Cuộc trò chuyện trên núi Truồi
Cuộc trò chuyện
trên núi
Truồi
Chu Sơn
Diễn Đàn : Chúng tôi đã nhận được một đoạn hồi ký dài có tên Cuộc trò truyện trên núi Truồi do tác giả Chu Sơn, đã quen thuộc với độc giả Diễn Đàn, có nhã ý gửi tới. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trích đăng dưới đây phần đầu và phần cuối của những ngày trò chuyện này. Phần chúng tôi đã lược bớt là những nhận định khá chi tiết về tình hình và đường lối đấu tranh, tuy có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng đã thuộc về chính sử. Chỉ xin giữ lại ở đây sự gặp gỡ và trò chuyện sinh động, có giá trị nhân chứng xã hội và nhân văn, giữa những con người cụ thể, về những câu hỏi vẫn còn day dứt, và về những con người cụ thể khác.
Các tiểu tựa và phân đoạn cho dễ đọc do chúng tôi tạm thời thực hiện; hy vọng một ngày không xa chúng ta sẽ được đọc tác phẩm hồi ký hoàn chỉnh của tác giả, trong đó bài này có lẽ sẽ chỉ là trích đoạn của một chương sách.
Miền Trung, vào cuối năm 1972, thời điểm bản lề của chiến tranh...
Lên núi
Chuyến về Huế lần ấy theo dự tính không có chuyện hàn huyên tâm sự với anh Kha, mà theo lời nhắn của anh Lê Phương Thảo – cán bộ phụ trách công tác thanh niên - học sinh - sinh viên - trí thức của thành uỷ Huế. Tôi gặp anh Thảo lần đầu tiên trên núi Truồi vào cuối tháng 11-1972, sau khi tôi ra tù chưa đầy một tuần lễ.
Cùng với Bạch Mã, núi Truồi là một trong hai ngọn núi cao nhất của Thừa Thiên. Núi Truồi dốc đứng và không đẹp bằng Bạch Mã. Bù lại núi Truồi là nơi phát tích con sông Truồi trong xanh. Ngồi trên thuyền nhìn xuống đáy sông sâu hai ba mét trông thấy mồn một những sỏi cát, rong rêu và cá tôm bơi lội thật thích mắt. Sau sông Hương ở Thừa Thiên - Huế, sông Truồi là con sông đẹp, cây cối hai bên bờ xanh ngắt, thỉnh thoảng xuất hiện những cái bến đẹp mê hồn. Hồi năm 1954 tôi có dịp đến Truồi để dự thi tiểu học tại trường An Lương Đông nên đã có dịp bơi lội thoả thích trong những cái bến liêu trai ấy. Sau này lên học ở Huế, nhiều lần tắm sông Hương, tôi ít thấy có cái bến nào yên tĩnh, sạch và đẹp như những cái bến ở hai bên bờ sông Truồi. Những cái bến mà nước, sỏi đá, cỏ cây, rong rêu hoà nhập với nhau tạo nên cảnh quan an bình, quyến rũ. Ở Thừa Thiên ít có làng quê nào được thiên nhiên ưu đãi như Truồi. Ở phía đông Truồi là đầm Cầu Hai, dân Truồi dĩ nhiên chia phần cái sản vật phong phú và quí báu ấy. Cá tôm đầm Cầu hai nổi tiếng thơm ngon. Cá đối, cá hanh, cá dìa, tôm sú, tôm đất, lươn lệch và cua gạch đầm Cầu Hai nổi tiếng kinh kỳ. Phía tây Truồi là núi Truồi, động Truồi, là những ngọn thấp hơn thuộc sơn hệ Bạch Mã chạy dài từ Cầu Hai đến An Nong và ăn sâu về phía sau đến Khe Tre, Nam Đông, Vũng Vàng. Gỗ quí và các lâm sản khác như mây, trầm hương, chim thú ở đây không chỉ là tài nguyên của dân Truồi mà là của chung của nhiều cư dân ở các làng bên kia phá. Động Truồi, núi Truồi là một cứ điểm quan trọng ở khu vực phía Nam Thừa Thiên. Nhà quân sự đứng trên núi Truồi có thể phóng tầm nhìn bao quát một dải từ Huế đến Thuận An, từ Hương Thuỷ đến Phú Vang, Phú Lộc, Lăng Cô. Đại bác đặt trên các cao điểm thuộc khu vực động Truồi khống chế các căn cứ địch từ Phú Bài, La Sơn, Phú Thứ, Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô.
Phía nam Truồi là Đá Bạc, phía bắc Truồi là An Nong. Con sông Truồi chảy từ động Truồi theo hướng Tây - Đông bồi đắp phù sa làm nên đất ruộng, da thịt cho làng Truồi và góp nước cho đầm Cầu Hai. Trước khi người Pháp xây quốc lộ 1 và đường sắt, con đường cái quan chạy ngang qua Truồi theo hướng Bắc - Nam. Hai đường giao thông thuỷ bộ này giao nhau ở giữa làng, phân Truồi thành bốn mảnh: hai Bắc, hai Nam, hai Đông, hai Tây – và cũng là hai trên, hai dưới. Đất đai của Truồi khá nhiều và phong phú. Ruộng nước rất tốt và có dư để dân làng cày cấy. Đất ươn có đủ để làm nhà và lập vườn. Đất đồi có thừa để nuôi tranh, trồng hoa màu và chăn thả trâu bò. Ở Truồi có nhiều sản vật, thức ăn nổi tiếng là chè xanh, dâu đất, mít, vải, bánh bột lọc. Ngày xưa lúc bến đò, bến xe, ga xe lửa còn thịnh, chè tươi, dâu đất, bánh bột lọc nhân tôm thịt của Truồi theo đò, tàu, xe đến nhiều nơi khắp Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Nơi nào có nhiều người Huế đến làm ăn sinh sống là có chè Truồi. Hồi ấy khi mà các thứ giải khát đóng chai chưa phổ biến thì chè Truồi là thức uống thân thiết của mọi người. Chợ lớn, chợ nhỏ, bến xe, bến tàu, bến đò, gốc đa ở các trục giao thông…, nơi nào có người qua lại là có quán nước chè Truồi. Chè Truồi còn là thức uống quanh năm của nhiều gia đình từ nông thôn đến thành thị của người Thừa Thiên Huế. Dâu đất của Truồi còn là đặc sản nổi tiếng không kém. Dâu Truồi trái nhỏ, hạt bé tí tẹo, vị ngọt thanh, tinh tế. Trái cây Truồi còn có mít, vải thiều. Vải thiều của Truồi không ngon bằng vải Thiều miền Bắc, tuy nhiên ngày xưa vải thiều miền Bắc đâu có phổ biến để mà so sánh. Mít Truồi thì khỏi phải nói: múi to hạt nhỏ, vàng rộm, mọng mật và thơm phức. Trẻ con nhiều làng phía bên kia đầm Cầu Hai, phá Tam Giang còn mơ màng thấm vào giấc ngủ mùi thơm vị ngọt của mít:
À… ơ …, ru em cho thét
cho mùi,
Cho mẹ đi Truồi mua mít em
ăn.
Và con gái Truồi nữa. Tôi chưa hề nhận xét con gái Truồi thơm như múi mít, như phát biểu của con trai các làng khác thuộc huyện Phú Lộc, nhưng sau cái lần được bơi lội thỏa thích tại một trong những cái bến liêu trai trên sông Truồi, nhiều lúc tôi đã thả rong trí tưởng tượng phiêu bồng đến một ảo cảnh là vào một đêm trăng nước lộn trời, tình cờ ngắm mấy ả con gái Truồi uốn lượn đùa giỡn với thanh xuân thần thánh trên những bến sông đẹp tuyệt vời ấy. Riêng tôi là thế, nhưng theo sự thẩm định của nhiều người: con gái Truồi lên học trung học, đại học ở Huế xinh đẹp, nhẹ nhàng thanh lịch và khéo tay đâu có kém người con gái sông Hương núi Ngự. Được như thế một phần nhờ dòng sông, còn một phần nữa là nhờ thời hưng thịnh của triều Nguyễn, Truồi là một trong ít vùng quê quan lại thường chọn để xây dựng cơ ngơi nghỉ dưỡng hay khai thác kinh tế. Bởi Truồi nằm trên con đường cái quan, không xa kinh thành. Lại nữa, Truồi còn có một thuỷ đạo nối đầm Cầu Hai, qua cống Quan, đến An Cựu và Huế. Đặc biệt là cảnh quan, tài nguyên ít có nơi nào ở Thừa Thiên sánh kịp với vùng đất đai có tên cộc lốc này.
*
Con đường giao liên đưa tôi lên núi Truồi băng qua một trảng tranh rộng mà dân địa phương gọi là rẫy Ngô Đình Khôi. Để đi hết trảng tranh này chúng tôi phải đi mất hai tiếng đồng hồ. Ngô Đình Khôi con trai trưởng Ngô Đình Khả, anh ruột Ngô Đình Diệm, người Công giáo, đã từng là tổng đốc khét tiếng Việt gian tham ác ở Quảng Nam một thời. Lúc đó ở đỉnh cao quyền lực, Ngô Đình Khôi chiếm cứ, khai thác cơ ngơi này để làm giàu. Chiếm giữ khu rẫy này, Ngô Đình Khôi làm chủ luôn nguồn Truồi với tài nguyên phong phú, quí hiếm từ núi Truồi và nhiều ngọn núi liên cận từ Bạch Mã đến Khe Tre, Nam Đông. Không những thế, Ngô Đình Khôi còn khai thác sức lao động của hàng trăm người dân Truồi và dân thất nghiệp của nhiều làng khác của Phú Lộc, nhất là những làng ở bên kia phá Cầu Hai và trả họ những ngày công rẻ mạt. Gỗ quý, mây, tranh, mật ong, trầm hương, thú hoang của dân Truồi, dân Phú Lộc bây giờ là của riêng nhà họ Ngô. Rẫy Ngô Đình Khôi sản xuất lúa, chè, trái cây và chăn nuôi hàng mấy trăm trâu bò, heo, cung cấp cho nhu cầu của bọn Tây và bọn lính tráng, quan lại Nam triều ở Huế. Nông dân ở Truồi, ở An Nong trước đây nhiều nhà nuôi năm bảy con trâu, đôi ba con bò để cày bừa, kéo gỗ và cũng để lấy thịt trong những dịp cúng lễ, nay chẳng còn bãi chăn thả. Người làm rú muốn lên núi chẳng còn đường gần để đi, nay phải đi vòng tránh xa ngoài rẫy của quan lớn. Bởi rẫy là của quan lớn, đường qua rẫy cũng là của quan lớn, kẻ nào muốn đi qua nếu không lót tay bọn tay chân quan lớn ắt rầy rà tội vạ.
Núi Truồi ai đắp nên
cao
Sông Gianh ai bới ai đào nên
sâu.
Hai câu ca dao này là tiếng kêu than, qui kết trách nhiệm tội ác qua phân, cát cứ, đàn áp, bóc lột và tiến hành chiến tranh của các tập đoàn phong kiến Trịnh Nguyễn mấy trăm năm trước. Nhưng người Truồi, người Phú Lộc, người Thừa Thiên Huế bằng kinh nghiệm đau thương của chính mình, bằng nhận thức cụ thể chính xác từ các hiện thực nhãn tiền, đã sử dụng nó như hai nhát kiếm chém thẳng anh em nhà họ Ngô Đình vào cái mốc điểm thời gian khác, vào cái hoàn cảnh lịch sử khác. Cuộc qua phân và nội chiến thời Trịnh Nguyễn ngoài các động cơ tranh bá đồ vương của hai dòng họ, hai tập đoàn phong kiến, còn có nhu cầu của cả nhân dân là khai mở một sinh lộ để thoát khỏi tình trạng chật hẹp, đói nghèo, trên đe dưới búa của bọn bành trướng Bắc phương và bọn cầm quyền hiếu chiến, xốc nổi mê muội Nam phương. Các hành động nối giáo cho thực dân Pháp khai thác, đàn áp, bóc lột, giết chết đồng bào, mưu đồ với đế quốc Mỹ cát cứ, kéo dài tình trạng chia cắt đất nước, bắt bớ, tra tấn, giam cầm, tàn sát người kháng chiến, o ép, làm nhục, cưỡng ép người theo đạo Phật và các thành phần quần chúng khác hòng thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị và Thiên Chúa giáo toàn trị của anh em nhà họ Ngô đã bộc lộ đầy đủ và sâu sắc ở cái làng Truồi này.
