Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Trả lời Lữ Phương

Trả lời Lữ Phương

- Nguyễn Trung — published 11/01/2013 09:45, cập nhật lần cuối 11/01/2013 09:51
Xin đọc trước "Thư gửi Nguyễn Trung" của Lữ Phương

Trả lời Lữ Phương


Nguyễn Trung


Hà Nội, ngày 3 tháng 1 năm 2013


Anh Lữ Phương thân mến,

1. Rất cảm ơn anh, nhất là phải cảm ơn và nhiệt liệt hoan nghênh người ốm mà vẫn dành tâm sức ra tham gia cuộc đánh vật chung này của đất nước, cảm ơn sự yêu mến anh dành cho tôi qua thư anh gửi.

2. Tôi tôn trọng những gì anh đã viết ra trong thư - dù là có những điểm phù hợp, chưa phù hợp, hay không phù hợp với suy nghĩ của tôi, vì tất cả những điều này đều gợi ý tôi phải suy nghĩ thêm nữa. 

3. Điều tôi muốn nói rõ thêm chỉ là: Trong tôi, kể cả những suy nghĩ của tôi về khả năng thực hiện sự tự thay đổi của quyền lực từ trong ra và từ trên xuống, cũng chỉ là một sự lựa chọn, một “alternative” cực chẳng đã, một sự lựa chọn không còn cách nào khác tiết kiệm hơn thời gian, xương máu và mọi đau thương tổn thất khác cho đất nước mà thôi.

Đấy cũng là một sự lựa chọn gìn giữ những thành tựu đã dành dụm được, cho dù là nhỏ nhất. Cả nước đã phải mất bao nhiêu hy sinh khôn kể xiết suốt hai thế kỷ vừa qua, nhất là bảy thập kỷ qua cho đến hôm nay, để với tất cả sức lực đang có được trong tay đi tiếp trên con đường đất nước phải đi.

Đấy là sự lựa chọn dứt khoát không chấp nhận và tránh bằng được kịch bản phải xóa đi tất cả để làm lại từ đầu, mà muốn như thế, tất yếu phải chấp nhận những thỏa hiệp nhất định, với tất cả tinh thần hòa giải, trên hết và tất cả chỉ vì tổ quốc yêu dấu đã quá nhiều đau thương của chúng ta.

Đặt vấn đề quyết liệt như vậy, vì điều tôi muốn tránh đến cùng khi tình hình còn cho phép, đó là đừng bắt dân tộc ta phải một lần nữa đổ máu và phải lâm vào cảnh nồi da xáo thịt, lại càng không nên để cho tình hình dẫn đến một sự sụp đổ tự phát - chính vì lẽ này tôi nói nhiều về tha hóa, về sự phản bội những gì đã tuyên thệ với dân tộc. Và lẽ tất yếu, nếu muốn trở lại sự trung thành đã tuyên thệ như vậy với đất nước – bất kể ai, dù là bên này hay bên kia – đã tuyên thệ với dân tộc thì đương nhiên phải vứt bỏ ý thức hệ và mọi thứ lý luận của nó - do đó trong truyện tôi thường nhấn mạnh đến khía cạnh tha hóa để cho nhiều người đọc nào đấy của các bên “dễ nuốt”, và cũng để cho người đọc bình thường đỡ phải sa đà vào lý luận lôi thôi - đây cũng là một lợi thế của việc viết truyện thay cho viết bài!

