Trò chuyện với TS Huỳnh Văn Tòng
Nói lời phải chăng
(Trò chuyện với Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng nhân ngày 30 tháng 4)
Chu Sơn
Không giẫy nẩy chối từ : tôi quên, tôi quên… để bày tỏ một thái độ giận dỗi, tuyệt vọng trước những băng hoại, hư đốn cùng cực của guồng máy toàn trị mà mình đã có một thời liên đới. Cũng không nắm bắt cơ hội để gỡ gạc một chút hư danh khi nghe tôi đề nghị cùng nhớ nghĩ về cái mốc điểm lịch sử đặc biệt ấy (30 tháng 4 năm 1975), tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng buồn rầu và nhỏ nhẹ :
– “ Ông Chu Sơn muốn gì ? Góp thêm một tiếng nói lạc lõng trong các chiến dịch truyền thông định kỳ cứ lặp đi lặp lại hàng năm suốt hơn một phần ba thế kỷ và ngày một nhạt nhẽo, nhàm chán ấy sao ? Nếu là như thế thì xin cho tôi được miễn trừ.
Ông thấy đó, tuổi tác và bệnh tật đã làm cơ thể tôi ngày một rã rời, ký ức thì đã sút giảm rất nhiều. Tôi quên vì lí do sức khỏe, chứ không vì giận vì lẫy. Tuy nhiên, nhớ nghĩ và vận dụng nó để làm cái việc chẳng những vô ích mà còn có khả năng đào sâu thêm cái hố chia rẽ, thù hận vốn đã rất to rất sâu trong đời sống của dân tộc mãi cho đến thời điểm này thì tôi quyết không làm.
– Bên này, 30 tháng Tư mới chỉ là mốc điểm của độc lập, thống nhất một cách hình thức và tương đối trên bình diện lãnh thổ.
– Bên kia, 30 tháng Tư trở thành ngày quốc hận.
Bên này – Bên kia, 30 tháng Tư là đỉnh của Pyrénées ngày một cao trước những băng hoại đến cùng cực của guồng máy cường quyền đầy tính chất bản năng và hủ bại. Dù chỉ là hạt bụi, tôi cũng không để mình tham dự vào cái quá trình đào sâu, đắp cao sự đổ vỡ tan tác mà đất nước dân tộc cần phải cấp thiết vượt qua.”
CS : “ Tôi đồng ý với anh Tòng về cung cách ứng xử
và ý tứ trong những câu, những từ anh vừa nói. Rằng
chúng ta không nên làm công cụ tuyên truyền một cách trơ
trẽn đầy tính chất xôi thịt vào thời điểm và bối
cảnh xã hội tồi tệ này. Nhưng thêm một tiếng nói để
làm sáng tỏ hơn các tư liệu đã được phổ biến giúp
các nhà nghiên cứu tiếp cận đầy đủ sự thật lịch
sử để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho các thế hệ
độc giả không phải là người trong cuộc, thiết nghĩ
là trách nhiệm không thể chối từ trước khi quá muộn,
Anh Tòng thấy thế nào ? ”
HVT : Theo ông Chu Sơn thì chúng ta bắt đầu từ đâu ?
CS : Bắt đầu từ chính anh, Huỳnh văn Tòng, được
không ?
HVT : Này nhé, tôi đề nghị chúng ta bắt đầu từ thành phần – lực lượng chính trị Thứ Ba. Bởi không bắt đầu từ cái Thứ Ba ấy, chúng ta đã không gặp nhau. Anh ở tận ngoài Huế. Tôi ở bên Tây mới về chưa được bao lâu. Tôi cũng lưu ý ông Chu Sơn một điều là không nên đòi hỏi ở tôi sự mạch lạc, chỉnh chu, sách vở tờ a, tờ b trong tình trạng sức khỏe hiện tại.
CS : Đồng ý, tôi nghe anh đây.
HVT : Ngay từ lần đầu gặp mặt, năm 1973, tôi và anh đều nhất trí là không có lực lượng chính trị Thứ Ba, mà chỉ có thành phần chính trị Thứ Ba. Bởi giữa hai lực lượng tham chiến hung hãn, giàu mạnh là Mỹ – Thiệu và kháng chiến Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phe Xã hội chủ nghĩa), trong lòng các đô thị miền Nam vào thời điểm ấy (1973) không có một thế lực nào được gọi là lực lượng Thứ Ba có đủ sức mạnh đóng vai trò trung gian hòa giải như Hiệp định Paris đã đề ra cả.
Bản thân chính trị can thiệp Mỹ không tồn tại trong đầu óc các nhà làm chính sách của tòa Bạch ốc, bộ Ngoại giao và tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn một ý niệm nào về một lực lượng như thế. Các chế độ phụ thuộc từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu lại càng rạch ròi hơn. Không Quốc gia là Cộng sản. Không Cộng sản là Quốc gia. Cộng sản – Quốc gia không đội trời chung. Quốc gia đối với Ngô Đình Diệm là gia đình họ Ngô và đạo Công giáo. Quốc gia đối với Nguyễn Văn Thiệu cũng na ná như thế : tướng tá cùng phe, cũng đạo Công giáo.
Từ sau 1954, do nhận biết về bản chất của nền văn minh phương Tây, do kinh nghiệm sống dưới chế độ thực dân suốt một trăm năm bị đô hộ, và kinh nghiệm 9 năm kháng chiến dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản độc tài và vô thần, Phật giáo miền Trung – Huế làm nòng cốt cho cuộc vận động tự thân của Phật giáo toàn miền Nam với hy vọng hình thành một lực lượng đứng ngoài sự tranh chấp giữa hai phe Tư bản – Cộng sản, Quốc gia – Quốc tế. Phong trào Phật giáo từ 1963 đến 1966 biểu hiện cái khuynh hướng Thứ Ba ấy. Khốn nỗi, lực lượng Thứ Ba không thành, nhưng khuynh hướng chính trị Thứ Ba thì thấy rõ. Tại sao Phật giáo không thể hình thành nên lực lượng Thứ Ba ? Vấn đề rất đơn giản : Bởi người Mỹ và đồng minh của họ ở miền Nam không muốn và cũng không có khả năng, bản lĩnh để dung chứa một bộ phận quyền lực như thế. Họ không muốn có bất cứ một vướng bận nào để dễ bề đánh thắng Cộng sản xâm lược. Bằng những mưu mô thủ đoạn và bạo lực vô giới hạn, Mỹ và đồng minh Thiệu – Kỳ đã đánh phá tan nát giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới được thành lập từ sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Họ đã kéo một bộ phận của Phật giáo Thống nhất về phía mình (Thích Tâm Châu và Phật giáo Việt Nam Quốc tự), đã đẩy một bộ phận khác của Phật giáo Thống nhất về phía bên kia (Thích Đôn Hậu và Phật giáo Huế – 1968), cô lập và vô hiệu hóa bộ phận còn lại (Thích Trí Quang và Phật giáo Ấn Quang). Phật giáo không còn là một lực lượng chính trị trong một nhà nước “ dân chủ kiểu Mỹ ”.
Hoài bão mà Phật giáo ôm ấp xét trên mặt Văn hóa và Tư tưởng rất đáng cho chúng ta trân trọng và các nhà nghiên cứu lịch sử cần quan tâm thích đáng, bởi đất nước và cả nhân loại cần vượt thoát ra khỏi các cuộc chiến tranh khủng khiếp được thúc đẩy bởi mâu thuẩn quyền lợi giữa các nước lớn và sự khác biệt ý thức hệ giữa các phe khối Quốc gia và Quốc tế, Tư bản và Cộng sản. Nhưng xét trên phương diện chính trị, lực lượng Thứ Ba chỉ là một nghĩ tưởng viển vông, hoàn toàn không có khả năng hình thành và tồn tại.
Sau biến cố Tết Mậu thân, người Mỹ thấy cuộc chiến tranh của họ tại Việt Nam là một bãi lầy. Để rút ra khỏi cái bãi lầy hao người tốn của, chia rẽ dân tộc ấy, chính phủ Mỹ buộc phải đàm phán với đối phương. Kiên trì gần 5 năm ở bàn hội nghị, sử dụng các phương tiện quân sự hiện đại để tiến hành các trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất trên cả hai miền Nam – Bắc cũng không khuất phục được đối phương, cuối cùng đành phải chấp nhận một giải pháp do đối phương áp đặt. Hiệp định Paris được ký kết. Theo đó, Mỹ rút quân. Vấn đề miền Nam do người miền Nam quyết định. Miền Nam vào thời điểm sau hiệp định Paris không còn là một quốc gia riêng biệt với ông chủ duy nhất là Việt Nam Cộng hòa nữa, mà miền Nam chỉ còn là một trong hai phần của lãnh thổ Việt Nam nhất thiết phải được thống nhất sau khi vấn đề miền Nam được quyết định bởi hai chính phủ và ba thành phần, ba lực lượng chính trị có quyền lực ngang nhau để bầu ra một chính phủ Liên Hiệp hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Ở trên chúng ta đã nhận định : Vào thời điểm 1973, trước đó và cả sau này, ở miền Nam không hề tồn tại một lực lượng Thư Ba chính danh. Như thế, chính phủ Liên hiệp ba thành phần ngang nhau chắc chắn không được thành lập, và vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc chỉ là thỏa thuận trên giấy giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hiệp định Paris), đồng thời là ước mơ hão huyền nhưng vô cùng chính đáng của quần chúng nhân dân là nạn nhân giữa hai chiến tuyến.
Hiệp định Paris, xét cho cùng :
– Đối với Mỹ : để rút quân và giải kết với Việt Nam Cộng hòa.
– Đối với các nhà lãnh đạo chiến tranh ở Hà Nội : để kết thúc cuộc chiến tranh không còn có Mỹ.
– Đối với chính quyền Việt Nam Cộng hòa : là sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ và là cơ hội đẩy mạnh cuộc xâm lược của Cộng sản Bắc Việt. Việt Nam Cộng hòa rơi vào tình thế hụt hẫng và hoảng loạn.”
CS : Theo anh Tòng thì Hà nội nhìn nhận như thế nào
về lực lượng và thành phần chính trị Thứ Ba ?
