Thư gửi Nguyễn Trung
Thư gửi Nguyễn Trung
Lữ Phương
Sài Gòn, ngày 27 tháng 12 năm 2012
Anh Nguyễn Trung thân mến,
Trong thời gian trị bệnh tôi đã đọc xong Lũ1 của anh, nay cột sống đã bớt đau và tay không còn bị dính vào đường truyền kháng sinh nữa, tôi rị mọ “gõ” những dòng sau đây để đáp lại thịnh tình “mời đọc” của anh.
Và như lời anh dặn từ những dòng đầu, dĩ nhiên tôi đã đọc tác phẩm đó như một sáng tác hư cấu. Không phải chỉ chú ý về sự trùng tên nhân vật với những người ngoài đời mà là toàn bộ diễn biến của câu chuyện. Nhưng phải nói thật rằng, tuy có hấp dẫn vì một số tình tiết, tôi thấy tính chất gọi là “giống thật” (mà những nhà phê bình văn học hay đưa ra để đánh giá một tác phẩm theo trường phái hiện thực) của cuốn tiểu thuyết này là không cao lắm, vì hầu hết việc tạo ra tính cách và ngôn ngữ của các nhân vật, dàn dựng tình huống để các nhân vật tiếp xúc, cách thắt và mở nút cho câu chuyện phát triển… nhiều chỗ đã bị các thủ pháp cường điệu làm cho thiếu tự nhiên, nếu không nói là hơi giả tạo. Có thể phân tích nhiều chi tiết để chứng minh, nhưng tôi nghĩ nếu đi sâu hơn thì sẽ làm cho việc tìm hiểu trọng tâm vấn đề hiện thực do tác phẩm đặt ra – và ở đây là cái thông điệp chính trị cổ vũ cho cuộc chiến đấu thay đổi xã hội – không được quan tâm đúng mức.
Ấy là do chỗ tôi giả định, khi viết Lũ, cũng như trước đó viết Dòng đời, anh không coi việc trước tác nghệ thuật như một mục đích tự thân mà chỉ là một phương tiện minh hoạ một luận đề tư tưởng, nên nếu có nói gì thêm về tính chất hư cấu đó của cuốn tiểu thuyết tôi chỉ muốn ghi nhận những thuận lợi do hình thức thể hiện đó mang đến: nó cho phép nhiều quan niệm khác nhau (thể hiện nơi các nhân vật thuộc nhiều thế hệ, nhiều chỗ đứng xã hội và nhiều màu cờ), cọ sát, bổ sung, phát triển, phản biện, (cả đi sâu vào mặt nội tâm, tình cảm con người), nhờ đó luận đề tư tưởng đó của anh được bộc lộ rõ ràng, nhiều mặt, sắc bén, có phát triển và có chiều sâu hơn cả những gì đã trình bày trong các bài chính luận.
Từ sự ghi nhận đó, tôi thấy Lũ mới thật sự lôi cuốn và thật đáng quan tâm vì nó khiến người đọc từ giả thế giới viễn mơ và tưởng tượng trong văn nghệ để trở về chạm mặt không né tránh với cái đời sống thực tế mà chúng ta đang buộc phải sống – đó là cái chế độ chính trị do Đảng Cộng sản áp đặt lên đất nước này từ bấy lâu nay, nếu chưng cất lại có thể quy về hai điểm mấu chốt như sau:
• Từ ngày chiến thắng các thế lực xâm lược phương Tây, đường lối xây dựng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đem ra vận dụng đã không dẫn đến đâu ngoài tình trạng đổ vỡ toàn diện, không những bất lực, thối nát, phản dân chủ, phản nhân dân, phản nhân quyền mà còn đẩy đất nước vào vòng phụ thuộc chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
• Để thoát khỏi sự bế tắc nguy hiểm đó, Việt Nam cần phải có một cuộc thay đổi triệt để, cụ thể là phải từ bỏ mọi thứ ý thức hệ mang danh “chủ nghĩa xã hội” bất lực, chuyên chế, coi sự chuyển hướng đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện cuộc hoà giải dân tộc, từ đó hình thành đường lối phát triển dân chủ đa nguyên, hy vọng đem lại được tự chủ và phú cường cho đất nước.
Đặt vào quá trình chuyển biến chính trị ở Việt Nam, những khẳng định có tính chất khái quát và đương nhiên trên đây đã mang ý nghĩa phủ định cao nhất đối với tính chính đáng của chế độ đương quyền. Tuy vậy, khi theo dõi lịch sử của vấn đề, tôi thấy đó không phải là một cái gì thật mới lắm, vì đã có nhiều người phát biểu từ lâu, nên tôi cho rằng những nhận định ấy không thật sự làm nên sự riêng biệt về tư duy của anh. Tính chất riêng biệt đó theo tôi đã biểu hiện qua thái độ trí thức của một người hoạt động cách mạng lâu năm, đau đớn trước những sai lầm trầm trọng do Đảng của mình gây ra, vẫn kêu gọi mọi người “bám trụ”, không phải để bảo vệ Đảng chống lại các thế lực gọi là “thù địch” mà là tiến hành một cuộc đấu tranh cải tổ Đảng để hiện thực hoá những nhận định nói trên – cụ thể là từ trong nội bộ, chuyển hoá một đảng cộng sản với tư cách là một “đảng ý thức hệ” thành một “đảng dân tộc”. Qua sự diễn giải rải rác đây đó trong cuốn tiểu thuyết, tôi thấy có mấy lý do đáng chú ý được nêu ra như sau:
• Từ nguồn gốc xuất hiện của mình, Đảng cộng sản Việt Nam đã có một thời biết đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, nhờ đó Đảng đã huy động được sức mạnh của dân tộc làm nên những chuyện thần kỳ là đánh đuổi được hết đế quốc này đến đế quốc khác. Ngày nay sở dĩ hư hỏng là do Đảng đã vì lợi ích riêng (quyền lực vật chất lẫn độc quyền ý thức hệ) mà phản bội lại quá khứ, phản bội lại lý tưởng trước đây của mình. “Tha hoá” là khái niệm được nhắc lại khá nhiều lần để chỉ tình trạng suy thoái về lý tưởng đó.