*
Chị Hoà (tên cúng cơm của chị là Lài), người phụ nữ Truồi, cơ sở kháng chiến của Thành uỷ Huế, người chủ căn lều bên bờ sông Truồi, thành viên của một địa bàn do người của Thành uỷ tổ chức, cài đặt làm trạm giao liên trung chuyển giữa thành phố và chiến khu, đã kể cho tôi nghe về những tham ác mà bọn tay chân thân tín của Ngô Đình Khôi trong những năm tháng mà chúng cướp giật, khai thác khu rẫy này. Những năm tháng ấy cha mẹ chị chưa về với nhau và cả mấy chục năm sau chị mới mở mắt chào đời. Tuy vậy những bạo ngược hung ác ấy chẳng vì thế mà không để lại những dấu ấn nặng nề, sâu sắc trong ký ức của người đời sau được nghe kể lại. Nỗi căm giận của chị là nỗi căm giận truyền tử lưu tôn, là một phần của cải cha ông để lại. Một phần thôi. Cha ông còn để lại một phần của cải gia tài khác lớn lao hơn, quí báu hơn, đó là sức sống bền bỉ kiên cường trước thiên tai dịch hoạ, là lòng chung thuỷ, nhân hậu, bao dung khi đã vượt qua tai trời ách nước…
Chị Hoà kể vô số những hành động gian ác, những tính toán sâu hiểm độc địa mà người Truồi phải kinh qua từ thời Ngô Đình Khôi lập rẫy và đặc biệt là gần hai mươi năm dưới chế độ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu qua các chiến dịch đẫm máu tố cộng diệt cộng, luật số 10/59, công giáo hoá, ấp chiến lược, bình định, phượng hoàng… Chị Hoà người phụ nữ đứng tuổi, dáng người nhỏ nhắn, khô gầy như cây sậy đã không che giấu lòng căm giận qua đôi mắt thỉnh thoảng loé lên những đốm lửa và qua những mỉm miệng cười héo hắt đắng cay. Chị nhắc lại một thành ngữ vừa như một lời nguyền, vừa như một tiếng thở dài: “Đào sâu nhọc lấp”.
Câu chuyện về làng Truồi, về một địa bàn đứng chân của phong trào đô thị thuộc Thành uỷ Huế còn rất dài, tôi sẽ kể lại vào một dịp khác. Bây giờ tiếp tục câu chuyện lên núi Truồi của tôi.
*
Tôi theo tổ công tác rời nhà chị Hoà vào khoảng một giờ sáng. Trăng thượng tuần đã lặn. Bầu trời chuyển dần từ mờ tối qua tối đen. Đường gập ghềnh, lỗ chỗ hốc hiểm khó đi. Tổ công tác gồm ba người. Hai người đi trước cách nhau và cách tôi năm bảy bước, người thứ ba đi cũng cách vài mấy bước sau tôi. Họ có nhiệm vụ về đón và đưa tôi lên núi Truồi. Họ có vài nhiệm vụ kết hợp tôi không rõ. Tôi chỉ thấy trên lưng họ ba lô căng đầy và có vẻ nặng. Lưng họ đeo đầy đạn, tay họ cầm súng tiểu liên. Người đi sau có thêm súng lục. Chúng tôi đi trong im lặng và cảnh giác. Có đoạn đường chúng tôi đi thẳng người, có đoạn đường chúng tôi đi lom khom tuỳ theo cỏ tranh và gai bụi hai bên cao thấp và cũng tuỳ theo kinh nghiệm thực tế của họ trên mỗi đoạn đường. Để có được những kinh nghiệm này, máu của nhiều chiến sĩ đường dây, giao liên, cán bộ và cả khách như tôi đã đổ đây đó. Phải mất hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới vượt qua rẫy Ngô Đình Khôi. Tôi thở gấp, người nóng bừng, mồ hôi dầm dề. Tôi nghe tiếng thở phào nhẹ nhõm sau lưng. Có lẽ người chỉ huy tổ công tác như cất đi một gánh nặng. Có lẽ đoạn đường nguy hiểm nhất chúng tôi đã vượt qua. Tôi cảm thấy toàn thân rã rời, mệt mỏi. Tôi vốn là một thanh niên đi chân đất, những dấu chân trên những quãng đường tôi đi qua chỉ in trên cát. Tôi chưa vượt núi băng rừng, chưa trèo đèo lội suối. Nhiều năm ở thành phố và nhất là một năm ở trong tù đã làm tôi suy yếu rất nhiều. Tôi cảm thấy như vừa trải qua một thử thách. Song tôi cố tỏ ra bình thường. Trời còn tối nên các chiến sĩ đường dây không phát hiện ra tình trạng mất sức của tôi. Tôi tự chế giễu mình bằng một so sánh vừa mới nẩy sinh trong trí: Cuộc hành trình năm cây số qua đồi tranh có người trước người sau giúp đỡ bảo vệ, không mang xách, không đói lòng, không bệnh tật, không bom mìn, không truy đuổi… của tôi so với những cuộc hành trình hàng ngàn, hàng vạn hàng muôn ức cây số với đủ thứ gian nguy ác hiểm của hàng chục triệu con người suốt hàng trăm năm ra đi từ nô lệ. Tôi tự nhủ có một chênh lệch quá lớn giữa một người yêu nước là tôi với một người yêu nước bình thường khác như chị Hoà chẳng hạn, nói chi đến những cuộc trường chinh mưa bom bão đạn thừa chết thiếu sống mà người đọc chẳng khó khăn gì tìm được trong những tư liệu về các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.
Yêu nước: Nói và làm là những hiện thực không phải bao giờ cũng hợp nhất.
Yêu nước: Nói khơi khơi để chứng tỏ, để lừa mình, phỉnh người thì dễ quá.
Yêu nước: Nói và làm trong so kè, tính toán thiệt hơn, lợi hại, đã bắt đầu phức tạp.
Yêu nước: Nói và làm hợp nhất khó hơn nhiều.
Yêu nước: Nói và làm, vượt qua sống chết để góp phần đưa đất nước thoát vòng nô lệ là thiên nan, vạn nan, đắng cay, cực nhục muôn phần.
Những suy nghĩ miên man về hai từ yêu nước giúp tôi vơi đi rất nhiều mệt nhọc, và chặng đường từ cửa rừng lên tới cái chòi lá ở lưng chừng sườn núi như ngắn lại và chẳng quá khó khăn. Trời rạng sáng. Xuyên qua tán lá cây rừng là ánh mặt trời cùng với sương mai tạo nên những hạt, những tia, những vòng, những mảng màu hồng vàng to nhỏ đậm nhạt khác nhau. Tôi có cảm giác cảnh quan nơi đây đang tưng bừng chào đón chúng tôi. Một phút hoang tưởng cho tôi một niềm sảng khoái, giúp tôi nhanh chóng lấy lại sức lực. Ba chiến sĩ dẫn đường nhanh chóng biến mất. Một mình tôi đứng giữa chòi lá nhìn quanh chẳng thấy một ai. Dường như có tiếng hát nho nhỏ vọng lên từ lòng đất. Vài phút sau họ chui lên từ ba hốc đá ở ba phía của căn chòi. Căn chòi trống trơn, chỉ có chiếc võng dù treo thõng thụng. Anh Phước người chỉ huy đội công tác đề nghị tôi nằm nghỉ. Anh cùng với một đội viên nữa đi xuống suối. Họ mang theo quần áo mới thay, các dụng cụ vệ sinh và mấy cái can nhựa. Người đội viên còn lại lom khom nhóm bếp. Bếp đặt dưới một tảng đá to nhô ra phía trước làm thành một mái che.
Gặp gỡ
Tôi thức dậy khi mặt trời đã lên khá cao. Đêm rồi chưa ngủ, đi đường mỏi mệt nên tôi thiếp đi lúc nào chẳng hay. Có tiếng động sinh hoạt và tiếng nói rì rầm đâu đó. Tôi rời khỏi võng, ngó đông ngó tây. Trên một tảng đá bằng phẳng cách chòi năm bảy bước, anh Phước và một người đàn ông nữa đang trao đổi gì đó. Tôi đằng hắng báo cho họ biết là tôi đã thức dậy. Người đàn ông thứ hai rời khỏi tảng đá rảo bước về phía chòi. Anh bước đi và leo lên chòi thoăn thoắt. Bắt tay tôi và cười xởi lởi, anh nói: “ Hồi nãy tôi ra suối, Phước xuống gọi, tôi lên chòi thì anh đã ngủ”. Nghe giọng nói, tôi rất ngạc nhiên vì hai người nói chuyện với tôi đầu tiên trên núi Truồi không phải là người Huế. Giọng nói gần giống giọng Mỹ Lợi – làng tôi. Nhưng nghe kỹ thì không phải. Người Mỹ Lợi không nói mô, tê, răng, rứa cho dù âm sắc có na ná. Cả Phước, cả người thanh niên đang nắm tay tôi nhất định là người Quảng Nam. Chúng tôi quan sát nhau. Con người nhỏ nhắn ấy cao chưa quá một thước sáu, chân tay mảnh khảnh, da mặt xanh tái, chỉ có đôi mắt có nhiều điều lạ, nhiều bí ẩn, cuốn hút tôi từ phút đầu. Với tôi, anh ta vừa thân quen, vừa xa lạ. Còn anh ta, từ cái bắt tay, từ lời nói, từ giọng cười… như đang tiếp một người bạn thân lâu ngày gặp lại. Vừa hỏi han sức khoẻ của tôi, vừa rủ tôi đi tắm. Anh ta bảo: “để cho suối cuốn trôi đi những mệt nhọc và bụi đường…” Tôi với lấy cái túi nhỏ và cùng anh ta xuống suối. Chúng tôi ngâm mình trong dòng nước trong vắt mát lạnh tê mê vừa trò chuyện. Chúng tôi dường như không phải bắt đầu mà tiếp tục câu chuyện một cách tự nhiên, thoải mái. Đến lúc này tôi không biết người đang tắm cùng tôi, người đang chủ động dẫn dắt câu chuyện là ai, đảm trách nhiệm vụ gì của Thành uỷ Huế. Vả lại, câu chuyện giữa chúng tôi, trước khi lên núi tôi chưa hình dung là mình sẽ tham gia trong chuyến đi này, bởi nó chẳng liên quan gì đến nhiệm vụ kháng chiến mà tôi chờ đợi. Toàn là những chuyện bâng quơ, những tản mạn riêng tư. Anh ta nói về những đêm trằn trọc nhớ Huế da diết tại một thôn bản người dân tộc trên thượng nguồn sông Hương từ sau tết Mậu Thân. Anh ta nói về những buổi sáng đứng trên đỉnh núi Truồi nhìn tới nhìn lui hơn một nửa vòng tròn từ tây bắc xuống đông nam, từ Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Huế, Hương Thuỷ, Phú Vang xuống Phú Lộc, Hải Vân… nơi có những con người, những ngôi nhà, những con đường, những góc phố, những thôn xóm làng mạc mà anh đã có dịp liên kết, lui tới, yêu thương và cậy nhờ. Vì kháng chiến anh đã xuôi Nam do sự bức bách của tình thế và cũng vì cuộc kháng chiến anh đã lội ngược dòng để làm quen và cộng nghiệp với một vùng đất mà những năm tháng thiếu thời anh chưa hề nghĩ đến. Cuộc Nam tiến đối với cậu thiếu niên mới lớn là anh lúc bấy giờ vẫn còn là xu thế, mặc dầu tổ tiên đã khởi đầu từ bảy tám trăm năm trước.