HVT: Cũng như Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, đối với Hà Nội không có lực lượng và thành phần chính trị Thứ Ba. Tất cả chỉ là thủ đoạn chính trị trên bàn hội nghị, cũng như trong tuyên truyền quốc tế và trong vận động chiến tranh tại các thành thị miền Nam. Không khó và không thiếu chứng cớ để chứng minh luận điểm này. Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ đầu gọi cuộc chiến tranh này là cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, xem chính quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ là công cụ của đế quốc Mỹ. Khẩu hiệu là : “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ”. Đối với Hà nội : Hiệp định Paris là cơ sở pháp lý, là điều kiện thời gian và không gian để “ Mỹ cút ”, còn “ Ngụy nhào ” lúc nào tùy thuộc vào :
1/ Nỗ lực để sinh tồn của cây tầm gửi (Việt Nam Cộng hòa) sau khi giá thể là cây cổ thụ (Mỹ) không còn tồn tại. Nhóm từ “ không còn tồn tại ” ở đây biểu hiện một trong hai, hay cả hai khái niệm tương đối “ Mỹ cút ”, hay “ Mỹ rút ”, tùy theo nhận định chủ quan của mỗi bên, mỗi người. Đối với Hà Nội, sau khi ký Hiệp định Paris, Mỹ cút, Ngụy nhào chỉ là vấn đề thời gian.
2/ Hà Nội đã chuẩn bị và tập hợp lực lượng đến đâu để đánh trận cuối cùng, kết thúc chiến tranh ?
Cái khác nhau giữa hai phe (Mỹ – Việt Nam Cộng hòa và Hà Nội) về vấn đề lực lượng hay thành phần chính trị Thứ Ba là :
Mỹ không nói đến hay chỉ nói đến qua quýt, bất đắc dĩ tại Hội nghị và trong biên bản Hiệp định Paris về lực lượng – thành phần chính trị Thứ Ba. Lý do như trước đây tôi đã nói (Huỳnh Văn Tòng) : trong cuộc chiến tranh (tại Việt Nam) của mình, Mỹ không muốn có, không thấy cần có một thứ gì làm vướng bận tay chân, tâm trí để dễ bề đánh thắng Cộng sản xâm lược. Nhóm Công giáo chống tham nhũng, “ chống Thiệu ” do linh mục Trần Hữu Thanh đứng đầu chỉ là giải pháp tình thế, quá chậm và quá khiên cưỡng. Yếu tố thời gian và lập trường chính trị theo Mỹ và hậu thuẫn cho Việt Nam Cộng hòa của nhóm này không đủ để bảo chứng cho lực lập trường chính trị “ Thứ Ba ” của Mỹ. Vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc đối với Mỹ : đó không phải là việc “ của tau ”, mà là của “ tụi bay ” (Việt Nam) với nhau.
– Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt người đứng đầu là Nguyễn Văn Thiệu, trước sau vẫn cương quyết phủ nhận, chửi bới, dọa nạt, đánh phá lực lượng – thành phần chính trị Thứ Ba. Việt Nam Cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu xem lực lượng Thứ Ba là kẻ nội thù tiếp tay cho Cộng sản xâm lược. Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống. Mặt trận Cứu đói, Tổ chức đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, báo Đối Diện và nhóm các Linh mục, trí thức Công giáo tiến bộ, Lực lượng hòa giải dân tộc của Phật giáo Ấn Quang, các tổ chức ký giả đấu tranh cho Tự do báo chí, ngôn luận, các Tổ chức Sinh viên Tranh đấu… đối với Thiệu là những đối tượng nguy hiểm, cần phải khống chế, triệt hạ. Trường hợp Ngô Kha bị thủ tiêu tại Huế là một thí dụ.
– Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem chiến tranh giải phóng là sự nghiệp của nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Lực lượng – thành phần chính trị Thứ Ba đối với Hà Nội là cuộc vận động cuối cùng trong phong trào đô thị của phương lược hai chân – ba mũi, ba vùng chiến lược theo như Nghị quyết 15. Tại hội đàm Paris, trên những phương tiện truyền thông quốc nội và quốc tế, công tác binh vận, dân vận tại các đô thị miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, lực lượng Thứ Ba, thành phần chính trị Thứ Ba được cổ xúy, được bơm thổi tối đa, được vận động, được tạo điều kiện, được cung cấp phương tiện vật chất và tinh thần để hình thành và hoạt động.
– Đối với Hà Nội lực lượng – thành phần chính trị Thứ Ba chỉ là công cụ, là phương tiện giai đoạn, sẽ triệt tiêu tức thì khi chiến tranh kết thúc.
CS : Nhưng rõ ràng liền sau khi Hiệp định Paris công
bố tại Sài Gòn, Huế và các thành thị khác trên toàn
miền Nam, các tiếng nói nhân danh thành phần, lực lượng
Thứ Ba đã đồng loạt cất lên, chẳng lẽ tất cả đều
do người Mặt trận giựt dây cả sao ?
HVT : Có nhiều tiếng nói “ Thứ Ba ” không xuất phát từ Mặt trận. Những tiếng nói bày tỏ khuynh hướng chính trị không Mỹ – Thiệu, cũng không Cộng sản, chẳng cần ai giựt dây, nếu được tự do, cũng sẽ cất lên lẻ tẻ hay đồng loạt không những ở thành thị mà cả ở nông thôn, không những chỉ trong vùng “ tạm chiếm ” mà cả trong “ khu giải phóng ”, không những ở miền Nam mà cả ở miền Bắc, không chỉ đồng bào trong nước mà cả Việt kiều ở nước ngoài.
Chiến tranh kéo dài quá ư tàn khốc và đau thương, Mỹ càng lộ rõ vai trò ông chủ của Việt Nam Cộng hòa, đảng Cộng sản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không cần giấu giếm là người lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng miền Nam, trong chính quyền, quân đội và nhân dân của hai bên không ít người chẳng đồng tình, dị ứng hoặc ngấm ngầm chống Mỹ, chống Cộng trong ý thức và cả bằng hành động khi có hoàn cảnh thuận tiện. Cái đa số “ hai không ” hay “ hai chống ” này nếu có cơ hội và điều kiện sẽ bày tỏ chính kiến, lập trường chính trị “ Thứ Ba ” của mình. Nhưng chẳng bao giờ họ có khả năng tập họp được thành một lực lượng ở giữa hai lằn đạn. Họ không có lãnh thổ, không có lãnh tụ, không có chính quyền, không có quân đội, cảnh sát, không có hậu thuẩn và viện trợ quốc tế tương xứng với hai lực lượng kia. Tắt một câu, thành phần chính trị Thứ Ba không đủ những điều kiện vật chất, tinh thần khả dĩ bảo chứng cho sự tồn tại của mình như một lực lượng tập họp được. Họ yêu nước, họ khát khao tự do, độc lập, thống nhất và hòa bình. Họ có hoài bảo đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Chỉ có thế. Nhưng chỉ có thế thôi thì chưa đủ. Bạo lực Việt Nam Cộng hòa và bạo lực Mặt trận Giải phóng không dung tha họ. Pháp lí Hiệp định Paris không đủ mạnh để bảo vệ họ.
Pháp lí Hiệp định Paris nói cho cùng chỉ là một mớ những điều khoản lỏng lẻo, mơ hồ, tạm bợ do đại diện hai phe làm ra trên bàn hội nghị với chủ đích là “ Mỹ rút ” hoặc “ Mỹ cút ”. Tất cả các vấn đề khác của miền Nam trên lí thuyết do nhân dân miền Nam quyết dịnh, nhưng thực tế vận hành theo thế và lực của kẻ mạnh. Mô hình chính phủ ba thành phần ngang nhau tại miền Nam chỉ là cái bong bóng được bơm thổi chủ yếu bởi những cái loa phát đi từ bưng biền hay từ Hà Nội. Cái bong bóng ấy sẽ nổ tung trước sức nóng bom đạn của trận cuối cùng : “ đánh cho Ngụy nhào ”.
CS : Vấn đề đơn giản như thế sao ? Sau chừng
ấy dính líu, bỏ ra từng ấy công của, Mỹ sẽ quẳng
gánh ra đi dễ dàng như thế sao ? Cường quốc hùng
mạnh hàng đầu thế giới với lòng tự tôn siêu hạng,
Mỹ chẳng còn vướng bận gì sau khi ký hiệp định Paris
sao ?
HVT : Phức tạp hay đơn giản cũng chỉ là những khả năng trong những tình thế cụ thể. Năm 1954, thua đau và nhục nhã ở Điện Biên Phủ, Pháp ký Hiệp định Genève, tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân về miền Nam, nhưng không đơn giản sẽ chấm dứt vai trò và từ bỏ quyền lợi trên phần đất còn lại, bỏ mặc miền Nam cho hai chính quyền Nam – Bắc tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thồng nhất đất nước theo như những điều kiện pháp lí lỏng lẻo ghi trong văn bản Hiệp định. Nhưng rồi do những điều kiện chủ quan, Pháp đành trao miền Nam cho Mỹ.
Ngày 27-1-1973, Mỹ ký kết hiệp định Paris cũng để rút quân, vấn đề miền Nam theo tính toán của chính quyền Mỹ cũng không đơn giản là sẽ bỏ mặc cho nhân dân miền Nam quyết định theo mô hình chính phủ Liên hiệp ba thành phần… Trước khi ký Hiệp định Paris, Kissinger và Nixon đã đi Trung quốc, trước đó đã điều đình bí mật với Liên Xô, đã liên kết trở lại với Pháp, đã làm yên lòng La Mã, đã hứa hẹn với Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam Cộng hòa… Tất cả những nỗ lực ấy nhằm bảo lưu quyền lợi của Mỹ tại miền Nam và trong chừng mực nào đó bảo lưu sĩ diện của Mỹ trước cộng đồng quốc tế với ý đồ chia cắt miền Nam thêm một lần, một chặng nữa, và quốc tế hóa phần đất còn lại. Sự kiện Nguyễn Văn Thiệu rút bỏ Tây Nguyên không đơn thuần là một quyết định đơn phương, việc hai Tòa Đại sứ Pháp và Mỹ tại Sài gòn đục thành rào, trổ cửa thông thương, việc các điệp viên và chức sắc tòa Đại sứ Pháp quan hệ trên mức bình thường với nhóm Dương Văn Minh, việc Nguyễn văn Thiệu được Tòa Đại sứ Mỹ và nhân viên CIA âm thầm tống xuất ra nước ngoài, việc Dương Văn Minh chứ không phải một ai khác thuộc thành phần Thứ Nhất (như Nguyễn Cao Kỳ) tiếp nhận sự chuyển giao chức danh Tổng thống từ Trần Văn Hương… là những dấu chỉ cho thấy có cuộc vận động ngầm nhằm quốc tế hóa vấn đề miền Nam trên phần đất còn lại trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh của Mỹ.
Tuy nhiên tất cả những nỗ lực ấy không thành, bởi tương quan lực lượng tại miền Nam từ sau hiệp định Paris công bố nghiêng về phía Hà Nội.
