là mẫu quốc Việt Nam mau chóng trở thành một cường quốc công nghệ tiên tiến (còn gọi là hậu công nghiệp). Khi viết những bài đã đăng trên mạng, tôi thường tự đặt ở vị trí một công chức của Bộ Công nghiệp như các sư huynh người Pháp.

Mỗi năm, chính phủ (hay hội đồng quản trị hãng tôi) cắt cho chúng tôi một ngân sách để dùng một cách tối ưu trong ngành NCKHKT. Sứ mệnh của chúng tôi là tạo điều kiện để một chục năm nữa kinh tế phát triển, quân đội hùng mạnh và văn hóa quốc gia toả rạng khắp năm châu bốn biển. Chúng tôi mơ ước có ngân sách NCKHKT thật lớn để hoàn thành sứ mệnh được giao phó. Nhưng một chính phủ không thể đánh thuế quá sức chịu đựng của người dân và cũng không thể dành tất cả ngân sách Nhà nước cho NCKHKT. Theo các nhà kinh tế học thì ngân sách lý tưởng dành cho NCKHKT là ba phần trăm tổng sản lượng quốc nội của một quốc gia. Trên thế giới chỉ có Hàn Quốc và Pháp thỉnh thoảng vài năm thời tướng De Gaulle làm tổng thống là đạt chỉ tiêu đó. Các Bác dễ dàng nhận thấy hiệu quả cho Hàn Quốc bây giờ và cho nước Pháp cho tới nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Mitterrand ra sao. Nếu giả dụ được chi ba phần trăm ấy thì chúng tôi cũng chỉ có thể chia cho các Bác 80 tỷ USD ở Pháp và 4 tỷ USD ở Việt Nam. Nhiều khi chương trình nghiên cứu, như là vòng va chạm hadron CERN hay dự án ITER, cần nhiều người, nhiều vốn đầu tư và nhiều chi phí vận hành, bắt chúng tôi phải thương lượng hợp tác với các nước khác để chia sẻ chi phí. Có khi chúng tôi cũng phải làm việc hợp tác quốc tế này với những chương trình tầm vóc nhỏ hơn để chia sẻ rủi ro thất bại như một giám đốc công ty dầu hợp tác với đối thủ cạnh tranh để thăm dò địa chất. Nhiều khi chúng tôi phải xin các xí nghiệp công, xí nghiệp tư và hội đoàn chuyên ngành tài trợ tất cả hay một phần các chương trình nghiên cứu ứng dụng. Mỗi chương trình cần đến một ngân sách tối thiểu thì mới có thể thực hiện được. Chúng tôi không thể rắc một chút tiền nhỏ cho mỗi chương trình của các Bác và chỉ có thể thông cảm sự bất bình của một số Bác sau khi công bố các chương trình nghiên cứu, đội nghiên cứu sư và thiết bị nghiên cứu được tài trợ.

Chúng tôi phải có kiến thức về triển vọng kinh tế, xã hội và quân sự của tất cả các ngành khoa học kỹ thuật, nhưng cụ thể của mỗi ngành, chi tiết của mỗi chương trình nghiên cứu thì chúng tôi mù tịt và các Bác am hiểu hơn chúng tôi. Các Bác nói gì thì chúng tôi biết vậy thôi. Tôi không biết trình tự chia ngân sách NCKHKT ở bên nhà ra sao chứ ở các nước Tây Âu thì chúng tôi dựa trên kết luận và đề nghị của những hội đồng thẩm định các chương trình NCKHKT. Các Bác có thể đưa ra tranh cãi uy tín khoa học của hội đồng thẩm định. Nhưng, các hội đồng đó gồm toàn là những đồng nghiệp do các Bác chỉ định và Bộ trưởng chỉ thông qua vì Bộ trưởng lại còn dốt hơn chúng tôi. Các Bác có thể trách chúng tôi không theo tất cả các đề nghị của các Bác. Khi có vấn đề thì chúng tôi thương lượng với chủ chương trình liên hệ. Nếu không đạt đồng thuận thì chúng tôi đảm nhiệm trách nhiệm quyết định từ chối chương trình này, bào gọt chương trình kia để không vượt ngân sách chính phủ ban cho. Phần lớn ngân sách đã định sẵn vì phải tiếp tục những chương trình lâu năm đã được phê chuẩn từ những khóa trước, vì phải chấp nhận mà không bàn cãi các chương trình mới nối tiếp hay liên kết với các chương trình cũ hay vì đã cam kết tài trợ những chương trình hơp tác quốc tế. Rút cục, nếu mỗi năm chúng tôi được tự do thương lượng với các Bác trên cơ sở năm phần trăm của ngân sách NCKHKT thì chúng tôi có thể tự hào là những người có quyền thế.

