Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Tôi đi biểu tình

Tôi đi biểu tình

- Vũ Hải Long — published 15/06/2011 01:17, cập nhật lần cuối 15/06/2011 01:17
Chứng từ của một nhà vật lí học hạt nhân đã tham gia cuộc biểu tình ngày 12.6.11 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp và làm việc ở Pháp, anh đã tự nguyện về nước làm việc từ năm 1979, năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam.


Chứng từ

TÔI ĐI BIỂU TÌNH


Vũ Hải Long


Tác giả bài này là một nhà vật lí học hạt nhân -- thân phụ anh là luật sư Vũ Văn Huyền, nhà trí thức quen biết trong phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam trước năm 1975. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Pháp và làm việc ở Cục năng lượng nguyên tử Saclay, Vũ Hải Long về nước năm 1979, làm việc ở Lò hạt nhân Đà Lạt (và mấy năm ở Cục năng lượng nguyên tử Vienna), cho đến ngày về hưu. Anh hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh như một cư sĩ Phật tử tu tại gia.

Tôi đến rất sớm bằng xe buýt -- ra khỏi nhà lúc 6 giờ -- vì sợ bị kẹt xe. Gần như chưa có ai tụ tập xung quanh khu vực lãnh sự quán Trung Quốc, ngoại trừ ở tất cả các ngã tư đầy công an, cảnh sát cơ động, dân phòng (áo xanh), nhân viên bảo vệ trật tự khu phố (mang băng đỏ ở cánh tay) và nhiều công an mặc thường phục (dễ nhận ra vì học mang máy bộ đàm, hoặc đứng gần công an, nói chuyện với công an). Tôi đi bộ một vòng lớn các phố chung quanh lãnh sự quán Trung Quốc, từ Lê Duẩn lên Điện Biên Phủ, cuối cùng dừng lại ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai, chéo góc với lãnh sự quán Trung Quốc. Một cảnh sát cơ động tiến đến hỏi tôi : "Bác đến đây làm gì ?" -- "Tôi đến để biểu tình chống Trung Quốc". Anh công an ra nói với cấp trên, anh này đến nói với tôi : "Bác không thể đứng ở đây đâu". -- "Tôi chờ đến khi nào có nhiều người đến rồi sẽ đi". Anh ta không nói gì, bỏ đi -- một điều ít thấy trong tình trạng loạn kiêu binh công an - cảnh sát ở Việt Nam ! Một cô gái đứng cách tôi hai mét hỏi bác đi đâu. "Đi qua thôi", cả hai cùng cười ! (1). Hai cô gái trẻ đến mang xe Honda lên vỉa hè, một công an mặc thường phục đến đuổi đi, còn nói với theo : "Về mà học thi còn nếu muốn chiến đấu cho Trường Sa thì sẽ phát súng ra Trường Sa mà sống !".