• Trước sự phức tạp và nguy hiểm của tình hình, kịch bản chủ động tự cải tổ, “tự diễn biến hoà bình” phải là một chọn lựa tất yếu để Đảng tự cứu và cứu đất nước. Không can đảm và chủ động nhận ra thực chất của vấn đề là như vậy, Đảng sẽ tự “quỵ sụm”, từ đó kéo sự đổ vỡ của dân tộc: xấu nhất là khả năng dẫn tới một cuộc xung đột nội chiến không kiểm soát được giữa nhiều thế lực tranh giành quyền lực với nhau, tạo cơ hội cho các ngoại bang xen vào lợi dụng, đặc biệt là chủ nghĩa Đại Hán bành trướng ở phương Bắc đang trên đường trở thành đế quốc.
• Cuộc cải tổ của Đảng lần này như vậy không mang ý nghĩa của hai chữ “đổi mới” mòn sáo, mà là một cuộc phản tỉnh tập thể quyết liệt để từ sự chọn lựa có nội dung “tự hoá thân” đó thực hiện một “cuộc cách mạng từ bên trên” do một đảng cầm quyền chủ xướng và lãnh đạo. Cuộc chuyển đổi có ý thức về quyền lực này đã có tiền lệ trên thế giới, từng xảy ra đây đó (Myanmar gần đây), riêng trong thế giới cộng sản thì chất lượng lại khác hẳn với những gì đã diễn ra (thí dụ như ở Liên Xô trước đây): không phải là cuộc vận động cho một đường lối để có “chủ nghĩa xã hội nhiều hơn” mà là để từ bỏ bản thân cái thứ “chủ nghĩa xã hội” bất lực đó.
• Thực chất của cuộc vận động, tuy đề xuất cho Đảng Cộng sản thực hiện bằng những phân tích thiệt hơn, nhưng đó không phải là sự thỉnh cầu hoặc xin xỏ mà là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng về các nguyên tắc xây dựng đất nước, bằng phương pháp bất bạo động với nhiều hình thức gây áp lực từ thấp đến cao, âm thầm đến quyết liệt, từ việc gieo ý thức tự cường cho người dân vượt qua sợ hãi để đảm nhận trách nhiệm với cộng đồng, đến cổ vũ những hoạt động độc lập trong xã hội công dân về kinh tế, văn hoá trong đó có tính đến những cuộc biểu tình chính trị quy mô của đông đảo quần chúng…
Đọc đi đọc lại nhiều chương trong Lũ, đặc biệt các chương tranh luận về chính trị, hoặc qua bộc lộ tâm sự của một số nhân vật, tôi thấy được rõ hơn cái hậu trường tâm lý của những bài chính luận của anh – gần đây nhất trong loạt bài “Viễn tưởng”. Sự suy tưởng về vận mệnh của đất nước không thuần là sự thao tác logic của lý trí mà còn được thúc đẩy bằng một tình cảm tha thiết với con người, không phải chỉ là sự giãi bày nỗi dằn vặt của một chiến sĩ cách mạng thấy lý tưởng bị phản bội, mà còn là mong ước của một trí thức hiện đại, không tìm cách đổ lỗi cho người khác để có thể yên tâm hạ cánh an toàn mà sẵn sàng thừa nhận trách nhiệm của mình trước cái thực tại do mình góp phần tạo nên trong quá khứ, và hơn thế nữa khi nhìn lại mọi trải nghiệm cay đắng đã qua vẫn hy vọng sự tổng kết của mình có được khả năng tác động vào đời sống thực tế, căn cứ vào đó mời gọi mọi người quan tâm cùng nhau tìm ra các giải pháp hợp lý nhất, tiết kiệm thời gian và xương máu nhất để thay đổi thực tại và mở ra một thời kỳ mới cho đất nước.
Với sự thận trọng của một người biện luận chấp nhận nhìn sự việc từ nhiều phía, nhất là trong những vấn đề chính trị, tư tưởng phức tạp, anh không coi ý kiến của mình là duy nhất đúng mà chỉ quan niệm như là những cái chưa thể từ bỏ vì chưa tìm thấy cái khác thuyết phục hơn. Và đối với những khác biệt với mình, kể cả những lý sự ngang ngược của những kẻ nắm quyền bính trong tay, anh vẫn chủ trương nhẫn nhịn đối thoại. Trong tình trạng bạo lực tràn ngập khắp nơi, trong đời sống lẫn trong các lĩnh vực tinh thần, tôi hiểu được nỗi ưu tư về cuộc “cách mạng từ bên trên” mà anh đề xuất như giải pháp chủ động để tránh diễn lại những đau thương đã chia cắt dân tộc. Cũng như nhiều anh em khác đã đọc anh, tôi ngưỡng mộ thái độ kiên trì của anh trong những đề xuất đầy tính chất lý tưởng và nhân bản. Đặc biệt đối với những ý kiến về hoà giải, tôi nghĩ phía bên này lẫn phía bên kia cần lắng nghe anh. Nếu mọi người không chịu quên đi mọi hận thù, sai trái trong quá khứ, nhận thức ra được những yếu kém của cộng đồng và của bản thân để cùng hợp tác với nhau trong việc chống lại lạc hậu nghèo nàn, độc tài thối nát, thì không thể nào tạo ra được hợp lực dân tộc, ngăn cản được nguy cơ xâm lược và thống trị cận kề của chủ nghĩa thực dân Bắc Kinh.
