Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Toàn bộ một bài phỏng vấn

Toàn bộ một bài phỏng vấn

- Bùi Trọng Liễu — published 28/09/2007 17:05, cập nhật lần cuối 28/09/2007 19:51
Ngày 6-8-2007, tôi nhận được thư của một biên tập viên trẻ của một tạp chí trong nước, thay mặt Ban biên tập, yêu cầu được phỏng vấn tôi, với lời lẽ mà tôi cho là thành thật, và bày tỏ mong được câu trả lời càng thẳng thắn bao nhiêu, càng có lợi cho tình hình nước nhà bấy nhiêu. Tôi nghĩ rằng người biên tập viên này cầu thị, nên tuy những câu hỏi tế nhị, tôi đã cố gắng trả lời. Bài gửi về trong nước, thì được hứa hẹn sẽ đăng toàn bộ. Nhưng rốt cục, chỉ có đoạn tôi trả lời một câu hỏi (câu hỏi số 2 trong số 6 câu hỏi) được tạp chí này trích ra, đăng thành bài mang tên tôi là tác giả, nhưng dưới một đầu đề của họ : «Khởi đầu chấn hưng đại học bằng tinh hoa» (Tia Sáng ngày 5-9-2007). Tôi viết thư hỏi họ sẽ làm gì với phần còn lại của những câu trả lời của tôi, thì người phụ trách Ban biên tập trả lời là «thành thật xin lỗi về việc đã trả lời là sẽ đăng nguyên văn bài trả lời phỏng vấn, nhưng vì một số lý do riêng, trong số báo vừa ra lại chỉ trích đăng một phần (dù đó là phần quan trọng nhất)». Tôi không nghĩ rằng trách nhiệm là do người biên tập viên trẻ. Tôi cũng không biết những «lý do riêng» mà người phụ trách Ban biên tập của họ nêu ra là lý do gì, và họ sẽ làm gì với những câu trả lời còn lại của tôi. Tuy nhiên, tôi đã mất công và lộng hiểm trả lời những câu hỏi tế nhị này, thì tôi cần ghi lại toàn bộ ra đây.


Khoa học và giáo dục :
Về một bài phỏng vấn không đăng toàn bộ


Bùi Trọng Liễu


1. Hỏi : Giáo sư suy nghĩ như thế nào về thực trạng khoa học của đất nước hiện nay trên cơ sở những gì mà giáo sư thu lượm được ?


Bùi Trọng Liễu trả lời :

Tôi định cư ở nước ngoài, từ nhiều năm nay không về nước, lại không được thông tin về các văn bản tài liệu chính thức, nên không thể đánh giá trực tiếp được thực trạng của khoa học đất nước hiện nay. Tôi chỉ có thể có cái nhìn « toàn cảnh », qua những nhận xét gián tiếp. Nói kỹ hơn, tôi nghĩ rằng hẳn có những thành công nhất định nào đó, trong một số lĩnh vực nào đó, nhưng nói chung thì chưa thấy chứng cớ gì để có một cái nhìn lạc quan về nền khoa học Việt Nam hiện nay. Những nhận xét gián tiếp của tôi là những nhận xét về cách đánh giá về sự thành đạt của những nhà khoa học – xin nói kỹ để tránh hiểu lầm : ở đây tôi dùng chữ « những », chứ không dùng chữ « các » (= tất cả). Mà khi con người đã bị đánh giá sai, thì ít có khả năng là công trình của họ được đánh giá đúng.