Áp lực của Liên Xô, đặc biệt là Trung Quốc chưa đủ để Hà Nội giảm nhẹ cường độ quân sự “ trừng trị lấn chiếm, vi phạm hiệp đinh Paris của Nguyễn Văn Thiệu ”, và từ bỏ quyết tâm giải quyết vấn đề miền Nam bằng bạo lực cách mạng trong thời hạn ngắn nhất.
Về phía Mỹ, quyền lực thực sự lúc này (sau ký kết hiệp định Paris) không thuộc về chính quyền nữa mà thuộc về quốc hội và đông đảo quần chúng đã quá chán ngán cuộc chiến tranh không lối thoát và phi nghĩa. Một khi viện trợ bị quốc hội cắt giảm từ 1,6 tỷ năm 1972 xuống 1,4 tỷ năm 1973, rồi 700 triệu năm 1974, 300 triệu vào năm 1975 thì khả năng chấm dứt chiến tranh gần như là hiện thực. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và nền đệ nhị Cộng hòa không còn điều kiện để tồn tại.
Như ông (Chu Sơn) đã nói với tôi hồi giữa năm 1973 rằng Hà Nội đã tính tới ít nhất là hai giải pháp : Một là giải pháp quân sự : “ đánh cho Ngụy nhào ” trong vòng ba bốn năm (1973 – 1976). Hai là giải pháp chính trị : “ chia thêm một lần ” (lần thứ nhất là Hiệp định Genève – 1954 ), dừng thêm một chặng – đến Nha Trang hay Phan Rang gì đó, Thủ đô của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là Quảng Trị hay Lộc Ninh gì đó, và thời gian dứt điểm có thể là 10 năm, 15 năm. Có phải ông đã nói với tôi như thế không ?
Sau những trận đánh thăm dò : Phước Long (tháng 1 năm 1975) và Ban Mê Thuột (tháng 3 năm 1975), Hà Nội thấy rằng Mỹ dứt khoát ra đi. Do vậy vấn đề miền Nam trở nên đơn giản, chỉ còn là giải pháp quân sự. Chính phủ liên hiệp ba thành phần chỉ tồn tại trên giấy, và lực lượng Thứ Ba chỉ còn là cái bong bóng.
CS : Anh Tòng nhận định thế nào về nhân vật Dương
Văn Minh ? Có người nói Dương Văn Minh là lãnh tụ
của lực lượng Thứ Ba ?
HVT : Ông Chu Sơn lui tới Sài Gòn lâu như vậy mà chưa biết câu nói cửa miệng của người miền Nam sao ? Zậy mà không phải zậy. Là người thuộc “ lực lượng Thứ Nhất ” mà không phải là người “ Thứ Nhất ”, có cái tâm thức “ Thứ Ba ” mà không làm được, không có được một lực lượng Thứ Ba chính danh để thực hiện tâm tư hoài bảo của mình, cuối cùng Dương Văn Minh đành phải chấp nhận vai trò kẻ vác cờ trắng mà người này bảo là không nên, người kia bảo là không đáng, lại còn có kẻ bảo : chỉ là hành động của một tên tay sai cùng đường. Tình cảnh của Dương Văn Minh vào thời điểm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt – Mỹ (30 tháng 4 năm 1975) là như thế. Dương Văn Minh trở thành nạn nhân của hai phía, đồng thời là nạn nhân của chính mình. Người Mỹ sử dụng Dương Văn Minh làm nút chặn an toàn cho cuộc giải kết và “ tháo chạy tán loạn ”. Hà Nội sử dụng Dương Văn Minh làm công cụ giảm thiểu sự ác liệt, tổn thất và tăng cường hào khí, vinh quang cho chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.
CS : Anh Tòng có thể giải thích thêm những nhận định
không giống ai mà anh vừa nêu được không ? Tôi chưa
được sáng tỏ lắm.
HVT : Người Mỹ bảo cuộc chiến tranh này là của họ. Người Cộng sản bảo đây là cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trên đại thể những tuyên bố như thế đều là sự thật. Do vậy việc kết thúc chiến tranh cũng do hai phía : Mỹ và đảng Cộng sản quyết định. Có điều lúc tiến hành chiến tranh mỗi bên đều có công cụ riêng biệt : Phía Mỹ, công cụ là Việt Nam Cộng hòa. Phía Cộng sản, công cụ là Mặt trận Giải phóng và chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Lúc kết thúc chiến tranh, cả hai phía, ngoài hai công cụ truyền thống, đều sử dụng cùng một công cụ là chính phủ Dương Văn Minh. Chính phủ Dương Văn Minh mang nhãn mác Việt Nam Cộng hòa, nhưng đa phần các thành viên của chính phủ ấy, không ít người tại miền Nam cho là thuộc về lực lượng hay thành phần chính trị Thứ Ba .
Vậy Dương Văn Minh là ai ? Chính phủ Dương Văn Minh và những nhân vật bao quanh cá nhân ông Minh và chính phủ ấy là ai ?
Dương Văn Minh là người miền Nam, gia đình thuộc tầng lớp trên : địa chủ nhỏ và viên chức trong nhà nước thuộc địa, là sĩ quan trừ bị do Pháp đào tạo từ 1940, ở trong quân đội Liên hiệp do Pháp chỉ huy. Sau 1954, Dương Văn Minh là đại tá trong quân đội Quốc gia của Bảo Đại, rồi Việt Nam Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Là người chỉ huy chiến dịch Thoại Ngọc Hầu truy quét lực lượng giáo phái Bình Xuyên, Hòa Hảo, Dương Văn Minh nổi tiếng là người hùng, được Ngô Đình Diệm vinh thăng thiếu tướng, rồi trung tướng, nhưng không chịu làm gia nô, không theo đạo Công giáo, không vào đảng Cần lao nên bị Ngô Đình Diệm cho ngồi chơi xơi nước. Từ một người thần phục Ngô Đình Diệm, lần hồi Dương Văn Minh căm ghét chế độ Gia đình – Cần lao – Công giáo toàn trị.
Dương Văn Minh theo đạo Phật, có người em trai (Dương Thành Nhật – Chu Sơn) đi kháng chiến rồi tập kết ra miền Bắc, có bạn thân (bà Bùi Thị Mè – Chu Sơn) là nhân vật cao cấp của Mặt trận Giải phóng miền Nam.
Năm 1963 trước tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng có nhiều dấu hiệu suy thoái, anh em nhà Ngô thẳng tay đàn áp phong trào Phật giáo đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo, Dương Văn Minh được các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa tôn làm minh chủ cầm đầu cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ và chỉ đạo gián tiếp của Mỹ. Dương Văn Minh trở thành Quốc trưởng.
Là một sĩ quan nhà nghề, chọn binh nghiệp làm lẽ tiến thân, bản chất trung thực hiền lành, sùng thượng văn hóa Pháp, hấp thụ giáo lí từ bi của đạo Phật, có thân nhân đang ở phía bên kia, Dương Văn Minh không đáp ứng các tiêu chí “ chọn ngựa ” của người Mỹ, không trở thành lãnh tụ chống Cộng cuồng nhiệt mà người Mỹ cần tuyển chọn hầu thay thế Ngô Đình Diệm. Mỹ thay đổi chiến lược, đổ quân, trực tiếp điều hành, đẩy mạnh chiến tranh trên cả hai miền Nam – Bắc. Dương Văn Minh lần lượt bị tước quyền, bị cho ra rìa, bị đẩy đi làm đại sứ (một hình thức lưu đày), được đưa lại miền Nam làm nhân vật đối trọng với “ con ngựa nòi ” được Mỹ chọn đứng đầu chế độ đệ nhị Cộng hòa : Nguyễn Văn Thiệu. Xuất thân như thế, sự nghiệp như thế, bản chất cá nhân như thế, bối cảnh xã hội, chính trị như thế, từng bước Dương Văn Minh chuyển dịch từ một trong những nhân vật hàng đầu của lực lượng Thứ Nhất (Việt Nam Cộng hòa) qua một hình tượng tiêu biểu cho cái mà nhiều người gọi là lực lượng Thứ Ba.
Nơi Dương Văn Minh, đến thời điểm sau khi Hiệp định Paris được công bố, tồn tại hai con người :
– Con người hình dung sắc tướng thuộc về lực lượng Thứ Nhất.
– Con người Tâm thức thuộc về thành phần chính trị Thứ Ba.
Con người hình dung sắc tướng dễ nhìn, dễ nhận biết, bởi tất cả nhãn mác đều phô dán bên ngoài : Đại tướng, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Còn con người Tâm thức, con người thuộc thành phần – lực lượng Thứ Ba quả là phức tạp trước nhãn quan của nhiều người, đặc biệt đối với đảng Cộng sản – kẻ đã nhiều lần trong quá khứ (từ 1960 trở về sau) đã cử người tiếp xúc với Dương Văn Minh để điều đình nầy nọ…, kẻ đang chớp thời cơ đẩy mạnh cuộc tiến công quân sự nhằm giải phóng miền Nam bằng bạo lực cách mạng : “ đánh cho Ngụy nhào ”.
Ngụy nhào tức là lực lượng Thứ Nhất bị tiêu diệt.
Khi mà lực lượng Thứ Nhất bị tiêu diệt thì, tất cả các thứ thuộc về “ Thứ Ba ” không còn lí do để tồn tại. Lực lượng Thứ Ba hay thành phần Thứ Ba đều như thế cả. Chanh vắt hết nước, vỏ bị vứt đi. Chính trị là như thế. Chính trị Mỹ hay chính trị Cộng sản đều như thế. Đặc biệt, người Cộng sản mô tả hành đông vắt chanh bỏ vỏ bằng thuật ngữ hoa mỹ : “ chấm dứt nhiệm vụ lịch sử ”.
CS : Theo anh Tòng thì (lực lượng) hay thành phần
chính trị Thứ Ba hình thành, phát triển và tiêu vong ra
sao ?
HVT : Trong một cuộc chiến chống xâm lược thuần túy – không có xung đột ý thức hệ đi kèm, chắc chắn không có thành phần hay lực lượng Thứ Ba. Kháng chiến hay xâm lược. Kẻ nào kháng chiến là yêu nước, kẻ nào theo xâm lược là bán nước. Không có vấn đề hòa giải. Chỉ có vấn đề hòa hợp, nếu cuộc chiến tranh kết thúc thắng lợi về phía dân tộc.
Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (1954-1975) tiếp nối cuộc chiến tranh xâm lược (1858-1954), và cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp (1945-1954). Hai cuộc chiến này tiếp nối cuộc xâm nhập và xung đột kinh tế, chính trị, văn hóa của phương Tây từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy (đầu thế kỷ XVII đến 1975) đạo Công giáo song hành cùng chủ nghĩa thực dân đế quốc.