Gần 9 giờ, thấy không còn một xe nào lưu thông trên các đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai : tôi nhìn về phía cuối các đường này, thấy các khung sắt có căng dây thép gai để làm ba-ri-e đã được kéo ra, chặn hết các ngả đường vào lãnh sự quán Trung Quốc. Tôi hiểu họ bắt đầu chính sách cứng rắn (chủ nhật trước, đoàn biểu tình có các nhân sĩ đi đầu còn "được phép" tiếp cận lãnh sự quán Trung Quốc). Tôi đi về phía ba-ri-e quảng trường Hồ Con Rùa, và thấy không có đông người tụ tập ở đấy, tôi bèn quay lai công viên trước dinh Thống Nhất gần đường Alexandre de Rhodes, số lượng đông hơn. Công an để tôi ra khỏi ba-ri-e. Các người biểu tình đa số ăn mặc bình thường (một số người còn mang quần áo khách du lịch mùa hè), ít người có biểu ngữ, một vài thanh niên khoác lên áo sơ mi một tấm hai mảnh hình cờ đỏ sao vàng. Riêng tôi đầu trọc, đi dép, mặc bộ đồ lam Phật tử, khoác một túi xách Phật tử -- đó là cách sống "3 y 1 bát" từ mấy năm nay. Bên ngoài ba-ri-e, một vài người lớn tuổi -- có người xưng là nhà văn -- bắt đầu tranh cãi với công an, yêu cầu cho đi vào. Dĩ nhiên họ bị từ chối. Một thanh niên gay gắt hơn, liền bị một công an mặc thường phục lấn tới định bắt anh, mọi người la ó, vây anh công an vào giữa, anh này đành thôi, lách ra ra khỏi vòng vây của người biểu tình. Các nhân viên dân phòng (áo xanh) bắt đầu tiến lên, dùng tay đẩy lùi người biểu tình. Một người nói : "Chúng ta quay mặt đi ra thôi", và họ đi về phía đường Lê Duẩn. Đoàn người tuần hành bắt đầu, có hai thanh niên, một cầm cờ, một cầm băng-rôn đi tới, trương ra thành nhóm người đi đầu -- hoàn toàn "tự phát", không thấy có gương mặt trí thức nào dẫn đầu như lần trước. Một số người bắt đầu trưng ra các khẩu hiệu viết trên giấy A4, A3. Đoàn đi trên vỉa hè, số người đứng xem trên công viên -- hoặc vượt ra ngoài dòng người tuần hành để chụp ảnh -- nhiều gần bằng số người đi tuần hành. Đoàn người hô các khẩu hiệu : "Hoàng Sa" / "Việt Nam!", "Trường Sa" / "Việt Nam !", "Đả đảo Trung Quốc" / "Đả đảo !". Một vài thanh niên mặc áo với khẩu hiệu HS-TS-VN (nhớ lại mới một, hai tuần trước, 7 người ở Bến Tre bị kết án với tội danh này!). Một bác lớn tuổi nới không nên hô "đả đảo Trung Quốc", vì có rất nhiều người dân Trung Quốc tốt, phải hô "đả đảo lãnh đạo Trung Quốc" nhưng ít ai hưởng ứng, có lẽ vì dài quá (nếu có loa phóng thanh thì xướng khẩu hiệu dài cũng dễ hơn). Đoàn biểu tình còn hát những bài của phong trào đô thị miền Nam trước đây như "dậy mà đi hỡi đồng bào ơi". Bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" ít người hát, quốc ca cũng thế. Cũng chẳng ai hưởng ứng câu ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : tối 8 tháng 6, thủ tướng phát biểu quyết tâm bảo vệ biển đảo bằng mọi giá thì hôm sau người anh em "16 chữ vàng" đã tặng ngay cái tát với vụ Viking 2. Một hình ảnh làm tôi liên tưởng tới những cuộc biểu tình ở Paris, ngay quảng trường Concorde, trước sứ quán Mĩ : một cặp vợ chồng trẻ, đội trên cổ hai đứa nhỏ một, hai tuổi !

vhl

Vũ Hải Long (áo cư sĩ) trong đoàn biểu tình trên đường Lê Duẩn (hình này trích từ Clip số 3 trên mạng Quê Choa)

Đoàn tuần hành băng sang đường, nơi đèn đỏ ngã tư Lê Duẩn - Pasteur để quay lại Nhà thờ Đức Bà, rồi đường Nguyễn Du, Pasteur chứ không tiến về chợ Bến Thành như chủ nhật trước. Đoàn tôi đi người không đông (chắc không quá vài trăm người, nghe nói từ đầu đã bị xé lẻ ra làm hai ba đoàn), nên chọn lộ trình ngắn hơn lần trước. Khi về lại Nhà thờ Đức Bà, tôi nghe tiếng người hỏi từ sau lưng : "Thày tu ở đâu ?" -- "Tu ở nhà". "Nhà thày ở đâu ?" -- "Quận Thủ Đức". "Ở Thủ Đức thày có biết sư.... ?" tôi hiểu ngay chức năng của người hỏi, nên thay vì tiếp tục trả lời, tôi hô khẩu hiệu.

Việc ngăn cấm từ xa, không cho người biểu tình tiếp cận lãnh sự Trung Quốc (trên hai đoạn đường hình chữ thập dài đến trên 500 mét) thực ra là một điều thiếu suy nghĩ (hay cố ý tâng công, tùy theo góc nhìn). Ở nước nào cũng thế, chính quyền chủ nhà có nhiệm vụ bảo vệ cơ sở ngoại giao (sứ quán, lãnh sự quán...) của nước ngoài trong khuôn viên của cơ quan ngoại giao. Trong trường hợp biểu tình, một trung đội công an đặc nhiệm kiểu cảnh sát cơ động, trang bị phương tiện chống khủng bố, đứng sát vai chung quanh cơ quan ngoại giao là quá đủ để đối phó với những phần tử quá khích. Ở đây, bảo vệ bằng một vành đai quá rộng lớn như vậy có khác gì bán đường, bán vỉa hè cho kẻ gây hấn.