*
Anh say sưa kể về những con suối, những thác ghềnh hợp lưu thành con sông Truồi xanh ngắt. Anh ta nói về những con suối màu trắng bạc vào cuối đông chuyển qua màu trắng xanh rồi màu đỏ rực khi mà hàng triệu bông hoa đỗ quyên nở rộ chào đón ánh mặt trời đầu xuân bên Bạch Mã. Đứng trên núi Bạch Mã vào những thời điểm này, nhiều lúc người thanh niên đã lặn lội qua những thác ghềnh của rừng núi cũng như cuộc đời đấu tranh, đã thả lỏng trí tưởng tuợng của thơ ca, khao khát trở lại làm cậu bé làng Gióng sải mình trên lưng con ngựa hồng xông pha vào lằn tên mũi đạn.
Anh ta nói về những gốc mai già ở hai bên bờ đầu nguồn sông Hương hằng trăm năm tôi luyện trong nắng cháy, sương giá bão bùng. Những gốc mai cổ thụ đã tích tụ tinh anh của đất trời trong những điều kiện, những cảnh giới vừa khắc nghiệt vừa hào phóng của tự nhiên để khẳng định một tồn tại vững chãi lẫm liệt với những dáng hình kỳ lạ tiềm ẩn những vẻ đẹp kín đáo, mạnh mẽ và sâu thẳm. Đó là vẻ đẹp của những cụ già trải nghiệm đau thương cay đắng, hạnh phúc, thanh sạch, yêu thương và hy vọng qua bao lần biển dâu mà vẫn bảo lưu một sức sống kiên cường. Những gốc mai mà trên đó nhánh cành đã uốn lượn, chồi nụ đã nhú nứt, hoa lá đã rộn ràng phô cánh khoe màu. Những ngày đầu xuân, mai trên những ghềnh đá hai bên bờ đầu nguồn sông Hương nở rộ một màu vàng rực, tinh khiết, phối hợp cùng với màu óng bạc của sông nước, màu hồng của nắng mai, màu xanh lục của rừng, màu thiên thanh bất tận và màu nguyệt bạch bảng lảng của mây trời tạo thành một bức tranh lộng lẫy, đa sắc, đa hình và đa chiều. Ở đây, trên thượng nguồn sông Hương, vào những buổi sáng khởi đầu mùa xuân ấy, con người nhỏ bé là chúng ta, con người mà mấy ngày trước đây thôi còn co ro trong một góc hang của căn cứ, hay bên bếp lửa ám khói của một gia đình đồng bào dân tộc, đã vươn vai hít thở căng đầy lồng ngực, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ hoành tráng phi thường của không gian và cảm nhận được kích chiều sâu thẳm của thời gian…
*
Trên đường từ suối lên chòi, anh ta đề nghị tôi nói một điều gì đó về thành phố. Tôi lúng túng chẳng biết nói gì. Chuyện con suối, chuyện hoa lá, chuyện trời mây non nước anh ta kể hay quá, lạ quá, thơ mộng quá. Cùng một lúc, chẳng những tôi được tắm gội trong một bến suối, mà toàn thân tôi (da thịt, tâm hồn) được tắm gội trong nhiều sông suối khác nhau của miền núi rừng thiêng liêng này. Dù đã leo lên được một đoạn dốc, nhưng thân tâm tôi vẫn như còn ở trong một trạng thái hưởng thụ tiêu cực, hầu như tôi đã quên hết những gì ở thành phố. Tôi như bừng tỉnh trước đề nghị đột ngột của anh. Tôi chợt nhớ tới cái dở, cái yếu kém của mình là trong những tình thế thụ động tôi không che giấu được vẻ lúng túng. Và điều tôi nói thường trái khuấy, chẳng dính nhập gì với không khí chung, nên hay gây cho người nghe cảm giác khó chịu. Biết vậy nhưng cả trăm lần tôi vẫn chứng nào tật ấy. Tôi nói với anh về vị trí, vai trò của núi Truồi trong đời sống của ngư dân những làng ven biển ở bên kia phá Cầu Hai. Suốt mấy trăm năm các ngư dân ấy thường lấy đỉnh Truồi làm điểm mốc để đưa thuyền vào bờ mỗi khi có giông bão. Đỉnh núi Truồi đối với họ quan trọng biết dường nào. Họ không dám đưa thuyền đi xa khỏi tầm nhìn về núi Truồi, bởi khả năng định hướng và kiến thức đi biển của họ còn lạc hậu. Nhưng rồi thế nào chiến tranh cũng chấm dứt, con cháu họ sẽ lớn lên tiếp tục nghề biển của ông cha. Những ngư dân trẻ tuổi này nhất định sẽ được đào tạo, huấn luyện nghề đi biển đàng hoàn. Họ sẽ có kiến thức, kỹ năng và phương tiện đi biển, đánh bắt tiên tiến. Họ sẽ sắm tàu lớn lưới rộng, các phương tiện nghe nhìn và định hướng hiện đại, họ sẽ có những ngư trường xa bờ… Họ chẳng phải khấn vái, cầu đảo thần linh để cho đỉnh Truồi hiện ra mỗi khi gió to sóng lớn và mây mù che khuất. Giả dụ anh thử đặt mình là núi Truồi, khi đó anh có thấy hụt hẫng vì chẳng có ngư dân nào cần đến anh nữa, và anh có chê trách, cáo buộc họ là ngu dại, là vô ơn, là phản trắc không?
*
Câu chuyện của tôi quả là vô duyên, lạc lõng. Cũng may là chúng tôi đã lên đến chòi. Bụng tôi đói cồn cào. Cơm đã dọn sẵn. Chúng tôi ngồi vào mâm cơm. Mâm là một tấm vải ni lông dùng làm áo mưa gấp lại thành một tấm nhỏ cỡ 6 x 8 tấc. Cơm đựng trong một cái rá tre. Thức ăn gồm có cá đồng kho, rau luộc và canh nấu bằng thịt heo hộp với trái su xắt mỏng. Tất cả đựng trong các ca men to nhỏ khác nhau. Chén ăn cho mỗi người bằng sứ men trắng. Khi cầm đũa, tôi sực nhớ đến những người khác thuộc về căn chòi này. Tôi hỏi người đối diện. Anh ta bảo: họ có việc của họ, chúng ta có việc của chúng ta. Tôi bỏ đũa nhìn quanh. Trên tảng đá anh Phước và người chủ căn chòi đã ngồi lúc nãy, ba chiến sĩ thuộc đội công tác đang ngồi ăn trưa. Tôi bước xuống chòi và đi nhanh đến chỗ họ. Ở giữa ba người đang ngồi là một rá cơm hấp sắn và rau rừng. Tôi đề nghị cùng ăn nhưng Phước bảo tôi là không nên thắc mắc, tôi là khách có chế độ riêng. Còn họ, họ đã chiến đấu rèn luyện lâu ngày nên đã quen với gian nan thiếu thốn. Người chủ lều cũng mời tôi về chòi. Anh bảo tôi đừng nóng vội, kháng chiến còn dài, còn nhiều dịp chia sẻ cùng anh em. Truyền thống của Huế, của dân tộc là tiên vi khách. Tôi không giấu được vẻ khó chịu. Một năm rồi ở Thừa Phủ, trong vô khối chuyện tôi nghe kể từ những người bạn tù, có chuyện chủ, chuyện khách trên chiến khu. Nhưng lần đầu tiên trong tư cách là khách trên núi Truồi tôi phẫn nộ ra mặt. Tôi bảo bữa nay đã lỡ, tôi đề nghị là được ăn chung các bữa còn lại. Mặc dù đề nghi được chấp nhận nhanh chóng nhưng tôi hoàn toàn không thấy thoải mái nên ăn qua quít vì khó nuốt trôi. Người chủ chòi cũng chẳng thấy hứng thú gì nên bữa ăn kết thúc mà bụng và lòng của cả hai lưng lẻo bất yên. Tôi có một cái tật là hay nhiễu sự, rắc rối, nói năng và cử chỉ ít khi khế hợp trong quan hệ giao tiếp. Mà nói cho cùng thì mỗi người Huế, người miền Trung và người kháng chiến nói chung đều không mắc tật này thì mắc tật nọ.
“… Đang ăn yên, ở yên cớ chi mà đánh Tây đuổi Mỹ, Tây họ giỏi như vậy, Mỹ họ tài thế kia, họ tới để khai hoá mình, dạy dỗ mình văn minh, công bằng bác ái…Không biết ơn thì thôi còn chống báng phản loạn. Học sinh, sinh viên, thầy giáo, trí thức… không lo học lo dạy, không lo làm ăn, vợ chồng con cái…, nay lại bãi khoá, mai xuống đường, mốt tù tội… Có điều chi bất bằng thì nói đàng hoàng, lễ độ, lấy đạo lí mà hành xử với người ta, đâu có cần phải đấu đá cực đoan, kích động hận thù”… Tất cả đều là tật cả. Có nhiều anh em giấu được cái tật của mình, còn tôi: dở ẹt, lúc nào cũng có ý kiến riêng, cũng nói năng không đúng lúc đúng chỗ.