Nhóm từ Thành phần chính trị Thứ Ba chỉ xuất hiện vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ. Nó được đăng ký khai sinh qua văn bản Hiệp định Paris. Nó là một thực tế phát sinh từ hai lực lượng chính quyết định cuộc chiến là Mỹ và Cộng sản Việt Nam. Để nhận biết thành phần chính trị Thứ Ba hình thành, phát triển và tiêu vong ra sao, chúng ta không thể không biết tới một cách sơ khởi tiến trình lịch sử của hai lực lượng Thứ Nhất và Thứ Hai trong tương quan lực lượng mới sau khi Mỹ rút.
Các từ Mỹ và Cộng sản đập mạnh vào tâm trí đại đa số người Việt ba sự hiện hữu đáng buồn là chiến tranh, thực dân đế quốc và ý thức hệ.
Cuộc chiến tranh Việt – Mỹ (1954-1975) tiếp nối cuộc chiến tranh Việt – Pháp (1945-1954), cả hai cuộc chiến tranh này là hậu quả của gần một trăm năm (1858-1945) chiến tranh xâm lược và chống xâm lược giữa thực dân Pháp và nhân dân Việt Nam (dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Nguyễn, của các lãnh tụ nông dân, sĩ phu qua các phong trào Cần vương, Văn thân, Duy Tân và cuối cùng là các cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng (1930) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-1975). Tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược, kháng chiến chống xâm lược và vận động cách mạng đó có gốc nguồn từ các cuộc xâm nhập mang tính bành trướng, thực dân vào Việt Nam của các thế lục phương Tây bắt đầu từ thế kỷ XVII, cụ thể là các thương đoàn, giáo hội Thừa sai, các hạm đội Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, cuối cùng là Mỹ.
Cuộc giao tiếp xúc chạm Tây – Việt dẫn đến tình trạng đầu rơi máu đổ, tàn phá đất nước cực kỳ tàn bạo và đau khổ ấy đã diễn ra trong bối cảnh một châu Âu chuyển mình từ thời kỳ Trung cổ qua thời kỳ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật hiện đại, chế độ dân chủ, Ky tô giáo bá quyền toàn cầu hóa. Và một Việt Nam (một nước nhỏ nhưng có vị trí địa lý quan trọng tại Đông Nam Á) phong kiến, qua phân, nội chiến, Nam tiến, bị đô hộ… với nền kinh tế trọng nông ức thương và những giá trị dân tộc truyền thống (Việt – Nho, Việt – Phật, Việt – Lão) tuy đã định hình nhưng cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết tật, lỗi thời, và một Việt Nam khác với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa (một cơ phận nhỏ của phong trào Cộng sản quốc tế) do đảng Cộng sản lãnh đạo và sự giúp đỡ có điều kiện của Trung Quốc và Liên Xô.
Như thế không đợi đến cuộc đụng đầu Mỹ – Việt, chiến tranh mới mang màu sắc ý thức hệ (Thánh chiến). Mà ngay từ đầu, ý thức hệ đã là một trong ba yếu tố đồng hành : Kinh tế thương nghiệp, Ky tô giáo, binh bị và khoa học kỹ thuật. Ky tô giáo luôn gắn bó với kinh tế thương nghiệp và các cuộc chiến tranh thực dân đế quốc.
Về phía Việt Nam, các giá trị truyền thống và ý thức hệ Nho là linh hồn của các cuộc đề kháng dân tộc ở thời kỳ đầu (đầu thế kỷ XVII đến một phần tư đầu thế kỷ XX) và ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ sau (1925-1975) .
Sự hình thành, phát triển của lực lượng Thứ Nhất
Không phải chuyện tình cờ khi các Giám mục, Giáo sĩ thừa sai có mặt trên các hạm đội Pháp – Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng năm 1858 và tất cả các cuộc đánh chiếm Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ tiếp liền sau đó đến 1884 (triều đình nhà Nguyễn ký hàng ước Patenôtre, Pháp thiết lập cuộc đô hộ toàn phần lãnh thổ Việt Nam).
Không phải chuyện tình cờ khi triều đình An Nam do Pháp bảo hộ được cố vấn và lèo lái bởi các học giả, các thượng thư người Công giáo (Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả, Phạm Quỳnh 1…). Cũng không phải chuyện tình cờ khi Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều đình An Nam (Nho – Phật) lại cưới một người phụ nữ đạo dòng làm vợ (bà Nam Phương). Lại càng không phải chuyện tình cờ khi người đứng đầu hai thời kỳ Cộng Hòa tại miền Nam : Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và ba phần tư tổng số các dân biểu nghị sĩ tại quốc hội Việt Nam Cộng hòa là người Công giáo. Cũng không phải chuyện tình cờ khi Hồng y Giáo chủ Mỹ Spellman đến miền Nam tham dự vào công cuộc tác chiến tinh thần cùng quân đội Mỹ và Đồng minh chống Cộng sản vô thần vào thời điểm cuộc chiến tranh Mỹ – Việt phát triển đến cao độ (Giáng sinh 1966).
Để thành đạt các mục tiêu thực dân và Công giáo hóa, các thế lực phương Tây đã kéo một bộ phận người Việt Nam về phía họ. Trong từng thời đoạn khác nhau, bộ phận người Việt Nam này tập họp dưới những tên gọi khác nhau :
– Giáo hội Công giáo (từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX).
– Triều đình An Nam (1884-1945).
– Chính phủ Nam kỳ tự trị.
– Chính phủ Quốc gia (1949-1955).
– Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (1955-1975).
Bộ phận người Việt Nam này ban đầu bị sai khiến bởi các Giáo sĩ Thừa sai, các đô đốc, tướng lãnh, sĩ quan cao cấp của Thực dân trong các cuộc tiến công xâm lược. Khi chế độ thuộc địa được thiết lập và kiện toàn guồng máy cai trị, bộ phận người Việt Nam này đã sát cánh cùng Soái phủ Nam kỳ, Dinh toàn quyền Đông Dương, Tòa Khâm sứ Huế, Tòa Công sứ ở các tỉnh, các tòa Giám mục thuộc các giáo hội Thừa sai, Tòa khâm sứ của giáo hội La mã, Tòa đại sứ và Phái bộ quân sự Mỹ trong tất cả các hoạt động quân sự, khai thác kinh tế, tuyên truyền chính trị, truyền bá công giáo, xâm nhập văn hóa… nhằm đánh bại cái mà họ thường gọi là bọn tà ma ngoại đạo, bọn Bụt thần, Nho quỉ, bọn gian dân loạn đảng và cuối cùng là bọn quỷ dữ Cộng sản vô thần.
Từ sau Hiệp định Paris ký kết (1-1973) khi các thế lực phương Tây lần lượt rút lui, bộ phận người Việt Nam này tập họp trong và chung quanh chính quyền Việt Nam Cộng hòa với người đứng đầu là Nguyễn Văn Thiệu. Đây là lực lượng Thứ Nhất. Nòng cốt của lực lượng Thứ Nhất là các tướng lĩnh, sĩ quan, công chức cao cấp, các Giám mục, các nhà tư sản, trí thức thân chính và các lãnh tụ đảng phái. Đa phần trong số họ được giáo dục, đào tạo, huấn luyện trong các nhà trường, học viện bản địa hay chính quốc (Pháp – Mỹ – La mã), và trong những mức độ khác nhau đều có gắn bó lợi ích tinh thần, vật chất với thế giới phương Tây. Hậu thuẩn cho lực lượng thứ nhất vẫn là đa số giáo dân Công giáo.
Sự hình thành và phát triển của lực lượng Thứ Hai
Một phần tư đầu của thế kỷ XX qua đi với sự cáo chung vai trò lịch sử của các nhà Nho, sĩ phu, quan lại đại diện cho ý thức hệ Nho giáo và các giá trị truyền thống.
Cuộc đấu tranh cho nền độc lập dân tộc được tiếp tục bởi các thanh niên trí thức tân học. Các nhà yêu nước tuổi trẻ này tập hợp trong những tổ chức chính trị, cách mạng có tên là chính đảng. Đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu, đảng Thanh niên cao vọng của Nguyễn An Ninh trong Nam. Tân Việt, Việt Nam Quốc dân đảng ngoài Bắc. Và cuối cùng là đảng Cộng sản được tổ chức đều khắp hai miền đất nước.
Các đảng Lập Hiến, Thanh niên Cao vọng, Tân Việt và Việt Nam Quốc dân đảng lần lược chuyển hóa (đảng Lập Hiến trở thành một bộ phận đấu tranh nghị trường trong chính phủ Thuộc địa Nam kỳ, đảng Tân Việt trở thành một bộ phận tiền thân của đảng Cộng sản) hoặc bị đánh phá, đàn áp, khủng bố đến tan rã (Thanh niên cao vọng và Quốc Dân đảng).
Lực lượng Thứ Hai duy nhất còn lại chỉ là đảng Cộng sản nắm vững hai ngọn cờ : Giải phóng dân tộc và Cách mạng Xã hội chủ nghĩa.
Trước khi trở thành người Cộng sản, từ Hồ Chí Minh và các lãnh tụ thế hệ đầu, đến các đảng viên cấp dưới đều là người yêu nước cuồng nhiệt và giàu lòng trắc ẩn đối với đại đa số nhân dân cùng khổ. Họ đi Tây, đi Đông tìm đường cứu nước và thay đổi trật tự xã hội. Người trước kẻ sau, họ tìm thấy ở Nga – Liên Xô và cuộc cách mạng tháng Mười nguồn cảm hứng, hy vọng và phương thuốc thần kỳ chắc chắn chữa trị được căn bệnh trầm kha của dân tộc và nhân loại : nô lệ, tối tăm, nghèo đói. Đó là chủ nghĩa Mác – Lê nin vận dụng cho khế hợp với yêu cầu của cách mạng Liên xô và thế giới. Đó là sự liên đới hữu cơ giữa phong trào Cộng sản Quốc tế (Quốc tế III), phong trào công nhân trong các quốc gia Tư bản và phong trào độc lập tại các xứ thuộc địa. Theo đó, từ Nguyễn Ái Quốc đến các lãnh tụ Công sản thế hệ đầu tiên nhận thức một cách đơn giản rằng Liên xô và Quốc tế III hoàn toàn có thành ý và khả năng giúp đỡ các xứ thuộc địa (trong đó có Việt Nam, Đông Dương) lật đổ ách đô hộ, cai trị của Thực dân, Phong kiến và tiến hành cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Cũng theo tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản ngây thơ trong sáng ấy, đảng Cộng sản Việt Nam (hay đảng Cộng sản Đông Dương) có nghĩa vụ thực hiện các sự hỗ trợ ngược lại và tuân thủ các mệnh lệnh, chỉ thị từ Quốc tế III do Liên – xô đứng đầu.
