Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tây Nguyên du ký

Tây Nguyên du ký

- Vũ Ngọc Tiến — published 07/06/2009 09:44, cập nhật lần cuối 07/06/2009 09:44
Rất may, tại hiện trường thi công xây nhà máy, tôi gặp 2 kỹ sư người Trung Quốc, một họ Lỗ, 51 tuổi, còn anh họ Vương, 43 tuổi. Nghe tôi nói tiếng Bắc Kinh lưu loát, họ tưởng tôi là người Trung Quốc mới sang nên vồ vập chuyện trò, nói cười ngả ngớn, không hề giữ kẽ. Cả hai đều là người Quan Đông, xứ lạnh, chưa quen với khí hậu và văn hóa ẩm thực phương Nam. Ông Vương cho biết, người Trung Quốc ở Nhân Cơ ít hơn rất nhiều so với Tân Rai, chỉ có khoảng vài chục người, đều là chuyên gia kỹ thuật, quê ở Quan Đông hoặc Liêu Ninh, hưởng lương rất cao so với ở quê nhà và gấp 5- 7 lần lương của chuyên gia kỹ thuật Việt Nam. Hỏi chuyện về chuyên môn, ông Lỗ cho biết: “Quặng bauxite Tây Nguyên có hàm lượng alumin rất thấp, chỉ đạt 9- 10% ở Tân Rai, còn ở Nhân Cơ tốt hơn tí chút, đạt 11-12% nên lượng bùn đỏ thải ra hồ chứa mỗi năm vô cùng lớn. Vì áp dụng công nghệ tuyển ướt nên cần lượng nước đầu vào rất nhiều. Mùa mưa có thể dùng nước trên mặt, chứ đến mùa khô có lẽ phải cần thêm giếng khoan nước nước ngầm mới đủ dùng. Nước thải sau tuyển quặng đương nhiên sẽ tồn dư thành phần kim loại nặng và hóa chất…” Nghe ông Lỗ nói, tôi rùng mình liên tưởng đến thảm họa môi trường ở mỏ măng-gan Tốc Tác- Cao Bằng gần 20 năm trước. Ban lãnh đạo TKV hoặc bất cứ ai trong nghề địa chất, khai khoáng đều biết rõ thảm họa khủng khiếp này. Chỉ trong một đêm, bãi thải của mỏ từ trên cao gặp mưa lũ đã đổ ập hàng chục triệu mét khối đất, đá xuống thung lũng, chôn sống hơn 300 người! Bài học Tốc Tác- Cao bằng còn đó, rồi nguy cơ ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, ảnh hưởng đến 16 triệu dân của miền Đông Nam Bộ.


Tây Nguyên du ký


Vũ Ngọc Tiến



Khoảng 10 năm lại đây, nhất là sau chuyến tìm mộ chú em hy sinh năm 1972, nỗi ám ảnh chiến tranh và kỷ niệm thời trai trẻ cứ hút hồn tôi về với Tây Nguyên. Nơi ấy có máu xương của mấy chục người bạn học cũ của tôi, thuộc khóa tốt nghiệp phổ thông năm 1964. Nhớ lắm, thằng bạn ngồi cùng bàn Nguyễn Văn Toại nghịch như quỷ sứ và Văn Đức Trì ngồi sau lưng tôi, củ mỉ cù mì nhưng vừa giỏi toán, lý lại giỏi cả văn. Hai đứa cùng chết thảm ở dốc Đầu Lâu phía Bắc thị xã Kon Tum năm 1972. Bạn bè kể lại, trận đánh ấy ta ém quân bị lộ nên cả trung đoàn tan tác, chết hơn 1000 người; trong đó, khóa học sinh lớp 10 trường tôi có đến hơn hai chục đứa chết “tan xác pháo” theo đúng nghĩa của từ này.

