Quán Monge, rồi sao đây ?
Quán Monge, rồi sao đây ?
Khi một nhóm côn đồ phá cửa Foyer Việt Nam (80 quán Monge, Paris, mà kiều bào quen gọi là Quán Cụ Hồ) sáng sớm ngày 12 tháng 11 năm 2011 vừa qua, đột nhập nhà riêng của ông Võ Văn Thận và bà Lý Hồng Ngọc ở trên lầu, chúng tôi đã kịp thời thông báo (xem Diễn Đàn ngày 13.11.2011). Tiếp theo, số báo ra ngày 27.12.2011 đã bước đầu trình bày nguyên ủy sự việc : Vụ "Quán Cụ Hồ" đi tới đâu rồi ? Phần II bài này đưa tin Quán Monge đóng cửa : Dùng côn đồ không xong, thương lượng cù cưa và giở mẹo... thiếu "vệ sinh" (Diễn Đàn ngày 6.1.2012).
Hơn sáu tháng qua, chúng tôi muốn đợi
các phiên tòa xét xử và tuyên án các vụ việc liên quan tới Quán Monge
để tường trình một cách tổng hợp.
Song vừa qua, Hội người Việt Nam tại Pháp (HNVNTP) đã ra một thông báo (tiếng Việt và tiếng Pháp), đăng trên báo Đoàn Kết số tháng 7.2012, và đưa lên trang mạng www.ugvf.org (đưa lên rồi lại rút xuống mấy lần, không hiểu tại sao). Nhiều bạn đọc (trong đó có không ít hội viên và cựu hội viên HNVNTP) đọc xong đã liên lạc với chúng tôi để chia sẻ những thắc mắc, khó hiểu, thậm chí phẫn nộ khi đọc xong bản thông báo này.
Bản thông báo chấm dứt bằng đoạn câu "trong vụ này, cuối cùng không phải ô. Võ Văn Thận là nạn nhân mà là HNVNTP" (xin dịch ý tác giả ra tiếng Việt : nạn nhân không phải là ô. Võ Văn Thận mà là HNVNTP). Nhưng đọc xong toàn văn bản tiếng Việt và bản tiếng Pháp, người đọc chắc chắn một điều : nạn nhân đầu tiên là tiếng Việt và tiếng Pháp. Còn ai là nạn nhân trong vụ tranh chấp này, các phiên toà diễn ra trong những tháng tới đây sẽ cung cấp câu trả lời của công lí :
- ngày 30.8.2012 : phiên tòa Tiểu hình sẽ xét xử Nguyễn Bình (và đồng bọn) vì "xâm phạm nơi ở"
- tháng 9.2012 : phiên hòa giải trước Conseil des Prud'hommes nhằm giải quyết tranh chấp giữa bên chủ là HNVNTP và bên người làm công là ô. Võ Văn Thận (nếu không hòa giải được, thì Conseil des Prud'hommes sẽ quyết án sáu tháng sau đó)
- tháng 12.2012 : tòa phúc thẩm sẽ xét xử về một bản án trục xuất ô. Võ Văn Thận khỏi 80 rue Monge theo yêu cầu của đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và về đơn kháng án của ông Thận (cho đến hôm nay, khi chúng tôi viết dòng này, 20.8.2012, gia đình ông Thận vẫn cư trú ở trên lầu một địa chỉ trên).
Trong khi chờ đợi, chúng tôi chỉ xin vắn tắt nêu ra một vài nhận xét về bản thông báo để bạn đọc có thể lí giải những khó hiểu, mâu thuẫn và che giấu trong bản văn rối rắm ấy.
1. Bản thông báo viết : "Từ tháng 10/2000, sau khi nhân viên quản lý, có được trả lương, nghỉ hưu, HNVNTP đã trao quyền quản lý cho một người khai thác mới, đổi lại, người ấy nhận chi trả các khoản phí tổn hoạt động và trả 10 000 Francs mỗi tháng. Từ tháng 01/2001, người ấy làm việc với ô. Võ Văn Thận. HNVNTP không biết gì về nội dung hợp đồng và những điều kiện ràng buộc đôi bên, Hội cũng không được tham khảo về việc ông Võ Văn Thận nhập cuộc quản lý quán."
