Quốc tịch Pháp, nạn nhân chất độc Da Cam, bà Trần Tố Nga khởi kiện những công ti hóa chất Hoa Kỳ
Trước tòa Đại tụng Evry
Quốc
tịch Pháp, nạn nhân chất độc Da Cam,
bà Trần Tố Nga
khởi kiện
những công ti hóa chất Hoa Kỳ
André Bouny
Dow Chemical Company, Monsanto
Company, Thompson Hayward Chemical Co, Harcros Chemicals, Inc.,
Uniroyal Chemical Co, Inc, Diamond Shamrock Agricultural Chemicals,
Inc., Occidental Electrochemicals Corporation, Hooker Chemical
Corporation, Chemical Land Holdings, Inc., T-H Agriculture &
Nutrition Co., Riverdale Chemical Company, Pharmacia et Upjohn
Incorporated, Ultramar Diamond Shamrock Corporation, Ansul
Incorporated, Wyeth, Inc., Valero Marketing And Supply Company…, và
còn những công ti khác
Xin nhắc lại, vào đầu năm 2004, những người Việt Nam nạn nhân chất độc da Cam đã khởi kiện 37 công ti Hoa Kỳ trước tòa án Mĩ. Đơn kiện được đệ lên Tòa sơ thẩm Đông – New York, và tôi đã thành lập Ủy ban Quốc tế Ủng hộ Nạn nhân Việt Nam của chất độc Da Cam trước Tòa án New York (CIS). Thẩm phán Weinstein là người đã khiến cho các công ti hóa chất Hoa Kỳ đền bù 180 triệu USD cho những cựu chiến binh Mỹ nạn nhân của dioxin TCDD 1 hàm chứa trong chất Da Cam mà chính họ đã rải ra ở Việt Nam – việc đền bù được thỏa thuận giữa hai bên để tránh tạo ra một án lệ. Nay thì ông Weinstein đã bác đơn của các nạn nhân Việt Nam khiến họ phải kháng kiện lên Tòa án phúc thẩm liên bang vòng 2. Chẳng mấy lúc, áp lực đến từ Nhà Trắng, thông qua Bộ tư pháp Mỹ (báo New York Times đã phản ánh điều này). Một lần nữa, đơn kiện bị bác bỏ. Các nạn nhân Việt Nam chỉ còn một phương cách cuối cùng là Tối cao Pháp viện. Đầu năm 2009, họ được thông báo là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã bác đơn mà không cần xem xét.
Mùa xuân năm 2009, một « Tòa án công luận quốc tế » (giống như Tòa án Bertrand Russell – Jean-Paul Sartre thập niên 1960) ủng hộ các nạn nhân Việt Nam của Chất độc Da Cam được triệu tập ở Paris, với sự tham gia của những thẩm phán có uy tín đến từ nhiều châu lục. Đến trước tòa là những nạn nhân, luật sư, nhà hóa học, y sĩ, chuyên gia, chứng nhân… 12 thành viên CIS có mặt, trong đó phải kể luật sư William Bourdon là người đã nhận lời tôi, sang tận Việt Nam để làm báo cáo đọc tại Tòa án. Cuối cùng, Tòa án công luận quốc tế đã kết án chính phủ Hoa Kỳ và những công ti chế tạo chất Da Cam, vì tội hủy diệt môi trường, yêu cầu phải bồi thường một số tiền lớn nhưng tương ứng với tội trạng, tính toán trên cơ sở số tiền đền bù mà họ đã phải trả cho cựu chiến binh Mỹ, và trong đó tính cả việc giải độc trên lãnh thổ Việt Nam.
Cũng năm 2004, nghĩa là cách đây mười năm rồi, tôi nghe nói có một người Pháp cũng là nạn nhân Da Cam. Đó là cựu đặc phái viên của nhật báo L’Humanité, Théo Ronco, người đã sang Việt Nam theo dõi cuộc chiến tranh Mỹ. Théo Ronco đã từ trần vì ung thư mấy năm về trước tại bệnh viện Timone, Marseille, thi hài đã được hỏa táng. « Chết rồi, thì rất phức tạp… », luật sư William Bourdon bảo tôi. Còn quả phụ Danièle de March – Ronco, bà đã gia nhập ủy ban CIS với chúng tôi.