Một thí dụ là từ một số năm nay, thấy nở rộ những danh hiệu dởm do người tôn vinh hiểu sai hay do đương sự tiếm nhận, thí dụ như « viện sĩ » (kỳ thật ra là hội viên đóng tiền của những hội tư mang tên Academy gì đó), nhà khoa học xuất sắc của thế kỷ (do đương sự tự đánh giá những « phát minh » của mình, hay do bị một số bọn kinh doanh tiểu sử quốc tế lừa mua đồ của họ xuất bản). Hoặc như có sự ngộ nhận về ý nghĩa ẩn sau một số từ ngữ, như ngỡ giáo sư emeritus là « siêu giáo sư » tại chức, trong khi thực ra ở Pháp theo đạo luật 6/6/1984, đó là giáo sư đại học (professeurs des universités) nghỉ hưu có thể xin được quyền (nhưng phải được hội đồng khoa học trường đại học bỏ phiếu thuận) tiếp tục một thời gian có hạn để tham gia tự kết thúc hay kết thúc hướng dẫn một số công trình nghiên cứu, vv. và đạo luật 12/7/1999 mở rộng emeritus, vẫn theo nghĩa kể trên, ra cho các nhà khoa học có cương vị tương đương với giáo sư đại học, như các giám đốc nghiên cứu (directeurs de recherche) trong các viện nghiên cứu (đừng lầm chức danh này với giám đốc của viện nghiên cứu, là một chức vụ quản lý và hành chính). Ở Mỹ, theo tôi hiểu, tùy trường đại học, nhưng nói chung, emeritus vẫn hàm nghĩa giáo sư nghỉ hưu [một phần]. Hoặc như có sự ngộ nhận « postdoc » (chercheur post-doctoral) là « siêu tiến sĩ » trong khi đó chỉ là vị trí công việc tạm thời (học bổng, hợp đồng lâm thời) cho những tiến sĩ chưa tìm được việc làm trong chính ngạch, vv. Rồi lại từ những ngộ nhận đó, luận ra giá trị cao thấp của công trình các đương sự, thì sự đánh giá của mấy vị trong nuớc về khoa học (có nhiệm vụ quản lý làm việc này) không có thể gọi là chính xác được.

Vẫn về vấn đề người, cách đánh giá các công trình khoa học theo số liệu, chấm điểm, ngay cả khi xếp hạng theo « chuẩn » các tập san quốc tế cũng chỉ là tương đối, vv. không phải là cách tiến hành thông thường mà tôi được biết. Đã đành là cần thiết có một số tiêu chuẩn cụ thể tương đối khách quan để đánh giá, nhưng đó là nói cho tổng thể của một nước, chứ không phải là nói cho một nhà khoa học riêng lẻ. Ai đã thực sự làm khoa học, và đã từng tham gia các hội đồng khoa học thẩm định các công trình nghiên cứu, hẳn biết rằng có nhà khoa học chỉ công bố vài công trình mà đã nổi trội, trong khi có người rặn ra cả trăm ấn phẩm trên tập san mà chẳng mấy ai chú ý. Nhà khoa học biết cách đánh giá khi xét hồ sơ, chứ không áp dụng một cách máy móc tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý hành chính xếp sẵn, khi tuyển lựa ứng viên. Họ cũng không lẫn lộn chức danh, chức vụ hành chính, hư hàm.

Tôi cũng thấy một số người trong nước đánh giá những nhà khoa học Việt kiều thành đạt như là những sản phẩm của Việt Nam, trong khi thực ra họ lại chủ yếu là sản phẩm của nơi họ định cư, mà ở đó họ cũng chỉ là một mắt xích của cả một hệ thống.

Về các đề án và đề tài khoa học, tôi thú thật không hiểu cách tổ chức đấu thầu và nghiệm thu các đề tài khoa học (hay là tại ngôn ngữ bất đồng?) trong nước. Đấu thầu một công trình xây dựng, đấu thầu một đề án chắc chắn thực hiện được, thì tôi hiểu tiêu chuẩn (chẳng hạn như chọn chủ thầu nào có kinh nghiệm xây dựng, giá rẻ, trình bày thời gian thực hiện, nguyên vật liệu thích hợp, vv.), rồi khi chấm dứt thời gian thực hiện, có thể nghiệm thu theo nghĩa đánh giá công trình này đã được thực hiện tới đích. Đấu thầu một đề tài nghiên cứu, khi mà những nhà nghiên cứu không thể biết trước được kết quả của nó – ai mà biết trước được kết quả của một nghiên cứu ? – thì dựa trên những tiêu chuẩn gì để trao trọn gói kinh phí ? Tôi chỉ thường thấy, khi khuyến khích phát triển một hướng nghiên cứu nào đó, thì các nhóm nghiên cứu trình bày đề án tiến hành của mình và qua đó, tùy theo tính chất cam kết nghiêm chỉnh của đề án (ước mong đạt tới kết quả chờ đợi), mà được hưởng sự tài trợ, và sẽ phải báo cáo và bị kiểm tra tính nghiêm túc trong việc tiến hành. Cách quản lý nghiên cứu khoa học kiểu đấu thầu như vậy, xem ra là bất bình thường.

Tóm lại, qua những nhận xét kiểu kể trên, tôi chưa có cái nhìn lạc quan về thực trạng khoa học của Việt Nam.