Hơn nữa, kể cả những lý luận mang tính ý thức hệ mác-xít đã và đang được quyền lực thưc thi, cũng đã nói thẳng ra đó chỉ là những thứ (nguyên văn): “giả, diễn, hão” (chương 23 - tập II), nghĩa là không thực, chỉ là một công cụ, chứ không phải là mục đích. Cho nên như một lẽ tất yếu, không thể không đoạn tuyệt với ý thức hệ và những lý thuyết như thế khi muốn trở lại phục vụ lợi ích dân tộc. Truyện viết chỗ này có lẽ nghệ thuật văn chương còn kém nên chưa lột được hết tinh thần này. (Riêng chỗ này cũng phải thêm một lời cảm ơn nữa dành cho anh đã đồng tình với sự lựa chọn thủ pháp viết của tôi: Chuyện văn chương theo nghĩa văn học chẳng có ý nghĩa gì ngoài cái chức năng tôi ốp cho nó với tất cả bạo lực thô thiển của mình để chuyển tải suy nghĩ của tôi – nếu có ai đó muốn khép tôi vào tội cưỡng hiếp văn học, tôi cũng sẵn sàng nhận án, vì chuyện đã xảy ra rồi!).

5. Theo tôi, đừng đưa Nguyễn Văn Linh vào danh sách những người đề xướng đổi mới, nếu định đưa thì nên đưa Trường Chinh, vì lịch sử là như vậy.

6. Nếu anh khỏe, tôi đề nghị anh nêu thêm những suy nghĩ của anh về vấn đề hòa giải dân tộc, một vấn đề lúc này gần như không thể, nhưng lại là vấn đề sống còn của đất nước anh ạ.

Lũ cũng đã nói ra không có một thể chế chính trị dân chủ thì không thể có hòa hợp dân tộc, và nếu cuộc sống có loại chữ “không” như thế sẽ là điều vô cùng đau khổ cho đất nước. Rất nên có thêm tiếng nói của anh về chủ đề này, anh Lữ Phương ạ.

  1. Nỗi đau day dứt nhất trong tôi có lẽ là nỗi đau đất nước đã 37 năm độc lập thống nhất mà đến nay vẫn chưa có hòa giải dân tộc, đầu mối của mọi lận đận hôm nay của nước ta, anh ạ. Tháng 6-2011, khi được mời tham gia hội nghị phản biện để góp ý kiến chuẩn bị cho Đại hội XI ĐCSCVN do nguyên phó thủ tướng Trần Phương chủ trì, tôi đã nêu suy nghĩ này, đại ý: Đất nước đến nay vẫn chưa thực hiện được thống nhất dân tộc. Trong (tập II chương 23 trang 558 ff…) tôi lại đụng phải vấn đề này. Để chia sẻ nỗi day dứt của tôi về hòa giải dân tộc, tôi xin trích lại một đoạn sau đây ở một chương khác:

“...

Trong đối thoại này, tôi (thạc sỹ doanh nhân Nguyễn Thị Bach Yến) muốn tập trung nói về hòa giải dân tộc.

Có thể nói rất tóm tắt, nước ta không thể chọn được hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa chính trị của nước mình, nhưng bài học từ lịch sử thì phải rút ra. Con đường gian truân đất nước ta đã trải qua từ Cách mạng Tháng Tám đến nay chẳng những đầy hy sinh, tổn thất của dân tộc, có những mất mát không thể lấy lại được, mà còn để lại những hố sâu chia rẽ và những chướng ngại vật hầu như không thể vượt qua được trên mọi phương diện tinh thần và vật chất để thực hiện hòa giải dân tộc. Đây là sự thực đau lòng và vô cùng khắc nghiệt đối với dân tộc ta hôm nay.

Tính khắc nghiệt này không ít máu và nước mắt, gay gắt đến mức có anh thì không có tôi.

Tính khắc nghiệt này chỉ có sự đối kháng loại bỏ nhau triệt để giữa tồn tại hay không được tồn tại, giữa đúng và sai của các ý thức hệ triệt tiêu nhau.