Ngoài việc hàng năm phân chia ngân sách cho mỗi Bác chúng tôi còn phải quan tâm đến nhân lực NCKHKT cho cả nước với tầm nhìn một nửa thế kỷ đi phía trước.

Nhân viên một trung tâm nghiên cứu gồm các cán sự kỹ thuật, cán sự hành chính và nhân lực tiến hành nghiên cứu (researcher), các nghiên cứu sư nghiên cứu sinh. Những cán sự có tay nghề rất cao nhưng không độc đáo, nghĩa là có thể dùng được cho một chương trình nghiên cứu này hay chương trình khác, trong hay ngoài ngành NCKHKT. Quản lý họ trong ngắn, trung hay dài hạn tương đối không khó khăn gì mấy. Tùy nhu cầu chúng tôi có thể dễ dàng tuyển mộ và thuyên chuyển họ. Ngược lại, các Bác đặc biệt khó quản lý vì các Bác thông minh hơn trung bình, có kiến thức cao rộng hơn trung bình và có nhân cách rất mạnh, kết quả của những năm nằm gai nếm mật để đạt học vị tiến sĩ. Nhà Nước đã bỏ ra ít nhất tám năm sau tú tài để đào tạo các Bác. Chi phí của tám năm đó cao hơn nhiều tổng số chi phí để giáo dục các Bác từ mẫu giáo đến năm cuối của hệ trung học phổ thông. Thêm vào đó, các Bác đã được đào tạo quá chuyên môn. Khi một chương trình nghiên cứu chấm dứt thì chúng tôi có vấn đề sử dụng các Bác đã cộng tác trong chương trình đó. Tỷ dụ trong ngành vật lý. Một nghiên cứu sinh vật lý không thể bổ được vào một trung tâm nghiên cứu sử học sau khi bảo vệ luận án. Một nghiên cứu sư về vật lý hạt cơ bản khó có thể chuyển sang vật lý chất lỏng hay vật lý vi sinh. Những thời gian sau luận án (post doc') chỉ để cho các nghiên cứu sinh chuyển từ đề tài nghiên cứu của luận án sang một đề tài khác chứ đâu có chuyển sang một chương trình nghiên cứu khác. Tám năm sau tú tài cộng với khoảng năm mười năm trong một chương trình nghiên cứu là một nghiên cứu sinh trở thành nghiên cứu sư ở tuổi 30/40 tuổi đời, khi đạt đỉnh cao về óc sáng tạo và ở giữa đời nghề. Đặt ra vấn đề sử dụng các Bác trong nửa đời nghề còn lại một cách tối ưu cho đất nước mà vẫn tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của các Bác. Tôi không vào chi tiết những phương pháp tuần hoàn các Bác, rất đa dạng và phức tạp.