Cái khác nhau giữa Nguyễn Ái Quốc và các lãnh tụ Cộng sản đầu tiên do Liên Xô giáo huấn, rèn luyện như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập… là có vận dụng, chắt lọc hay không các chỉ thị mệnh lệnh ấy trong quá trình vận động cách mạng của mình. Nguyến Ái Quốc bảo là có. Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập bảo là không.
Hai từ có và không ấy quyết định thân phận, sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…, của đảng Cộng sản, và đặc biệt của đất nước, dân tộc Việt Nam, và của cả Đông Dương từ khi đảng Cộng sản thành lập đến tận ngày nay.
Đối với Quốc tế III, chủ yếu là Stalin và phe cánh, Nguyễn Ái Quốc chỉ là người Dân tộc chủ nghĩa đến với Liên Xô và cách mạng thế giới từ một vùng lãnh thổ xa xôi, nghèo đói và lạc hậu (Đông Dương) đang là thuộc địa của Pháp, đồng thời là đảng viên của một đảng Cộng sản thứ cấp (đảng Cộng sản Pháp). Đảng Cộng sản Liên xô mới là đảng cao cấp, đầu tàu của các đảng Cộng sản khác trên toàn thế giới. Theo Stalin và phe cánh : không có một Việt Nam dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, mà chỉ có Đông Dương, một chi tiết nhỏ của guồng máy cách mạng thế giới cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ bởi các cán bộ đảng viên được giáo huấn đầy đủ, được kết nạp tại Liên Xô, được phái đi sau những công đoạn thử thách trong môi trường cách mạng Nga. Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập… đáp ứng các tiêu chí của Quốc tế III và Stalin. Nguyễn Ái Quốc thì không, ông chỉ là cán bộ vòng ngoài của Quốc tế III.
Ông Chu Sơn có thể hình dung Stalin như một Giáo hoàng La Mã, chủ nghĩa Mác – Lênin như là kinh thánh, trường đảng Liên Xô như một chủng viện, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà huy Tập… và những người được giáo huấn trong đó như những chủng sinh, được phái đi (…Đông Dương) như những Thừa sai của cuộc thánh chiến mới.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất các nhóm đại biểu Cộng sản từ trong nước ra. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập với luận cương có hai nội dung chính :
Một là, Cách mạng Việt Nam có hai mục tiêu : Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Cách mạng Xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp lâu dài. Đấu tranh dân chủ kiểu tư sản dân quyền và đấu tranh công bằng xã hội như người cày có ruộng, giảm tô thuế cho nông dân, đòi tăng lương, giảm giờ làm việc, cải thiện đời sống cho công nhân…, là những sách lược góp phần thúc đẩy sự nghiệp giải phóng dân tộc và làm nền tảng cho công cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa về sau. Nguyễn Ái Quốc không chỉ rõ khi nào bắt đầu cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa.
Hai là, Lực lượng chính của cách mạng Việt Nam là liên minh Công – Nông do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lực lượng này được xây dựng, phát triển trong khối đại đoàn kết toàn dân không phân biệt giai tầng, địa vị xã hội. Trí thức, tiểu chủ, phú nông, kể cả tư sản, địa chủ, quan lại đều được mời gọi, vận động tham dự vào công cuộc đánh đổ thực dân, phong kiến. Trung lập hóa các thành phần thuộc tầng lớp trên chưa bày rõ chính kiến. Chỉ loại bỏ những kẻ công khai đứng về phía kẻ thù, chống lại dân tộc và cách mạng.
Chủ trương, đường lối, sách lược này của Nguyễn Ái Quốc không làm vừa lòng Quốc tế III và Stalin.
Tháng 4 năm 1930, sau khi kết thúc chương trình học tập, huấn luyện tại trường đảng Liên Xô (Đại học Phương Đông), Trần Phú được Quốc tế III phái về Đông Dương mang theo những mệnh lệnh, chỉ thị mới. Trước đó, năm 1928, ông đã được kết nạp vào đảng Cộng sản Liên Xô, được Quốc tế III công nhận là đại biểu chính thức của phong trào cách mạng Đông dương tại đại hội lần thứ VI (1928). Nguyễn Ái Quốc chưa bao giờ đươc thừa nhận như thế.
Tháng 5 năm 1930, phong trào cách mạng kiểu Xô viết nổ ra tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Phong trào lan rộng và phát triển đến đỉnh cao vào tháng 9, bị đàn áp khốc liệt và tan rã vào tháng 10.
Tháng 10 năm 1930, Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản họp ở Hồng Kông do Trần Phú chủ trì. Tại hội nghị này đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên là đảng Cộng sản Đông Dương, Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư. Luận cương do ông soạn đọc trong dịp này trở thành đường lối sách lược của đảng, thay thế đường lối của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó nhân vật Nguyễn Ái Quốc không còn là lãnh tụ của cách mạng Việt Nam nữa, cho đến đầu năm 1941.
CS : Theo ông Tòng thì việc Trần Phú trở thành Tổng
bí thư đảng Cộng sản Đông Dương là quyết định của
Mạc tư khoa (Quốc tế III và Lê nin) ?
HVT : Hoàn toàn chính xác. Từ khi thành Đảng, 3.2.1930, Nguyễn Ái Quốc nghiễm nhiên trở thành lãnh tụ cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam (khi đó chưa có chức danh Tổng bí thư).
Tháng 4 năm 1930, Trần Phú từ Liên Xô trở về mang theo những chỉ thị của Quốc tế III có tính quyết định : Thay đổi người lãnh đạo, thay đổi tên đảng, thay đổi luận cương (tư tưởng, quan điểm, lập trường, đường lối sách lược). Tất cả diễn ra theo một trình tự rất bài bản :
(1) Trần Phú trở thành ủy viên ban chấp hành đảng Cộng sản Việt Nam khi mới về nước (tháng 4.1930) mặc dù ông chưa bao giờ được kết nạp vào đảng này (trước khi đi Liên Xô ông mới chỉ là hội viên của Việt Nam Thanh niên Đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập năm 1927. Cùng với một số hội viên khác Trần Phú được Nguyễn ái Quốc chọn lựa và gởi đi Liên Xô. Ông được đảng Cộng sản Liên xô kết nạp năm 1928 2).
(2) Trần Phú chủ trì Hội nghị Ban chấp hành đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 10 năm 1930. Tại hội nghị này ông được bầu làm Tổng bí thư, và đảng đổi tên là đảng Cộng sản Đông Dương. Luận cương do ông soạn thảo trở thành giềng mối, đường hướng của đảng Cộng sản Đông Dương và đảng Cộng sản Việt Nam từ đó đến nay. (Luận cương của Nguyễn Ái Quốc là giềng mối là đường lối thứ hai – không chính thức – chỉ được vận dụng trong những khúc đoạn lịch sử mà luận cương của Trần Phú tỏ ra bất lực, và tác động của Quốc tế III, của đảng Cộng sản Liên xô đứt đoạn, hoặc giảm nhẹ áp lực đối với đảng Cộng sản và phong trào cách mạng tại Việt Nam).
Hội nghị Ban chấp hành đảng Cộng sản tháng 10-1930 thực chất là một cuộc lật đổ. Nếu không có quyền lực của Quốc tế III sẽ không có cuộc lật đổ này. Quyền lực dẫn đến sự lật đổ này nằm trong các nguyên tắc tổ chức và điều lệ đảng của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và những chỉ thị trực tiếp của Quốc tế III qua Trần Phú.
Nguyễn Ái Quốc đã từng là cán bộ của Quốc tế III, phụ trách vụ Phương Nam, và là người – với sự nhất trí của Quốc tế III, đứng ra thành lập đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), không thể không biết, và nhất là không thể không chấp hành các chỉ thị, mệnh lệnh nhân danh quyền lực đó. (Đối với Quốc tế III, sau khi thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm vụ, vai trò của Nguyễn Ái Quốc xem như chấm dứt).
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc tế III đối với đảng Cộng sản Đông Dương chặt chẽ đến độ : Ngoài sự thay đổi người cầm đầu và các nhân vật chủ chốt của đảng Cộng sản Đông Dương, Quốc tế III còn tổ chức một Ban chỉ huy đứng chân ở Trung Quốc để làm gạch nối, làm đầu cầu lãnh đạo giữa Đảng trung ương (đảng mẹ) và Đảng địa phương (đảng con). Theo các sử quan của chế độ, Ban chỉ huy (hải ngoại) có quyền lực cao hơn ban lãnh đạo Đảng ở Đông Dương.
Sau khi Trần Phú bị thực dân bắt cầm tù (tháng 4-1931) và hy sinh tại nhà tù Côn đảo (tháng 7-1931), Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập được Quốc tế III cắt cử thay nhau phụ trách Ban chỉ huy hải ngoại và Ban lãnh đạo đảng Cộng sản Đông Dương (Tổng bí thư, 1932-1938).
Như thế từ lúc bị Trần Phú truất quyền lãnh đạo Đảng, Nguyễn Ái Quốc ở đâu, làm gì ? Các nhà viết lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam cho biết :
(1) Nguyễn Ái Quốc ở ngoài (chẳng biết ở Trung Quốc hay ở Thái Lan ?) theo dõi diễn biến tình hình cách mạng trong nước (phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh), viết thư góp ý, đồng thời viết thư đề nghị Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Nông dân giúp đỡ Cách mạng Việt Nam.
(2) Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Anh bắt, giam cầm từ giữa năm 1932, đến cuối năm 1933 được thả ra.
(3) Ban lãnh đạo đảng cử Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô làm đại diện bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Sự thật, đây là một hình thức kỷ luật, vì Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ sai lầm trong nhận thức (thể hiện trong cương lĩnh vắn tắt) cũng như trong hành động như Trần Phú và Hà Huy Tập đã phê phán nghiêm khắc : “ Nguyễn Ái Quốc chủ trương đường lối cải lương, liên kết với tư sản, địa chủ. Nguyễn Ái Quốc nặng nề tàn dư chủ nghĩa dân tộc, duy tâm, làm chướng ngại cho sự phát triển của đảng ”. Hà Huy Tập còn viết thư đề nghị Cộng sản Quốc tế kiểm điểm và kỷ luật Nguyễn Ái Quốc. (Việc ban lãnh đạo đảng Cộng sản Đông Dương cử Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô làm đại diện còn tệ hại hơn sự kiện ba chục năm sau tại miền Nam Thiệu – Kỳ thực hiện ý đồ của Mỹ đưa Dương Văn Minh đi làm đại sứ Thái Lan). Ông bị nhà cầm quyền Anh ở Hồng Kông bắt cầm tù một năm rưỡi cũng là lí do để bị loại trừ. Đối với đảng Cộng sản, khi một đồng chí bị kẻ địch bắt cầm tù rồi thả ra thì người đó không còn được tin tưởng, thậm chí còn đáng bị nghi ngờ, cần loại bỏ để bảo vệ tổ chức, bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Trong rất nhiều trường hợp, nghi ngờ chỉ là cái cớ.