Anh Nguyễn Trung thân mến,
Qua cách tiếp cận một số bài viết của anh, nếu những gì tóm lược trên đây được xem là phù hợp với tính cách văn hoá cùng với các luận đề mà anh đã trình bày thì, ngoài việc chia sẻ tinh thần tránh nhiệm và thái độ trung thực của anh, tôi cũng xin bày tỏ nhiều sự tán đồng xét theo cách đặt vấn đề và nhận thức thực trạng mà anh nêu ra: không nhìn được thực trạng từ gốc rễ mục ruỗng của nó (mà bây giờ đã trở thành một sự thực đương nhiên không đòi hỏi quá nhiều công sức để chứng minh) thì những giải pháp đề xuất sẽ không tránh khỏi loay hoay chắp vá và bế tắc. Nhưng xin được nói thêm rằng tôi chỉ bày tỏ sự tán đồng ấy về việc thừa nhận tính chất trầm trọng của thực trạng và sự cần thiết phải đi tìm một giải pháp triệt để, còn trong sự phân tích cụ thể tìm nguyên nhân của thực trạng đó, tôi có nhiều suy nghĩ riêng và căn cứ vào đó xin đưa ra một số gợi ý để thảo luận.
Tôi nhận thấy các vấn đề anh đặt ra và đề xuất cho cuộc canh tân chính trị đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay tuy hết sức phức tạp, nhiều mặt, nhưng tất cả đều xoay quanh hiện tượng gọi là “tha hoá” của Đảng Cộng sản như hai cánh của một bản lề: có một đảng cộng sản trước đây tốt đẹp, lý tưởng, nhưng vì đảng cộng sản ấy hiện nay đã hư hỏng, suy đồi nên mới gây ra nông nỗi, và vì thế mới phải đặt vấn đề tự cải tổ, giả định có thể kéo nó về những phẩm chất tốt đẹp ngày xưa để thực hiện cải tổ. Trong “Viễn tưởng” khi nói về hiện tượng suy đồi này anh có nêu ra hai lý do, chung quy đều lấy môi trường hoạt động mới của Đảng để giải thích, và môi trường đó là thời kỳ hậu chiến với đầy dẫy khó khăn không vượt được, từ đó anh phân liệt Đảng thành hai thực thể đối lập nhau: một đảng của hôm qua và một đảng của hôm nay, và cái cần cải tổ là Đảng hôm nay, lấy Đảng hôm qua làm chuẩn mực đạo đức.
Tôi thấy cách đặt vấn đề như vậy không khác bao nhiêu với cách sinh hoạt truyền thống của Đảng: trước tình hình và nhiệm vụ mới Đảng phải tự nâng mình lên mọi mặt để đảm nhận sứ mạng lãnh đạo mà biện pháp chủ yếu là khai thông nhận thức thông qua thảo luận, phê bình và tự phê bình. Thực chất của vấn đề là như vậy và chúng ta đều biết những cuộc vận động thay đổi về nhận thức của Đảng đã mang đến kết quả như thế nào, cao nhất cũng chỉ trong lĩnh vực kinh tế, còn trong chính trị thì vẫn giữ nguyên sự chuyên chính như một nguyên lý bất dịch.
Trong khi đó, sự diễn giải của anh lại hoàn toàn ngược lại: ngoài việc chấp nhận tác động bên ngoài vào Đảng như một áp lực thay đổi, anh còn đẩy những ý tưởng về thay đổi của mình đến chỗ phá nát hoàn toàn cái ý thức hệ làm nên tính chính danh của Đảng cùng với cả một guồng máy bạo lực để giữ cho được tính chính danh đó, dù nó đã tả tơi từ lâu trước nhiều cơn gió: anh đưa vào Đảng một điều tối kị là cái tinh thần làm nên một thể chế dân chủ đa nguyên và khuyến cáo Đảng phải tự hoá thân thành một đảng khác hẳn, với một sứ mạng cùng những phương thức hành động thủ tiêu hoàn cái bí quyết để Đảng duy trì lâu dài sự tồn tại của mình là tinh thần chống dân chủ quyết liệt và cực đoan. Nhưng như chính anh đã tự mình phân tích nhiều lần, với một đảng chính trị mà cương lĩnh cách mạng chỉ còn là những lời lẽ đầu môi, và với tư cách là một tổ chức mà giờ đây chỉ ràng buộc nhau trong thực tế bằng quyền lợi của một thứ băng nhóm, nếu có điều gì tốt đẹp còn lại thì chỉ tồn tại nơi những cá nhân đơn lẻ, một đảng như vậy thì lấy phẩm chất ở đâu để nhận lãnh sứ mạng làm một cuộc cách mạng mới cho đất nước hôm nay, khó khăn hơn trước đây rất nhiều.