Không những chúng tôi phải có tầm nhìn về nhân lực và tài chính tới 40/50 năm tới mà chúng tôi lại còn phải bố trí các chương trình nghiên cứu và các kế hoạch hợp tác quốc tế, cùng với nhân lực thích ứng, làm sao đáp ứng được đòi hỏi của người dân đã thay đổi vào lúc đó theo biến chuyển công nghệ, kinh tế, xã hội và chính trị. Để làm tốt việc này, những công cụ dự báo của ngành kinh doanh không thích ứng nữa. Chúng tôi phải dùng đến những công cụ dự báo tương lai (prospective) của ngành tương lai học (futurology). Các Bác có thể chê chúng tôi làm nghề thày bói ở cửa chùa ngày Tết, dùng những công cụ toán học giả tạo để che giấu những yếu kém về phương pháp và, một nửa thế kỷ sau, khi người ta nhận thấy đã dự báo sai thì chúng tôi đã đi hầu trà Cụ Marx, Cụ Lê và Cụ Hồ từ lâu rồi. Có thể các Bác có lý. Nhưng Seneque có viết "thuyền không bao giờ thuận gió nếu thuyền trưởng không biết đi về bến nào". Thà rằng dự báo sai còn hơn là không có dự báo. Để ít phải tự bào chữa với quyền được sai lầm, nhân dịp thương lượng ngân sách hàng năm với các Bác chúng tôi nhờ một số chuyên gia, nổi tiếng là nhìn cao thấy rộng, giúp chúng tôi xét lại các dự báo. Phương pháp này gọi là thích nghi dự báo (adaptative prospective).

Muốn thích ứng với dự báo thì phải kế hoạch hóa. Mà kế hoạch hóa thì phải có định hướng chứ không thể tùy hứng được.

Ba phần trăm tổng sản lượng quốc nội cho NCKHKT thì ít, nhưng, về tuyệt đối, thì bốn tỷ USD hay một tỷ USD vẫn là một số tiền lớn. Không ai cho tiền các Bác mà không hỏi sẽ dùng vào việc gì, việc đó có bõ tiền hay không và căn dặn các Bác dùng tiền cho đúng mục đích. Mọi người đều biết rằng tốt nghiệp đại học thì sau này sẽ có lợi tức vượt xa những thiệt thòi phải chịu đựng thời sinh viên. Nhưng con nhà nghèo thì bỏ học để đi kiếm ăn : hy sinh một thu nhập tiềm tàng lớn để bảo đảm thu nhập tuy nhỏ hơn nhưng cụ thể ngay trước mắt. Các Bác chuyên về quản lý đều biết bài toán chọn lựa đầu tư (investment selection) này. Khi áp dụng lý thuyết chọn lựa đầu tư thì người ta đặt ưu tiên theo thứ tự dự án sinh lợi mau nhất. Ngoại trừ những chương trình có hợp tác quốc tế không thể rút lui được, chúng tôi xếp hạng ưu tiên những chương trình nghiên cứu theo thời hạn còn lại để đạt được kết quả. Kết quả này có tiềm năng áp dụng thực tế hay không thì chúng tôi không phân biệt miễn là một kết quả. Chúng tôi sẽ tài trợ những chương trình theo thứ tự đó cho tới khi phát hết ngân sách NCKHKT chính phủ đã ban cho. Đại khái thì nghiên cứu cơ bản mang lại lợi ích trong tương lai xa và nghiên cứu áp dụng thì mang lại lợi ích trong tương lai gần. Thực ra thì ranh giới giữa hai loại nghiên cứu đó không rõ rệt và một kết quả nghiên cứu cơ bản có thể bỗng nhiên có ngay một áp dụng thực tiễn. Nhưng không có nghĩa là những chương trình nghiên cứu cơ bản sẽ bị ưu tiên loại bỏ như nhiều Bác tưởng. Có nhiều chương trình đã khởi công từ lâu, kết quả sắp được công bố và, lẽ cốt nhiên, vẫn được tiếp tục tài trợ.

Ở Pháp có hai môn được ưa chuộng ghi danh vào đại học : huấn luyện viên thể thao (moniteur de sport) và lịch sử nghệ thuật (histoire de l'art). Buổi sáng ra bờ hồ hay công viên thì thấy ngay rằng thể thao là một sinh hoạt mang lại nhiều thích thú cá nhân cũng như tập thể và nghề huấn luyện viên là một nghề mang lại tiếng tăm và tiền của. Ở phố Nam kỳ Khởi nghĩa người ta tấp nập mua hàng mỹ phẩm. Những khách hàng đó cần đến chuyên gia về lịch sử nghệ thuật để biết mua gì và trả bao nhiêu. Nhưng ở Pháp, ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nước nào khác, người ta chỉ cần đến một số ít huấn luyện viên thể thao và một số ít cố vấn về nghệ thuật. Những người đã được đào tạo thừa nhu cầu thì thất nghiệp hay làm những nghề không phù hợp với nghề đã học. Chẳng nhẽ chính phủ lại giúp đào tạo những người sau này sẽ là gánh nặng cho xã hội hay sao ?