Gần 11g, tôi tách ra đi về, hơi buồn vì thiếu vắng những bạn bè quen thuộc của lần biểu tình trước, vì tôi đã tưởng lần trước "an toàn" thì lần này sẽ được gặp nhiều bộ mặt quen -- Việt kiều hay không. Chẳng lẽ họ đã nhận được thông tin là sẽ có trấn áp ? Suy nghĩ đó không làm tôi lo, vì tôi đã tự khẳng định việc đúng thì cứ làm, để không hổ thẹn với bố tôi ở dưới suối vàng -- công an làm theo lệnh Nhà nước, mình làm theo mệnh lệnh của lương tri. Quang cảnh lần này như vậy, tôi cũng không mấy ngạc nhiên. Ở đất nước này, biểu tình là quyền có ghi trong hiến pháp, nhưng trên thực tế bị coi là một tội -- khiếu nại tập thể còn bị cấm -- biểu tình hàm ý chống đảng, chống Nhà nước ; các trường học, các đoàn thể xã hội đã được "quán triệt biểu tình" trước đó rồi, công an chìm thì thẳng tay trấn áp. Thêm vào đó, Trung Quốc lại "yêu cầu Việt Nam phải có thái độ" đối với những người biểu tình lần trước.  Bây giờ biểu tình nữa, sợ sẽ tổn hại tới việc "giải quyết song phương" như ông bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhắc đi nhắc lại mấy ngày liên tiếp.

Biển Đông đã dậy sóng, chứ không "không có gì mới" như ông chủ tịch Quốc hội đã nói năm ngoái. Trước thử thách mới, nếu chính phủ biết kiên quyết, làm "những việc cần làm ngay" -- chẳng hạn như họp ngay một phiên họp khoáng đại, tập hợp tất cả các đại biểu quốc hội mới được bầu lẫn các đại biểu khóa trước -- thì chắc chắn người dân sẽ sát cánh cùng chính phủ. Vì vận mệnh của tổ quốc, nhân dân sẽ độ lượng, không "để bụng" những sai lầm gần đây -- "nhỏ" như những vụ án trả thù vì "thể diện", lớn như vụ Vinashin (để đến nơi ngư dân không có thuyền cho ra thuyền, thăm dò dầu khí không có tàu cho ra tàu, "mất bò mới lo" cho tàu đi hộ vệ) : Thủ tướng dũng cảm nhận trách nhiệm, không ai bị hạch tội nữa, thế là xong ! Tin ở dân, được dân tin, thì mới mong "cứu đảng cứu nước" được.

Vũ Hải Long


Viết thêm : chương trình thời sự của VTV1 lúc 19g tối nay (12.6.2011) không nói một câu về các cuộc biểu tình buổi sáng -- ít nhất tuần trước còn ấp úng được mấy tiếng "tụ tập tự phát"...  Đáng chú ý là bản tin thời sự không bắt đầu bằng những khuôn sáo "Tổng bí thư đi thăm và làm việc tại X", "Chủ tịch nước tiếp Y", "Thủ tướng phát biểu tại Z". Mà bắt đầu bằng tin, khá dài : luật sư Hà Nội kiến nghị đưa vụ cắt cáp ra tòa án quốc tế. Giá mà trước đó, hay song song với kiến nghị đó, đoàn luật sư hay hội luật sư cũng yêu cầu các tòa án Việt Nam hãy xét xử theo đúng luật Việt Nam, thì yêu cầu tòa án quốc tế xét xử theo luật pháp quốc tế sẽ có nhiều sức nặng hơn. Chứ còn vẫn điệp khúc "Việt nam có cơ sở pháp lý..." thì để làm gì ? Để "há miệng mắc quai" là cái chắc khi người ta đã quen "song phương đi đêm".


(1) "đi qua sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc" và "tụ tập ít người, tự phát" là chữ dùng của Thông tấn xã Việt Nam trong bản tin (?!) nói về cuộc biểu tình ngày 5.6.2011 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us