2. Hỏi : Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có phát biểu: đến 2020 Việt Nam sẽ xây dựng được một trường đại học lọt vào top 200 trường đại học thế giới. Theo ý kiến cá nhân của giáo sư, để đạt được mục tiêu trên chúng ta phải làm gì ?


Bùi Trọng Liễu trả lời :

Trước hết, tôi xin được nói vài lời về sự xếp hạng cao thấp, mà một số người Việt Nam rất ưa chuộng, có lẽ do một thứ truyền thống « chiếu trên chiếu dưới » gì đó từ cổ xưa. Gần đây, một số báo chí hay phát biểu của một số người Việt Nam thường nhắc đến bảng xếp thứ tự các trường « đại học », thí dụ như bảng xếp của Jiao Tong University (nếu tôi không lầm chữ Hán, thì nghĩa là Đại học Giao Thông) ở Thượng Hải.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nước ngoài cho rằng không thể coi đó như là một thứ « khuôn vàng thước ngọc ». Xin nêu vài nhận xét sau đây của họ, mà phần nào tôi chia sẻ. Tôi nêu 3 thí dụ:

1/ «Người» đánh giá xếp hạng (Đại học Giao Thông Thượng Hải), xếp lẫn lộn các « trường » mà hình như họ cũng không phân biệt được định nghĩa. Thí dụ như với Pháp họ xếp lẫn các Universités (bao gồm nhiều ngành, nhiều khoa) với các « Grandes Ecoles » (thường chỉ có một ngành, và tầm cỡ khối lượng có khi chỉ tương đương với một khoa). Nói chi tiết một chút cho rõ. Bằng tú tài Pháp (baccalauréat) ra đời năm 1808, có đặc điểm sau đây : theo luật, nó vừa là bằng kết thúc Trung học (định nghĩa thứ nhất), đồng thời là « bằng cấp đầu tiên của đại học », (« premier grade universitaire», định nghĩa thứ nhì). Vì cái định nghĩa thứ nhì là như thế nên từ thuở nó được khai sinh đến nay đã 200 năm, người có bằng tú tài Pháp được đương nhiên ghi tên vào học Université (« đại học » Pháp, tôi dùng tiếng Pháp cho khỏi lẫn lộn dưới đây) mà không phải thi tuyển gì hết : bằng tú tài Pháp là kết quả của một sự « gộp thi », một thứ bằng « hai trong một », một tai hoạ mà từ mấy chục năm nay, các chính quyền tả hay hữu cố sửa mà không sửa được. Và vì thế mà « kẹt » : các Universités không được phép tuyển sinh, nghĩa là không lọc được « đầu vào » ; bất cứ ai có bằng tú tài cũng được phép ghi tên vào học dù không học được. Với một số lượng sinh viên rất lớn, với trình độ linh tinh, không ngân sách nào có thể chịu đựng nổi ; số sinh viên phải rời trường sau 3 năm, không được phép học tiếp, không có một mảnh bằng nào trong tay, là một con số khổng lồ. Do đó sự lãng phí thật khủng khiếp về thời gian, về nhân lực, về ngân quỹ, khuynh gia bại sản các Universités. Trong khi đó, cũng do lý do lịch sử để lại, có sự hiện diện song song của một số cơ sở giáo dục mà Pháp gọi là những « Grandes Ecoles » – (« Trường lớn », tôi dùng tiếng Pháp cho khỏi lẫn lộn dưới đây, tóm tắt là những trường kỹ sư, những trường thương mại quản lý, chủ yếu là những trường cao cấp dạy nghề) – đã được mở bên ngoài các Universités. May cho các cơ sở này, và may cho nền giáo dục của Pháp : nhờ được mở bên ngoài các Universités mà các cơ sở này không bị « kẹt » vào cái định nghĩa thứ hai của cái bằng tú tài kể trên. Do đó, các « Grandes Ecoles » tuyển sinh theo kiểu thi tuyển ở mức tú tài +2. « Đầu vào » nghiêm chỉnh, nên không lãng phí, và có phương tiện học hành đầy đủ hơn. Nhưng đây chỉ là một thiểu số. Các Universités thực sự chỉ « bảnh bao » ở cấp đào tạo tiến sĩ vì trừ một số trường hợp đặc biệt, đa số « Grandes Ecoles » không đảm nhiệm cấp này. Nói rất tóm tắt, có ý nghĩa gì khi đem so sánh (cùng có trên bảng danh sách xếp hạng), Université Paris XI (27000 sinh viên « đầu vào » không thi tuyển trong nhiều ngành như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Luật, Kinh tế, vv. trong đó có 7000 sinh viên Y-Dược, 4500 sinh viên cấp thạc sĩ, 2600 sinh viên cấp tiến sĩ) với Ecole Nationale Supérieure des Mines (Trường kỹ sư Hầm Mỏ, nghĩa là một ngành, với non 1300 sinh viên, mà « đầu vào » đã thi tuyển ở mức tú tài+2, con số sinh viên vừa kể gồm cả 200 sinh viên cấp thạc sĩ, 470 sinh viên cấp tiến sĩ) ?