Mỗi lần lên Kon Tum, tôi chỉ còn biết tìm dốc Đầu Lâu, ứa lệ thắp nhang bái vọng ra bốn phương tám hướng chứ làm sao dò được hài cốt bạn mình hở giời! Còn một lý do khác nữa hối thúc tôi đi Tây Nguyên, bởi 5 năm đầu sau ngày thống nhất (1975- 1980), tôi theo đoàn công tác của Cục Vật lý địa chất đi khắp các tuyến đường mòn trên Tây Nguyên đo đạc tài liệu ‘Trọng lực mặt đất’ và ‘Xạ ô tô’ để tìm tài nguyên khoáng sản cho công cuộc tái thiết đất nước sau này. Nhờ thế, ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, tôi đã biết đến nguồn tài nguyên bauxite rất lớn ở Đăk Mil, Đắc Lấp, Đăk Song, Măng Đen, Bảo Lộc… 

“Đi bụi” giữa Tây Nguyên

Mùa mưa năm Kỷ Sửu (2009) này tôi lại đi Tây Nguyên. Những lần trước, tôi đi đều có xe đưa đón, nhờ chú em kết nghĩa Trương Công Liêm ở Kon Tum lo liệu chu đáo. Liêm có cô em gái Sáu Phường, là chủ hãng xe Đăng Khoa, với gần 20 đầu xe loại 50 ghế nằm chất lượng cao chạy các tuyến trong Nam, ngoài Bắc. Tôi chỉ cần ra bến xe Giáp Bát, nằm dài trên xe có máy lạnh 2 đêm một ngày là tới Kon Tum. Lên đó, tôi muốn đi đâu đã có xe con đưa đi tiếp, ăn nhậu tối ngày. Lần này lên tới Kon Tum tôi quyết “đi bụi” một chuyến khắp Tây Nguyên theo kiểu “Tây ba lô”, vẫy xe dọc đường, xuống xe bất chợt và lang thang tùy thích. Đi để ngắm cái văn hóa “đàn ông là sấm, đàn bà là sét” của người Tây Nguyên; nhập hồn vào núi rừng đại ngàn mong gặp bóng ma bạn bè chết trận ở đâu đó; tìm lại dấu chân thời trai trẻ hăm hở thăm dò tài nguyên khoáng sản nên đã mấy lần chết hụt dưới họng súng của FULRO (Front Uni de Lutte des Races Opprimées, tiếng Pháp, có nghĩa Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên do Y Bham Enoul lập ra dưới thời Ngô Đình Diệm. Ghi chú của BXVN) hay đói vàng mắt cua vì gặp mưa lũ kéo dài… 

Có đi tới các huyện phía Bắc Kon Tum, vào sâu tận thôn làng người dân tộc mới thấm thía hết cái nghèo và sự khốn cùng của bà con Xơđăng, Bah Nar, Giarai, Giẻ-Triêng  sau 34 năm giải phóng và 23 năm đổi mới kinh tế nước mình. Tôi đi thăm Đắc Plei, nơi có trận đánh nổi tiếng thời chống Mỹ theo lời kể của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo; rồi đi xe ôm 25 km đường rừng, tìm bằng được ngôi trường tiểu học mà Kiều, đứa con gái thứ ba của Liêm đã dạy học hơn 10 năm ở đó. Trường vẫn y nguyên như ngày Kiều mới vào nghề năm 1995, xơ xác 3 dãy nhà tranh xiêu vẹo, lèo tèo mỗi lớp hơn chục học trò đủ mọi lứa tuổi.  Đứa cao ngồng hơn cô giáo Kiều vài phân, đứa nhỏ thó, đen gầy, áo quần nhếch nhác. Ở đây, rừng bị tàn phá, muông thú hết, nương rẫy khô cằn vì thiếu nước nên cha mẹ chúng lo ăn chẳng đủ, thiết gì cho con đi học phổ cập tiểu học đúng độ tuổi.