*
Chén đĩa được dọn dẹp khá nhanh, một cái võng nữa được treo móc. Tôi và người chủ căn lều nằm sóng đôi và nghịch chiều nhau. Anh ta mở đầu câu chuyện mới:
“… Sáng giờ tôi chưa tự giới thiệu. Tôi là Ngọc, Nghe giọng nói chắc anh biết tôi là người xứ nào. Tôi đến Huế vào cuối hè năm 1960. Từ đó đến nay tuỳ theo yêu cầu của công tác kháng chiến, tôi ra vào, vào ra, Huế - Quảng, Quảng - Huế như con thoi. Anh mới là khách của kháng chiến lần đầu, còn tôi đã là khách nhiều lần của cả hai nơi trong từng ấy năm trời. Mỗi người chỉ có một quê hương. Còn tôi cùng một lúc có hai quê hương. Cả hai nơi đối với tôi như hai bà mẹ. Nhưng thực tế khi tôi rời Quảng đến Huế những ngày đầu, tôi là khách của Huế. Ở Huế một vài năm, được gọi về Quảng, tôi là khách trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Chưa kịp làm chủ nơi này đã là khách của nơi kia. Nhiều lúc tôi thấy mình như một cây chưa kịp bén rễ trên mảnh đất Quảng đã bị bứng đem trồng trên đất Huế, và cứ thế ngược lại. Thời tiết của hai nơi dù có nắng hạn, lũ lụt, bão tố như thế nào, cây vẫn sống được. Cây sống nhờ bản năng sinh tồn và cũng nhờ tấm lòng của hai bà mẹ thương con. Sống được nhưng không lớn lên được. Ở trên cái chòi này, anh đừng vội nghĩ chỉ có anh là khách. Anh và tôi. Tôi là khách cũ, anh là khách mới. Khách cũ tiếp khách mới. Khách cũ, khách mới và cho dù có là chủ nhà trong tình thế lịch sử này, vị trí, tư cách, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, chế độ chính sách khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung và là điểm mấu chốt, ấy là cùng một mục đích tối thượng: đánh Mỹ. Vì đánh Mỹ mà tôi đến đây. Vì đánh Mỹ mà anh lên đây. Trong ba người ngồi trên tảng đá kia: một người là sinh viên đại học Huế – Phước người Quảng Nam như tôi. Người thứ hai dân Huế chính cống. Là con trai của một gia đình vọng tộc, học xong tú tài thay vì vào đại học, anh ta lên núi. Người thứ ba là dân Truồi mà cũng là Truồi đời thứ ba. Ông nội anh ta là người Huế tham gia phong trào chống thuế bị Tây truy bức chạy về đây. Cả năm người chúng ta gốc gác, gia cảnh, tâm tính, ước vọng khác nhau, nhưng cùng chung một nỗi nhục mất nước và đều đồng lòng đánh giặc. Trước mắt đánh giặc giành độc lập, thực hiện thống nhất và kiến tạo hoà bình là việc lớn, là ưu tiên hàng đầu. Mọi thứ khác trong quan hệ, trong tác phong, cá tính từng người, cả lề thói, tập quán của một tập thể, một cơ cấu tổ chức đều là việc nhỏ, là thứ yếu. Chúng ta nên thống nhất với nhau là đừng để cho việc nhỏ cản trở, làm khó việc lớn. Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhiều anh em trí thức khác đều phản ứng như anh khi mới chân ướt chân ráo lên chiến khu. Thái độ phản ứng của các anh, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Người này thì qui kết các anh là sĩ diện tiểu tư sản, cá nhân. Người kia cho rằng đó là biểu hiện của sĩ khí. Mà sĩ khí là một đức tính, một phẩm chất tốt đẹp, và là một sức mạnh. Nếu không có sĩ khí, người trí thức chỉ còn là một người chuyên môn có thể phục vụ cho bất cứ chế độ nào. Kẻ sĩ – người lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ. Tuy nhiên kẻ sĩ trong một thời điểm đặc biệt ở thành thị miền Nam đánh Mỹ, đa phần là chân yếu tay mềm, sức chịu đựng nhọc nhằn, gian khổ chưa được tôi luyện đầy đủ để đáp ứng môi trường chiến đấu khắc nghiệt ở chiến khu, cho nên cần một thời kỳ quá độ cho người trí thức quen dần với hoàn cảnh, điều kiện mới là tất nhiên. Vậy thì có sự phân biệt nào trong việc đề ra chính sách cho “khách” này không? Nói có, quả không sai. Nói không thì cũng chính xác. Thôi thì ta cứ nhìn nhận mặt tích cực của sự kiện. Kháng chiến, cách mạng không chỉ là vấn đề đạo đức triết lí, không chỉ là lí tưởng, khát vọng. Kháng chiến, cách mạng còn là vấn đề khoa học. Chính sách cho khách nằm trong phạm trù khoa học đó. Người của Liên Minh quen sinh hoạt, lao động trong những điều kiện thoải mái, dễ dãi tại các bối cảnh bình thường. Các vị trí thức, nhân sĩ, văn nghệ sĩ, nhà tu hành, tư sản đứng về phía cách mạng, phía kháng chiến là quá tốt rồi. Họ từ bỏ gia đình, đời sống ổn định yên lành, từ bỏ công ăn việc làm lên núi lại càng tốt hơn. Kháng chiến không đơn giản là đối mặt với kẻ thù. Kháng chiến còn là thường trực đối mặt với chính mình, với những điều kiện, những cảnh huống cực kỳ khắc nghiệt. Chính sách dành cho chiến sĩ, cán bộ ở cơ quan Mặt trận một đồng, và dành cho các cán bộ trong Liên Minh mười đồng là hợp lí và khoa học. Ít ra các anh em ở Mặt Trận đã kinh qua hai, ba, năm bảy, mươi, mươi lăm năm, thậm chí hai ba mươi năm tôi luyện chịu đựng. Các anh em ở Liên Minh thì chưa. Sự chênh lệch mười với một là một khái niệm tương đối giữa các mức độ chịu đựng, thử thách. Không vì mục đích nào khác với mục đích đánh giặc cho tốt hơn, có hiệu quả hơn. Khách mới, khách cũ và chủ nhà chỉ là những chặng đường trong cuộc hành trình của người kháng chiến.
Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường không chịu nhận phụ cấp mười đồng. Anh đấu tranh để nhận phụ cấp một đồng. Đó là một hành trình khổ hạnh của anh. Trên đường từ thành phố lên chiến khu lần đầu anh không mang nổi hành lý ít ỏi của mình. Mấy tháng sau trên đường đi công tác, băng rừng lội suối, anh đã mang xách 15 - 20 kg. Tách cà phê nóng bốc hơi thơm phức ở quán Lạc Sơn, Mệ Tôn…, những cuộc trao đổi thâu đêm suốt sáng ở Tuyệt Tình Cốc, các cô bạn gái dịu dàng xinh đẹp và học thức, những cuốn sách triết học, mỹ học, văn học dày cộm mới lạ hấp dẫn trở thành ký ức và hẹn tái ngộ. Hiện thực đến với anh là nước trắng (nước múc ở suối) nấu chín, là khoai sắn, bắp và củ rau rừng, hoạ hoằn cõng mấy hạt cơm, là những người bạn du kích thiệt thà, thô tháp quê mùa, là các bản văn nghị quyết, thông tư, chỉ thị, là những buổi họp hành, học tập, báo cáo thi đua và cả đấu đá… Chọn lựa, tập tành, nhẫn nại, rèn luyện, yêu thương, quí trọng và trưởng thành trong kháng chiến là một cuộc dấn thân can trường, vượt qua gian khổ thử thách để trở thành người trí thức cách mạng…
…Thế đó. Lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa không phải là một chiêu bài mà là một thực tế. Xanh và đỏ cùng đối đầu sinh tử với xâm lược. Xanh và đỏ còn là một cuộc đấu tranh tự thân để chuyển biến. Đó là quá trình bớt xanh thêm đỏ nơi từng con người, từng thành phần, từng tổ chức, từng cơ quan, từng đơn vị quần chúng, từng xóm làng, từng địa phương khu vực và cuối cùng là trên cả nước. Chống ngoại xâm và cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa là hai nhiệm vụ, hai mục đích không phải lúc nào cũng tiến hành song song và đồng thời. Cuộc cách mạng ấy ví dụ diễn ra nơi Hoàng Phủ Ngọc Tường là phức tạp và có phần kỳ quặc, không phải vì sĩ diện mà bởi lương tri và ý thức kẻ sĩ cho nên anh Tường phản đối và từ chối phụ cấp sinh hoạt mười đồng để nhận một đồng. Cuộc hành trình từ mười đồng xuống một đồng trong phụ cấp sinh hoạt là cuộc vật lộn trầy trật của một vận động viên leo núi, của một gã chèo thuyền đi ngược dòng chảy để lên phía thượng nguồn. Anh Tường lén giảm thiểu các nhu cầu, dậy sớm và tăng cường tập luyện để tự mang xách các phương tiện cá nhân ở bước đầu, bước tiếp theo nữa là tham gia các công tác nặng nhọc nguy hiểm hơn, bước tiếp theo nữa là tham gia sản xuất, chiến đấu. Anh Tường vốn là một giáo sư, một trí thức, chiến trường của anh ấy, của các anh là thành phố, mặt trận của các anh là văn hóa, tư tưởng, chính trị. Đối tượng của các anh là học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ và các thành phần quần chúng đô thị khác. Núi rừng và nông thôn không phải đất dụng võ của các anh. Các anh bắn súng không giỏi bằng các chiến sĩ được rèn luyện từ trai trẻ. Các anh leo rừng, lội suối không thành thạo như du kích, bộ đội. Các anh lao động sản xuất không hiệu quả bằng các chiến sĩ xuất thân từ nông thôn. Mỗi thành phần kháng chiến có địa bàn, đối tượng, vũ khí và phương pháp riêng. Trong những trường hợp đặc biệt, người lính chúng ta mới bất đắc dĩ rời chiến hào của mình. Từ chiến trường này đến chiến trường khác chúng ta phải có thời gian làm quen, để thích ứng. Giai đoạn làm quen, thích ứng ấy chúng ta gọi là giai đoạn làm khách. Làm khách nhanh hay chậm, nhất thời hay trọn đời là tuỳ theo khả năng, ý chí và ý thức của từng mỗi con người, tuỳ theo yêu cầu của tình thế, nhiệm vụ chính trị và cũng tuỳ theo bản lĩnh qui hoạch, lãnh đạo và sử dụng con người của chủ nhà – của tổ chức, của Đảng (từ ngữ của chúng tôi). Anh Tường và nhiều anh em khác đang trên đường “làm chủ hoá”.
Lá cờ sao vàng trên cái nền hai màu xanh đỏ có vẻ rạch ròi dứt khoát. Thực tế không đơn giản như vậy. Thực tế biến động không ngừng. Thực tế đấu tranh chuyển hoá liên tục. Ở giữa hai màu có nhiều màu trung gian đậm nhạt và thường xuyên thay đổi vị thế. Xu thế lịch sử chắc chắn không thể nào đảo ngược, tuy nhiên cái dòng chảy hung tợn của bão lũ thác ghềnh lốc xoáy của lịch sử không phải các thời đoạn, các cơ phận, các thành viên của cuộc hành trình bao giờ cũng xuôi dòng mát mái”
*
Trận sốt rét sau tết Mậu Thân đã để lại cho tôi một dư chứng quá ư khó chịu và bất tiện. Tôi thường xuyên bị mất ngủ, nhức đầu và ác mộng mỗi khi chợp mắt. Mất ngủ từ đêm này qua tháng nọ nhưng lại ngủ gật những khi đọc sách, nghe đài hay dự thính các hội nghị, học tập. Buổi trưa đầu tiên trên núi Truồi câu chuyện của anh Ngọc mới lạ và vô cùng hấp dẫn, tôi cũng chẳng tránh được những cơn ngủ gà ngủ gật như thế. Khi tôi mở mắt choàng tỉnh (có thể là sau chớp mắt mươi giây), nhìn quanh không thấy Ngọc. Cái võng bên cạnh vẫn đang thõng thụng, lắc lư. Tôi đứng dậy vươn vai, áy náy và hổ thẹn. Tôi loay hoay chưa biết phải làm gì thì Ngọc đã xuất hiện đưới chân thang. Hai tay bưng cái gì đó tôi chưa nhận ra. Anh leo lên sàn chòi và để các thứ xuống. Anh lấy tấm vải dầu đã được xếp lại sau bữa ăn trưa trục trặc, trải và bày lên đó một cái ân-gô (lon guigoz) còn đang bốc khói, hai cái chén trà nhỏ, một đĩa mấy miếng lương khô. Chúng tôi ngồi đối diện. Ở giữa chúng tôi là buổi trà chiều. Tôi hỏi anh đây có phải là chế độ dành cho khách? Anh cười có vẻ nghiêm nghị. Cái cười xởi lởi hồi sáng không còn nữa, cái giọng đều đều và nhỏ dần trong câu chuyện chủ khách khi trưa cũng biến đi đâu. Tôi nhìn thẳng vào anh. Ngọc bây giờ chỉ còn là đôi mắt. Đôi mắt sâu lấp lánh những đốm lửa kỳ lạ mà đôi mày đen rậm ở phía trên đã đóng thật hoàn hảo vai trò vừa là nét nhấn vừa là màng che cho những khát vọng bí ẩn chất chứa bên trong. Chúng tôi uống trà ăn lương khô và trò chuyện. Ngọc, trông sắc diện không lớn tuổi hơn tôi, không có nhiều thời gian và không gian yên ổn tại các đô thị hơn tôi, nhưng tình hình nhiều mặt, nhiều chiều ở những nơi anh tiếp cận, nắm bắt phong phú và sâu sắc hơn tôi nhiều. Mở đầu tôi cứ tưởng anh là con người văn chương thi phú. Anh thuộc vô số thơ kháng chiến, đặc biệt là thơ Tố Hữu. Anh biết rõ, biết nhiều những con người mà tôi cứ tưởng chỉ có ai sống lâu, sống nhiều trong đô thị mới có cơ hội tiếp cận. Tôn Thất Dương Kỵ, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Phan Duy Nhân, Trần Quang Long, Nguyễn Đính, Nguyễn Hữu Ngô và rất nhiều người khác tôi chưa có dịp quen biết. Anh còn rành các tên gọi Tuyệt Tình Cốc, Quán Bạn, nhiều tụ điểm và nhiều nhóm tụ hội khác của Huế trong những năm tháng loạn li hào hùng và lãng mạn. Anh biết khá cặn kẽ các nhân vật, những sự kiện thuộc các phong trào Phật giáo và phong trào của các đô thị khác tại miền Nam như Đà Nẵng, Sài Gòn. Đặc biệt, anh thuộc lòng các ngóc ngách, xóm ngõ, phố xá Huế và nhiều làng xã thuộc Thừa Thiên. Tình cảm Ngọc dành cho vùng đất này sâu nặng kỳ lạ. Có thể nói Ngọc là kẻ mê Huế.