Người đọc không khỏi tò mò muốn biết danh tính "người khai thác mới", và thắc mắc tại sao thông báo lại che giấu một thông tin quan trọng như vậy. Nhất là thông tin ấy, không ít người biết. Đầu tiên là những người đến ăn ở quán Monge trong thập niên 2000. Và đông đảo những hội viên đã được đọc lá thư gửi ban lãnh đạo HNVNTP hiện nay của ông Trần Tử Nghĩa. Trong thư này, ông Nghĩa (lúc đó, cuối năm 2000, là chủ tịch HNVNTP) khẳng định : ông Nguyễn Đức Phương ("người khai thác" nói trong thông báo) đã trình bày với ban lãnh đạo HNVNTP về việc tuyển dụng ông Võ Văn Thận, và đã được ban lãnh đạo HNVNTP chấp thuận. Đây là chứng từ của một người có danh tính, không phải là câu viết trong một bản thông báo không ký tên. Vả lại, tại Cảnh sát Quận 5, ông Nguyễn Bình, người được sứ quán Việt Nam "ủy quyền quản lý Foyer Vietnam kể từ ngày 2.9.2011" (sẽ trở lại ở phần sau), trong lời khai sau vụ việc ngày 12.11.2011, cũng đã khai rằng "ông Thận là nhân viên ăn lương không được khai báo" ("salarié non déclaré"). Nói rằng HNVNTP "không biết gì" phải chăng là một cố gắng vô vọng để trốn tránh trách nhiệm chủ nhân đối với một người làm công không hợp đồng, lẩn tránh trách nhiệm đã không chi trả URSSAF trong suốt mười năm trời ?
Vô vọng, vì theo những thông tin chúng
tôi được biết chắc chắn, có một tài khoản ngân hàng mang tên "UGVF
Foyer Vietnam", trong suốt những năm 2001-2011, đã thu nạp những séc và
khoản tiền mặt từ quán Monge. Tài khoản ấy, chỉ có một người được ủy
quyền ký. Người đó hiện nay là một phó chủ tịch HNVNTP.
2. Vẫn theo thông báo nói trên, "Giữa tháng 11/2010 và tháng 03/2011, một ban của HNVNT đã được thành lập, nhằm tìm và đạt được thỏa thuận với ô. Võ Văn Thận về việc sử dụng quán. Tháng 03/2011, nhận thấy thất bại của cuộc thương thảo và trước sự việc ô. Võ Văn Thận hoàn toàn tư hữu hóa quán, HNVNTP đã quyết định hoàn lại cơ sở quán cho Đại Sứ Quán Việt Nam (người đứng tên thuê khế ước quán Monge)".
Tòa án Paris hoàn toàn có thể kiểm tra tài khoản "UGVF Foyer Vietnam" từ tháng 3 đến cuối tháng 12.2011 (khi quán Monge đóng cửa) tình hình thu nhập có gì khác trước đó không (để đánh giá quá trình "hoàn toàn tư hữu quán"). Ở đây, chỉ cần bổ sung hai thông tin. Một là, giữa ông Thận và ban hòa giải, đã đi tới một dự án thỏa thuận. Hai là, dự án ấy đã bị nhóm lãnh đạo HNVNTP bác bỏ, khiến cho ông Nguyễn Đắc Minh, thành viên chủ chốt của ban hòa giải, đã từ chức khỏi ban lãnh đạo HNVNTP để phản đối.
3. Như thế là, theo
thông báo (và căn
cứ vào một văn thư chính thức của sứ quán), kể từ ngày 10.5.2011,
HNVNTP không còn quản lí quán Monge. Song, chiều tối ngày 11.11.2011
(nghĩa là sáu tháng sau), các hội viên có hộp thư email đã nhận được
một thông cáo ký tên bà chủ tịch HNVNTP, bác sĩ Thérèse Nguyễn Văn Ký,
đề ngày 4.11.2011. Thông cáo này hoàn toàn không nói gì tới việc trả
lại sứ quán, mà ngược lại, vẫn khẳng định rằng HNVNTP được sứ quán "ủy
quyền sử dụng" quán Monge. Sáng hôm sau, ngày 12.11.2011, như mọi người
được biết, ông Nguyễn Bình đột nhập quán Monge, trong tay mang giấy
chứng nhận sứ quán (ký ngày 2.9.2011 như đã nói trên). Vậy thì ai được
ủy quyền ở quán Monge, ông Nguyễn Bình hay HNVNTP ?