Tôi có cảm giác như anh biết rõ rằng cuộc cách mạng mà anh đề xuất cho Đảng chắc chắn không có cơ sở thực tế để thành công mà vẫn kiên trì (kể cả trong trường hợp bị xem là phản động), cho rằng đó là giải pháp tốt nhất, hợp lý nhất, và vì vậy mà cũng hiểu được tại sao sau đó anh không ngớt đặt ra cho mình những câu hỏi không mấy tự tin lắm như mình có là “ảo tưởng” không, có là “hoang tưởng” không, lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho người đọc anh cảm thấy trong anh đang có một sự giằng xé giữa lý tưởng và thực tế và sự giằng xé ấy ít có triển vọng dung hợp được với nhau. Theo tôi thì nếu có điều đó thì cũng dễ hiểu: tuy đối lập về quan điểm canh tân nhưng anh chưa thoát ra khỏi cái đất đứng truyền thống của Đảng, truyền thống ấy cho rằng, không bằng cách này thì bằng cách khác, chỉ có từ bên trên nhìn xuống, Đảng mới cứu được thế gian.
Có lần tôi cũng từng nghĩ ngợi lao lung về chuyện biến chất của Đảng theo quan điểm truyền thống đó và đã nương theo một ông kịch tác gia cộng sản người Đức tên là B. Bretch phát biểu một cách rất âu yếm và nhẹ nhàng (không ác liệt như anh hiện nay đâu), rằng “xin Đảng đừng bỏ chúng tôi để đi theo con đường đúng nhất của mình vì nếu không có chúng tôi thì đó là con đường xấu nhất”, vậy mà đã bị Đảng đánh cho một trận ngóc đầu lên không nổi, nên kinh nghiệm đã cho tôi thấy không thể đứng từ tư thế của Đảng để đặt vấn đề cứu vớt thế gian được nữa. Tôi cho rằng nếu có làm được một chút gì tích cực để thực hiện được điều đó thì Đảng đã làm rồi, rõ rệt nhất là trong thời kỳ đấu tranh cho độc lập dân tộc, còn khi bước vào thời xây dựng thì như người ta nói, mọi sự đều quá tồi tệ, tồi tệ đến không thể nào tưởng tượng được. Như bây giờ làm sao tưởng tượng được một đảng ra đời vì mục đích giải phóng dân tộc và coi việc chọn lựa một ý thức hệ nào đó như cái “cần thiết” để chống xâm lược mà lại viện đến sự chọn lựa ý thức hệ ấy để thoả hiệp với bọn xâm lược! Làm sao có thể nói khác điều mà một nhân vật trong Lũ của anh đã nói, rằng với sự sa đoạ tệ hại đến như vậy thì cái đảng một thời yêu nước, nay dù “ý thức hay vô ý thức” cũng đã nghiễm nhiên trở thành cái đảng đang bị lãnh đạo bởi những kẻ bị con vi khuẩn Lê Chiêu Thống tấn công vào nội tạng rồi!
Ngay cái chuyện về ý thức hệ cứu đời
mà Đảng chọn lựa và cho là bách chiến bách thắng trong sứ mệnh đi giải
phóng thế gian khỏi mọi lầm than áp bức cũng vậy: cái lý tưởng gọi là
“xã hội chủ nghĩa” quyết khước từ mọi xấu xa của bọn tư bản chỉ biết
thờ phụng đồng tiền ô trọc, mà những nhà lý luận của Đảng luôn cho rằng
phải kiên trì tìm đường “tiến lên”, trong thực tế, như nhiều nhà nghiên
cứu đã nhận xét, với cái cách tiến lên như vậy Đảng sẽ dẫn dắt nhân dân
đi về đâu ngoài cái mà chính người khai sinh ra học thuyết cộng sản đã
chống lại: một thứ chủ nghĩa tư bản thời sơ kỳ bị xem là cực kỳ dã man,
tàn ác? Và làm sao với một đảng vẫn không ngớt thề thốt là quyết trung
thành với sứ mạng xả thân vì người khác, vì nhân dân, tổ quốc, nhưng
trong hành động thì lại mặc nhiên đi theo một thứ chủ nghĩa cơ hội thấp
kém, lấy quyền lợi và quyền lực của bè phái làm lý do sinh tồn, một
đảng như vậy thì làm sao còn đủ tư cách chính trị để được khuyến cáo
thực hiện một cuộc cách mạng chống lại bản thân nó?
Anh Nguyễn Trung thân mến,
Vấn đề biến chất (mà một nhân vật trong Lũ cho là “phản bội”) của Đảng Cộng sản theo tôi cần được nhìn qua một lăng kính khách quan hơn khái niệm tha hoá mang tính đạo đức: đó là sự chuyển động của bản thân tổ chức chính trị này trong quá trình trượt dài xuống cái dốc suy đồi không thể cưỡng lại mà lịch sử đã dành cho nó. Nếu nhận xét này là phù hợp thực tế thì điều cần xét lại trước tiên phải chính là cái học thuyết mà Đảng theo đuổi chứ không phải là cái gì khác. Do có quan tâm tìm hiểu chút ít vấn đề này, tôi có đầy đủ lí lẽ để khẳng định rằng học thuyết ấy không phải là một cái gì tuyệt hảo như những nhà lý luận của Đảng đã thuyết giáo mà chỉ là một thứ lý luận triết học-chính trị bất toàn và không tưởng ngay từ những nguyên lý. Nó ra đời trong một hoàn cảnh nhất định trong lịch sử phát triển của xã hội hiện đại và chỉ có ý nghĩa chống lại những sự tàn khốc của chủ nghĩa tư bản thời nguyên sơ chứ không phải là quy luật có tính khoa học về sự sinh thành tất yếu của tương lai. Chính vì vậy mà khi đem ra áp dụng để xây dựng tương lai, bằng bạo lực và chuyên chính, nó đã tạo điều kiện làm phát sinh những mô hình dị dạng ngày càng quái đản mà không nhà nghiên cứu nào về chủ nghĩa cộng sản không biết: từ chủ nghĩa Marx tư biện biến thành chủ nghĩa “Mác-Lênin” thực tế, rồi sau đó là chủ nghĩa Stalin, cuối cùng ở châu Á là chủ nghĩa Mao... càng về sau càng hoang đường, hung bạo.