Trong ngành NCKHKT chúng tôi cũng có vấn đề tương tự. Tỷ dụ, chúng tôi lập một chương trình nghiên cứu về lịch sử định dân các hải đảo Biển Đông. Vì tầm quan trọng của đề tài chúng tôi tuyển mộ nhiều người. Nhưng chúng tôi chỉ tuyển đủ số nhân lực để mau chóng đạt kết quả cho phép Bộ Ngoại giao có cơ sở thương lượng với các nước láng giềng chứ chúng tôi không tuyển nhiều hơn. Chúng tôi sẽ chọn những tiến sĩ xuất sắc nhất đã bảo vệ luận án gần nhất với các đề tài Biển Đông, điạ chất những hải đảo, đặc biệt đảo san hô, và/hay lịch sử định dân. Chúng tôi chỉ chọn những người thân thiện nhất với các đề tài của chương trình chứ không nhất thiết chọn những tiến sĩ tài ba nhất. Điều này không liên quan gì đến giá trị của những vị không được chọn mà chúng tôi tiếp tục đánh giá cao. Những vị này phải chọn ứng cử vào một chương trình khác hay chuyển nghệ. Về chuyển nghệ thì một tiến sĩ có luận án về gạo có thể làm kỹ sư cho một hãng xuất nhập khẩu lương thực, một tiến sĩ y khoa, dược khoa hay sinh học có thể chỉ huy một phòng kiểm tra chất lượng cho một hợp tác xã thực phẩm. Tay nghề học được khi soạn luận án sẽ giúp những vị này dễ dàng thành công xuất sắc với những đóng góp cao siêu của các vị.

Nhưng cũng có nhiều luận án chỉ dẫn tới những đề tài liên kết chặt chẽ với đề tài của luận án. Tỷ dụ, một luận án về văn chương thời trung cổ của một tiểu vương quốc Âu Châu nọ chỉ có thể dẫn tới một chương trình nghiên cứu về văn chương thời trung cố ở Âu Châu. Chúng tôi chỉ có thể nuôi hai nghiên cứu sư cho chương trình này. Nếu có ba tiến sĩ thì phải có một tiến sĩ chuyển nghệ. Tình trạng chúng tôi đứt bụng phải từ chối một số nhân tài là lỗi của một số Bác. Số thực tập sinh đang soạn luận án ở cơ quan mình chỉ huy là một nhân tố uy tín của một nghiên cứu sư. Nhiều Bác nhận hướng dẫn quá nhiều luận án mà không biết sau này sẽ "gài" học trò mình ở đâu. Có Bác không tuyển lựa kỹ để cho một số nghiên cứu sinh bắt đầu nghiên cứu rồi bỏ nửa chừng không bảo vệ luận án. Các Bác này phung phí ngân sách NCKHKT chúng tôi đã ngây thơ chia cho và làm huỷ đời nghề của một nhân tài. Tại lỗi các Bác này mà ở Pháp có nhiều tiến sĩ làm nghề phụ giáo ở trường trung học cơ sở hay làm công chức chạy giấy ở một cơ quan Nhà Nước. Khi còn sinh hoạt lao động tôi có hai bà thư ký thay phiên nhau phụ việc cho tôi. Một bà là thạc sĩ về văn chương cận đại (lettres modernes), bà kia là thạc sĩ về văn hóa Anh (civilisation anglo‒saxonne). Tôi quen một chuyên gia về những côn trùng sống ở xa mạc Sahara đang làm nghề chạy bàn cho một hiệu ăn. Ở Việt Nam đa số trở thành thợ dạy học, lâu dần lên lớp trả bài như con vẹt. Từ góc nhìn đó, số tiến sĩ không phải là thước đo sức mạnh khoa học kỹ thuật của một quốc gia. Thước đo là sản lượng của các Bác, nghĩa là những bài đã được đăng trên báo quốc tế, những giải thưởng khoa học và những bằng sáng chế (có người không kể số những bằng sáng chế mà tính thu nhập từ những sáng chế). Thước đo thành tích của chúng tôi là hạnh phúc của người dân hai ba chục năm tới.