2/ Nghe nói một trong những tiêu chuẩn để đánh giá xếp hạng cao thấp các trường là đếm số ấn phẩm. Nhưng « người » đánh giá xếp hạng lại không kể những ấn phẩm viết bằng tiếng Pháp !

3/ Một số lớn nghiên cứu khoa học ở Pháp được thực hiện ở trong các phòng thí nghiệm của Universités, nơi chứa nhiều ê-kíp nghiên cứu và nghiên cứu viên của nơi khác, kể cả của CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học) và của Grandes Ecoles. Nhưng vì lý do nghề nghiệp, khi đăng công trình, nhiều nghiên cứu viên lại không ghi là nghiên cứu đã thực hiện trong Universités ! Con số ấn phẩm do đó bị đếm sai.

Nhưng đừng ngạc nhiên khi chính một số người quản lý Universités Pháp cũng dẫn bảng xếp hạng kể trên, tuy biết rằng có sự sai lệch : đó là cách họ than vãn để đòi thêm ngân quỹ, cũng như để đòi quyền tự chủ để tiến hành cải cách. Do đó, theo tôi, ta không nên bị ám ảnh bởi sự xếp hạng.

Về việc thành lập một đại học có trình độ nghiêm chỉnh, đàng hoàng – tôi chủ ý tránh dùng những cụm từ như đẳng cấp cao, đẳng cấp quốc tế, vv. – tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị (kể cả qua các bài báo) việc thành lập mới một đại học « hoa tiêu » công lập, bước đầu cỡ nhỏ dần dần khuếch trương ra, theo khả năng, nhưng luôn luôn giữ được chất lượng để làm gương. Ý này tôi cũng đã được nhiều đồng nghiệp trong nước chia sẻ và kiến nghị nhiều lần từ một số năm nay (thí dụ như trước cả khi tôi tham gia Bản Kiến nghị chung của 23 nhà khoa học tham dự xê-mi-na « Chấn hưng giáo dục » trình bày với chính quyền vào tháng 5-2004). Nhà cầm quyền đã ưu tiên giải pháp gộp nhiều trường lại với nhau cho đồ sộ mà không có thanh lọc, và chủ trương nâng cấp những cơ sở sẵn có, với những kết quả mà cả nước đều biết. Nếu cần nói một cách cụ thể cho ngày hôm nay, thì tôi xin phát biểu như sau. Giải pháp nhanh nhất, rẻ rất, hợp lý nhất, tốt nhất, là việc thành lập một đại học từ các cơ sở sẵn có của Viện Khoa học và Công nghệ : tuyển nghiêm chỉnh giáo sư từ đội ngũ sẵn có của viện hoặc từ các đại học khác, sử dụng các phòng ốc của viện, sử dụng các phòng thí nghiệm sẵn có của viện, chỉ mở một số ngành « mạnh » theo nghĩa đủ nhân sự và phương tiện trang bị, tuyển sinh « đầu vào » chặt chẽ trong đám các học sinh giỏi, chuyển các nghiên cứu sinh nghiêm chỉnh sẵn có sang trường này, vv. Đại học này có thể đặt dưới sự đồng chủ quản của Bộ Đại học và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Bước đầu như vậy, rồi dần dần sẽ khuếch trương. Như vậy, chẳng cần phải đợi đến 2020 để mơ lọt vào cái bảng xếp top 200 trường đại học nào đó, bởi vì đại học « hoa tiêu » này ngay từ bước đầu có thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng, trừ tiêu chuẩn khối lượng. Về tiêu chuẩn khối lượng này, tôi muốn nhắc lại câu của Trần Hưng Đạo trả lời khi các quan nhà Trần xin tuyển thêm binh để chống giặc Nguyên thời thế kỉ 13 : « Binh cốt giỏi, chứ không cốt nhiều, nếu nhiều mà không giỏi thì như Bồ Kiên có trăm vạn quân cũng không ích gì ! ». Bồ Kiên đây là vua Tiền Tần thời cổ bên Tàu, có đến 100 vạn quân mà bị thua nhà Tấn.