Ở Việt Nam, điều này là quá rõ ràng: cái mà những nhà lý luận của Đảng gọi là “xã hội chủ nghĩa ”, sang tận phương Tây để tiếp nhận, sau khi đi lòng vòng rồi biểu hiện ra dưới hình thái cuối cùng của nó để quy định toàn bộ đường lối của Đảng Cộng sản của Việt Nam bấy lâu nay khi đã cướp được chính quyền, thực chất chỉ là thứ chủ nghĩa Mao sản xuất từ Trung Quốc, chứ không phải là cái gì khác; sản phẩm này đã được du nhập vào Việt Nam trong một giai đoạn rất cụ thể mà nhiều đảng viên thuộc thế hệ cũ đã biết và ngày nay những ai đi tìm hiểu lịch sử một cách khách quan cũng đã biết: đó là vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của Việt Nam đang đi vào giai đoạn quyết định thì đã được Đảng cộng sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông giúp đỡ và giành được thắng lợi. Tất cả tai hoạ của Việt Nam đã bắt đầu từ đây nhưng do nhu cầu bức thiết của cuộc tranh đấu giành độc lập vào lúc này nên Việt Nam đương nhiên coi sự giúp đỡ đó là tốt đẹp, có thể vận dụng vào việc xây dựng đất nước trong hoà bình. Không nên hiểu rằng hoàn toàn nhờ vào Trung Quốc chúng ta mới giành được độc lập từ tay thực dân, nhưng nếu không chú ý đến (hoặc cố ý bỏ qua) cái mốc thời gian quan trọng đó để nhận ra tác động to lớn của mô hình cộng sản mao-ít đối với Việt Nam, chúng ta sẽ không thể nào giải thích được sự suy đồi, mang đặc trưng Trung Quốc, diễn ra rất sớm ngay từ những năm Đảng Cộng sản Việt Nam mới vừa lên cầm quyền ở miền Bắc sau 1954 và cứ thế mà lặp đi lặp lại đến cả hơn nửa thế kỷ về sau khi đất nước đã thống nhất.
Cái cơ chế nội tại của sự suy đồi của Đảng Cộng sản như vậy càng ngày càng rõ. Với những người cộng sản yêu nước còn mơ màng đến cái lý tưởng ban đầu thì sự “phản bội” đó của Đảng có thể là một bi kịch, nhưng với đa số quần chúng là nạn nhân của nó thì đó là một thể nghiệm sai lầm không có tiền đồ. Cái chế độ độc tài mang màu sắc Stalin-Mao về xây dựng đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trong phát triển, bị nhân dân phản ứng vì vậy cũng đã bị chính những người cộng sản có tinh thần thực tế làm áp lực loại bỏ từng phần để dần dà thay thế bằng một mô hình khác. Và thật oái oăm, cái phải thay thế ấy lại được chính Đảng Cộng sản nuôi dưỡng để hình thành ngay trong lòng chế độ thù địch với nó, và đó là chủ nghĩa tư bản – dù trong thực tế có rừng rú, dã man, chưa được cải cách, bị một nhà nước chuyên chế, thối nát thừa nhận có lợi cho mình, thì đó vẫn là chủ nghĩa tư bản với những biện pháp cứu chữa có hiệu lực cho một phương thức quản lý quan liêu, áp đặt từ trên xuống. Đây cũng là phương thức giải quyết những khó khăn mà nhiều nước cộng sản đã buộc phải thực hiện. Cứ thử nhìn từ Lenin cho đến Gorbachev, từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, từ Lê Duẩn cho đến Nguyễn Văn Linh (Nguyễn Văn Linh 1986, không phải 1990), chúng ta sẽ thấy rõ sự việc đã diễn ra như thế nào. Những nhà lý luận của Đảng gọi những chính sách đó là mượn đường tạo cơ sở vật chất để “tiến lên”, nhưng rõ ràng ngoài ý thức của mình, cái cách “tiến lên” như vậy lại chính là cái cách tự “đổi màu” một cách quái dị nhất. Trước những xoay sở để tự cứu đó, dù muốn hay không, Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục lún sâu vào quá trình biến chất ngày càng trầm trọng hơn. Cái vốn “yêu nước” có được trong thời chống thực dân nay cũng đang đi đến hồi cạn kiệt, không giúp đỡ được Đảng bao nhiêu trong việc duy trì tính chính danh ý thức hệ của mình. Khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, bảo bối một thời của những nhà lý luận chính thống, nay bị xem là ngôn ngữ của một vở hài kịch vô duyên và trơ trẽn: không có chủ nghĩa xã hội mà cũng chẳng còn yêu nước nữa. Tất cả đã ung thối hết rồi!
Nhưng vấn đề đặt ra là chừng nào những chuyển động từng phần tích tụ trong quá khứ có thể tạo ra chất lượng đủ để chuyển sang một hình thái xã hội mới, thì chúng ta chưa biết được. Diễn biến hoà bình theo kiểu “nòng nọc đứt đuôi”, “đảo chánh cung đình” hay những cuộc bạo loạn mang tên một loài hoa nào đó? Đã có nhiều tiên đoán và đề xuất, nhưng do hàng loạt những yếu tố chưa thể lường trước về nhiều mặt (về lực lượng, đường lối, giai tầng lãnh đạo, sự can thiệp của nước ngoài …) một kịch bản tốt nhất nhưng có đầy đủ tính hiện thực để khả thi vẫn chưa được hình dung thật rõ ràng.