Theo mô hình kim tự tháp nhu cầu của Maslow (Maslow's hierarchy of needs) thì con người tìm cách thoả mãn nhu cầu cá nhân theo thứ tự sau đây :

‒ nhu cầu sinh lý (ăn, uống, ngủ,...),

‒ nhu cầu an toàn (cơ thể, sức khoẻ, nghề nghiệp, tài sản cá nhân,...),

‒ nhu cầu được yêu mến và hoà nhập vào cộng đồng (tình yêu, tình bạn, liên hệ mật thiết, liên hệ gia đình, liên hệ tình dục,...),

‒ nhu cầu được tôn trọng (lòng tin, người khác kính nể, tự trọng,...),

‒ nhu cầu hoàn thành cá nhân (đạo đức, sáng tạo, giải quyết khó khăn,...).

Các Bác thoả mãn nhu cầu hoàn thành cá nhân khi tiến hành một công trình NCKHKT. Đây là một điều phúc đức cho các Bác và tôi mừng chung với các Bác. Có người phải mua bằng giả để thoả mãn nhu cầu được tôn trọng. Khi xưa, cả xóm tôi chỉ có một gia đình có máy phát thanh. Theo yêu cầu của hàng xóm, cứ tối thứ bẩy là họ vặn máy thật lớn để mọi người được nghe một bản kịch cải lương. Xóm tôi nghèo. Các nhu cầu sinh lý nói chung thì được thoả mãn còn nhu cầu về an toàn thì bấp bênh. Gia đình nọ có khả năng mua một máy phát thanh, thoả mãn nhu cầu được yêu mến bằng cách chia sẻ bản kịch cải lương với hàng xóm. Những người khác trong xóm thoả mãn nhu cầu hoà nhập vào một cộng đồng bằng cách nghe chung bản kịch đó. Các nhu cầu được tôn trọng và hoàn thành cá nhân thì không ai dám nghĩ tới. Văn hoá, nghệ thuật,... là những nhu cầu phải được thoả mãn. Hơn nữa, mọi người trên thế gian này đều phải có quyền thoả mãn nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu hoàn thành cá nhân. Chính phủ Pháp có khả năng làm được việc này cho dân họ. Chính phủ Việt Nam đã thoả mãn được những nhu cầu sinh lý và an toàn cho tất cả dân ta chưa ? Tôi chỉ xin đặt câu hỏi.

Khi về nước, tôi thấy trẻ em vẫn mắc các bệnh nhiệt đới như là sốt xuất huyết, giun chỉ,... nông dân vẫn phải đối phó với nạn tôm cá chết hàng loạt, cúm gia cầm thường xuyên phát hiện,... những di tích lịch sử bị lòng tham của cường hào và đô thị hoá phá phách, những bô lão lần lượt ra đi vĩnh viễn mang theo di sản văn chương văn nghệ của các dân tộc, kể cả dân tộc Việt, khí hậu biến đổi đe dọa đồng ruộng đất đai, chính phủ không biết trong xã hội ai đóng góp bao nhiêu và ai hưởng lợi bao nhiêu, láng giềng phương Bắc lộng hành lấn chiếm biển đảo,... Đó là những vấn đề mà ngoại bang chỉ tham gia giải quyết nếu chính họ cũng có vấn đề tương tự. Bằng không chúng ta phải tự giải quyết và NCKHKT phải là khâu đầu tiên của quy trình giải quyết đó. Sau khi trang trải được một số nhỏ những chương trình gắn liền đến "bát cơm manh áo" đó của người dân thì chúng tôi không còn tiền nữa để tài trợ những đề tài khai triển một ổ phát điện chạy bằng nước lã hay khai quật mả Vincent Van Gogh để xem mắt họa sĩ này có lé không mà vẽ đẹp thế.