Một thời gian dài sau đó, tôi xác định được một người Pháp nữa cùng là nạn nhân chất Da Cam : Bà Trần Tố Nga 2.
Bất hạnh thay, ngày mồng 9 tháng tám 2010 3, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, Quốc hội đã chốt 4 điểm, vô hiệu hóa quyền năng của thẩm phán Pháp trong lãnh vực luật pháp quốc tế. Không thể nào hạn chế hơn nữa, trừ phi người ta muốn biến đất nước Pháp của chúng ta thành thánh địa cho những tội phạm quốc tế lớn nhất.
Làm gì đây, trong tình thế như vậy ?
Ở Châu Âu, pháp luật Tây Ban Nha và Bỉ dành cho thẩm phán nhiều quyền hạn trong lãnh vực pháp luật quốc tế… Riêng ở Bỉ, quyền hạn thẩm phán phải nói là tuyệt đối, đến mức chẳng mấy lúc chính phủ Bỉ lấn cấn về mặt ngoại giao : công dân bất cứ nước nào cũng có quyền khởi kiện nhà lãnh đạo bất cứ nước nào trước tòa án Bỉ. Điều này không khỏi đe dọa thế quân bình quốc tế, mặt khác Bỉ có thể bị trả đũa về mặt kinh tế, gây ra những tranh chấp xã hội nội bộ. Ở Tây Ban Nha, tình hình cũng tương tợ như vậy. Rốt cuộc hai nước này phải lùi bước.
Thời gian cứ thế trôi qua, và Bà Nga phải hao tổn sức lực chống trả với bệnh hoạn.
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2012, ứng cứ viên François Hollande hứa hẹn sẽ gỡ bỏ 4 cái chốt mà năm 2010 Quốc hội đã thông qua. Điểm này trong chương trình tranh cử không được dư luận quan tâm, và hầu như chẳng mấy ai để ý.
Tháng hai 2013, dưới nhiệm kì tổng thống François Hollande, Quốc hội đã tái lập quyền hạn của quan tòa Pháp trong lãnh vực luật quốc tế, gỡ đi 3 trong 4 cái chốt nói trên : một là, người bị tố không nhất thiết phải thường trú ở Pháp ; hai là, không nhất thiết hành động phạm tội phải được coi là phạm pháp tại quốc gia mà hành động đó xảy ra ; ba là, không cần phải có ý kiến trước đó của Tòa hình sự quốc tế -- vả chăng điều kiện này mâu thuẫn với Quy chế Roma đã thừa nhận ưu quyền của các Quốc gia. Còn chốt thứ tư : độc quyền của Viện kiểm sát, mà bộ trưởng tư pháp, bà Christiane Taubira, gọi là « vấn đề hết sức nhạy cảm ». Bà Taubira còn nói thêm : « Không thể nào chấp nhận là nạn nhân không có quyền kiện tụng mà không có một quá trình phán xét nào cả ; nhưng đồng thời cũng không thể bỏ qua kinh nghiệm mà một số nước đã trải qua », lo ngại rằng các tòa án Pháp sẽ bị tràn ngập bởi những đơn kiện đến từ khắp nơi trên thế giới.
Còn một chốt, thì cánh cửa công lý vẫn có thể khép kín đối với người nạn nhân.
