Thư Hoàng Thành
Lời nói đầu.
Ngày 27.2.2007, 14 trí thức Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới (*) đã gửi về những vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam một bức thư nói lên mối quan tâm của mình trước nguy cơ thấy khu Di tích Hoàng thành Thăng Long mới được phát lộ khảo cổ năm 2002 có thể bị phá vỡ nếu dự án xây Nhà Quốc hội trên khu di tích được thông qua.
Vài ngày sau, thư này cũng đã được gửi về ba tờ báo trong nước, tờ báo mạng VietnamNet và các báo Lao Động, Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, các báo đó không đăng.
Ngày 2.3, chúng tôi được tin Bộ chính trị Đảng CSVN đã thảo luận và cho ý kiến tán thành việc bảo vệ toàn bộ khu Di tích, kết hợp với việc xây Nhà Quốc hội trên diện tích của Hội trường Ba Đình hiện nay (nằm kế bên Di tích). VietnamNet cho biết vì thế không cần đăng bức thư nữa.
Tuy nhiên, sau đó, nhiều tin tức khác nhau cho thấy sự việc vẫn chưa thể coi là ngã ngũ. Mới đây nhất là tin Bản báo cáo thẩm tra phương án xây dựng Nhà Quốc hội của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đưa ra bản vẽ dự án lấn sang Di tích một diện tích lớn, thậm chí dự án còn đề ra việc xây garage xe cho Quốc hội trong khu A của Di tích. (**)
Trong điều kiện đó, ban biên tập Diễn Đàn đã hỏi và được các tác giả bức thư cho phép công bố bức thư, để độc giả trong và ngoài nước biết rõ hơn về mối quan tâm rất sâu sắc của người Việt Nam ở nước ngoài đối với việc bảo vệ Di tích lịch sử - văn hoá thiêng liêng, có một không hai này của dân tộc.
Diễn Đàn
(*) Theo chúng tôi được biết, vì lý do thời gian quá ngắn từ khi ý tưởng được đưa ra, tới trước ngày 28.2, ngày họp của Bộ chính trị để bàn về dự án này, nên số người được đề nghị ký tên không nhiều, mà ngay trong số đó, cũng có một vài người vì đi vắng nên đã trả lời chậm và do đó không có tên trong danh sách.
(**) Diễn Đàn đã đưa trong mục "Thấy trên mạng" những bài báo liên quan.
Thư Hoàng Thành
Kính gửi
Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá XI
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ
Qua báo chí trong nước, nhất là qua Kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Việt Nam (đăng trên VietnamNet ngày 27.11.2006) và bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đăng trên Lao Động điện tử ngày 15.2.2007, Nhân Dân điện tử ngày 20.2.2007), chúng tôi được biết Chính phủ sẽ trình Quốc hội Đề án xây dựng Nhà Quốc hội trên khu D thuộc Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long.
Như nhận định của Hội KHLS, kiến trúc hiện đại của Nhà Quốc hội « chắc chắn sẽ phá vỡ không gian văn hoá – lịch sử » của khu di tích mang ý nghĩa rất thiêng liêng này, và « dù thu hẹp đến đâu cũng xâm hại một di sản văn hoá vô giá của dân tộc ».
Còn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, « khu di tích như ngôi mộ Tổ, mộ tổ không phải của một dòng họ, một vương triều, một thời đại mà mộ Tổ của nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, kết tinh lịch sử - văn hoá của cả dân tộc » mà « dĩ nhiên con cháu phải lo gìn giữ, tu bổ, tức là phải bảo tồn lâu dài toàn bộ di tích, kể cả phần đã phát lộ và phần còn lưu giữ trong lòng đất mà chưa bị các kiến trúc hiện đại phá huỷ, ít nhất là trong phạm vi Cấm thành tức trung tâm của Hoàng thành xưa ».
Sự khám phá ra khu di tích năm 2003 với những hiện vật vô giá của Tổ tiên còn được giữ trong lòng đất, với những chứng cứ tưởng như đã hoàn toàn mất đi về thủ đô Thăng Long của các triều đại Lý – Trần – Lê, mở ra khả năng lớn sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới (với điều kiện được bảo tồn nguyên vẹn), đã làm nức lòng người Việt trong cũng như ngoài nước. Thông tin về Đề án xây dựng này, do đó, đang gây chấn động rất lớn, bức xúc và lo âu, trong tâm tư những người Việt dù sống xa Tổ Quốc.
Là những Việt kiều luôn luôn gắn bó với đất nước, nhiều người trong chúng tôi đã hoặc đang có những dự án hợp tác với các cơ quan khoa học, các trường đại học trong nước, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị với các vị lãnh đạo Nhà nước và các đại biểu Quốc hội, với ý thức trách nhiệm cao của mình trước lịch sử dân tộc, xem xét lại Đề án này, tìm một phương án để xây dựng một Nhà Quốc hội tại một địa điểm khác trong khu Ba Đình lịch sử để vẫn « bảo đảm được tính nối tiếp liên tục truyền thống văn hiến của trung tâm chính trị của đất nước, từ quá khứ đến hiện tại » mà « không xâm phạm đến khu Di tích hoàng thành », như Hội KHLS đã nêu ra. Chúng tôi cũng rất mong đợi Chính phủ sớm có quyết định bảo tồn toàn bộ Khu di tích, và giao cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với các cơ quan khoa học, sớm hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới.
Kính thư,
Hải ngoại ngày 27.2.2007
Nguyễn Tường Bách |
Tiến sĩ Vật Lý (Đức) |
Trần Nam Bình |
Phó Giáo sư Kinh tế, Đại học New South Wales (Úc) |
Trần Hữu Dũng |
Giáo sư Kinh tế, Đại học Wright State, Ohio (Mỹ) |
Lê Thành Khôi |
Giáo sư danh dự (Eméritus) Khoa học giáo dục, Đại học René Descartes, Paris (Pháp) |
Thái Kim Lan |
Giáo sư Triết, Đại học Munchen (Đức) |
Ngô Vĩnh Long |
Giáo sư Sử học, Đại học tổng hợp bang Maine (Mỹ) |
Nguyễn Quang Riệu |
Nhà thiên văn học, Giám đốc nghiên cứu danh dự (Emeritus), Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (Pháp) |
Vĩnh Sính |
Giáo sư Sử học, Đại học Alberta, Edmonton (Canada) |
Nguyễn Minh Thọ |
Giáo sư Hoá học, Đại học Leuven (Bỉ) |
Trần Văn Thọ |
Giáo sư Kinh tế, Đại học Waseda, Tokyo (Nhật) |
Trương Nguyễn Trân |
Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Vật lý Lý thuyết, Trường Bách Khoa Paris (Pháp) |
Hà Dương Tường |
Giáo sư danh dự (Emeritus) Toán, Đại học Công nghệ Compiègne (Pháp) |
Vũ Quang Việt |
Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia của LHQ, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổ Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Van Khải. (Mỹ) |
Phạm Xuân Yêm |
Giám đốc nghiên cứu danh dự (Emeritus), Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (Pháp) |
Các thao tác trên Tài liệu