Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Võ Nguyên Giáp — published 03/11/2007 16:21, cập nhật lần cuối 06/11/2007 00:34
Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối quyết định phá bỏ Hội trường Ba Đình và xây Nhà Quốc hội tại địa điểm này. Ông gửi thư cho Bộ chính trị, Quốc hội và Chính phủ rồi viết "thư ý kiến" gửi các báo. Nhưng đã có lệnh của Ban tuyên giáo trung ương Đảng "không đăng tải ý kiến" vì "đã có quyết định rồi". Đại Đoàn Kết là tờ báo đầu tiên (cho tới nay, duy nhất) đã "xé rào".


Bảo tồn và tiếp tục sử dụng
hội trường Ba Đình,
chưa nên xây dựng Nhà Quốc hội
và không xây dựng tại
khu Di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu

 

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

 

Diễn Đàn đăng dưới đây toàn văn bài viết mới của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài này đã được công bố ngày 1.11.2007 trên báo Đại Đoàn Kết (cơ quan của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam) với lời toà soạn như sau : « Vừa qua, trong dư luận xã hội có lan truyền tin cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết bức thư rất tâm huyết đề nghị Trung ương xung quanh chủ trương dỡ bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng toà nhà Quốc hội mới trên khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhưng thư không được các báo đăng. Để giải toả những bức bối từ các vị cán bộ lão thành và nhiều bạn đọc có quan tâm đến vấn đề này, Đại Đoàn Kết đã đến văn phòng của Đại tướng, được xem hai bức thư gần đây gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, và bức thư dưới dạng ý kiến để đăng báo mà Đại tướng muốn đưa ra công luận. Chúng tôi xin đăng toàn văn ý kiến này, với mong muốn các tầng lớp nhân dân cũng như các cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước nên tham khảo như một sự trăn trở, day dứt của một vị khai quốc công thần trước chủ trương nói trên, dù ngành xây dựng đã trình Chính phủ và đã được Quốc hội khoá 11 biểu quyết đa số ». Sự thật là thượng tuần tháng 10 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSVN và Bộ Thông tin Truyền thông đã chỉ thị cho các báo không được đăng tải các ý kiến về việc xây Nhà Quốc hội nữa, viện cớ là « đã có quyết định rồi ». Việc báo Đại Đoàn Kết đã phải phá rào chứng tỏ lênh cấm này gây ra bức xúc trong giới báo chí và, nghiêm trọng hơn, quyết định phá bỏ Hội trường Ba Đình và xây Nhà Quốc hội trong Khu di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu gây ra phẫn nộ như thế nào trong dư luận, chứ không riêng gì giới sử học và các nhà cách mạng lão thành.

Theo những thông tin chúng tôi đã phối kiểm, đây là một quyết định đã được thông qua một cách hấp tấp và thiếu minh bạch trong Bộ chính trị cách đây một năm. Với một lí do cực kì đơn giản và hết sức đáng phẫn nộ là : ông Nông Đức Mạnh đã tin nhảm, nghe lời hươu vượn của đám nịnh thần về cái gọi là "long mạch" ở khu này. Rồi từ đó là một dây chuyền mệnh lệnh dẫn tới cuộc bỏ phiếu tháng 6 vừa qua của khoá Quốc hội mãn nhiệm kì. Thi hành quyết định này, phải nói dứt khoát, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng về chính trị, một tội ác về văn hoá và lịch sử, bất kính với tiền nhân và vô trách nhiệm với thế hệ mai sau.

Có những sai lầm không thể nào sửa chữa, thậm chí càng sửa càng sai. May thay, sai lầm về xây nhà Quốc hội chưa thuộc loại ấy. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ chính trị ĐCSVN có đủ thời gian để huỷ bỏ quyết định này, lấy lại uy tín đã bị sứt mẻ. Các đại biểu mới được bầu của Quốc hội có cơ hội để tỏ ra xứng đáng là "cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước". Ít nhất, cũng không lặp lại sai lầm của Quốc hội gần ba mươi năm trước đây đã "vì kỉ luật" mà "nhất trí" bỏ phiếu thay thế Quốc ca. 

Bài Tiến quân ca cuối cùng đã được bảo vệ. Khu di tích lịch sử 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình nhất định phải được bảo tồn nguyên vẹn.