Ông Chu Sơn cần lưu ý : Giữa Nguyễn Ái Quốc và các ông Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đã từng có quan hệ thầy trò. Tuổi tác lại chênh lệch. Nguyễn Ái Quốc sinh năm 1890, lớn hơn Trần Phú 14 tuổi, lớn hơn Lê Hồng Phong 12 tuổi, lớn hơn Hà Huy Tập 16 tuổi. Trước khi gặp các đệ tử của mình tại Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã kiếm sống và du khảo nhiều nơi tại Bắc Mỹ, châu Phi và châu Âu, đã hoạt động chính trị và báo chí đấu tranh nhiều năm tại Pháp, đã quan hệ với rất nhiều nhà hoạt động cách mạng, văn hóa của Pháp và của nhiều nước Á – Phi. Ông cũng đã tham gia thành lập hoặc là thành viên của nhiều tổ chức Quốc tế đấu tranh cho người cùng khổ, người bị áp bức. Ông chỉ “ thua ” các học trò là không “ được ” đảng Cộng sản Liên Xô kết nạp, không “ được ” học tập, huấn luyện bài bản tại trường Đảng (đại học Phương Đông).
Có thể nói ngay từ đầu, Nguyễn Ái Quốc là nạn nhân của guồng máy độc tài, giáo điều và cha chú. Ông vừa là nạn nhân của chính mình – người đã tìm thấy Con đường cứu nước sau khi đọc luận cương của Lê Nin về vấn đề Dân tộc và Thuộc địa (năm 1922), đã đặt hết niềm tin vào những nguyên lý cao cả của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, đã tuân thủ các nguyên tắc hành động do Quốc tế III và đảng Cộng sản của ông đề ra. Các học trò và đồng chí trẻ tuổi của ông : Trần Phú và Hà Huy Tập đã nương theo quyền lực của Quốc tế Cộng sản và vận dụng các nguyên tắc “ tập trung dân chủ ”, “ thiểu số phục tùng đa số ” đã học được từ bài học vỡ lòng Đường Kách Mệnh do ông giảng dạy mà lật đổ ông, trói buộc ông, thậm chí lưu đày ông – tình thế mà sau này các sử quan của chế độ đã dễ dãi, vụng về viết rằng “ Nguyễn Ái Quốc được đảng Cộng sản Đông Dương cử đi làm đại diện bên cạnh Quốc tế Cộng sản ”.
Chúng ta trở lại con đường chính thống phát xuất từ Quốc tế Cộng sản III, thể hiện qua luận cương của Trần Phú, được áp dụng triệt để bởi các tổng bí thư : từ Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập (trước thế chiến II) đến Lê Duẩn (từ chiến tranh Việt – Mỹ trở về sau).
Nếu chỉ căn cứ vào các tư liệu do các sử quan của chế độ cung cấp sẽ rất khó để biết chính xác và đầy đủ nội dung của luận cương Trần Phú mà họ cho là con đường đúng đắn của đảng Cộng sản trên đại thể từ khi mới thành lập, mãi cho đến thời điểm này.
Đề nghị ông Chu Sơn tìm đọc thêm những tư liệu ngoài luồng liên quan đến những nhận định của Trần Phú, Hà Huy Tập, và cách ứng xử của hai ông này đối với quan điểm, lập trường, đường lối của Nguyễn Ái Quốc từ Hội nghị Đảng tháng 10-1930 trở về trước. (Thực tế hội nghị tháng 10-1930 của đảng Cộng sản chỉ để hợp thức hóa kết quả cuộc đấu đá giữa những người Cộng sản chính thống do Quốc tế III đào tạo khóa đầu tiên mà Trần Phú là nhân vật được chọn là người đứng đầu đảng Cộng sản Đông Dương từ sau khi ông về nước (tháng 4-1930) với Nguyễn Ái Quốc mà họ (Quốc tế III) không tin cậy.
– Chẳng hạn Trần Phú, Hà Huy Tập phê bình Nguyễn Ái Quốc là cải lương, có nghĩa là Nguyễn Ái Quốc không kiên định lập trường cách mạng triệt để, là cách mạng giả hiệu.
– Chẳng hạn Trần Phú và Hà Huy Tập phê phán Nguyễn Ái Quốc là duy tâm, có nghĩa là Nguyễn Ái Quốc chống lại duy vật – triết học nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin.
– Chẳng hạn Trần Phú và Hà Huy Tập phê phán Nguyễn Ái Quốc là tàn dư của chủ nghĩa dân tộc, có nghĩa là Nguyễn Ái Quốc chống lại chủ nghĩa Quốc tế, không tin vào mục tiêu cao cả : Cách mạng thế giới, giải phóng loài người.
– Chẳng hạn Trần Phú, Hà Huy Tập tố cáo Nguyễn Ái Quốc cấu kết với địa chủ, tư sản, có nghĩa là Nguyễn Ái Quốc không kiên định lập trường đấu tranh giai cấp, chống lại cuộc cách mạng do liên minh công nông làm nòng cốt và đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.
Cuối cùng Trần Phú và Hà Huy Tập kết luận : quan điểm lập trường, đường lối, sách lược và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc gây khó khăn, trở ngại cho sự phát triển của đảng Cộng sản (Đông Dương).
Cần lật ngược luận cương của Nguyễn Ái Quốc theo những nhận định có tính cách cáo buộc của Trần Phú và Hà Huy Tập, cộng thêm những khẩu hiệu : “ tam vô ” (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo), và “ Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ ” được nêu trong quá trình diễn ra phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (tháng 4 đến tháng 10 – 1930), ông Chu Sơn sẽ bắt gặp luận cương của Trần Phú, chỉ thiếu phần mở đầu và kết luận.
Ở phần mở đầu, Trần Phú phác họa tình hình thế giới :
1/ Khủng hoảng kinh tế và nguy cơ dẫn đến thế giới đại chiến gây ra bởi các cường quốc Tư bản chủ nghĩa.
2/ Nhiệm vụ và triển vọng cách mạng thế giới do Quốc tế III đứng đầu.
Ở phần kết luận, Trần Phú khẳng định cách mạng Đông Dương là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới. Cách Mạng Đông Dương cần triệt để tin tưởng, ủng hộ và tuân thủ sự lãnh đạo của Liên Xô và Quốc tế III, đồng thời cách mạng Đông Dương cần liên hệ với cách mạng Pháp, cách mạng Trung Quốc, Ấn Độ, phong trào độc lập tại các xứ thuộc địa và phong trào công nhân tại chính quốc.
Tóm lại luận cương Trần Phú khẳng định cách mạng Đông Dương tham dự vào trận đấu cuối cùng giải phóng loài người theo học thuyết Mác – Lê nin dưới sự lãnh đạo của Đệ tam Quốc tế và đảng Cộng sản Liên xô. Cuộc đấu tranh này nhằm lật đổ chế độ Tư bản trên bình diện toàn cầu, lật đổ các đế quốc thuộc địa và bọn tay sai của chúng là chính quyền phong kiến và các thành phần giai cấp phản động (Trí, Phú, Địa, Hào…) bằng cuộc cách mạng Tư sản dân quyền. Một khi chế độ Tư bản và các công cụ của nó bị tiêu diệt, Đông Dương sẽ thiết lập nhà nước Xô viết khởi đầu chế độ Cộng sản, không cần phải kinh qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa.
Để thực hiện mục tiêu vĩ đại và cao cả đó, đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Đệ tam Quốc tế và đảng Cộng sản Liên Xô cần xây dựng lực lượng cách mạng mà nòng cốt là giai cấp công nhân liên minh cùng giai cấp nông dân. Đây là lực lượng cách mạng kiên định, triệt để nhất và cũng là đối tượng đại diện chính danh cho quyền lợi nhân loại trong một thế giới mới, thế giới không giai cấp, không có người bóc lột, không có người bị bóc lột, không còn người áp bức, người bị áp bức – một thế giới huynh đệ – làm theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu.
Như thế ngay từ đầu, lực lượng Thứ Hai với chủ nghĩa Cộng sản không những là mầm mống chia rẽ dân tộc dẫn đến xung đột ý thức hệ, mà còn chia rẽ hàng ngũ lãnh đạo Cộng sản với hai nhân vật tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú đại diện cho hai nhận thức khác nhau trên cùng một xuất phát điểm khát vọng là giải phóng dân tộc và cách mạng Xã hội. Nguyên nhân gần của sự chia rẽ ấy là sự chênh lệch trong nhận thức về cùng một chủ đề là chủ nghĩa Mác – Lênin vận dụng như thế nào vào tình hình thực tế của Việt Nam như tôi đã trình bày ở trên.
Như thế do sự mâu thuẫn trong nhận thức và phương pháp tiến hành cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc bị Quốc tế III và đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập lật đổ khỏi vai trò lãnh tụ Đảng, cách li môi trường hoạt động trong nước, bị áp đặt cư trú tại Liên xô, bị đưa vào học trường Đảng (đại học Đông Phương) trong một quãng thời gian dài liền sau khi thành lập đảng (4-1930 đến năm 1938 (trừ một năm rưỡi ông bị nhà cầm quyền Anh tại Hồng Kông bắt giam từ giữa năm 1931 đến cuối năm 1933).