Đến tận nơi chứng kiến, tôi hiểu vì sao sau hơn 10 năm cống hiến, tuổi xuân hơ hớ qua đi, Kiều từ bỏ chức vụ Hiệu phó để về thị xã lấy chồng, an phận làm cô văn thư đánh máy qua ngày. Nghèo khổ, lam lũ như vậy, nhưng ở Bắc Kon Tum tôi gặp rất nhiều cổng chào bằng sắt ở đầu con đường đất dẫn vào thôn làng của người dân tộc, trên đó treo biển “Thôn văn hóa”, thậm chí nhà rông cũng có tên “Nhà rông văn hóa”. Vào nhà rông lợp tôn thay vì lợp cỏ, chẳng thấy chiêng, ché, sừng trâu mà chỉ thấy toàn khẩu hiệu suông. Có lẽ vì thế, những ngày lễ hội, trai gái trong thôn cũng bỏ luôn tục lệ ngủ đêm tập thể ở nhà rông, để cái tay con trai như con ma rừng lần mò tìm bạn tình trong bóng đêm huyền bí. Một già làng bảo với tôi: “Người Bah Nar chúng tao biết gì về thôn hay làng văn hóa đâu, chỉ biết cán bộ trên cây thì tốt, còn cán bộ dưới đất thì đa phần đều dở như cục phân trâu cả thôi.” Hỏi ra mới biết cán bộ trên cây của già là cái loa truyền thanh, chỉ toàn nói lời hay ý đẹp, khác hẳn cán bộ bằng xương bằng thịt ở dưới mặt đất. Chợt nhớ lời nhà văn Nguyên Ngọc nói với tôi tại cuộc hội thảo của Viện IDS ở Hà Nội: “Tây Nguyên là cả một bảo tàng dân tộc học hoành tráng và sống động không chỉ của Việt Nam mà của nhân loại. Tiếc rằng ta đang hủy hoại nó một cách phũ phàng, vô ý thức!” 

Những ngày nhập vai “Tây ba lô” đi bụi, vẫy xe nhảy cóc nhiều chặng trên suốt đọan đường quốc lộ 14 dài gần 200 km, từ Pleiku (tỉnh lỵ của Gia lai) đi Buôn Mê Thuột (tỉnh lỵ của Đăk lăk), với tôi thật nhiều ý nghĩa, tràn đầy cảm xúc. Dọc theo đường đi, các huyện Chư Sê của Gia lai, Ia Súk, Krông Pút của Đăk lăk có những đồi thông tuyệt đẹp dọc 2 bên đường quốc lộ. Vượt qua đồi thông, đi vào các xã, tôi đi giữa những cánh đồng bát ngát trên cao, đỏ tươi màu đất bazan, xanh mướt màu xanh của cây cà phê, hồ tiêu, ngô, đậu… và rực rỡ những đàn bướm vàng bay lượn trên thảm cỏ trổ đầy hoa dại. Nắng gió ở đây như cũng có mùi hương ngây ngất, quyến rũ lòng người. Cả những trận mưa đầu mùa của Tây Nguyên cũng cho tôi cảm giác lâng lâng vì được chiêm ngưỡng sức mạnh kỳ bí của thiên nhiên hùng vĩ.

Không thể phủ nhận sự đổi thay sâu sắc, xu thế phát triển của Tây Nguyên 10 năm gần đây, tại các thành phố, thị xã, thị trấn mà tôi đã đi qua, cho dù nó chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của vùng đất này. Có lẽ Pleiku là điểm sáng nổi bật nhất về quy mô phát triển và tốc độ tăng trưởng so với các đô thị khác, nhờ vào sự đóng góp không nhỏ của các đại gia thuộc khối kinh tế ngoài quốc doanh. Ở Pleiku, ngoài thủy điện Ya-Ly, khu du lịch Biển hồ, công viên Đồng xanh mang đậm màu sắc văn hóa các dân tộc… Đi đâu tôi cũng gặp dấu ấn đầu tư của tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai và khoảng 5- 7 doanh nghiệp thuộc hàng đại gia khác, làm nên vẻ đẹp và tầm vóc một đô thị hiện đại trên cao nguyên lộng gió. Một người bạn thân là nhà nghiên cứu kinh tế ở TP Hồ Chí Minh có lần bảo tôi: “Việt Nam càng đổi mới, hội nhập càng lộ rõ yếu kém của kinh tế quốc doanh so với kinh tế ngoài quốc doanh. Quy mô doanh nghiệp càng to thì sự tương phản này càng lớn. Tây Nguyên có cái may mắn vì ở đó tiềm năng lớn, nhưng có nhiều lĩnh vực mà kinh tế quốc doanh còn bỏ trống hoặc ở dạng sơ khai sẽ là cơ hội tuyệt vời cho kinh tế ngoài quốc doanh phát triển.” Điều này có lẽ đúng với Pleiku, vì Buôn Mê Thuột có tiềm năng lớn hơn mà quy mô phát triển, tốc độ tăng trưởng thua Pleiku trong những năm sau này và Đăk Lăk có vẻ thua Pleiku về yếu tố kinh tế ngoài quốc doanh. Đến Buôn Mê Thuột lần này, tôi chỉ dành thời gian thăm đình Lạc Giao thờ Đào Duy Từ làm Thành Hoàng của làng. Hóa ra không chỉ có Võ Đại tướng hôm nay mà hơn 400 năm trước, trên bước đường lãng du tìm hiểu địa lý- chính sự- dân tình các vùng đất phương Nam để quay về Thuận Hóa giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên hoạch định chiến lược mở cõi, nhà chính trị và quân sự thiên tài họ Đào ấy đã từng lên Tây nguyên, hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng về địa chính trị- quân sự của vùng đất này. Ai bỏ qua hoặc cố tình không hiểu sẽ mang trọng tội với dân tộc và lịch sử. 