Tính khắc nghiệt này chứa đựng sự xung đột không dung tha nhau như giữa nước và lửa, những vết thương tinh thần không bao giờ lành lại đời này qua đời khác, những vết thương rỉ máu mãi mãi…

Tính khắc nghiệt này đầy ắp những ý tưởng hay lý tưởng không thể đội trời chung, lâm chiến quyết liệt với nhau suốt bẩy thập kỷ vừa qua, sự xung khắc triền miên đến tận cùng giữa ngu dốt và trí tuệ, giữa thiện và ác…

Tính khắc nghiệt này chất đầy những bi kịch và không hiếm khi là thảm kịch của những số phận đã bị cột chặt vào những khung cảnh không thay đổi được nữa của cuộc đời…

Xin thưa các quý vị, khó ai dám nói có thể lường hết đau thương dân tộc ta đang phải chịu đựng do tính khắc nghiệt này gây ra trong suốt bẩy thập kỷ vừa qua và ngày nay vẫn nguyên vẹn mọi di chứng. Cũng khó ai lường hết được những đau thương này đang trói chân trói tay, làm mê muội đầu óc dân tộc ta như thế nào trong thế giới khốc liệt hôm nay!

Xin thưa các quý vị, thế giới hôm nay không mảy may quan tâm dân tộc ta đang phải mang trên mình những vết thương gì, mà chỉ đặt ra những đòi hỏi và thách thức.

Trung Quốc cũng chẳng dành cho ta sự chiếu cố nào về hoàn cảnh quá khứ của ta như vậy, mà chỉ đặt ra cho nước ta vấn đề: Hoặc là anh đủ sức là đối tác được tôn trọng của tôi, hoặc anh dặt dẹo chịu tôi khuất phục làm một thuộc hạ cho tôi?

Cuộc sống quyết liệt hôm nay cũng chẳng dành cho dân tộc ta giây phút chờ đợi nào để “ta tự xử lý ta với nhau” cho xong mọi chuyện của ta đã, trước khi ta bắt tay vào công việc đối xử với cả thế giới. Hơn nữa trong mối quan hệ xung đột giữa ta với ta như thế của chặng đường đất nước đã đi bẩy thập niên qua thường là “mối quan hệ theo kiểu có tổng số bằng số không” (zero sum games), nếu bây giờ muốn đi tìm chân lý theo cách xử lý nhau đến cùng thì có khác gì tiếp tục tay nọ chém tay kia như đã từng xảy ra? Sự thật là: thực tế đầy oan khiên này đang chặn đứng con đường dẫn tới hòa giải dân tộc. Đấy là chính sự thật bây giờ mỗi người Việt Nam chúng ta phải nhìn thẳng vào! Yêu nước, thương dân tộc mình thì phải làm như thế.

Không có thời giờ cho trang trải sòng phẳng ân – oánđúng – sai với nhau đâu, và có xóa sổ nhau đến hết cũng không trang trải nổi. Như vậy chỉ có mỗi con đường vượt lên quá khứ.

Phải nhìn thẳng vào những thách thức, những đòi hỏi đang đặt ra đất nước để vượt lên chính chúng ta, thực hiện cho bằng được hòa giải dân tộc. Tinh hoa và trí tuệ của cả nước lúc này hơn bao giờ hết phải dồn sức thực hiện bằng được hòa giải dân tộc, để nhờ đó có ý chí và trí tuệ đổi đời số phận đau thương của đất nước đã bị giam hãm gần hai thế kỷ nay trong nghèo nàn, lạc hậu, hiện nay vẫn đang bị trói buộc trong nghèo nàn, lạc hậu và lệ thuộc!

Không có hòa giải dân tộc, dứt khoát không thể đổi đời nước ta thành một nước phát triển, để có độc lập - tự do - hạnh phúc, để thoát được ách nô dịch của Trung Quốc.” (tập II, chương 27, trang 699 ff.)

Thư đã dài, tôi xin dừng lại đây. Có lẽ anh và tôi nên có một cam kết với nhau: Tôi thì cố sớm vứt đi chỗ khác chuyện đau dạ dày đã hành hạ tôi, lần này là sang tháng thứ 3; còn anh thì cố khỏe tay để gõ bàn phím. Điều kiện cần để chúng ta có thể nói chuyện tiếp với nhau đấy.

Một lần nữa cảm ơn anh. Chúc anh sức khỏe.


Thân mến,

Nguyễn Trung


Nguồn : Xem bài Lữ Phương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us