DIỄN ĐÀN

 

  

Ngay từ đầu, khi đặt vấn đề xây dựng Nhà Quốc hội, tôi đã có ý kiến đề nghị với đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là cần bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình – một di tích không thể thiếu của bề dày lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và tôi có đề nghị hai phương án :

khubadinh

Khu vực quảng trường Ba Đình với : (1) ở giữa là  Khu di tích 18 Hoàng Diệu (với góc bên trái, phía dưới, là Hội trường Ba Đình đang bị đe doạ phá đi), (2) dọc bên phải là khu quân đội cũ với Tổng hành dinh Quân đội nhân dân đặt trên nền điện Kính Thiên cũ), (3) ở ngoài bản đồ, mép dưới, cuối đại lộ Hùng Vương là một địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng Nhà Quốc hội, song dự án này đã âm thầm bị huỷ bỏ.

  1. Nếu thật sự cần thiết phải xây dựng ngay Nhà Quốc hội lúc này thì nên chọn một vị trí khác, địa thế rộng rãi hơn. Lúc ấy tôi được biết Chính phủ đã có phương án xây dựng Nhà Quốc hội ở khu vực phía Nam quảng trường Ba Đình và chủ trương bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu kể cả Hội trường Ba Đình.

  2. Chúng ta đang cần tập trung nguồn lực để xây dựng đất nước và chúng ta vừa xây dựng khu Mỹ Đình khá khang trang hiện đại nhưng sử dụng còn hạn chế. Vì vậy, tôi đề nghị nên nghiên cứu cách vừa sử dụng Hội trường Ba Đình vừa sử dụng khu Mỹ Đình để Quốc hội làm việc, hội họp mà chưa nên xây dựng Nhà Quốc hội ngay lúc này.

Đến tháng 10-2006, tôi rất bất ngờ và sửng sốt được biết Bộ Chính trị và Chính phủ lại chỉ đạo cơ quan nghiên cứu trình Quốc hội phương án xây dựng Nhà Quốc hội tại khu 18 Hoàng Diệu và tôi đã viết thư ngay tha thiết đề nghị các đồng chí xem xét lại chủ trương này.

Đến 20-2-2007, tôi đã viết bài đăng báo Nhân Dân và báo Hà Nội Mới nêu ý kiến, thủ đô chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cần phải giữ gìn, tu bổ bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng Thành xưa và các di tích cách mạng kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh như Hội trường Ba Đình, trụ sở Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân…[có thể đọc bài này trên mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam]

Vừa qua, tôi được biết ngành xây dựng lại vẫn đưa ra phương án làm Nhà Quốc hội tại khu 18 Hoàng Diệu và hơn thế nữa còn đề nghị phá bỏ cả Hội trường Ba Đình để làm Nhà Quốc hội trên khuôn viên ấy, có lấn ra xung quanh, với lý do Hội trường Ba Đình đã xuống cấp, sửa chữa rất tốn kém và đã được Bộ Chính trị, Chính phủ đồng ý trình ra Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết với đa số đồng ý (1). Lý do mà các đồng chí nêu lên không thể biện minh được. Đã là di tích lịch sử mà xuống cấp thì phải tu sửa, bảo tồn chứ không phải phá bỏ đi. Hội trường Ba Đình là một di tích cực kỳ quan trọng  của thời đại Hồ Chí Minh. Nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tâm khảm mỗi người Việt Nam. Là nơi đã diễn ra 7 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, nơi họp và làm việc của Quốc hội từ khoá II liên tiếp cho đến ngày nay, nơi đã diễn ra Hội nghị chính trị đặc biệt – một kiểu Hội nghị Diên Hồng thời đại Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ… Ấn tượng sâu sắc nhất là tại đây, Bác Hồ đã từng tham dự nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và cuối cùng, đây là nơi toàn Đảng, toàn dân ta đã tiến hành lễ tang Bác, cả nước vô cùng xúc động hướng về Hội trường Ba Đình lịch sử để tiễn biệt Bác ra đi với niềm tiếc thương vô hạn. Di tích lịch sử vô giá ấy sao chúng ta có thể xoá bỏ đi được.

khuhoangdieu

Toàn bộ Khu di tích 18 Hoàng Diệu (bên trái là Quảng trường Ba Đình): góc dưới, trái là phạm vi Hội trường Ba Đình. Khi trình Quốc hội, "Ban dự án" đã lập lờ đính kèm bản đề nhằm xây lấn (vùng có đường viền xanh đậm), khi bị phanh phui thì nói chữa là... "vẽ nhầm".

Về mặt kiến trúc, đây còn là một hội trường lớn nhất, đẹp nhất của kiến trúc Việt Nam thời bấy giờ.