Tuy nhiên, không còn có thể ngăn chặn việc mở ra thủ tục khởi kiện đối với một người có quốc tịch Pháp nạn nhân của một sự việc xảy ra ở ngoài nước Pháp, do một bên nước ngoài gây ra. Song thành bại còn tùy thuộc một vấn đề quan trọng và tế nhị : kiện trước một tòa án hình sự, hay tòa án dân sự ? Do quy mô 4 ẩn tàng trong thủ tục tố tụng, hình sự chắc chắn sẽ đưa tới những chướng ngại khó vượt qua, cũng giống như tình thế xảy ra với các nước láng giềng. Thà tốt còn hơn tốt nhất, phải kiện trước tòa án dân sự, và việc này không ngăn cản một bản án buộc bồi thường những thiệt hại gây ra cho tha nhân (thân thể, vật chất hay tình thần), bằng cách trả tiền bồi thường hay thực hiện những nghĩa vụ cưỡng bức. Đó sẽ là một sự kiện chưa từng có đối với những công ti hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất và cung cấp chất Da Cam trong khi họ hoàn toàn ý thức về « tính độc hại phi thường » của nó : đó là nguyên văn, đề ngày 24 tháng sáu 1965 5, của Dow Chemical, nhà sản xuất chính, mà doanh số, cách đây không lâu, còn lớn hơn GDP của cả nước Việt Nam.
Thế Bà Trần Tố Nga là ai ?
Sinh năm 1942 ở Đông Dương, bà Nga là nhà báo, và trở thành phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải Phóng khi cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt. Năm đó bà 24 tuổi.
Ngay từ năm 1966, bà sống trong những vùng bị trải chất độc nặng nhất ở miền Nam Việt Nam : Củ Chi, nằm trong Tam giác Sắt, nơi bị oanh tạc nhiều nhất (10 tấn bom đạn / đầu người). Nhiều người đã làm chứng là bà Nga đã bị trực tiếp nhiễm độc với liều lượng cao.
1967 là năm cao điểm của các vụ rải chất Da Cam (theo Đô đốc Hoa Kỳ, EN Zumwalt), bà Nga ở Bình Long, và suốt một tháng trời, sống dưới những trận « mưa hóa chất » liên tục, mà kết quả là rừng rú vùng này đã bị hủy diệt (bà Nga sém bị bom).
Vẫn là phóng viên năm 1968 (năm kỉ lục về rải chất độc, theo Jeanne Mager Stellman – sự thật là 1967-68 là thời kỳ cao điểm), bà Nga theo dõi chiến sự trong khu vực bị trải chất Da Cam mà mục tiêu là (phần cực nam của) đường mòn Hồ Chí Minh.
1969-1970 bà Nga sống liên tục trên tuyến đường Hồ Chí Minh, thường xuyên bị trải chất Da Cam.
Trong thời gian này, ngày 30 tháng sáu 1968, Trần Tố Nga hạ sinh con gái đầu lòng (một việc hãn hữu, vì số lượng sẩy thai rất cao đối với phụ nữ sống ở những vùng này). Đứa bé sống được hơn một năm. Cuối năm 1969 thì chết vì một chứng bệnh bất thường về di truyền, gọi là tétralogie de Falot.
Cũng may là sau đó, ngày 28 tháng sáu 1971, bà đẻ đứa con gái thứ nhì. Đứa bé ra đời trong một khu rừng đã bị chất Da Cam hủy diệt. Điều bất hạnh là cháu bị mẹ truyền bệnh Alpha Thalassémie mà bà cũng mới mắc phải.
Ngày 24 tháng mười hai 1974, bà Nga đẻ đứa con gái thứ ba. Cháu út ra đời trong nhà tù của chế độ Mỹ-Saigon (nơi đây bà mẹ bị tra tấn). Cháu bé này sẽ mang nhiều bệnh da đến nay vẫn day dứt. Da là bộ phận nhạy cảm với chất Da Cam, nhất là chloracné.
Người con gái thứ nhì của bà Nga sau này có con, sức khỏe rất èo ọt, giống như con cháu những cựu chiến binh Mỹ được thừa nhận là nạn nhân chất Da Cam, vì độc tố dioxine được di truyền nhiều thế hệ kế tiếp.