Ngày nay, nước ta cần chấn hưng giáo dục, nghĩa là cần đánh giặc dốt, nếu cứ nhắm tuyển tướng không giỏi, quân không giỏi, thì thắng sao được ? Tôi không nói vu vơ : đọc các bản tin, tôi thấy ở ta nhắc nhiều đến sự so sánh rằng nước này cứ 1 vạn dân thì có bao nhiêu sinh viên, rằng nước kia cứ 1 trăm sinh viên có bao nhiêu thầy, nhưng đồng thời không thấy nhấn mạnh đến việc nước họ không có chuyện « ngồi nhầm lớp », « đứng nhầm lớp » tràn lan. Dự báo, thì cứ dự báo, nhưng tôi nghĩ rằng phải khởi đầu sự chấn hưng bằng « tinh hoa » đã, « đại trà » là bước sau.


3. Hỏi : Vừa rồi Bộ KHCN có bàn về vấn đề nghiệm thu các đề tài khoa học và có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến của GS Hoàng Tuỵ cho rằng, đã nghiên cứu khoa học cơ bản thì phải có công bố quốc tế. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác lại nói, trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam chưa thể làm như thế được. Ý kiến nào giáo sư cho là đúng?


Bùi Trọng Liễu trả lời :

Trong phần trả lời câu hỏi 1, tôi đã phần nào đề cập đến vấn đề nghiệm thu đề tài khoa học, và đã nói lên ý của tôi về sự khác biệt của nó với nghiệm thu một công trình xây dựng. Sự khác biệt là ở chỗ, trong nghiên cứu, không thể khẳng định rằng hễ « tìm » là sẽ « thấy ». Nhưng các nhóm nghiên cứu phải báo cáo và bị kiểm tra tính nghiêm túc trong việc tiến hành, chứ không phải là nhận tài trợ rồi muốn làm gì thì làm. Có câu chuyện cổ tích : Người hầu già của một ông vua già xin vua trao vàng cho mình để cất công dạy cho một con khỉ lớn tập nói và cả quyết rằng sẽ dạy được khỉ biết nói. Vua hỏi bao lâu thì khỉ nói được, người hầu nói phải mươi năm. Vua trao vàng cho y, để đài thọ y dạy khỉ. Câu chuyện không kết luận, nhưng người nghe chuyện, tất nhiên hiểu khỉ sẽ không bao giờ biết nói, và người khờ không phải là người hầu, y hẳn ước đoán rằng mươi năm thì khỉ và người đều đã chết. Chuyện cũng không kể là có một cận thần nào đó xúi vua trao vàng, cho nên không có việc đồng loã tham nhũng. Có lẽ chỉ ngụ ý rằng nhà vua lẽ ra phải biết mục tiêu có khả thi hay không.


4. Hỏi : Đối với những ngành mà hoạt động nghiên cứu cơ bản còn thấp như vật lý địa cầu, môi trường,… rất khó có thể có công bố quốc tế. Như vậy, có nên tiến hành nghiên cứu cơ bản không?


Bùi Trọng Liễu trả lời :

Tôi không hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi về « nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế », cũng như câu về « những ngành hoạt động nghiên cứu còn thấp nên khó có thể có công bố quốc tế », nên tôi e rằng sẽ nói lạc đề. Tuy vậy tôi cũng cố gắng phát biểu như sau : phải chăng câu hỏi hàm ý việc kết quả nghiên cứu phải được đăng trên tập san quốc tế ? Nếu nghiên cứu có kết quả, thì tại sao không « thử » gửi đăng trên tập san quốc tế ? Đó cũng là một cách được thẩm định độc lập. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý là việc gửi bài đăng trên một tập san quốc tế cũng có cái phức tạp của nó : có những « thẩm định viên » tập san quốc tế thẩm định sai, hiểu nhầm, làm cho tác giả bài báo phải cãi, nêu ra sự sai, và yêu cầu thẩm định lại, hoặc gửi cho một tập san quốc tế khác. Do đó, thời gian đăng bài trong một tập san quốc tế có giá trị thường đòi hỏi có thời gian. (Ai khẳng định rằng thời gian đăng bài là ngắn, thì hoặc là họ có tay trong (!) hoặc là họ không có kinh nghiệm). Mặt khác cũng không nên ám ảnh bởi bảng xếp hạng cao thấp của các tập san quốc tế, nó cũng tương đối như bảng xếp hạng các trường đại học nói trong phần 1. Còn nếu như nghiên cứu, sau một thời gian quy định nào đó, mà không có nổi được kết quả để viết thành một vài bài báo để « thử » đưa đăng, thì cần xem lại tình hình ê-kíp nghiên cứu, có phải thay đổi hay không, ngân quỹ tài trợ có sử dụng đúng hay không, vv., thậm chí, đề tài và lĩnh vực nghiên cứu có thực đáng được tiếp tục hay không. Tất nhiên, ở đây, tôi không nói tới các đề tài tế nhị thuộc bí mật quốc gia, quốc phòng, có sự thẩm định nào đó mà kết quả không được công bố.