Chúng ta nghĩ thế nào khi thấy cần phải bảo tồn Dinh Độc lập (Hội trường Thống Nhất) mà lại quyết định phá bỏ Hội trường Ba Đình ?

Hiện nay, mặc dầu Quốc hội đã biểu quyết, nhưng cán bộ và nhân dân còn có nhiều ý kiến, lòng dân chưa yên. Nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ cấp cao, nhà khoa học đề nghị Quốc hội cân nhắc lại và ngay trong Quốc hội vẫn còn trên 30 đại biểu biểu quyết không tán thành phá bỏ Hội trường Ba Đình.

Riêng tôi, một lân nữa xin nêu lại ý kiến dứt khoát không nên làm nhà Quốc hội tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và tuyệt đối không được phá bỏ Hội trường Ba Đình.

Tôi đồng ý với ý kiến của anh Võ Văn Kiệt đã nêu trên báo Thanh Niên là nếu Hội trường Ba Đình xuống cấp thì tu sửa lại. Chúng ta có đầy đủ khả năng làm được việc ấy.

Vì vậy tôi tha thiết đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cân nhắc lại, bàn lại chủ trương này. Trước khi bàn cần lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ và nhân dân. Hiện nay Ban dự án đang trình bày các mô hình Nhà Quốc hội để lấy ý kiến của nhân dân trong cả nước, tôi đề nghị cần lấy cả ý kiến nhân dân về ý định phá bỏ Hội trường Ba Đình để làm Nhà Quốc hội lên vị trí ấy. Vấn đề này cũng nên đưa ra thảo luận trên báo chí để cán bộ và nhân dân được tham gia ý kiến. Trên cơ sở thu thập ý kiến rộng rãi của cán bộ và nhân dân, tôi đề nghị Bộ Chính trị có cuộc họp bàn lại vấn đề này. Đề nghị Quốc hội tổ chức một phiên họp toàn thể đặc biệt (không thể chỉ thảo luận ở tổ (2)) để bàn bạc, thảo luận thực sự dân chủ, phân tích kỹ những ý kiến khác nhau, lợi và hại của việc để và phá bỏ Hội trường Ba Đình, trước khi đi đến biểu quyết và có quyết định cuối cùng.

Đây là một chủ trương cụ thể, nhưng là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, lịch sử, văn hoá, tình cảm của nhân dân Thủ đô và của cả dân tộc. Chuẩn bị kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng ta càng cần phải bảo tồn thật tốt toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình. Việc xây dựng Nhà Quốc hội không nên quá lệ thuộc vào thời gian làm chỉ kịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội để quyết định vội, xây dựng vội, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thẩm mỹ kiến trúc của công trình Thế kỷ quan trọng này.

Những nội dung đề nghị trên đây tôi đã có thư gửi đến Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ngày 23 tháng 9 năm 2007.

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh ý kiến : lúc này ta cần tập trung tiền của và lực lượng để ra sức phát triển kinh tế văn hoá, thiết thực nâng cao đời sống nhân dân mà chưa xây dựng Nhà Quốc hội. Quốc hội tiếp tục sử dụng Hội trường Ba Đình và khu Mỹ Đình (hiện chưa sử dụng hết công suất, còn lãng phí) để hội họp và làm việc. Công sở làm việc của cơ quan nhà nước cũng cần được xây dựng khang trang, nhưng hãy chờ một thời gian nữa, khi đất nước thoát khỏi cảnh một nước nghèo, một nước kém phát triển rồi ta hãy xây dựng.

Trong lúc đó chúng ta tiếp tục nghiên cứu địa điểm xây dựng, chọn mô hình Nhà Quốc hội đáp ứng các yêu cầu của một công trình tiêu biểu của đất nước, có quy mô tương xứng, có chất lượng bền, đẹp vừa dân tộc vừa hiện đại, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

 

                                                                 Đại tướng Võ Nguyên Giáp





(1) Chú thích của Diễn Đàn : xem bản đồ đính kèm.

(2) Chú thích của Diễn Đàn : Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kinh nghiệm « không thể nào quên » về trò ma giáo « thảo luận ở tổ » : tại Đại hội V của ĐCSVN, để biện minh cho việc loại trừ ông ra khỏi Trung ương ĐCS, ông Lê Đức Thọ đã dùng trò này ; tại mỗi « tổ », người của « Ban tổ chức » đi rỉ tai các đại biểu là Võ Nguyên Giáp là « con nuôi của trùm mật thám Louis Marty », là Võ Nguyên Giáp « chưa bao giờ được kết nạp vào Đảng »…


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us