Chuyện Huế, chuyện người Huế, chuyện văn thơ chiếm hết cả buổi chiều và gồm cả đêm ấy. Ngày hôm sau mới là mục đích, là công việc chính của chuyến lên núi Truồi của tôi.
(…)
Văn nghệ sĩ, trí thức Huế
Lâm thời tôi đã làm xong công việc của mình đối với anh. Bây giờ đến lượt anh, tôi đã sẵn sàng để lắng nghe. Ngọc làm cử chỉ ngồi chờ.
Tôi nói: Theo những gì anh nói, tôi nghĩ là vào thời điểm này (tháng 11 năm 1972) đảng Cộng sản đang tung hàng ngàn cán bộ của nhiều ban ngành chuyên môn khác nhau đến nhiều địa phương khác nhau của miền Nam, tiếp xúc với hàng ngàn cán bộ, cơ sở tiêu biểu của các bộ phận quần chúng. Anh là một trong số hàng ngàn trước, tôi là một trong số hàng ngàn sau. Mỗi đối tác trong chúng tôi, các anh dự kiến sẽ nghe điều gì?
Đề nghị chúng ta tiến hành việc trao đổi như một cuộc phỏng vấn. Anh cứ đặt câu hỏi, tôi sẽ trả lời.
…“ Như thế cũng hay, chúng ta đỡ tốn thời giờ. Tôi muốn nghe anh nói về lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức Huế. Bắt đầu từ nhóm “Tự quyết” và “ Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc Miền Trung”. Nếu có thể được, anh nói thật kỹ về nhân thân của từng người …
“ Văn Nghệ sĩ trí thức Huế đối với tôi hơi rộng, vả lại tôi mới ra tù, những chuyển biến trong thời gian tôi vắng mặt, tôi không biết. Nhóm nòng cốt của Tự Quyết và Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc về mặt công khai có năm người: Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Thái Ngọc San, Lê Khắc Cầm và tôi.
+ Thái Ngọc San, tôi biết chắc là cơ sở của một đầu mối nào đó thuộc Thành ủy Huế. San gốc Nghệ Tĩnh, sau 1954 lang bạt vào Nam do một cơ duyên nào đó. Không có gia đình, bố mẹ, anh em, sống giản dị, nghèo khổ, làm thơ, viết văn, được thương yêu mến mộ từ những học sinh, sinh viên đấu tranh tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. San sống bằng tình cảm hơn là lí tính.
+ Trần Viết Ngạc, người Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, giáo sư Sử Địa ở Tuy Hòa sau đổi về Huế dạy trung học và phụ giảng đại học. Ngoài việc giảng dạy, Ngạc còn tham gia các hoạt động văn hóa xã hội. Anh là một giáo sư đồng thời là một trí thức có uy tín tại Huế. Trần Viết Ngạc có sử quan tiến bộ (thiên tả).
*
+ Trịnh Công Sơn, người mà một số người theo chủ nghĩa giáo điều, cực đoan cho là phức tạp, khó hiểu và nguy hiểm: Gốc người Minh Hương, học trường đạo (Thiên Chúa Giáo) và trường Tây (JJ Rousseau), nhưng tự nhận là hậu duệ của một dân tộc có “ một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”, “một trăm năm nô lệ giặc Tây”. Bạn thân của trí thức “Việt Cộng” Hoàng Phủ Ngọc Tường và cũng là bạn thân của Đại tá “Ngụy” Lưu Kim Cương, nhưng cùng một lúc tố cáo cả hai phe (Việt Cộng - Ngụy) là “một lũ lai căng, một lũ bội tình”, và nhân thân trở thành nạn nhân của cả hai phía. Trốn lính, đi máy bay “Ngụy”, nhưng ca hát cùng với phong trào Học sinh, Sinh viên đấu tranh cho hòa bình và quyền tự quyết dân tộc. Sáng tác tình ca cho phòng trà, làm nhạc phản chiến cho phong trào đô thị. Yêu những người con gái mình hạc xương mai nhưng ôm ấp hoài bão vá trời lấp biển. Gia đình là thương nhân nhưng bản thân mơ về một thế giới tràn ngập yêu thương như Chúa, như Phật.
Trịnh Công Sơn coi cuộc đời là cõi tạm, con người là cát bụi, nhưng vẫn “tiến thoái lưỡng nan”, vẫn mơ ước “Huế - Sài Gòn - Hà Nội - Nối vòng tay lớn”, đất nước thanh bình, hàn gắn lại những vết thương, chung sức chung lòng xây dựng…
Biến cố Tết Mậu Thân tác động rất lớn đối với người nhạc sĩ mơ mộng và giằng xé này. Như một người điên cùng một lúc Trịnh Công Sơn vừa “ chiều đi qua Bãi Dâu hát trên những xác người”, vừa “ chiều đi qua đồi cao hát trên những xác người”. Nhưng không đầy một năm sau, khi phong trào đô thị ở Huế bắt đầu nhen nhóm trở lại, Trịnh Công Sơn lấy lại chút quân bình, gần gũi với một phần của Huế “lý tính”. Bắt đầu từ những người bạn thân thiên tả (Đặng Ngọc Vịnh, Trần Viết Ngạc), đặc biệt với Ngô Kha, một thành viên của Câu Lạc Bộ Tuyệt tình Cốc, đồng thời đã từng là em rể của Trịnh Công Sơn, tiếp theo là anh em phong trào. Cũng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha là một tác nhân hàng đầu thúc đẩy Trịnh Công Sơn nghiêng từ lập trường yêu nước “kiểu quốc gia” qua lập trường yêu nước “kiểu Cộng sản”. Từ đầu năm 1970 đến cuối năm 1972, khi Ngô Kha trở thành ngọn cờ của phong trào Thanh Niên, Học Sinh, Sinh Viên đấu tranh ở thành phố Huế, thì Trịnh Công Sơn tích cực tham gia nhóm Tự Quyết và Mặt Trận Văn Hóa Miền Trung, và tham dự những đêm không ngủ của phong trào này tại sân Đại Học Văn Khoa. Trịnh Công Sơn nổi tiếng khắp các thành thị miền Nam và cả một số nước trên thế giới. Có thể nói Trịnh Công Sơn là nỗi đau của một phần dân tộc và nhân loại.
*
+ Ngô Kha là cậu út trong một gia đình quan lại suy tàn. Cha mất khi anh vào tuổi trưởng thành, hai người anh, một người đi kháng chiến rồi tập kết, một là công chức bị sát hại trong biến cố tết Mậu Thân. Đối với mẹ, anh là điểm tựa đồng thời là cột trụ kinh tế gia đình. Đã lấy vợ, nhưng rồi cuộc tình tan vỡ. Là giáo sư trung học đệ nhất cấp trước khi vào đại học Sư Phạm (khóa cấp tốc) và hoàn tất cử nhân luật khoa. Dạy văn và công dân giáo dục ở Hàm Nghi trước đây, sau đó là Quốc Học, Nguyễn Du và Hưng Đạo. Ngô Kha đã từng là thầy giáo của hàng vạn học sinh. Hiện tại, cùng một lúc anh có năm bảy trăm môn sinh.
Dạy học và làm thơ vừa là nghề nghiệp vừa là sứ mạng của anh, đều là thiên chức vun đắp, xây dựng và làm đẹp tâm hồn con người: con người cụ thể của đất nước – những công dân – và con người như là thi sĩ – kẻ cô độc và đãng trí lưu đày giữa trần thế không lối thoát.
Chắc chắn giữa hai con người yêu nước Ngô Kha và thi sĩ Ngô Kha có những xung đột giằng xé nội tâm sâu sắc, nhưng tác động của một Ngô Kha dù dưới danh nghĩa nào cũng đều có một kết quả tích cực trên bình diện lịch sử dân tộc cũng như trên bình diện thẩm mỹ và nhân văn.
Nếu xác định sứ mệnh của người thầy giáo trước hết là kẻ chỉ đường thì Ngô Kha đích thực là kẻ chỉ đường đáng kính vì tính chính xác và trung thực của nó.
Trong một đất nước bị xâm lược, người công dân không có con đường nào khác với con đường kháng chiến chống xâm lược. Trách nhiệm công dân, nghĩa vụ công dân, quyền hạn công dân trong môn Công Dân Giáo Dục được Ngô Kha vận dụng vào thực tế tình hình đất nước: chống Mỹ và chống nhà nước độc tài phụ thuộc, là những ví dụ cụ thể minh chứng cho phần lý thuyết trừu tượng. Người thầy Ngô Kha không chỉ là người thầy chỉ đường, anh còn là người dấn thân vào con đường anh đã chỉ cho học trò. Bởi ngoài vai trò là thầy giáo, Ngô Kha còn là một công dân. Ngô Kha đã dẫn đầu các cuộc biểu tình, diễn thuyết trong những buổi mitting, đã hứng chịu nặng nề nhất những biện pháp đàn áp dã man nhất, đã bị bắt bớ, tra tấn tù đày. Ngô Kha vừa là ngọn cờ vừa là thủ lĩnh của phong trào Thanh niên, Sinh viên, Học sinh. Chính quyền Thừa Thiên Huế muốn triệt hạ ngọn cờ và giết chết người thủ lĩnh ấy. Do sự đúng đắn trong sứ mệnh chỉ đường, do hấp lực của tài hùng biện, do gương mẫu và trung thực trong hành xử, nên các cuộc đấu tranh dân chủ, dân quyền, tự quyết, văn hóa dân tộc và hòa bình vào những năm 1970, 1971, 1972, Ngô Kha đã đứng mũi chịu sào, đã có được sự hưởng ứng, đồng tình ủng hộ của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên, phụ huynh và đồng bào các giới tại Huế. Dĩ nhiên một mình Ngô Kha không thể phát động, nuôi dưỡng phong trào nếu không có người của Thành ủy làm nòng cốt trong các lớp, các trường và được chỉ đạo bởi một cán bộ dân vận nằm bí mật ở một gia đình cơ sở nào đó. Tuy nhiên, vấn đề đựợc đặt ngược lại: Nếu không có ngọn cờ và người thủ lĩnh kiểu Ngô Kha, liệu phong trào Học sinh, Sinh viên Huế những năm 1970, 1971, 1972 có xẩy ra không? Nếu có, nó sẽ xẩy ra như thế nào? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Hiện tượng Ngô Kha trong phong trào đô thị Huế vào thời điểm ấy, do bởi có tham dự ít nhiều nên tôi có hai nhận xét và ý kiến như sau:
● Chính quyền Thừa Thiên Huế ngày càng nhận ra sự nguy hiểm và tác hại của Ngô Kha đối với an ninh thành phố và chế độ. “Kẻ ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”này cần bị tiêu diệt, nếu không, Cộng sản sẽ lợi dụng Ngô Kha để phát động phong trào Hòa bình và đấu tranh đòi thi hành hiệp định Paris như hồi 1954 với hiệp định Genève.
● Về phía kháng chiến, do bởi Ngô Kha không chịu trở thành người của Thành ủy, nên người thay mặt Thành ủy chỉ đạo phong trào sẽ lợi dụng ngọn cờ, mặt khác, coi thường và nghi ngại Ngô Kha, bởi anh là người tự phát, cá nhân chủ nghĩa, thậm chí có khả năng anh là người của chính quyền, của CIA... Có nhiều căn cớ để những nghi ngờ kia được củng cố và gia tăng một khi không còn lợi dụng ngọn cờ được nữa: “ Ngô Kha có gốc phong kiến, có quan hệ họ hàng ruột thịt với tướng Ngụy Ngô Du, có anh ruột (cũng có tên là Ngô Du) bị xử lý trong trận Mậu Thân, bản thân Ngô Kha là sĩ quan ngụy biệt phái mai phục trong trường học…” Lập luận và qui kết như vậy không hoàn toàn máy móc và giáo điều. Nhưng nếu đem lập luận và qui kết ấy để soi rọi mọi người thì không vị nào trong hàng lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản là không có vấn đề cả, đặc biệt là cụ Hồ.