Một ngày ở Nhân Cơ

Ngay từ lúc còn ở Hà Nội, tôi đã xác định cái đích cuối cùng của chuyến lãng du Tây Nguyên phải là Nhân Cơ, bởi Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đang gây xôn xao dư luận, làm nóng nghị trường Quốc Hội. Là người viết văn, viết báo, nhưng có một thời trai trẻ tôi vốn là kỹ sư Địa vật lý, từng khảo sát cấu trúc mỏ bauxite bằng các phương pháp đo đạc giá trị các trường vật lý ở Lạng Sơn (1971) và Tây Nguyên (1978) nên tôi hiểu biết chút ít về loại mỏ quặng này. Điều đầu tiên, khiến tôi trăn trở suy nghĩ là vì sao phía Trung Quốc lại phớt lờ nguồn lợi khai thác bauxite ở Lạng sơn, Cao Bằng, chỉ nhăm nhăm hướng tới các mỏ ở Tây Nguyên?

Từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, đoàn địa chất 49 của Tổng Cục Địa Chất, dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Hung-ga-ri đã tiến hành thăm dò tỉ mỉ, đánh giá trữ lượng chuẩn xác ở mức phục vụ cho khai thác bauxite ở Lạng Sơn và Cao Bằng là thuận lợi thứ nhất. Các mỏ này rất gần khu công nghiệp khai khoáng, chế biến quặng ở huyện Khai Viễn- Vân Nam- Trung Quốc nên giá thành vận chuyển sản phẩm về nước thấp là thuận lợi thứ hai. Hàm lượng alumin trong quặng cao gấp 5- 6 lần ở Tây Nguyên nên công nghệ làm giàu quặng đạt tiêu chuẩn thương phẩm hóa trên thị trường quốc tế rất đơn giản là thuận lợi thứ ba. Trữ lượng quặng ở Lạng Sơn, Cao Bằng theo báo cáo trình Quốc Hội của Bộ Công Thương dẫu chỉ có 449 triệu tấn, nhưng do hàm lượng alumin trong quặng cao nên tương đương hơn 2 tỷ tấn quặng ở Tây Nguyên, là thuận lợi thứ tư. Với ngần ấy lợi thế mà mỏ bauxite Lạng sơn-Cao bằng vẫn không đủ hấp dẫn người Trung Quốc thì chắc hẳn Tây Nguyên còn có nhiều hấp dẫn khác cuốn hút họ mà tôi chưa biết chăng? Mang nặng trong lòng điều trăn trở ấy, cùng nỗi ám ảnh từ 3 lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi hăm hở tìm về Đắk Nông.  