5. Hỏi : Giáo sư có thể cho biết cụ thể ranh giới giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trên thế giới hiện nay như thế nào?

6. Hỏi : Theo đánh giá chủ quan của giáo sư thì mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ra sao? Nhà nước nên ưu tiên chú trọng đầu tư cho lĩnh vực trọng điểm nào cho tương lai?


Bùi Trọng Liễu trả lời :

Tôi xin trả lời gộp hai câu hỏi 5 và 6, vì tôi không chắc đã hiểu rõ ý câu hỏi. Thường thì, nếu không có hiểu biết sâu sắc về khoa học cơ bản, thì không thể có nghiên cứu ứng dụng. Cho nên phải chú trọng tạo điều kiện để bảo đảm được sự hiểu biết về khoa học cơ bản. Nói như vậy không có nghĩa là cứ bó buộc phải đầu tư nghiên cứu cơ bản, cũng không có nghĩa là đừng nghiên cứu cơ bản. Theo cách nhìn của tôi, nước ta còn nghèo, cho nên trừ những trường hợp rất đặc biệt, nhà nghiên cứu cũng nên là những nhà giáo giảng dạy (giáo sư đại học theo nghĩa ấy). Vì những GS giảng dạy và nghiên cứu này (người Pháp gọi là « enseignant-chercheur »), đã có nhiệm vụ giảng dạy đào tạo sinh viên và hướng dẫn nghiên cứu sinh rồi, việc họ được hưởng lương tương xứng cũng đã là chính đáng. Còn về lĩnh vực nghiên cứu của họ, nếu là lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết cơ bản (thí dụ như về toán học, hay vật lý lý thuyết, hay một lĩnh vực nào đó chưa có ứng dụng ngay), thì chẳng có lý do gì mà ngăn cản công việc của họ. Vấn đề chỉ đặt ra khi Nhà nước đầu tư, với ngân quỹ lớn, cho một lĩnh vực dù gọi là cơ bản hay ứng dụng, với những nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu mà không biết có tìm ra được cái gì không. Đây là thuộc trách nhiệm của chính quyền, với sự tham mưu của các hội đồng khoa học.

Còn câu hỏi về việc « Nhà nước nên ưu tiên chú trọng đầu tư cho lĩnh vực trọng điểm nào cho tương lai? » thì tôi ở xa, không nắm rõ thực trạng, không thể trả lời được. Chỉ có một điều mà tôi dám khẳng định, là : trong tình trạng hiện nay của đất nước, nhà nước không nên tham gia đầu tư vào các đề án loại « big science », loại đề án cần những ngân quỹ khổng lồ, đội ngũ khổng lồ, xây cất khổng lồ, như ITER, CERN, thám hiểm vũ trụ, vv. (Xin đừng hiểu lầm : tôi nói đầu tư nhà nước, chứ tôi không nói sự hiện diện cá nhân của một vài nhà khoa học).


7. Hỏi : Tầm nhìn phát triển khoa học công nghệ ở nước ta trong tương lai, chúng ta có nên đi theo mô hình của một số nước đi trước như Nhật, Hàn Quốc, Singapore,…hay chúng ta phải vạch ra con đường riêng?