Tôi không có ý đẩy quá xa vấn đề vào thời điểm này, do bởi anh đề nghị tôi “nói kỹ” nên tôi có nói kỹ thêm chút nữa nghĩ cũng không thừa. Theo tôi công cuộc kháng chiến nếu cứ dùng thủ đoạn không thôi sẽ không thu hút được đông đảo quần chúng tham gia – đặc biệt quần chúng trí thức. Tôi đồng ý với anh sau hiệp định Paris, sẽ là trận cuối cùng. Bởi đây là trận cuối cùng, nên các anh cần biết rõ hơn tâm trạng của quần chúng đô thị để trận cuối cùng kết thúc hoàn hảo, và để sau khi nước nhà thống nhất chúng ta sẽ không lặp lại kinh nghiệm Nhân Văn Giai Phẩm. Xin lỗi anh Ngọc, chắc các anh biết hơn chúng tôi rất nhiều diễn biến các giai đoạn chiến tranh, nhưng Cải Cách Ruộng Đất và Nhân Văn Giai Phẩm chưa hẳn các anh đã nắm được đầy đủ những thông tin…”
“ Trở lại vấn đề Ngô Kha. Theo tôi Ngô Kha nhất quyết không trở thành người của Mặt Trận vì hai lý do:
● Thứ nhất bản chất của Ngô Kha là người tự do, hướng sống của anh ấy cũng là tự do. Thứ Tự do mà đảng Cộng sản thường kết luận một cách vội vàng là cá nhân chủ nghĩa. Ngô Kha lại là người thầy giáo đã truyền đạt cho nhiều thế hệ học trò mình những nguyên lý của học thuyết Tư sản Dân quyền và đã cùng với học trò mình tiến hành nhiều cuộc đấu tranh trong lớp học, trong sân trường, trên đường phố để thực hiện các nguyên lý ấy và để góp phần vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngô Kha đã từng nhiều lần nói, và tôi chia sẻ những gì anh nói rằng là chủ nghĩa Marx và học thuyết Tư sản Dân quyền xung đột như nước với lửa trên lý thuyết cũng như trên thực hành. Từ sau Mậu Thân Ngô Kha dứt khoát lập trường chống Mỹ để góp phần làm cho chiến tranh mau kết thúc, cho dù sự mau kết thúc chiến tranh cũng có nghĩa là cuộc sống tự do của anh cũng kết thúc mau chóng. Sau khi ra tù, tôi và anh Kha có gặp nhau một vài lần. Anh tỏ ra run sợ trước những áp lực từ phía chính quyền Thừa Thiên - Huế. Anh nói với tôi rằng: “Trên núi họ đề nghị mình lên, nhưng mình phân vân”.
● Thứ hai, Ngô Kha cảm nhận rất rõ sự coi thường và nghi ngờ từ phía “ai đó” đã đi sát anh trước và sau những đợt “lên xuống đường” hoặc trong quá trình thực hiện “Tự quyết” và “Mặt Trận Văn Hóa Miền Trung”. Chính cảm nhận này là nguyên nhân gần khiến anh quyết định ở lại với những hiểm nguy chết người.
Tóm lại, lập trường của Ngô Kha là đứng chung cờ giải phóng dân tộc, chứ không đứng dưới cờ Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa do đảng Cộng sản Việt Nam đương phất mà anh đã biết chắc chắn là thế nào đảng Cộng sản cũng xô đẩy đất nước tiến tới.
*
+ Lê Khắc Cầm sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan lại và trí thức khá nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế những thập niên giữa của thế kỷ XX. Cụ thân sinh của Lê Khắc Cầm tốt nghiệp trường Hành Chánh Đông Dương cùng thời với Ngô Đình Diệm. Làm quan những năm cuối của triều Khải Định, tiếp đến triều Bảo Đại, trở thành công chức cao cấp của chính phủ Quốc gia do Bảo Đại làm quốc trưởng trong giải pháp Việt Nam hóa chiến tranh của thực dân Pháp. Các anh chị của Lê Khắc Cầm đều được đào tạo khá nền tảng trong nền học thuật Tây phuơng thời kỳ chuyển tiếp từ thuộc địa qua độc lập.
Lê Khắc Cầm học Anh văn ở Đại Học Huế, đang dạy Anh văn tại hai trường trung học tư thục là Hưng Đạo và Jean D’art. Cầm còn làm dịch thuật và viết tiểu luận về nghệ thuật, chưa nổi tiếng nhưng rất được bạn bè, sinh viên, học sinh ở Huế quí mến bởi Cầm có tư duy độc lập, sâu sắc về các vấn đề thuộc lãnh vực triết lí, văn học nghệ thuật.
Anh trai Cầm là Lê Khắc Phò, tốt nghiệp Đại học Luật khoa ở Pháp, là tổng thư ký đầu tiên của Đại học Huế bên cạnh linh mục viện trưởng Cao Văn Luận. Lê Khắc Phò là người đứng đắn, không xu thời (không theo Cần lao, Thiên Chúa giáo) nên cho đến thời điểm này (cuối năm 1972) vẫn là một giảng viên không có chức, có quyền tại Viện Đại Học Huế. Lê Khắc Phò có kiến thức chuyên môn về sử địa uyên thâm, là một giáo sư mẫu mực, rất có năng khiếu trong nghề sư phạm nên được nhiều thế hệ sinh viên quí trọng. Hai chị gái của Cầm đều là giáo sư tại trường Đồng Khánh. Điều cần lưu ý là cả gia đình Cầm từ sau biến cố tết Mậu Thân, mặc dầu nhận thức về chủ nghĩa Cộng sản không thay đổi nhưng thái độ chính trị từng bước hòa hoãn với đảng Cộng sản và Mặt Trận Giải Phóng. Cũng như nhiều người Huế khác: Giữa Cộng sản và Mỹ. Cầm dứt khoát đứng về phía Mặt Trận. Từ 1970 đến thời điểm này, Cầm tham dự tích cực các hoạt động của nhóm Tự Quyết và Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc Miền Trung.
*
Hiểu biết của tôi về bốn thành viên khác của nhóm Tự Quyết và Mặt Trận văn Hóa Dân Tộc Miền Trung như vậy là khá kỹ. Khá kỹ đối với khả năng tiếp cận của tôi. Tôi không hề nói là khá đầy đủ, chính xác. Anh Ngọc cần có gì hỏi thêm?
– Ngọc: “Quan hệ giữa Ngô Kha và Phật giáo như thế nào?
– CS: “Xin lỗi anh Ngọc, quả là thiếu sót khi bỏ qua vấn đề anh vừa nêu. Nhà Anh Kha dưới Lại Thế tôi không thấy thờ Phật. Những năm tháng giao tình với anh Kha, tôi biết chắc chắn là anh Kha không phải là người của Phật giáo. Trao đổi những vấn đề thời sự và chính trị với bất cứ ai, anh Kha thường khẳng định: Moa (moi) neutre (trung lập, không thuộc phe phái nào). Đối với Mặt Trận hay Phật giáo anh Kha đều “neutre”. Nhưng Ngô Kha tham gia chiến đoàn Nguyễn Đại Thức trong phong trào Phật giáo đấu tranh chống Thiệu kỳ năm 1966 lại là điều có thật. Vậy bản chất đích thực của vấn đề nằm ở đâu?
Phong trào Phật giáo chống chế độ Ngô Đình Diệm nổ ra mùa hè 1963, lúc bây giờ Ngô Kha đang dạy ở Quốc Học, anh không tham gia. Đầu năm 1965 Ngô Kha bị động viên vào Thủ Đức, cuối năm kết thúc khóa huấn luyện, anh bị điều về miền Tây với cấp bậc chuẩn úy. Chiến trường ác liệt, do có quan hệ họ hàng với tướng Ngô Du, Ngô Kha được điều về Hội An làm bí thư cho tỉnh trưởng Quảng Nam. Bí thư trên danh nghĩa, thực chất là lính kiểng, trốn tránh chiến tranh. Lúc bây giờ tôi ở Hội An, chẳng có chiều tối nào chúng tôi không gặp nhau, trừ những chiều tối thứ bảy, chủ nhật anh về Huế thăm nhà. Cuộc đấu tranh Phật giáo phát triển đến đỉnh điểm giữa mùa hè 1966, như thường lệ Ngô Kha về Huế thăm nhà vào chiều thứ bảy, gặp chiến đoàn Nguyễn Đại Thức đang án ngự trên đèo Hải Vân, anh không trở lui đơn vị như một số sĩ quan binh sĩ ủng hộ chế độ Thiệu Kỳ (đa phần là Thiên Chúa Giáo).
Cũng như những quân nhân Phật tử hoặc những quân nhân chán ghét chiến tranh và chống Thiệu Kỳ, Ngô Kha đã tham gia chiến đoàn Nguyễn Đại Thức. Thiệu Kỳ đàn áp thẳng tay, phong trào Phật giáo tan rã. Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức xóa sổ, Ngô Kha bị bắt đi tù Phú Quốc cùng với những quân nhân cùng cảnh ngộ. Hết thời hạn giam cầm ở Phú Quốc, Ngô Kha được tha trở lại làm giáo sư ở ở Quốc Học. Mối quan hệ giữa Ngô Kha và Phật giáo chỉ có thế.
– Ngọc: “nhóm Tự Quyết còn có người thứ năm. Anh không nói gì về anh sao?
– CS : “Tôi con nhà nông, gia đình tôi cơ sở kháng chiến chống Pháp. Bản thân tôi là giao liên trong hai năm 1955-1956. Năm 1957 tôi lên Huế học, phong trào Hòa Bình bị đàn áp, đứt liên lạc, nhưng không tìm cách nối lại với tổ chức. Rất ghét chế độ Ngô Đình Diệm nhưng không muốn tham gia kháng chiến nữa do bởi tôi đọc các sách báo tuyên truyền chống Cộng (Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm) và đặc biệt nhớ nghĩ về những điều tai nghe mắt thấy những năm sống trong vùng tự do (Mỹ Lợi - Khu Ba, Phú Lộc). Thời điểm ba bốn năm từ 1954 đến 1959, không thấy tăm dạng tên Mỹ nào nên tôi nhận định rằng “xung đột Quốc Gia - Cộng Sản” là nội chiến. Tôi đã làm thơ chống lại “cuộc nội chiến” ấy. Năm 1964, tôi xuất bản tập thơ Quê Nhà. Đây là tập thơ chống chiến tranh sớm nhất ở miền Nam. Năm 1963 phong trào Phật giáo nổ ra, tôi không tham gia. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, lúc bây giờ tôi đang dạy học ở Hội An, tôi tham gia rất tích cực phong trào Phật giáo chống Mỹ - Thiệu - Kỳ. Năm 1966 phong trào Phật giáo bị đánh nát, tôi trốn thoát, trốn nhập ngũ. Năm 1967 tôi không chịu được tình cảnh thiếu thốn và tù túng do phải trốn lính, tôi trình diện nhập ngũ, bị đưa vào trường bộ binh Thủ Đức. Kết thúc khóa huấn luyện 9 tháng, tôi trở thành chuẩn úy quân Thiệu Kỳ, trở thành sĩ quan huấn luyện tại trung tâm huấn luyện Phú Bài. Cuối năm 1968 tôi tìm đường liên lạc lại với tổ chức kháng chiến qua Trần Hoài, là cơ sở của Thành ủy. Đào ngũ, tham gia phong trào Thanh niên, Sinh viên, Học sinh và Trí thức Huế, nòng cốt của nhóm Tự Quyết và Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc Miền Trung. Bị bắt ở tù gần một năm, mới ra khỏi tù mấy tuần thì được gọi lên đây (núi Truồi) gặp anh.