Từ trái sang phải : Bà Trần Tố Nga, Luật sư William Bourdon, Tác giả André Bouny
Ngày nay, bà Trần Tố Nga, « giả định » là nạn nhân chất Da Cam, mang nhiều chứng bệnh :
-
Tiểu đường loại 2 (Viện y học của Viện Hàn lâm Khoa học Washington đã chứng minh liên hệ giữa bệnh này và sự tiếp cận chất Da Cam).
-
Con gái đầu lòng của bà Nga bị dị tật tim, tétralogie de Falot (Viện y học của Viện Hàn lâm Khoa học Washington đã chứng minh liên hệ giữa bệnh này và sự tiếp cận chất Da Cam).
-
Bệnh Alpha Thalassémie mà bà đã truyền cho con gái thứ nhì (Viện y học của Viện Hàn lâm Khoa học Washington đã chứng minh liên hệ giữa bệnh này và sự tiếp cận chất Da Cam)
-
Bà Nga nhiều nơi trong người có những hạt nhỏ, có hạt đã can-xi hóa (mạch máu, phổ, vú, tim …)
-
Đã thế còn thêm bệnh lao nặng, kéo dài từ nhiều năm nay…
Trong các bệnh lí kể trên, bốn căn bệnh có liên quan tới việc nhiễm độc dioxine TCDD, nằm trong danh sách những chứng bệnh mà Viện y học thuộc Hàn lâm viện Khoa học Washington coi là có liên quan tới chất Da Cam. Căn bệnh thứ năm có thể được lí giải bằng sự suy giảm hệ thống miễn dịch, mà Viện trên cũng thừa nhận là hệ quả của chất Da Cam (sự miễn dịch độc tố là đặc trưng của tất cả những hợp chấp đa-clor hữu cơ).
Thủ tục tố tụng mà bà Trần Tố Nga, 73 tuổi, bệnh tật hành hạ từ nửa thế kỷ nay, tiến hành là để đòi công lý cho mình, và thông qua bản thân mình, tranh thủ được sự thừa nhận, lần đầu tiên, một tội ác to lớn. Thủ tục này do Luật sư William Bourdon và những cộng sự viên (nam nữ) của ông thực thi, là một vụ án khó khăn về kĩ thuật, và rất tốn kém. Thật vậy, khác với vụ kiện mà các nạn nhân đã tiến hành trên đất Mỹ, vụ kiện hiện nay đòi hỏi một thừa phát lại Pháp trao trát tòa cho 37 thừa phát lại Mỹ (tương đương với con số công ti hóa chất liên quan), thông qua thủ tục công tố ngoại giao, đó là chưa kể toàn bộ các tài liệu và phụ lục phải được biên dịch và chứng thực hữu thệ. Phải chờ đợi là các đại công ti này sẽ huy động một đội ngũ trạng sư thiện chiến, và trong trường hợp tòa tuyên án thuận lợi cho bà Nga, họ sẽ kháng án. Và phí tổn sẽ tiếp tục, thêm hàng chục nghìn Euros nữa.
Bà Trần Tố Nga không có khả năng chi trả những tổn phí như vậy. Do đó, một nhóm tập thể được thành lập, kêu gọi sự hỗ trợ của các hội đoàn và cá nhân hướng về Việt Nam. Và của tất cả những ai cảm thấy liên đới, muốn thể hiện tình cảm ấy bằng đóng góp tài chính. Với sự hỗ trợ của CIS, những diễn đàn quốc tế sẽ được kích hoạt để thông tin cho hàng triệu thành viên.