Từ sau 1937 rất nhiều sự kiện báo hiệu phe trục (Đức – Ý – Nhật) hình thành, vận động lực lượng tiến hành chiến tranh nhằm chia nhau thống trị châu Âu và các châu lục khác. Đến thời điểm 1937 – 1938, Liên Xô đứng trước tình thế bị bao vây và nguy cơ bị tấn công tứ phía, Quốc tế III mất dần vai trò bình phong cách mạng thế giới, Stalin không còn tâm trí để nghĩ tưởng về bất cứ vấn đề nào khác ngoài sự an nguy của đế chế Xô – Viết, đảng Cộng sản Đông Dương bị bỏ rơi. Nguyễn Ái Quốc được thả lỏng rời Liên Xô về Trung Quốc đi học làm chiến tranh du kích và xây dựng căn cứ địa trong các đơn vị kháng chiến của đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời bắt liên lạc trở lại với phong trào cách mạng trong nước. Đảng Cộng sản Đông Dương bước vào giai đoạn mới, chuyển biến cả về mặt quan điểm lập trường lẫn cơ cấu và địa bàn lãnh đạo. Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và bộ phận đầu não được phái cử bởi Quốc tế III tại bản doanh Sài Gòn hụt hẫng, buộc phải nhường chức Tổng bí thư cho lãnh tụ trẻ tuổi Nguyễn Văn Cừ (26 tuổi) trưởng thành từ phong trào Cộng sản nội địa, chủ yếu trên địa bàn hoạt động miền Bắc, khu vực có số lượng đảng viên chiếm trên 50 %. Nguyễn Văn Cừ không được đào tạo tại trường đảng Liên Xô, khi được bầu vào chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Đông Dương, không thấy được Quốc tế III công nhận như các đồng nghiệp tiền nhiệm Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập.”
CS : Ông Tòng có bằng cớ không khi xác quyết rằng
Liên Xô đã bỏ rơi đảng Cộng sản Đông Dương ?
HVT: Tôi không có những tài liệu bằng văn bản cụ thể, nhưng chúng ta không thiếu những chứng cứ lịch sử làm nền tảng cho kết luận của mình :
– Qua các văn kiện của đảng Cộng sản, chúng ta không thấy có sự hiện diện quyền lực của Quốc tế III và đảng Cộng sản Liên Xô trong suốt quá trình diễn ra đại hội bầu Ban chấp hành và chức vụ Tổng bí thư mới (Nguyễn Văn Cừ) vào một thời điểm nào đó của năm 1938, mặc dù có sự tham dự của Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và các đảng viên cao cấp thuộc phe chính thống. Như thế kết quả hội nghị là do bầu cử dựa trên nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số theo điều lệ đảng, chứ không có sự can thiệp tuyệt đối của Cộng sản quốc tế. Duy chỉ với hiện thực này thôi cũng đủ để tôi kết luận như trên. Huống hồ từ năm 1938, qua các văn kiện Đảng, chúng ta không thấy dấu vết nào của Quốc tế III, của đảng Cộng sản Liên Xô trong các hoạt động cụ thể của đảng Cộng sản Đông Dương mãi chỉ đến đầu năm 1950.
– Chứng cứ tiếp theo là đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam, trở thành lãnh tụ thực sự của đảng Cộng sản mà không gặp khó khăn trở ngại nào trong nội bộ 3. Ông hoàn toàn tự do (không bị Quốc tế III và phe chính thống chống đối) trong việc vận dụng luận cương do ông soạn thảo khi thành lập đảng (1930) trước tình hình mới : Đưa mục tiêu độc lập dân tộc lên hàng đầu, tổ chức Mặt trận Việt Minh riêng cho Việt Nam, thực hiện đoàn kết mọi tôn giáo, mọi giai tầng, thành phần xã hội, xây dựng căn cứ địa kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, hình thành các tổ chức quần chúng rộng rãi, các chính đảng vệ tinh (đảng Dân chủ, đảng Xã hội) làm hậu thuẩn cho đảng Cộng sản trong công cuộc đấu tranh lâu dài. Chủ trương, đường lối, sách lược này trên đại thể xa lạ với Luận cương của Trần Phú.
CS : Trước tình thế đảng Cộng sản Đông Dương bị
Liên Xô bỏ rơi vào thời điểm 1938 như ông Tòng đã
nhận định, đề nghị ông Tòng phác họa diễn biến tư
tưởng của Nguyễn Ái Quốc từ khi rời Liên xô (1938),
bắt đầu lại vai trò lãnh đạo đảng Cộng sản của
mình cho đến cuối đời.
HVT : Như chúng ta đã biết, sau khi đọc luận cương Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, với tư cách là đảng viên đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc chủ động đứng vào hàng ngũ của Quốc tế III và chấp nhận sự điều động của Quốc tế III trong vai trò người phụ trách vụ Phương Nam, đứng ra tiếp nhận các tổ chức Cộng sản hình thành nên cơ cấu ban đầu của đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng chính Quốc tế III đã loại bỏ ông và lần lượt cử về Đông Dương những đảng viên được huấn luyện và kết nạp tại Liên xô thay thế ông trong vai trò lãnh đạo đảng Cộng sản Đông Dương (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập), bởi giữa ông và họ có sự bất đồng trong nhận thức về nội dung Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội và vai trò của Quốc tế đối với cách mạng Đông Dương. Vào thời điểm 1938, khi thế chiến II có nguy cơ xảy ra, Quốc tế III dần dần mất quyền lực trước đảng Cộng sản Liên Xô và giải tán vào năm 1943. Trước tình huống ấy, phe chính thống (được Quốc tế III thừa nhận) trong đảng Cộng sản Đông Dương bị Liên xô bỏ rơi và bị bó buộc trao quyền lãnh đạo Đảng cho các lãnh tụ trưởng thành từ thực tế cách mạng tại Bắc kỳ (Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh), Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nội bộ, từ Liên Xô quay trở về tổ quốc (qua ngả Trung Hoa) với những học trò, đồng chí trung thành và luận cương do ông soạn thảo (3-2-1930). Thời kỳ này ông thường đi lại giữa Trung Hoa và Việt Nam, cho nên ngoài những bài học về xây dựng căn cứ kháng chiến, thành lập lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích – về mặt tư tưởng chắc chắn Nguyễn Ái Quốc tìm đọc những trước tác của Mao Trạch Đông. Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên, tìm hiểu bổ sung kiến thức về chính trị văn hóa Mỹ qua những tài liệu có được tại căn cứ không quân Mỹ của tướng Chennault ở Côn Minh, và đặc biệt qua những giao tiếp với các điệp viên OSS tại các tỉnh phía nam Trung quốc và tại Tân Trào.
Như thế tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc được un đúc và tập đại thành trong suốt cuộc hành trình vừa đi vừa học vừa đấu tranh của ông mà xuất phát điểm là những giá trị Việt Nam (truyền thống và Nho giáo), tiếp đến lần lượt là tư tưởng Tư sản dân quyền và công quyền của cách mạng và chính trị Pháp, chủ nghĩa Mác – Lê nin và cách mạng Nga, chủ nhĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên và cuối cung là những khái niệm về Độc lập, Tự do, Dân chủ và nhân quyền Mỹ.
Nguyễn Ái Quốc là con người thực dụng, ông là thiên tài vận động, nhưng ông không có sở năng tư duy triết học. Triết lý chính trị của ông nằm gọn trong câu châm ngôn cổ : “ Dĩ bất biến ứng vạn biến ” mà ông gởi gắm cho cụ Huỳnh Thúc Kháng (năm 1946) trước khi lên đường đi Pháp vận động ngoại giao.
Cái bất biến của ông là độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc của nhân dân. Dĩ nhiên ông chú trọng trước hết đến nhân dân cùng khổ và lao động chân tay (công nhân, nông dân), những người bị áp bức bóc lột nhiều nhất trong các nước tư bản chủ nghĩa và các chế độ thực dân phong kiến thuộc địa.
Hai văn bản mà qua đó chúng ta có thể căn cứ để tóm lược tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là Luận cương đảng Cộng sản Việt Nam do ông soạn thảo năm 1930 và Tuyên ngôn Độc lập do ông viết đọc năm 1945 (Dĩ nhiên Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho nước cho dân đối với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là những giá trị tương đối được hiểu, vận dụng và thực hiện trong những tình huống và điều kiện lịch sử cụ thể).
Vì những mục tiêu bất biến ấy mà năm 1911 ông bắt đầu cuộc Tây du và lặn lội vòng quanh trái đất để tiếp cận thế giới.
Vì những mục tiêu bất biến ấy mà năm 1917 ông bắt đầu những hoạt động chính trị yêu nước tại Pháp.
Vì những mục tiêu bất biến ấy mà từ năm 1921 ông tìm đến chủ nghĩa Mác – Lê nin, Quốc tế III và cả Cộng sản Trung Quốc.
Vì những mục tiêu bất biến ấy mà những năm tháng trước khi kết thúc thế chiến II ông khẩn thiết kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ của Mỹ.
Vì những mục tiêu bất biến ấy mà ông đã tự kiềm chế bản thân, đưa những điều kiện khiêm tốn trong những cuộc điều đình cực nhục và vô vọng với thực dân Pháp.
Vì những mục tiêu bất biến ấy mà năm 1950 ông thiết lập quan hệ đồng minh với Cộng sản Trung Quốc và quay trở lại với Liên xô và Tổng bí thư Stalin chưa bao giờ coi ông là người Cộng sản chính danh.
Và cũng chính vì cái mục tiêu bất biến ấy vào năm 1960 ông trao quyền lãnh đạo đảng Cộng cho tổng bí thư Lê Duẩn 4. Tại hội nghị lần thứ III, với nghị quyết 15, Lê Duẩn và phe cánh trở thành người lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng Cộng sản và tất nhiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh, Võ Nguyễn Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh… bị đẩy lui về tuyến sau làm công tác hậu phương, làm ngọn cờ hiệu triệu quốc nội và quốc tế.
Chắc chắc ông Chu Sơn sẽ đòi hỏi tôi chứng minh các nhận định trên bằng những tài liệu cụ thể. Tôi không có nhiều tài liệu cụ thể. Tôi chỉ phát hiện những khoảng trống, những ghi chép dễ dãi trong các văn kiện đảng, kể cả các văn bản ký tên Hồ Chí Minh được công bố vì các nhu cầu chính trị để “ ứng vạn biến ” trước một tình thế cấp bách nào đó.
Tôi đề nghị ông Chu Sơn tìm đọc duy nhất chỉ một cuốn sách của ông Lê Duẩn xuất bản đâu khoảng năm 1985, cuốn Thư vào Nam, cũng đủ chứng cớ để khẳng định rằng ông Tổng bí thư (đảng Cộng sàn Việt Nam) đã một mình một chợ trong suốt cuộc chiến tranh “ Chống Mỹ cứu nước ”. Là Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước, trên nguyên tắc Hồ Chí Minh có mặt trong tất cả các cuộc họp quan trọng của đảng Cộng sản để bàn thảo về cuộc kháng chiến ở miền Nam, nhưng trong Thư vào Nam, Lê Duẩn chỉ nhắc đến ông (Hồ Chí Minh) có một lần nhân đề cập đến một vấn đề lý thuyết liên quan đến cách mạng tháng Tám 1945 (trong thư đề ngày 1-7-1977). Trên cương vị ủy viên bộ chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội, đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ được ông Lê Duẩn nhắc đến một lần trong thư gởi cho ông Năm Công và ông Hai Mạnh ngày 27-3-1975, khi cuộc tấn công vào Sài Gòn đã mở màn cần động viên tất cả sức lực có trên miền Bắc.