Tôi trở lại với kháng chiến sau biến cố tết Mậu Thân là do thôi thúc muốn chấm dứt chiến tranh, vì độc lập dân tộc, vì hòa bình, không vì lý tưởng Cộng sản. Giữa Mỹ và Cộng sản, tôi chọn Cộng sản, bởi đảng Cộng sản, theo tôi vào thời điểm ấy (sau Mậu Thân) còn giương cao ngọn cờ dân tộc. Tôi và Ngô Kha giống nhau: đều tham gia kháng chiến sau biến cố tết Mậu Thân, vì độc lập, vì hòa bình, không vì lý tưởng Cộng sản.
Tôi và Ngô Kha có một điểm khác nhau: Tôi chấp nhận là cơ sở là cán bộ của Thành ủy, Ngô Kha thì không, anh neutre.
– Ngọc: “Chống Mỹ thì neutre sao được?
– C S: “Neutre đối với anh Kha vào thời điểm này là anh đồng hành cùng đảng Cộng sản với tư cách cá nhân trong mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào’ chứ không vì lý tưởng Cộng sản, sau lưng anh không có một thế lực nào, chỉ có đa số nhân dân cùng chung với anh một cảnh ngộ, một ước mơ là hòa bình và độc lập và thống nhất Đất nước.
Tết Mậu Thân
– Ngọc: “Anh nhận định thế nào về cái anh gọi là biến cố Tết Mậu Thân?
Tôi nhìn Ngọc thật sâu, thật lâu. Tay chân tôi bất động nhưng trong lòng tôi âm ỉ một cuộc vật lộn, giằng co hết sức căng thẳng. Trước khi lên núi (Truồi), tôi đã tự dặn mình là phải tránh đá động đến những vấn đề vượt tầm, vượt vị của một quần chúng (không là đảng viên), một cán bộ tép riu. Mấy năm rồi trở lại làm người kháng chiến, tôi có dịp quan sát, lắng nghe và bản thân đôi lần tiếp xúc với một số cán bộ lãnh đạo trực tiếp, tôi đã rút tỉa không ít những kinh nghiệm bẽ bàng. Những cán bộ đảng viên hoạt động bí mật hay công khai thông thường bên ngoài tỏ ra cởi mở lễ phép, dân chủ nhưng thỉnh thoảng không giấu được đầu óc cha chú, quan liêu, mệnh lệnh của một guồng máy luôn khẳng định không có giai cấp nhưng lại nặng nề đẳng cấp. Riêng trong lãnh vực thông tin và bày tỏ quan điểm lập trường, mỗi đẳng cấp chỉ có quyền sở hữu một số thông tin nào đó và chỉ có quyền thảo luận, bình luận về một vấn đề nào đó, không được vượt tầm, vượt vị. Mấy tháng trước nghe Nixon đi Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông, tôi buộc miệng nói: “Chúng nó đã đi trên đầu chúng ta rồi”, thì một người “bạn chiến đấu” lâu năm trong phong trào đô thị, như một trọng tài bóng đá thổi còi cảnh báo: “Anh là ai mà dám có ý kiến về những vấn đề to lớn của Đảng, của Quốc tế?” Do vậy mà lần này nghe Ngọc hỏi ý kiến về vụ tết Mậu Thân tôi đâm ra lúng túng, ngại ngùng.
Tôi hỏi Ngọc: “ Có phải câu hỏi của anh là một mệnh lệnh?”
– Ngọc: “Anh Chu Sơn này: tuổi tôi, tuổi anh chắc là không chênh lệch. Đến thời điểm này tôi chưa phải là quan cách mạng. Tôi cũng đã từng là nạn nhân của cái anh gọi là nặng nề đẳng cấp ấy. Vả lại tôi cũng nhận được chỉ thị của Thành ủy đến đây để lắng nghe, đặc biệt những tiếng nói khác (ngoài đảng Cộng sản) của đại đa số quần chúng.
– CS: “Quần chúng trong lòng địch cũng là một nửa địch…
– Ngọc: “Anh Chu Sơn giỡn rồi. Quả là một thời điểm nào đó tư tưởng của Mao Trạch Đông và áp lực của đảng Cộng sản Trung Quốc đã tác động chừng mực nào đó đối với cách mạng Việt Nam. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam trước sau vẫn là con cháu của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, chứ không phải của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống…
Những gì tôi nghe được từ anh qua lần sơ giao này chứng tỏ anh không phải là người ngần ngại nói sự thật.
*
– CS: “Cám ơn anh Ngọc. Nói gì, làm gì để nhanh chóng góp phần có được độc lập, hòa bình, thống nhất thì tôi nói, tôi làm. Tôi đắn đo ngần ngại một phần vì lý do này. Còn một lý do nữa là tôi sợ. Biến cố tết Mậu Thân làm tôi sợ. Không ít người chết vì ngay thật. Vào thời điểm này tôi tin là anh Ngọc và Thành ủy của anh muốn nghe những lời ngay thật. Như thế là tôi bớt ngại, bớt sợ. Theo tôi, Mậu Thân vượt qua một biến cố. Nó là một biến cố nghiêm trọng xét trên cả hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tôi nghĩ : chiến dịch Xuân 68 là một trận đánh lớn, không thể không nhìn theo tầm chiến lược. Giả định rằng (tôi chưa có những căn cớ cụ thể xác thực nên không thể khẳng định): Các nhà hoạch định chiến lược và lãnh đạo chiến tranh ở Hà Nội giới hạn mục tiêu của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 68 là nhằm kéo Mỹ vào bàn Hội nghị để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam thì họ đã làm được. Nói như thế thì trận đánh tổng lực Xuân 68 là một thắng lợi xét theo mục tiêu chiến lược của Hà Nội. Chiến tranh nổ ra tại Việt Nam mà tác động đến nội tình của nước Mỹ và dư luận thế giới. Lập luận của tôi căn cứ theo những mốc điểm tình hình sau:
● Năm 1954 Mỹ tích cực nặn ra Ngô Đình Diệm, phá hoại hiệp định Genève mưu đồ biến miền Nam thành tiền đồn ngăn chủ nghĩa Cộng sản.
● Năm 1965 Mỹ đổ quân, chủ động tiến hành chiến tranh nhằm tiêu diệt quân Cộng sản phiến loạn và xâm lược miền Nam, oanh tạc miền Bắc, tiến hành chiến tranh bí mật tại Lào và Cao Mên. Vào thời điểm cao nhất, Mỹ và các nước cùng phe đã đưa vào miền Nam trên 600.000 quân, cộng thêm với hơn nửa triệu quân của Thiệu - Kỳ, với hàng chục triệu tấn bom đạn, hàng trăm tỷ đôla… Mỹ tin rằng sẽ dễ dàng đánh bại Cộng sản.
Tuy nhiên trận Mậu Thân đã khiến Mỹ và thế giới Tư bản bừng tỉnh:
● Đại đa số dân chúng Mỹ và quần chúng tiến bộ trên khắp thế giới qua biến cố Mậu Thân nhận ra rằng nước Mỹ đã tiến hành môt cuộc chiến tranh phi nghĩa, hao người tốn của, nên quyết liệt kêu đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh, đưa quân Mỹ về nước.
● Chính quyền Mỹ và các tập đoàn Tư bản chiến tranh nhận biết một cách sâu sắc tình trạng sa lầy, bế tắc trước ý chí độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và khả năng lãnh đạo chiến tranh của đảng Cộng sản và chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, muốn rút lui trong danh dự. Mỹ ngồi vào bàn hội nghị Paris trong tình thế ấy.
So với tình hình Việt Nam vào thời điểm cuối năm 1953, đầu năm 1954 và Hội nghị Genève: Về quân sự Việt Nam ở thế thượng phong, chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng phải chấp nhận Hội nghị Genève do tứ cường triệu tập, phái đoàn Phạm Văn Đồng lép vế trước hai phái đoàn Liên Xô, Trung Quốc và trước áp lực phía sau phái đoàn Pháp của Mỹ. Nay Hội nghị Paris khai diễn chỉ hai bên Việt - Mỹ là một thắng lợi to lớn. Thắng lợi này trực tiếp do cuộc tấn công và nổi dậy Xuân 68 đem lại, là thành quả của những nỗ lực chiến tranh của kháng chiến Việt Nam. Để làm nên chiến thắng đó, kháng chiến Việt Nam, nhân dân Việt Nam, nhân dân miền Nam đặc biệt là đồng bào Thừa Thiên - Huế phải trả giá như thế nào?
*
Nhắc đến biến cố Mậu Thân, nhiều người miền Nam, đặc biệt một bộ phận khá đông người Thừa Thiên - Huế nhớ nghĩ về “những vụ thảm sát do Việt Cộng tiến hành”, “những tòa án nhân dân”, “những hố chôn tập thể” tại Huế và vùng cận sơn như những gì họ trực tiếp mắt thấy tai nghe cộng thêm vơi những tuyên truyền của Mỹ và chính quyền Thiệu - Kỳ.
Theo tôi những sai lầm dẫn đến tội lỗi của lực lượng kháng chiến trong quá trình chiếm lĩnh thành phố Huế và một số vùng nông thôn ở Thừa Thiên, ở Quảng Trị là có thật, nhưng không to lớn và sâu sắc bằng “tội ác Cộng sản” qua các thủ đoạn và phương tiện tuyên truyền của Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Có một sự thật là không phải ai ở Huế cũng bị tuyên truyền của Mỹ - Thiệu tác động, khống chế. Tôi đồng tình với một số người Huế khác cho rằng: “ Thảm sát Mậu Thân ở Huế” do bốn nguyên nhân sau:
● Thứ nhất: Bước đầu của tiến công và nổi dậy tại Huế là lật đổ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới. Mà chính quyền mới được thành lập “trên đầu ngọn súng”, do vậy, những người bị thảm sát “đợt đầu” là những kẻ có “nợ máu với nhân dân”. Trong số những người có “nợ máu với nhân dân” không tránh khỏi những trường hợp tư thù, thành kiến, hoặc ngộ nhận.
● Thứ hai: Ba bốn ngày sau Mỹ Ngụy phản công tái chiếm, chiến tranh giành giựt từng thước đất, từng con hẻm, ngôi nhà, dãy phố; dĩ nhiên trước họng súng của Mỹ Thiệu đa phần là Việt cộng cả, đợt thảm sát thứ hai này thật khốc liệt vì “nợ máu tiếp nối nợ máu”.
● Thứ ba: Không chịu đựng nổi sức phản công tái chiếm của đối phương, lực lượng kháng chiến triệt thoái, rút ra nông thôn và lên núi, kéo theo một số người bị bắt hoặc tình nguyện đi theo (đa phần là thanh niên). Bom đạn từ máy bay, từ hạm đội, từ các căn cứ pháo binh và các lực lượng truy kích Mỹ - Thiệu không phân biệt ai là Cộng sản, ai là Quốc gia, ai là quần chúng. Đây là đợt thảm sát thứ ba với khối lượng và tính chất to lớn, khốc liệt. Mồ chôn tập thể đa phần ở trong đợt này.
● Đợt thảm sát thứ tư là tuyên truyền Mỹ - Thiệu. Khi quân kháng chiến rút hết ra khỏi thành phố. Tuyên truyền của Mỹ - Thiệu một mình một chợ: “Tất cả những người bị giết chết trong cả ba đợt đều là tội ác của Cộng sản cả.”
Xét về mặt sách lược, chiến thuật, kháng chiến đã thua: Quân chính qui, quân địa phương, quân du kích, đặc biệt là lực lượng nổi dậy ở nội thành bị đánh phá tơi bời. Về mặt trận tuyên truyền trong nước, chúng ta đã tạo cơ hội cho đối phương tự do phản kích. Nói như thuật ngữ bóng tròn: Chúng ta đã mớm banh cho đối phương đá vào khung thành mà đội nhà đã bỏ trống.