Tình hình có vẻ như ngày càng phức tạp và khó lường. Với một quá khứ máu lửa bao trùm lên cả một thế kỷ đã qua, nhất là giữa những người Việt Nam với nhau, thì trả thù, chia rẽ, hỗn loạn, độc tài, thối nát ... tất cả đều có thể diễn lại như một cái vòng oan nghiệt: bất cứ giải pháp đề xuất nào mà không quan tâm đầy đủ cái di sản nặng nề ấy sẽ không tránh khỏi rơi vào những tính toán đơn giản và mộng tưởng. Mọi việc lại càng trở nên trầm trọng hơn do những ứng xử dường như mất hết lý trí của một thể chế chỉ biết dựa vào vào súng đạn và còng số 8 để nắm chặt quyền lực. Ngoài những chính sách tuỳ tiện, ban hành chỉ để cướp đoạt của cải cho các nhóm bè cánh, cộng với những thủ đoạn trấn áp tràn lan bất chấp pháp luật và lẽ phải thông thường, tác dụng chỉ gây thêm oán ghét, tức giận đưa đến những chống đối manh động, những người lãnh đạo Đảng, để bảo vệ vị thế cô lập trong bất lực và thối nát của hệ thống, còn ngang nhiên chà đạp lên quyền lợi thiêng liêng của tổ quốc, thách thức lòng yêu nước của nhân dân bằng những thoả hiệp quỵ luỵ vô cùng nhục nhã trước cuộc xâm lấn ngày càng hung hãn của chủ nghĩa Đại Hán Trung Quốc đang chuyển hoá thành chủ nghĩa đế quốc.
Trước thực tế ấy, đọc những nhận định
của anh về cuộc khủng hoảng hiện nay, tôi không thể không liên tưởng
đến tình hình những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thể kỷ 20: nhà nước của
dân tộc bị biến thành tôi tớ của bọn xâm lược, nhân dân sống dưới sự
kìm kẹp của chủ nghĩa ngu dân, các cuộc đối kháng được nhen nhúm lên
nhưng vẫn chưa vượt khỏi những phản ứng cục bộ để hình thành một đại
chiến lược tổng thể. Hoàn cảnh ngày nay tuy có khác nhưng thực tế rất u
ám về mọi mặt. Nguy cơ mất nước đã cận kề.
Anh Nguyễn Trung thân mến,
Cũng như anh tôi không bi quan.
Ý chí thiết tha muốn thay đổi thực trạng từ nền tảng là điều tôi hoàn toàn chia sẻ với anh. Vấn đề quan trọng nhất là tạo ra nội lực cho Việt Nam trong phát triển, hội nhập thế giới văn minh và ngăn chặn được mưu toan bành trướng của chủ nghĩa thực dân Trung Quốc, tổng kết đó được mọi người đồng thuận và cũng đã được nhấn mạnh một cách đặc biệt trong các bài viết của anh. Các mục tiêu cần đạt được để hình thành một thể chế dân chủ cho tương lai – nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân – mà anh và nhiều bạn bè hay nói tới là những điều kiện thiết yếu. Sự chuyển động tích cực của những đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh dân chủ hoá đất nước, nếu đưa đến một cuộc cải tổ kiểu Gorbachev là điều đáng mong ước trên con đường đi tới các mục tiêu chung cuộc. Vấn đề đặt ra để thảo luận ở đây chỉ là vấn đề tìm đường và những gì tôi góp ý với anh cũng chỉ đặt ra trong giới hạn đó: xoay vấn đề “tha hoá” của Đảng Cộng sản, từ khẳng định về sự suy thoái phẩm chất có tính chất nội tại và chủ quan sang phương diện lý luận và lịch sử của hiện tượng, mục đích là để rọi sáng thêm thực trạng cùng với những đề xuất chấn chỉnh đi kèm theo đó, một cách khách quan và thực tế hơn.
Trong viễn cảnh đã xác định, tôi muốn tạm gác lại những giải pháp ở hai cực đối lập nhau mà theo tôi hiện nay chưa chứng tỏ được triển vọng: một là kêu gọi “giải thể” chế độ cộng sản bằng bạo lực (vũ trang hoặc chính trị) và hai là vận động cho một giải pháp “diễn biến hoà bình” theo kịch bản tự hoá thân do chính Đảng Cộng sản thực hiện. Xét trong tình thế hiện tại tôi muốn nghiêng nhiều hơn về phương hướng dựa vào những gì đã tồn tại trong thực tế để giải quyết vấn đề một cách thích hợp, theo đó có thể vận dụng lại phương châm “từng bước” và “từng phần” mà ông Lê Duẩn đã đề ra qua kinh nghiệm thời chống Mỹ, vì tôi thấy thực tế cho phép thực hiện phương châm ấy như một khả năng hiện thực. Khả năng này đã bộc lộ ngay trong quá trình “tha hoá” của Đảng Cộng sản mà theo tôi nên coi đó như một sự suy đồi khách quan và tất yếu.