Bùi Trọng Liễu trả lời :

Sự tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, nước đi trước cũng như nuớc đang cùng trình độ phát triển, là sự cần thiết. Nhưng mỗi nước có thực trạng của mình : tình hình kinh tế, văn hoá, thể chế chính trị, trình độ dân trí, vv. Không thể rập khuôn mô hình của người ta rồi bưng nguyên si vào áp dụng cho nước mình. Cũng đã có những kinh nghiệm cay đắng rồi. Nhưng cũng đừng nên tưởng rằng mình khôn hơn thiên hạ. Tôi phát biểu như vậy là đủ, xin miễn nói thêm.


Thêm vài lời bên cạnh bài phỏng vấn :


Đã mấy chục năm nay, tôi đã cố gắng góp phần mình với mong mỏi cho nền khoa học và giáo dục trong nước được phát triển nhanh chóng lành mạnh. Tôi đã đóng góp ý kiến nhiều lần, nhiều năm, lúc đầu là điều trần với nhà cầm quyền khi chưa thể phát biểu công khai, sau là điều trần với cả nước khi đã có được khả năng đăng bài trên báo hay phát biểu qua những phương tiện truyền thông khác. Trong Lời giới thiệu cuốn sách Tự sự của người xa quê hương của tôi, [cố] giáo sư Nguyễn Văn Đạo có nhã ý viết : « Đóng góp ý kiến nhằm xây dựng đất nước tốt hơn thì nhiều kiều bào ta đã thực hiện được. Song kiên trì góp ý nhiều lần, nhiều năm như giáo sư Liễu cũng là hiện tượng hiếm thấy. Bù đắp lại, một số đề xuất của ông đã được chấp thuận và đưa vào thực hiện, nhiều thông tin chính xác về khoa học và giáo dục cũng đã được ông cung cấp kịp thời ». Mấy dòng này của anh Đạo viết, thật là lời an ủi, khích lệ tôi, nhưng sự thật không hẳn như thế. Nêu vài thí dụ, như tôi đã có dịp nhắc đi nhắc lại nhiều lần :

- Mấy tuần trước ngày chiến tranh chấm dứt, tôi có thư điều trần gửi Thủ tướng chính phủ và các bộ trưởng liên quan, kiến nghị lập lại chức vụ giáo sư đại học, phân biệt vai trò quản lý hành chính và vai trò công tác khoa học và giảng dạy, rồi tôi còn cố kiến nghị cho đến khi được thực hiện. Nhưng đến năm 1980, sau khi đã đưa ra luận bàn, rồi đưa vào thực hiện, thì thay vì « bổ nhiệm chức vụ », nó lại biến thành ra « phong hàm », với những hậu quả ngày nay quá rõ, mà chưa chỉnh lại được.

- Năm 1988, tôi viết thư gợi ý với 5 nhà khoa học trong nước đứng ra xin phép mở Trung tâm đại học « dân lập » Thăng Long, với lòng mong muốn làm gương giải quyết nhanh chóng tình trạng không ổn của nền giáo dục đại học, và hy vọng là sau đó đưa nó trở lại trong hệ công lập. Có ngờ đâu, « dân lập » đã tràn lan sang bán công, tư lập, rồi người ta lại sáng chế ra cụm từ « ngoài công lập ». Tôi đã cố hết sức can đừng để giáo dục bị kinh doanh, nhưng với xu thế «  thị trường hoá » tất cả, với sự phát minh ra cụm từ « xã hội hoá » với khái niệm tù mù ẩn náu đằng sau, đã nảy ra vấn đề học phí cao so với mức sống ở ta, điều mà ít thấy ở nước khác. Bỏ được sự kỳ thị qua lý lịch thành phần, thì lại xuất hiện sự kỳ thị qua tiền bạc, kèm theo với những lời giải thích khó hiểu về hiệu suất và tính công bằng trước việc học giữa người giàu và người nghèo.

- Tôi đã kiến nghị việc lập bằng tiến sĩ, và chỉ một bằng theo kiểu Mỹ, chứ không nên có 2 bằng tiến sỹ nhẹ và nặng như ở một số nước châu Âu. Mục đích là để kích thích khoa học, qua con đường mở rộng việc « đào tạo qua nghiên cứu ». Tôi cũng không ngờ là rốt cục bằng cấp này đã bị phá giá và dẫn tới sự hỗn loạn.

- Tôi đã cố can, tránh việc tôn vinh bằng cấp, danh hiệu một cách quá đáng. Thế nhưng hiện nay danh hiệu tràn lan : viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, danh nhân thế giới, đủ thứ tôn vinh nhầm, tiếm xưng, giả thật lẫn lộn, ở bên trong cũng như từ bên ngoài.