Rời Buôn Mê Thuột, tôi ra quốc lộ 14 vẫy xe đò đi TP Hồ Chí Minh, đến ngã ba Đầm Hồ xuống xe đi tiếp một chặng xe ôm chừng 3 km là vào trung tâm thị xã Gia Nghĩa, thủ phủ tỉnh Đắk Nông (trước 1975 gọi là tỉnh Quảng Đức). Thị xã Gia Nghĩa có 3 khách sạn lớn, sang trọng do nhà đầu tư nước ngoài hoặc từ TP Hồ Chí Minh lên xây dựng, nằm trên 3 quả đồi tuyệt đẹp, song tôi chỉ dám dạo qua cho biết rồi nhờ người lái xe ôm tìm giúp một khách sạn loại trung bình. Tình cờ tôi được đưa đến khách sạn ‘Hà Nội Phố’. Thật thú vị vì chủ khách sạn tên Bảo, người phố Giảng Võ ngoài Hà Nội vào đây lập nghiệp vừa được tròn hai tháng. Giữa nơi đất lạ gặp người đồng hương Hà Nội nên chủ- khách bỗng thành thân mật. Bảo khoe: “Em vào đây lập nghiệp vì biết Gia Nghĩa đang được quy hoạch thành Đà Lạt thứ hai của cao nguyên”. Được cái lợi thế, Gia Nghĩa gần Tp Hồ Chí Minh, giao thông thuận tiện hơn nhiều so với Đà Lạt. Phải chăng thế mạnh và hướng phát triển của Đắc Nông là tập trung tiềm lực đầu tư, sớm biến Gia Nghĩa thành nơi nghỉ mát lý tưởng cho tứ giác phát triển phía Nam đất nước và xây dựng các trung tâm công nghệ cao về sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ na-nô? Chỉ hai nguồn lợi ấy cũng đủ lớn, chẳng cần đến khai thác bauxite, và sẽ là đòn bẩy kích thích tăng trưởng cho công nghiệp chế biến nông lâm sản vốn là thế mạnh hiếm có của vùng đất đỏ ba-zan màu mỡ bậc nhất Tây Nguyên này. Ở phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa có nông trường chè của một ông chủ Đài Loan, trồng loại chè đặc sản, ứng dụng công nghệ cao chế biến và đóng gói tại chỗ, chở về nước họ, thu lãi lớn suốt 12 năm nay là một gợi ý tốt cho các nhà quản lý tỉnh Đắk Nông tham khảo, hoạch định chiến lược phát triển.  

Tôi đã nghe giải trình của tập đoàn TKV và Bộ Công Thương nói rằng, nơi có thân quặng bauxite thường là nơi đất cằn, năng suất cây trồng thấp. Bằng trí nhớ của người địa chất và chiếc la bàn trong tay, tôi dễ dàng tìm lại được những thân quặng bauxite ở Đắk Mil, Đắk Song. Lớp đất trồng ở đó đa phần là mầu mỡ, độ ẩm cao vì bauxite Tây nguyên thuộc thành tạo Laterit, có bản tính ngậm nước, giữ ẩm cho cây nên năng suất hồ tiêu, cà phê khá cao, cỡ 2 tấn cà phê/1 mẫu. Ở Đắk Mil, tôi vô tình phát hiện ra một sự thật đáng quan ngại hơn. Từ ngã ba thị trấn Đăk Mil có con đường đi về hướng Tây chỉ 5 km là đến tỉnh biên giới Mondol kiri của Căm-pu-chia, chính là nơi mà Trung Quốc đã mua đứt một vùng đất rộng lớn, đặc quyền khai thác trong 99 năm.