Theo cách lý giải này tôi nghĩ chúng ta không nên chỉ tập trung chú ý đến mặt tiêu cực, đáng trách, đáng tiếc của sự “phản bội” của Đảng vì nếu phân tích đến cùng thì thấy chính trong quá trình suy đồi đó, Đảng đã buộc phải từ bỏ dần dần cương lĩnh nguyên thuỷ của mình bằng cách sử dụng những biện pháp của chủ nghĩa tư bản để bổ sung những kế hoạch đã bị thực tế chống trả do được thiết kế theo lý luận về “chủ nghĩa xã hội” giáo điều, không tưởng. Phương thức mệnh danh “lùi bước” này xuất hiện ở Liên Xô với Chính sách kinh tế mới (NEP) của Lenin, về sau trở thành truyền thống để các đảng cộng sản cầm quyền noi theo và đem ra áp dụng trong những trường hợp gặp khủng hoảng về phát triển. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, kinh nghiệm ấy đã được hai nước cùng “phe” còn lại, là Việt Nam và Trung Quốc, vận dụng mạnh bạo hơn: trong khi vẫn cương quyết theo Lenin duy trì nền chuyên chính của Đảng trong lĩnh vực chính trị thì về mặt kinh tế đã tiến tới bỏ dần phương thức kế hoạch hoá, cuối cùng chuyển hẳn sang cơ chế thị trường để hội nhập thế giới tư bản toàn cầu. Tuy vẫn nắm giữ một số cơ sở kinh tế nhà nước coi như là chủ bài để có thể chủ động trong điều tiết vĩ mô, đồng thời dựa vào những biện pháp độc tôn về ý thức hệ và chính trị để “định hướng” cho mọi hoạt động, nhưng trong thực tế, một số nhân tố tự do mang tính chất tư bản chủ nghĩa cũng đã phát triển, ngoài dự tính của Đảng, và dần dà trở thành phổ biến, làm đảo lộn cái trật tự xã hội đã được an bài về cấu trúc lẫn ý thức.
Tôi cho rằng cái mà chúng ta thường gọi là chế độ “toàn trị” (totalitarianism) ngày nay đã đi đến chỗ biến dạng khá nhiều đến nỗi nhiều nhà quan sát đã đặt cho hình thái mới này những tên gọi như “hậu toàn trị” (post-totalitarianism) hoặc “chuyên chế” (authorianism) hàm ý cho rằng khái niệm “toàn trị cộng sản” chỉ tồn tại một cách đúng nghĩa dưới thời Stalin ở Liên Xô, còn những hình thái sau đó chỉ là những biến thái bị pha loãng. Điều này rất dễ thấy ở Việt Nam và Trung Quốc. Cả hai đều mệnh danh “xã hội chủ nghĩa” nhưng nội dung của mấy chữ này chỉ áp dụng vào việc biện minh cho quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng và những cuộc trấn áp các xu hướng bị gọi một cách hồ đồ là “các thế lực thù địch”, còn trong thực tế, nhất là trong hoạt động kinh tế, có nhiều chuyện chẳng còn chút nội dung nào gọi là “xã hội chủ nghĩa” nữa, dù đó chỉ là thứ xã hội chủ nghĩa giả mạo kiểu Stalin và Mao. Nhiều lĩnh vực khác cũng được nới lỏng, trong nhiều trường hợp đi đến chỗ vô chính phủ, hỗn loạn. Từ trạng thái mới phát sinh này, một cái tên mới cũng đã xuất hiện, gọi đó là một thứ “chủ nghĩa tư bản phi tự do” (illiberal capitalism). Nhưng dĩ nhiên những cái gọi là “phi tự do” ở đây cũng chỉ giới hạn trong các quy định liên hệ đến những hoạt động chính trị trực tiếp (như lập tổ chức đối lập, biểu tình chống xâm lược Trung Quốc…) chứ không gộp vào đó những chuyện đi lại, làm ăn, học hành… của dân chúng.
Xét trên tổng thể thì vẫn có thể gọi đó là một chế độ độc tài dưới quyền thống trị của một đảng thiểu số tập hợp nhau dưới một hình thức tổ chức khép kín với nhân dân và được một vị cộng sản về hưu gọi đó là một thứ “vua tập thể” kiểu phong kiến, kỳ quái và lạc hậu. Nhưng dù vậy cũng cần phải ghi nhận rằng sự độc tài ấy đã mất dần tính chất gọi là “toàn diện và tuyệt đối”: việc quản lý xã hội không còn bị đồng hoá với việc kiểm soát đời sống của từng cá nhân, từ đầu cho đến chân như trước đây. Kết quả của phương thức thống trị đó đã mở ra cho người dân chút ít không khí để thở cho nên họ cũng đã tìm cách thoát ra khỏi sự “lãnh đạo của Đảng” để tạo cho mình một cuộc đời độc lập, tự chủ. Và đó chính là cơ sở để cho cái thực thể mà những nhà lý luận chính trị gọi là “xã hội công dân”, trước đây bị triệt tiêu nay đã có điều kiện để phục hồi, một trong các yếu tố nền tảng để hình thành thể chế dân chủ tương lai. Ở Việt Nam, thực thể xã hội này chưa phát triển đầy đủ nên chưa đủ sức tác động trực tiếp đến những vấn đề lớn về đường lối, nhưng dù vậy chính ở trong môi trường này, những hạt giống dân quyền và tự do đã có cơ hội nẩy mầm, trong kinh tế, văn hoá rồi dần dà lan sang chính trị, rất khó đè nén như trước đây.