Thật là bí hiểm và khó hiểu. Giả thuyết duy nhất hợp lý có thể giải thích được việc này là : chiều hôm trước "phi vụ đột nhập ngày 12.11.2011", nhóm quyết định công việc của HNVNTP và "cơ quan hữu quan" nào đó ở sứ quán đã chắc mẩm là "phi vụ" sẽ "thành công mĩ mãn" (gia đình Võ Văn Thận phải rời khỏi số 80 rue Monge, còn chuyện bồi thường sa thải, 10 năm không đóng quỹ hưu bổng vân vân... cứ đợi đến tết Công Gô).
Sự việc không diễn ra theo kịch bản Tiên Lãng (mà ở Tiên Lãng, diễn biến thực tế cũng hơi bị khác kịch bản). Nhóm biệt kích cuối cùng đã được "mời" ra khỏi quán. Ngày 30.8 sắp tới, ông Nguyễn Bình sẽ trả lời phiên tòa tiểu hình về vụ "xâm phạm nhà ở". Tháng sau sẽ là cơ hội cuối cùng để HNVNTP chấp nhận hòa giải, nếu không thì mấy tháng sau đó, sẽ bắt buộc phải thi hành phán quyết của tòa án Conseil des Prudhommes.
4. Sự "khó hiểu" của người đọc trở thành phẫn nộ khi tác giả vô danh của bản thông báo nói bóng gió tới việc Bà Lý Hồng Ngọc trở thành quản lý một quán ăn mới, với câu hỏi : số tiền 150 000 Euros, lấy đâu ra để mua lại vốn thương mãi của quán ăn này ?
Chúng tôi đã kiểm tra văn khố thương mại và xem các văn bản cho vay, nên có thể giải đáp thắc mắc cho tác giả bản thông báo : bạn bè của bà Lý Hồng Ngọc và ông Võ Văn Thận (là những người, cùng với hơn 2500 người đã ký tên ủng hộ gia đình Võ Văn Thận và nhân viên quán Monge, sau khi đã chứng kiến những gì xảy ra) đã cho bà Ngọc vay không lãi suất, tổng cộng 117 000 Euros. Với số tiền này, bà Ngọc đã trả được 100 000 Euros cho ông chủ quán cũ (ông này, cũng đã biết "chuyện quán Monge", nên cho trả góp số tiền 50 000 Euros còn lại). Nhờ đó, quán Foyer Mon Vietnam đã hoạt động từ cuối tháng 5 vừa qua tại số 24 rue de la Montagne Sainte Geneviève, Paris. Những người chủ nợ hi vọng sẽ được hoàn lại số tiền cho vay trong vòng hai, ba năm nữa, nếu quán ăn mới này tiếp tục được khách như hai ba tháng qua (một điều hiếm có đối với một quán ăn mới khai trương). Hay sớm hơn, nếu ông Võ Văn Thận được bồi thường xứng đáng, để khép lại một trang không mấy danh dự cho một hội đoàn có quá khứ đáng kính, và cho một nhiệm sở ngoại giao đáng lẽ phải làm công tác ngoại giao.
Những thông tin xuất phát từ Hà Nội và từ sứ quán cho thấy chính quyền Việt Nam đã bị bất ngờ vì những báo cáo gian dối, và ông đại sứ mới (trình quốc thư từ ngày 22.12.2011) đã bị đặt trước việc đã rồi. Hai nhân viên sứ quán (một phụ trách công tác người Việt Nam tại nước ngoài, một phụ trách công tác Đảng) đã hoặc sắp bị triệu hồi và thay thế. Mặt khác, một số nhà hoạt động đã từng lãnh đạo HNVNTP đã bày tỏ sự phẫn nộ của mình sau khi đọc bản thông báo mà họ cho là "làm mất thanh danh của phong trào Việt kiều tại Pháp".
Trong những sai trái đã xảy ra, có những điều không thể sửa chữa được nữa (trong đó có hình ảnh Việt Nam, hình ảnh cộng đồng Việt kiều), nhưng còn những điều có thể và không thể không sửa. Mong rằng những người trách nhiệm kịp thời nhận thức và dũng cảm hàn gắn hậu quả. Muộn còn hơn không.
Tổ phóng viên Diễn Đàn
Các thao tác trên Tài liệu