Ngày cuối cùng ở Đắk Nông, tôi dành thời gian đi Nhân Cơ vì ở đó có trụ sở công ty khai khoáng, nhà máy tuyển quặng do người Trung Quốc đang chỉ huy xây dựng và khai trường mở vỉa quặng đã hoàn tất việc san ủi…Nhân Cơ nằm cách thị xã Gia Nghĩa chừng 13 km theo đường quốc lộ về hướng Bù Đăng. Đây là một xã lớn và trù phú nhất của huyện Đắk Lấp, gồm 12 thôn. Phạm vi khu mỏ chạy dọc bên trái con đường liên xã từ Nhân Cơ đi Nhân Nghĩa- Đạo Nghĩa- Đắk Sin và chiếm toàn bộ diện tích các thôn 4 của người dân tộc và thôn 11, 12 của người Kinh ở Nhân Cơ. Trụ sở công ty và nhà máy đặt tại thôn 11. Việc di dân, đền bù đất, giải tỏa mặt bằng diễn ra từ năm 2007, nhưng đến nay chưa hộ nào được nhận đủ tiền. Giá đền bù cũng rất rẻ mạt, mỗi hộ chỉ được đền bù 300 m2 đất thổ cư với mức 300 ngàn/m2 gần đường nhựa, còn xa đường nhựa là 150 ngàn/m2. Số diện tích đất còn lại quy tất cả vào đất nông nghiệp, chỉ đền bù một mức thống nhất là 40 triệu/1 mẫu đất, gần đây nâng lên 105 triệu/1 mẫu. Anh Nguyễn Văn  Mỹ , sinh năm 1978, ở thôn 11, có vợ và 1 con gái 3 tuổi, gặp tôi than thở: “Hộ của cháu có hơn 2 mẫu trồng hồ tiêu, cà phê mỗi năm thu nhập khoảng trên dưới 100 triệu. Nhà nước đền bù rẻ mạt vẫn phải cắn răng đi mua đất khác mà gây dựng lại, nhưng chỉ mua được non nửa diện tích bị mất thôi, bác nhà văn ạ!” Tôi hỏi: “Chẳng lẽ đất trồng cà phê cũng đền bù như đất trồng khoai mì hay bỏ hoang?” Anh đáp: “Bất công, vô lý là thế, nhưng dân còn biết kêu ai!”

Chia tay Mỹ, tôi thử liều xông thẳng vào bên trong khu vực nhà máy la cà quan sát và hỏi chuyện. Đến ngôi nhà nhỏ của đội khảo khảo sát địa chất, tôi gặp Đức, kỹ sư hóa nghiệm của Liên đoàn địa chất 10 (Cục Địa Chất- Bộ Công thương). Anh được điều động biệt phái sang giúp TKV phân tích mẫu quặng bauxite. Đức cho biết, đội khảo sát chỉ có 7 người, đến Nhân Cơ cuối năm 2007, nay đã rút về Hà Nội hết, chỉ còn anh là người duy nhất ở lại. Là người hiểu nghề, biết việc nên chỉ cần trò chuyện với Đức thoáng qua vài phút, tôi hiểu ra, TKV rất ít người am hiểu về bauxite. Họ tổ chức thăm dò trữ lượng khai thác ở Tân Rai, Nhân Cơ đều đại khái, qua loa cho đủ thủ tục, chứ không làm công phu, bài bản theo quy trình nghiêm ngặt như ngành địa chất xưa nay vẫn từng áp dụng.

Rất may, tại hiện trường thi công xây nhà máy, tôi gặp 2 kỹ sư người Trung Quốc, một họ Lỗ, 51 tuổi, còn anh họ Vương, 43 tuổi. Nghe tôi nói tiếng Bắc Kinh lưu loát, họ tưởng tôi là người Trung Quốc mới sang nên vồ vập chuyện trò, nói cười ngả ngớn, không hề giữ kẽ. Cả hai đều là người Quan Đông, xứ lạnh, chưa quen với khí hậu và văn hóa ẩm thực phương Nam. Ông Vương cho biết, người Trung Quốc ở Nhân Cơ ít hơn rất nhiều so với Tân Rai, chỉ có khoảng vài chục người, đều là chuyên gia kỹ thuật, quê ở Quan Đông hoặc Liêu Ninh, hưởng lương rất cao so với ở quê nhà và gấp 5- 7 lần lương của chuyên gia kỹ thuật Việt Nam. Hỏi chuyện về chuyên môn, ông Lỗ cho biết: “Quặng bauxite Tây Nguyên có hàm lượng alumin rất thấp, chỉ đạt 9- 10% ở Tân Rai, còn ở Nhân Cơ tốt hơn tí chút, đạt 11-12% nên lượng bùn đỏ thải ra hồ chứa mỗi năm vô cùng lớn. Vì áp dụng công nghệ tuyển ướt nên cần lượng nước đầu vào rất nhiều. Mùa mưa có thể dùng nước trên mặt, chứ đến mùa khô có lẽ phải cần thêm giếng khoan nước nước ngầm mới đủ dùng. Nước thải sau tuyển quặng đương nhiên sẽ tồn dư thành phần kim loại nặng và hóa chất…”  