- Tôi đã nhiều lần kiến nghị chấn hưng giáo dục đại học qua việc thanh lọc lại đội ngũ nhà giáo, qua việc thành một vài đại học « hoa tiêu », đưa vào công việc giảng dạy đại học, những nhà khoa học thực sự có khả năng trong việc nghiên cứu, sử dụng tối đa và có hiệu quả những phương tiện sẵn có, sử dụng ngân quĩ một cách thận trọng và không lãng phí, ưu tiên chất lượng hơn là số lượng, vv. Nhưng giải pháp đã được chọn lại là gộp trường nguyên si, không có thanh lọc và không tuyển lựa nhân sự tương xứng, ưu tiên đầu tư vào việc xây cất nhà cửa hơn là trang bị học cụ, … Rồi những năm gần đây, lại cho phép mở tràn lan những đại học ở địa phương hầu như là để trang trí (nhưng hậu quả chơi « đại học cảnh » đâu có như chơi « chó cảnh », « cây cảnh »). Người ghi tên học để lấy bằng thì nhiều, mà số lượng nhà giáo thì chưa đủ, và chất lượng nói chung chưa tương xứng. Đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ cho mươi năm tới lại không đủ sức thuyết phục. Trong bài  « Không cung  với  cầu rởm » đăng ngày 30/1/2007 trên VietNamNetHà Nội Mới đăng lại ngày 31/1/2007, tôi đã viết : « Ông bộ trưởng có lý khi phát biểu muốn nâng một cách đáng kể tỉ số tiến sĩ [này]. Nhưng nếu số trường đại học có hạn thì dễ thực hiện hơn, còn nếu mở vung vãi quá nhiều đại học thì đề án trở thành bất khả thi. Bởi vì đào tạo tiến sĩ không dễ : đào tạo trong nước đã khó ; gửi ra ngoài đào tạo cũng khó, vì các trường đại học nghiêm chỉnh nước ngoài cũng tuyển một cách chặt chẽ ; không phải nghiên cứu sinh Việt Nam nào được phép đi du học cũng có thể ghi tên soạn luận án được, và ghi tên soạn luận án tiến sĩ rồi không có nghĩa là sẽ hoàn thành nổi một luận án. Đã có những trường hợp phải bỏ cuộc ».

Đó là vài thí dụ trong nhiều thí dụ khác. Tôi không nói vu vơ, mà có bằng chứng là đã phát biểu, được dẫn qua những gì tôi đã đăng trên sách, báo.

Tất nhiên, như mọi người, tôi mừng trước những thành tựu của nền kinh tế nước nhà so với những ngày khó khăn cùng cực thuở xưa. Nhưng mức sống ngày nay, và sự phát triển sắp tới, có vững bền được không, nếu như nền khoa học, nền giáo dục và đào tạo không được chấn hưng ?

Nhớ lại cách đây đã hơn 30 năm, một bạn đồng nghiệp Việt kiều, lúc đó hãy còn là nghiên cứu sinh, sửa soạn về thăm trong nước. Anh ta hỏi kinh nghiệm và nhận xét của tôi, vì tôi đã là người đi trước. Tôi chỉ khuyên anh ta có một điều : đừng bao giờ nản lòng. Với thời gian trôi qua, anh ta đã là giáo sư đại học gần nghỉ hưu. Tôi ít gặp lại, nên không rõ anh ta nghĩ gì. Còn tôi, lời khuyên đó tôi cảm thấy nay nên áp dụng cho chính tôi, đã là người ngoài cuộc, vì qua thông tin, báo chí, truyền thông, thấy tình hình nước nhà đã thay đổi, tâm tư, lý luận, tư duy, giá trị đạo đức trong xã hội không còn như xưa.

Lại nhớ trong truyện Kiều, có hai câu 213, 214, Nguyễn Du tả đoạn Kiều tỉnh giấc mơ Đạm Tiên tới thăm mình:

Gió đâu sịch bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.

Người Pháp có câu dân dã : « Mais je rêve! » (nghĩa là : « Tôi mơ à ? »), để phát biểu sự ngạc nhiên cùng cực.

Tôi muốn mượn hai câu Kiều kể trên, chữa lại vài từ – (cũng là một cách « lẩy ») – để tả tâm trạng tôi :

Thông tin như vén bức mành,
Tỉnh ra lại ngỡ rằng mình chiêm bao!

Bùi Trọng Liễu

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us