André BOUNY
NGUỒN (nguyên tác tiếng Pháp) : AGENT ORANGE VIÊT NAM
© bản dịch tiếng Việt : Nguyễn Ngọc Giao
André Bouny, có hai con nuôi người Việt Nam, là chủ tịch Ủy ban Quốc tế ủng hộ những nạn nhân Việt Nam của chất Da Cam (CIS), tác giả cuốn sách Agent Orange, Apocalypse Viêt Namwww.editionsdemilune.com). Bị khuyết tật bẩm sinh (bệnh spina-bifida, tiếng Latinh nghĩa là « mũi gai toẽ làm hai », khiến ông phải di chuyển bằng xe lăn hay đi lại khó khăn với đôi nạng). Mặc dầu khuyết tật, ông đã tích cực tham gia và chủ xướng nhiều hoạt động chống chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là chiến tranh hóa học. Ông đã đi Việt Nam nhiều lần, mang sang hàng tấn vật liệu y khoa, và tổ chức giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Cuốn sách Agent Orange, Apocalypse Viêt Nam (do nhà sử học Howard Zinn và luật sư William Bourdon viết lời tựa và lời dẫn) là kết quả những nghiên cứu về tính chất và hậu quả chiến tranh hóa học, những tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và thực tiễn Việt Nam, được trình bày một cách mạch lạc, dễ hiểu và chính xác.
1 TCDD là tên tắt của hóa chất 2,3,7,8 - Tétrachlorodibenzo-para-dioxine, một phân tử có thể hòa tan trong mỡ, nên có thể tích lũy trong các loại mỡ gọi là « mỡ hậu cần » trong cơ thể người lớn, bài tiết rất chậm, trung bình « nửa tuổi thọ » của dioxine là 7-10 năm, nghĩa là trong thời gian ấy, 50% chất dioxine tích tụ trong người được bài tiết, chủ yếu qua phân. Trong trường hợp đặc biệt phụ nữ mang thai : bà mẹ truyền hơn 50% dioxine chưa chất trong mỡ sang thai nhi. Đứa trẻ sinh ra, bà mẹ còn tiếp tục truyền dioxine sang đứa con sơ sinh khi cho con bú (trong sữa có mỡ). Đối với phụ nữ nhiễm độc Da Cam với nồng độ cao, đứa con đầu lòng sẽ bị nhiễm độc nặng, với những hậu quả thảm khốc, đi từ sẩy thai đến tình trạng đứa bé siêu động, thậm chí tự kỷ, hoặc dị dạng. Nên biết là dioxine có khả năng làm xáo trộn nội tiết (nhất là các hormone tính dục), nên dễ gây ra sẩy thai, vì thai nhi không có khả năng đề kháng đối với độc tố dioxine truyền sang từ bà mẹ. Tất nhiên, trong những lần thai nghén tiếp theo, khối lượng dioxine bà mẹ truyền cho con giảm đi nhiều, trừ phi, sau lần đẻ trước, bà mẹ tiếp tục bị nhiễm độc.
Người cung cấp một số thông tin vừa kể trên là Giáo sư André Picot (thành viên CIS), chuyên gia về độc tố học, giám đốc nghiên cứu danh dự CNRS (Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp), chuyên gia danh dự bên cạnh Liên hiệp Châu Âu về định chuẩn hóa chất trong môi trường lao động (Ủy ban, SCOEL, Luxembourg), Chủ tịch Hội Độc tố - Hóa học Paris.
2 Bà Nga là phụ nữ gốc Việt đầu tiên được trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Không bàn luận gì về huân chương này, chỉ cần ghi nhận rằng đó là bằng chứng về mức độ hội nhập lâu năm của đương sự vào xã hội Pháp.
3 Một ngày tháng không thể nào quên, vì tình cờ làm sao, nó có ý nghĩa tượng trưng có thể nói là xy-níc : 9.8 (năm 1945) là ngày ném bom nguyên tử xuống Nagasaki (ba ngày sau Hiroshima), và hôm sau (năm 1965) là ngày chất độc Da Cam được rải, lần đầu tiên, ở Việt Nam.
4 Hàng triệu nạn nhân, và diện tích các vùng đất phải giải trừ chất độc.
5 1965 là năm chất Da Cam được sử dụng lần đầu tiên ở Việt Nam (trước đó, từ năm 1961, Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều loại hóa chất khác, gọi là chất « màu cầu vồng » : Xanh lá cây, Tím, Hồng, Xanh và Trắng, mà tính độc hại cũng tương đương, đôi khi lớn hơn Da Cam).
Các thao tác trên Tài liệu