Nghe ông Lỗ nói, tôi rùng mình liên tưởng đến thảm họa môi trường ở mỏ măng-gan Tốc Tác- Cao Bằng gần 20 năm trước. Ban lãnh đạo TKV hoặc bất cứ ai trong nghề địa chất, khai khoáng đều biết rõ thảm họa khủng khiếp này. Chỉ trong một đêm, bãi thải của mỏ từ trên cao gặp mưa lũ đã đổ ập hàng chục triệu mét khối đất, đá xuống thung lũng, chôn sống hơn 300 người!  Bài học Tốc Tác- Cao bằng còn đó, rồi nguy cơ ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, ảnh hưởng đến 16 triệu dân của miền Đông Nam Bộ.

Ở xứ mình mạng người rẻ quá chăng!!!??? 

Lời kết

Tôi trở về ‘Hà Nội Phố’, ngồi uống cà phê trong quán ở sân khách sạn, thiết kế tuyệt đẹp và tao nhã theo phong cách của người Tràng An thanh lịch, mà lòng buồn se thắt. Cơn mưa đầu mùa ở Đắk Nông dài lê thê, nước tuôn xối xả. Ngoài đường có tấm áp phích cực lớn, kỷ niệm 5 năm thành lập tỉnh Đắk Nông (2004- 2009). Tôi nhìn hình vẽ thành phố Gia Nghĩa trong tương lai trên áp phích qua ánh chớp nhập nhoàng, hồi nhớ lại tất cả tài liệu chính thống của Nhà nước về Đắc Nông mà mình đã tra cứu trên mạng internet, sắp xếp lại theo trình tự thời gian. Hình như người ta đã âm thầm chuẩn bị từng bước, rất tinh vi, bài bản cho Dự án khai thác bauxite ở Đắk Nông từ lâu rồi:

Tháng 1/2004 tách 6 huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk cũ, lập tỉnh Đắk Nông có trữ lượng bauxite chiếm 91% trữ lượng toàn Tây Nguyên.

Tháng 2/2006 điều chỉnh địa giới các xã ở 3 huyện Đắk Song, Đắk Mil, Đắk Lấp để gom các thân quặng bauxite gần nhau về cùng một đơn vị hành chính cấp xã, tiện lợi cho quản lý và khai thác.

Cuối năm 2006 giải phóng mặt bằng lòng hồ, xây đập thủy điện Đắk Rơ Lih chỉ cách Nhân Cơ 2 km theo đường chim bay, có lẽ chủ yếu phục vụ khai thác, chế biến quặng, nhưng không thấy TKV hạch toán vào vốn đầu tư của Dự án bauxite (!?).

Năm 2007 triển khai giải phóng mặt bằng, mở khai trường mỏ và xây nhà máy chế biến quặng ở Nhân Cơ.

Tháng 5/2009, Bộ Công thương trình báo cáo về Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên lên Quốc Hội, bị dư luận phê phán vì thông tin lập lờ, hiệu quả bánh vẽ!

Nửa cuối năm 2010, theo lời ông Lỗ, kỹ sư người Trung Quốc nói với tôi thì chắc chắn họ sẽ lắp đặt thiết bị cho nhà máy tuyển quặng Nhân Cơ… 

Vậy là mọi sự đã rồi, mâm cỗ đã bày lên chờ thắp nhang cúng cụ, con cháu nào dám ho he. Thư của Võ Đại tướng, kiến nghị của giới trí thức, thảo luận của đại biểu Quốc Hội phỏng có tác dụng gì? Là người viết văn, trong chuyến lãng du này tôi gặp gì viết nấy, xả bớt nỗi niềm cho mọi người cùng ngẫm, hậu thế tường minh, thế thôi! 

Vũ Ngọc Tiến

Đắk Nông 5/2009-Hà Nội 6/2009


nguồn :  Bauxite Việt Nam

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us