Rõ ràng là nếu loại trừ phương pháp lật đổ bằng bạo lực, tất cả những ai muốn chuyển đổi chế độ bằng con đường hoà bình, không đổ máu đều buộc phải dựa vào những nhân tố thuận lợi đã có sẵn từ hiện trạng để định ra những dự án tranh đấu. Không có thẩm quyền và khả năng để bàn về những dự án này, chỉ xét về mặt lý thuyết, tôi cho rằng tất cả đều phải dựa vào những điều kiện nội tại nói trên để tìm ra những phương thức hoạt động thích hợp, và phương thức đó không có gì khác hơn là giành lấy dân chủ bằng cách từng bước đẩy lùi những mặt tiêu cực của cái mô hình cộng sản đã biến thể này. Mục tiêu được đặt ra, theo tôi, sẽ không phải là chống bất cứ thứ “chủ nghĩa xã hội” nào nữa mà là những chính sách độc tài nhân danh những chiêu bài “chủ nghĩa xã hội” để lừa dối đảng viên, lừa dối nhân dân, nhất là dựa vào sự “tương đồng ý thức hệ” để thoả hiệp với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Việc phê phán sự “tha hoá” cũng không phải là đả kích việc Đảng chấp nhận những phương pháp tư bản chủ nghĩa để phát triển kinh tế mà là tìm cách đẩy lùi những mặt tiêu cực trong cạnh tranh và bóc lột của thứ chủ nghĩa tư bản được gọi là rừng rú và dã man này.
Tính chất đa nguyên trong tư tưởng biểu hiện thành một thể chế đa đảng dựa trên pháp luật cũng là tất yếu. Theo tinh thần cải cách đó thì một đảng cộng sản theo chủ nghĩa “Mác-Lênin” phải được thừa nhận ngang hàng với một đảng mácxít theo xu hướng canh tân hoặc một đảng cộng sản đã hoá thân như anh hình dung… miễn là tất cả phải từ bỏ sự độc tôn quyền lực để chấp nhận thử thách trong các cuộc tuyển chọn của nhân dân: những sai lầm mà Đảng Cộng sản đã đem đến cho đất nước không phải là lý thuyết hoặc cương lĩnh “tiến lên” này nọ mà là cái niềm tin thực hiện lý thuyết và cương lĩnh ấy bằng sự chuyên chế của một đảng duy nhất. Điều này cũng giải thích tại sao Việt Nam từ lâu đã nói tới chuyện “nhà nước pháp quyền”, nhưng lạm quyền và lộng quyền vẫn tiếp tục hoành hành chỉ vì cái đuôi độc tài mạo danh “xã hội chủ nghĩa” đi kèm theo vẫn chưa được chặt đi. Hội nhập vào cuộc vận hành của thế giới, Đảng Cộng sản buộc phải chấp nhận nguyên lý pháp quyền phổ biến, nhưng vẫn dùng những thủ đoạn tầm thường về những “quy định” dưới luật đặt ra để từ khước thực hiện, vì thế cuộc đấu tranh kiểm soát quyền lực bằng luật pháp phải được phát khởi quyết liệt để chống lại.
Kinh nghiệm cho biết Đảng Cộng sản do
mù quáng ngạo mạn tự cho mình là người duy nhất nắm chắc chân lý nên
rất giáo điều và bảo thủ, tuy vậy trong những trường hợp thất bại hiển
nhiên, Đảng cũng chấp nhận những thay đổi quan trọng, nhất là do những
phản ứng quyết liệt từ dưới lên trên, như lịch sử Đảng đã từng ghi
nhận. Hiện nay hiện tượng đó cũng đang diễn lại: những cuộc đấu tranh
của các tầng lớp xã hội dưới rất nhiều hình thức khác nhau, liên tục nổ
ra, đã tạo nên những áp lực làm phá sản khá nhiều chính sách làm mất
lòng dân do guồng máy quan liêu từ trên áp xuống. Xã hội công dân rõ
ràng là đang trỗi dậy trở lại và sẽ giữ vai trò quyết định trong những
biến động xã hội trong tương lai. Những người cộng sản đương quyền
không thể thờ ơ trước những phản ứng đó của dư luận, của lòng người, và
chắc chắn sẽ buộc những người lãnh đạo Đảng phải chấp nhận thay đổi
nhiều hơn. Trong những tác động quan trọng để làm chuyển biến tình hình
là những tiếng nói quyết liệt, kiên trì, không thể dập tắt của trí thức
và truyền thông, những tiếng nói đó đang trở thành chủ đạo, trùm lấp,
tác động vào nội bộ Đảng rất mạnh và cũng đang là phương tiện huy động
sức mạnh của quần chúng vào những cuộc vận động bền bỉ cho sự nghiệp
dân chủ hoá đất nước.
Anh Nguyễn Trung thân mến,
Đã đến lúc tôi phải chấm dứt và xin thú thật với anh tôi đã rất chật vật để viết những dòng phúc đáp này gửi anh, phần vì sức khoẻ chưa khá lắm, phần vì cái luận đề hóc búa do những bài viết của anh gợi ra – từ tinh thần hư cấu của một cuốn tiểu thuyết không ngờ lại dẫn chúng ta đến một cuộc bàn luận về chính trị quá gay go và phức tạp đến như vậy. Tôi không biết anh sẽ tiếp nhận như thế nào về nội dung của những điều tôi đã trình bày, nhưng cũng giống như anh, tôi chỉ biết nói rằng tôi đã nghĩ như vậy vì tôi chưa tìm thấy một cách nghĩ nào khác. Thẳng thắn đem ra trao đổi, nếu có gì tương hợp thì thật hân hạnh còn nếu có khiếm khuyết thì mong được anh thông cảm và tha lỗi!
Nhân một mùa Tết lại sắp trở về trên quê hương, xin chân thành gửi đến anh và gia quyến những lời chúc tốt đẹp nhất.
Thân mến
LP
1 Xem Nguyễn Trung, Lũ:
Tập I:
http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/Lu_T1_Final.pdf
TậP II: http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/Lu_T2_Final.pdf
Nguồn: bài đã đăng trên Thời Đại Mới số 26 và Viet-Studies 9.1.2013, tác giả gửi cho Diễn Đàn
Xem trả
lời của Nguyễn Trung trên mặt báo này.
Các thao tác trên Tài liệu