Nhiều người tưởng lầm rằng các nước tư bản chủ nghĩa không có kế hoạch phát triển kinh tế. Theo tướng De Gaulle, kế hoạch là một nghĩa vụ gay gắt (le plan, cette ardente obligation). Không có nước nào có một ngành công nghệ đáng kể mà không kế hoạch hóa ngành NCKHKT cả. Nhưng người ta không kế hoạch hóa theo kiểu Stalin như Bác Tường châm biếm. Chúng tôi không ra lệnh cho mỗi nghiên cứu sư phải nghiên cứu trên đề tài này đề tài nọ. Chúng tôi cũng không bắt mỗi du học sinh phải học trong ngành này ngành nọ. Như các Bác nhận thấy, thực tế thì chính phủ Việt Nam không có chính sách như vậy. Chúng tôi cũng không cần làm những việc đó, mà nếu chúng tôi muốn làm thì cũng không thể làm xuể. Lý do là, khi thực hiện kế hoạch, chúng tôi gặp nhiều bất cập. Chúng tôi xây một vòng va chạm hadron để truy lùng boson Higgs thì các Bác phát hiện một hạt bay mau hơn ánh sáng. Chúng tôi gửi một em đi du học để sau này dạy toán ở đại học thì nó thỉnh về nhà một huy chương Fields. Nhưng có nhiều em chúng tôi gửi đi học trong những ngành đất nước đang cần đến đã trả lại học bổng để chuyển sang học tài chính vì ngành này đang là trào lưu ở trong nước. Nhìn thẳng sự thật thì quyền hành của chúng tôi tương tự như quyền hành của Nữ hoàng Anh : gợi ý, khuyên răn và khuyến khích.

Để thích nghi với thực tế đó, chúng tôi (a) thông báo rộng rãi kế hoạch dài hạn về NCKHKT và nhu cầu nhân lực của mỗi chương trình nghiên cứu ở những hội thảo tư vấn chọn nghề ­‒ chọn môn học, (b) ưu đãi những chương trình đào tạo và nghiên cứu nằm trong kế hoạch và (c) giảm hay cắt tài trợ những gì ngoài kế hoạch. Mọi người muốn học gì thì học, nghiên cứu gì thì nghiên cứu, nhưng đã được báo trước rằng nếu học hay nghiên cứu ngoài kế hoạch thì khó có thể được hỗ trợ và, sau này, khó có thể tìm được việc làm tương xứng với trình độ và chuyên môn của mình. Phương pháp này rất hữu hiệu nhờ tỷ trọng các xí nghiệp quốc doanh và bộ máy hành chính Nhà Nước trong hệ thống kinh tế Việt Nam. Để áp dụng phương pháp chúng tôi cần Bộ Kế hoạch lập kế hoạch phát triển kinh tế. Dựa vào đó và với sự hỗ trợ của Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng, Bộ Công nghiệp và Bộ Y tế, chúng tôi có khả năng thiết lập và đưa vào thực hiện một kế hoạch NCKHKT.

Chúng tôi chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh được giao phó nếu chính phủ có nghị lực đủ mạnh và tầm nhìn đủ cao đủ rộng để đưa ngành NCKHKT tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế ‒ xã hội của đất nước.


Đặng Đình Cung 

Chú thích:

 i "Giải thưởng toán học: cay đắng và thất vọng"

 ii" Một vài vấn đề trong bài « Giải thưởng toán học, cay đắng và thất vọng » của Đặng Đình Cung"

 iii" Học nghề kỹ sư" và "Học vị tiến sĩ" đăng trên trạm www.vietsciences.org

 iv "Thày tôi Giáo sư Maurice Allais". Nhân tiện xin cải chính tin đồn tôi là thành viên Đoàn Kỹ sư Mỏ (Corps des Mines) của Pháp. Tôi không thể vào đoàn kỹ sư đó vì ba lý do (a) tôi không là cựu học sinh trường Polytechnique, (b) học lực của tôi kém và (c) khi ở trường tôi không có quốc tịch Pháp. Các thày chỉ cho tôi dự thính một số hội thảo nhà trường dành riêng cho thực tập sinh của Đoàn Kỹ sư Mỏ thôi.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us