Trước Mậu Thân, quần chúng miền Nam, đặc biệt là quần chúng tại Trị Thiên Huế có thể nói bảy tám chục phần trăm chán ghét Mỹ và chế độ phụ thuộc. Sau biến cố Mậu Thân ngoài “lực lượng chống Cộng truyền thống,” quần chúng Huế cũng với tỷ lệ phần trăm ấy quay lưng lại với kháng chiến, đó là không nói một số trong họ trở nên chống cộng quyết liệt. Khẩu hiệu “chính quyền ở trên đầu ngọn súng” trong trường hợp “Mậu Thân” là một thách đố với truyền thống đạo lý dân tộc: “lấy nhân nghĩa mà thắng hung tàn, đem chính nhân mà thay cường bạo.”
Biến cố Mậu Thân ám ảnh tôi mãi đến thời điểm này. Một số câu hỏi đã đeo bám tôi dai dẳng: Tại sao “thảm sát” chỉ xảy ra tại Thừa Thiên - Huế mà không xảy ra tại nơi nào khác như Sài Gòn, Đà Nẵng, Mỹ Tho? Tại sao biết chắc Tổng tấn công và nổi dậy chưa phải là trận cuối cùng mà các nhà làm chiến lược và lãnh đạo chiến tranh ở Hà Nội lại ra lệnh cho các vị chỉ huy chiến trường Trị Thiên phải giữ cờ của Liên Minh trên đỉnh Ngọ Môn đến 25 ngày đêm và các đơn vị kháng chiến ở Nam bộ phải tấn công vào thành phố Sài Gòn đến ba lần? Việc giữ cờ càng lâu càng tốt trên đỉnh Phu Văn Lâu và việc tái đưa quân vào Sài Gòn đến lần thứ ba phải chăng là hành động “thí quân” có mục đích chiến lược ? Vậy mục đích đó là gì?
Như trên tôi đã giả định là để kéo Mỹ vào bàn hội nghị. Nhưng trong Mậu Thân, Mỹ có bị đánh bại như đồng minh của họ hồi 1954 tại Điện Biên Phủ đâu? Có đơn vị quân đội nào của Mỹ bị tan tác trong trận Mậu Thân đâu? Vậy Mỹ ngồi vào bàn hội nghị vì lý do gì? Cũng như trên tôi đã nói: Mỹ vào bàn hội nghị vì lương tâm nước Mỹ và thế giới bị thử thách, vì các thế lực chủ trương can thiệp và chiến tranh của Mỹ nhận thấy bế tắc sa lầy trước ý chí vì nền độc lập, tự chủ của nhân dân Việt Nam và khả năng lãnh đạo chiến tranh của đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa qua quá trình diễn biến chiến tranh từ khi Mỹ oanh tạc miền Bắc, đặc biệt qua tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68.
Cũng như phong trào Phật giáo và hành động tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức và các vị tu sĩ đạo Phật khác chống chính quyền Ngô Đình Diệm hồi 1963 đã làm rúng động lương tâm và dư luận thế giới, cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân của kháng chiến Việt Nam cũng có tác động như vậy nhưng với tầm vóc to lớn hơn rất nhiều.
Lần trước vì mục tiêu chống Cộng, chính quyền Mỹ buộc phải hy sinh tập đoàn Ngô Đình Diệm. Lần này vì quyền lợi nước Mỹ và tình trạng bế tắc, sa lầy, không lối thoát, Mỹ phải thương lượng với kẻ thù ‘không đội trời chung” để rút lui, bỏ mặc miền Nam cho hai bên Việt Nam muốn làm gì thì làm với nhau.
Thí quân, quyết tử hay tự sát tập thể là những cảm nhận khác nhau về hậu quả quân sự của cuộc tổng tấn công và nổi dậy tại Huế, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Như thế quân sự chỉ là hành động sách lược, chiến thuật, chỉ là một khâu trong chiến lược được tính toán một cách chủ động và tỉnh táo bởi các nhà hoạch định và lãnh đạo chiến tranh ở Hà Nội. Hậu quả của sự chọn lựa quyết định chiến lược ấy chắc chắn là một vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà quân sự đương thời cũng như các sử gia sau này. Cái giá mà các chiến binh phải trả, lực lượng kháng chiến phải trả, nhân dân phải trả trong trận Mậu Thân có tương xứng với việc Mỹ chấp nhận đàm phán không? Đó là câu hỏi lớn còn tồn đọng trong tâm trí tôi vào thời điểm này (1973). Là một người trực tiếp tham dự vào biến cố Mậu Thân, có lúc nào anh Ngọc cũng khắc khoải tra vấn như tôi? Hay chỉ có chúng tôi, những người ở “ngoài cuộc” mới đẩy vấn đề đến chỗ rối rắm phức tạp?”.
*
Ngọc tần ngần, nửa muốn trả lời tôi, nửa không. Thái độ ấy diễn ra trong chốc lát. Nhưng rồi, làm như chưa từng nghe tôi đã hỏi gì, Ngọc tiếp tục cuộc “lắng nghe” mà thành ủy Huế đã chỉ thị cho anh.
– Ngọc: “Những tác hại chính trị và tâm lý quần chúng từ sau tết Mậu Thân đến nay chuyển biến như thế nào?
– C S: “Giữa năm 1968 tôi mới trở lại Huế. Tâm lý quần chúng Huế vẫn còn đang bức xúc bởi chiến dịch tuyên truyền tác động tâm lý của Mỹ-Thiệu-Kỳ. Những xe chở hài cốt đào được từ các hố chôn tập thể từ trên núi diễn hành qua các đường phố cùng với những xe phóng thanh tố cáo tội ác Cộng sản. Học sinh được “tự do” rời lớp, công chức rời văn phòng, dân chúng rời nhà ra đường đón xem các đoàn xe chất cao những hòm hài cốt(?) đi qua với nhạc cầu hồn và những biểu ngữ tố cáo tội ác Cộng sản. Quần chúng không phải không xúc động trước cảnh tượng ấy.
Như trên tôi đã nói: phỏng chừng “ba phần tắm máu do kháng chiến, bảy phần do Mỹ-Ngụy”. Nhưng trách nhiệm tinh thần, theo tôi, mười phần thuộc về phe ta. Bởi xâm lược và tay sai giết dân là chuyện thường tình kéo dài suốt gần một trăm năm, chứ Cách mạng mà giết dân chưa đáng tội là một vấn đề cần phải được xem xét lại một cách nghiêm khắc. Bởi làm như vậy là mâu thuẫn với động cơ và mục đích ban đầu. Bởi làm như vậy thì lấy ai để đánh giặc. Bởi làm như vậy là thêm thù bớt bạn. Bởi làm như vậy là sự nghiệp kháng chiến càng khó khăn thêm.
Nói lý là như thế. Nhưng nói lý như thế là máy móc, là biến người kháng chiến, người Cộng sản như những ông thánh nhất thiết không được sai lầm.
Một số người Huế khác, không nhiều, nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Họ đặt sự kiện Mậu thân trong bối cảnh cuộc chiến tranh Việt - Mỹ, cuộc chiến tranh Viêt - Mỹ trong bối cảnh thế giới đối đầu giữa hai phe Tư bản - Cộng sản. Xét cho thấu tình đạt lý: Không có Tư bản, sẽ không có Cộng sản. Không có Thực dân Đế quốc, sẽ không có công cụ là tay sai, sẽ không có yêu nước - kháng chiến. Không có Cộng sản thế giới sẽ không có Cộng sản Viêt Nam.
Yêu nước - kháng chiến và Cộng sản là hệ quả tất yếu của một đất nước bị xâm lược đói nghèo và lạc hậu.
*
Huế là kinh đô của triều Nguyễn mà nửa sau của triều đại này là đầu hàng, công cụ và tay sai dù nép dưới danh nghĩa nào: Triều đình An Nam của các vua Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại, hay Chính phủ Quốc gia của Ngài Đức Quốc trưởng Bảo Đại trong giải pháp chính trị của Thực dân Pháp đều như nhau cả.
Huế còn là nơi lập nghiệp của gia đình họ Ngô, một dòng họ đã hai đời gắn bó với Thuộc địa - Phong kiến, là công cụ của chiến lược phòng thủ từ xa của Đế quốc Mỹ, đã mưu đồ cát cứ và tiến hành chiến tranh đơn phương bằng các sách lược Tố Cộng - diệt Cộng với nhà tù và máy chém, luật số 10/59, quốc sách ấp chiến lược, các chiến dịch Bình định nông thôn, Phượng hoàng, đẫm máu.
Vào thời điểm Tết Mậu thân ấy, chính quyền Thiệu - Kỳ đích thực là công cụ, là tay sai của Đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh của chúng tại Viễn đông. Chính quyền ấy cần bị lật đổ khi có thời cơ. Thời cơ ấy là Tết Mậu Thân.
Và những người kháng chiến – Cộng sản – trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân từ trên núi xuống, từ trong hầm bí mật, trong nhà tù ra – những người mà ông cha, đồng chí và chính bản thân họ đã trải nghiệm đau thương bởi các chế độ phụ thuộc và tay sai ấy, với nhiệm vụ được giao là lật đổ chế độ cũ, với vũ khí trong tay, họ đã quá hăng say trong công viêc trừ gian diệt ác để xây dựng chính quyền mới - Cách mạng. Không ít người trong họ đã lợi dụng thời cơ để trả thù, rửa nhục. Hiểu lầm, ngộ nhận và tên bay đạn lạc cũng góp phần tăng thêm máu chảy.
Chiến tranh là cả một quá trình thay đổi tương quan bạo lực – không thể không đổ máu. Tôi chỉ không đồng tình với thứ bạo lực vì hận thù cá nhân… gây nên những cái chết không đáng, không thực sự cần thiết. Tôi hoàn toàn chống lại loại chiến tranh “máu kêu trả máu - đầu kêu trả đầu” ấy. Đó không phải là bạo lực cách mạng. Đó là bạo lực xâm lược và phản động, là bạo lực của kẻ ác. Hành động trả thù không những không tiêu diệt hết đối phương mà củng cố thêm lập trường sai trái, lòng hận thù của thân nhân những người đã thụ nhận cái chết vô nghĩa. Nhân dân, trong đó có tôi, đi theo kháng chiến, đi theo Đảng Cộng sản để chống cái ác, chứ không phải để thực hiện cái ác.
Tôi nói một hơi, như một người đói lâu ngày có dịp được ăn, cắm cúi ăn lấy ăn để như sợ không còn có dịp để ăn, bất chấp người ngoài nhìn vào như thế nào. Đến khi dừng lại, tôi mới thấy mình là kẻ điếc không sợ súng. Tôi rùng mình nhìn Ngọc và nhìn chung quanh thấy không có gì bất thường mới thở phào nhẹ nhõm.
– Ngọc: “Tôi đã nghe nhiều và cũng chính tôi đã viết nhiều tuyên ngôn trong các phong trào đô thị từ trước 1966. Nhưng tuyên ngôn với đảng Cộng sản thì đây là lần đầu. Tôi hứa sẽ báo cáo đầy đủ những gì nghe được từ anh Chu Sơn lên Thành ủy. Một ngày rất gần tôi sẽ vào Huế. Tôi sẽ gặp lại anh và các anh trong nhóm Tự Quyết và Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc Miền Trung”…
Cuộc trò chuyện giữa Ngọc và tôi kết thúc. Trước khi xuống núi tôi được chiêu đãi một bữa tiệc nhỏ. Bánh nậm và bánh bột lọc do các anh trong đội công tác chế biến. Gạo và thịt hộp mang về từ căn cứ. Bột sắn mang từ nhà chị Hòa. Tôm càng và lá dong bắt được, hái được từ các khe suối chung quanh trạm công tác. Ngon và rất vui. Cả năm người không phân biệt ai chủ ai khách.
Chu Sơn
Ghi chú: Ngọc hay Lê Phương Thảo là bí danh dùng trong kháng chiến của Lê Công Cơ. Ông Lê Công Cơ hiện là hiệu trưởng trường Đại học tư thục Duy Tân Đà Nẵng.
Các thao tác trên Tài liệu