Ông Lê Duẩn không cần giấu giếm, đã công khai chứng tỏ đại công của mình trong công cuộc chống Mỹ giải phóng miền Nam qua các thư từ ông viết gởi cho các cán bộ dưới quyền sau này được chọn lọc, sửa chữa để in thành sách. Thư vào Nam là tư tưởng, là đường hướng, là phương pháp, là chiến lược, chiến thuật từ lớn đến nhỏ, từ chính trị đến quân sự do ông soạn thảo và chỉ đạo thực hiện trên khắp các chiến trường miền Nam bắt đầu từ 1961 đến 1975.
Thư vào Nam thể hiện lập trường hòa giải dân tộc và chính sách nhân đạo, bao dung của đảng Cộng sản đối với Ngụy quân, Ngụy quyền khi chiến tranh kết thúc (Sau 1975 không thấy ông Lê Duẩn và đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện lập trường và chính sách này) ?
Thư vào Nam khẳng định con đường tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội không qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ và hoàn tất cuộc cách mạng Tư sản dân quyền tại miền Nam.
Qua Thư vào Nam chúng ta thấy rất rõ người nắm thực quyền đảng Cộng sản tại miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam là Lê Duẩn và phe cánh của ông gồm Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng chứ không phải là Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng .
Như thế từ sau đại hội III (tháng 9-1960) trong vị trí tổng bí thư Đảng, Lê Duẩn đã làm một cuộc chỉnh lí tiệm tiến, từng bước đẩy những người anh hùng kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội toàn cầu là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng về tuyến sau công làm tác hậu phương, làm ngọn cờ hiệu triệu, vận động Liên Xô – Trung Quốc ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ theo đường lối chiến tranh do ông hoạch định từ nghị quyết 15 (Nghị quyết 15 là báo cáo chính trị Lê Duẩn đọc trong đại hội). Tập trung quyền lực và chia rẽ phân liệt là hai mặt của những hoạt động đảng độc tôn, độc quyền, độc tài của phe Lê Duẩn. Trong chiều hướng đó, có bao nhiêu “ Thư vào Nam ” không được xuất bản, ngay cả “ Thư vào Nam ” đã được xuất bản cũng đã đẽo gọt sửa chữa để tuyên truyền và nhất là để “ không vạch áo cho người ngoài xem lưng ”.
Sau hội nghị Genève Trung Quốc nổi lên trên trường chính trị, ngoại giao thế giới như một cường quốc đáng gờm. Mao Trạch Đông và Trung Quốc bắt đầu thời ký cạnh tranh với Stalin và Liên Xô trong vai trò lãnh tụ và trung tâm cách mạng thế giới. Cả hai đều thi đua tranh thủ Việt Nam về phe mình. Là một lãnh tụ Cộng sản thực dụng có khuynh hướng nửa quốc gia, nửa quốc tế, có phương pháp đấu tranh, vận động ngoại giao mềm dẻo, Hồ Chí Minh chọn lựa thế đi dây, giữ cho Việt Nam con đường trung lập giữa hai nước Cộng sản đàn anh ngày càng trở nên thù địch.
Đến khi Hồ Chí Minh qua đời (1969), Lê Duẩn một mặt bày tỏ lập trường dân tộc cứng rắn trước một Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng bá quyền, một mặt ngả hẳn về phía Liên Xô bành trướng nhưng mềm mỏng hơn. Kết quả đảng Cộng sản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã làm cho Mỹ nản lòng rút khỏi cuộc chiến tranh tai hại, không lối thoát tại miền Nam. Ngụy nhào. Việt Nam có được hòa bình, thực hiện thống nhất, tiến thẳng lên Xã hội chủ nghĩa, có khuynh hướng trở thành tiểu bá của một Đông Dương mới đồng minh của Liên Xô đang dòm ngó Afghanistan và Nam Á.
Hậu quả là Việt Nam đương đầu trước hai cuộc chiến tranh xảy ra cùng một lúc, cuối năm 1979, với hai cựu đồng minh, đồng chí là Trung Quốc ở phía Bắc và Campuchia ở phía Tây nam, đồng thời phải đương đầu với cả thế giới phi Cộng sản : Với Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á cựu thù, đã đành, trong chừng mực nào đó với cả các nước trung lập và một phần của thế giới phương Tây đã từng ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ.
CS : Dường như ông Tòng đã đẩy đi hơi xa câu
chuyện mà chúng ta đã giới hạn từ đầu : đề
nghị ông Tòng trở lại với lực lượng Thứ Hai và Hồ
Chí Minh đến thời điểm 1975.
HVT : Ông Chu Sơn đừng vội, không thế có một hiểu biết sơ lược về lực lượng Thứ Hai đến thời điểm 1975 và trả lời câu hỏi thòng nhiều người đặt ra : “ Liệu Hồ Chí Minh còn sống đến thời điểm 1975 có tác động gì đến tình hình Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh hay không ”, nếu chúng ta không có những khái niệm ban đầu về sự tranh chấp quyền lực trên miền Bắc sau 1960. Hơn thế nữa, mặc dầu sức khỏe không tốt, tôi còn muốn chúng ta đưa sự quan sát của mình về nhân vật Hồ Chí Minh và sự cấu thành trên mặt nổi lực lượng Thứ Hai vào thời điểm hình thành mặt trận Việt Minh. Ông Chu Sơn nên kiên nhẫn một chút.
Sau khi chính thức về lại Việt Nam vào năm 1941, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh phục hồi lại vai trò lãnh tụ Đảng mà ông đã bị Trần Phú lật đổ chính thức vào tháng 10-1930. Vào thời điểm này (1941) Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị Tây bắt và hy sinh tại miền Nam, trung tâm lãnh đạo Đảng dời ra miền Bắc, Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư (1942), Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang. Vào thời điểm đó Phạm Văn Đồng được giao nhiệm vụ gì tôi không biết, nhưng sự xuất hiện của ông sau cách mạng tháng 8 – 1945 trong vai trò là người cầm đầu phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đi đàm phán tại Fontainebleau (1946), và là trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Genève (1954), chứng tỏ ông là một trong bộ tứ quyền lực thời kháng chiến chống Pháp : Hồ Chí Minh Chủ tịch đảng kiêm Chủ tịch nước, Trường Chinh Tổng bí thư, Phạm Văn Đồng Thủ tướng kiêm Ngoại giao, Võ Nguyên Giáp Bộ trưởng bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội. Tất cả những chức danh đó đều chính đáng, có thực quyền và do Hồ Chí Minh sắp xếp, điều động.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tại hội nghị Genève và trên các phương tiện truyền thông quốc tế, tên tuổi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và cả Phạm Văn Đồng nổi lên như sóng cồn.
Lúc bây giờ Lê Duẩn còn là một lãnh tụ kháng chiến tại miền Nam, chưa có tiếng tăm gì trên miền Bắc và dư luận quốc tế. Lê Đức Thọ hoạt động cách mạng tại miền Bắc nhưng chưa phải là lãnh tụ hàng đầu, vẫn còn vô danh.
Năm 1957, vì vấn đề miền Nam và thống nhất, Lê Duẩn được gọi ra Hà Nội. Quyết định này chắc chắn phát xuất từ Hồ Chí Minh và ba nhân vật còn lại trong bộ tứ : Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp.
Từ 1957-1959 chúng ta không biết những vận động ngầm trong Đảng như thế nào, nhưng đến đại hội Đảng lần thứ III (1960) mặc dù trên danh nghĩa Hồ Chí Minh vẫn là Chủ tich Đảng, nhưng thực tế quyền lực rơi vào tay hai người là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, một là Tổng bí thư, một là Trưởng ban Tổ chức trung ương.
Mở đầu đại hội, Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc, Lê Duẩn đọc báo cáo chính trị (nghị quyết 15), Lê Đức Thọ đọc báo cáo điều lệ Đảng sửa đổi.
Với nguyên lý trở thành giáo điều : Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, “ nhân dân làm chủ ”, Lê Duẩn là nhân vật có quyền lực tối cao, tuyệt đối và toàn diện. Sau Lê Duẩn là Lê Đức Thọ. Cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ngày một khốc liệt, chúng ta thấy hai nhân vật nữa lần hồi xuất hiện họp thành Bộ tứ quyền lực cao nhất trong đảng : Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng. Phạm Hùng là cánh tay nối dài của Lê Duẩn nắm Trung ương cục miền Nam. Văn Tiến Dũng nép dưới quyền lực của Lê Duẩn tước quyền bộ trưởng quốc phòng của Võ Nguyên Giáp. Với quyền lực tối cao tuyệt đối và toàn diện, Lê Duẩn từng bước khống chế các nhân vật còn lại thuộc bộ chính trị, các Ủy viên Ban chấp hành trung ương và cả chính phủ. Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp lần lượt bị tước quyền, đều trở thành người thừa hành của Tổng bí thư. Hồ Chí Minh tuy là Chủ tịch nước, Chủ tịch đảng, ở trên, nhưng ở ngoài trung tâm quyền lực do Lê Duẩn và lần hồi có thêm Lê Đức Thọ đứng đầu.
Do đâu có sự chuyển giao quyền lực từ Bộ tứ anh hùng, vang danh thời chống Pháp qua Bộ tứ ẩn danh thời chống Mỹ ?
Hoàn toàn có khả năng Hồ Chí Minh và các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp bị khuất phục bởi nội dung nghị quyết 15 do Lê Duẩn chủ trì soạn thảo, nên đã hoàn toàn tự nguyện giao quyền Tổng bí thư cho Lê Duẩn qua đại hội Đảng lần thứ III. Tại đại hội này Lê Duẩn chính thức nhận chức Tổng bí thư qua việc đọc báo cáo chính trị tiếp theo diễn văn khai mạc của Hồ Chí Minh. Cũng có thể nói diễn văn khai mạc của Hồ Chí Minh thể hiện sự nhất trí trong đảng về vai trò lãnh đạo của Lê Duẩn. Tiếp liền theo báo cáo chính trị của Lê Duẩn là báo cáo Điều lệ Đảng sửa của Lê Đức Thọ.
Điều lệ Đảng là luật pháp Đảng. Không nghiên cứu điều lệ đảng sửa đổi là không hiểu hết quá trình diễn ra đại hội Đảng Cộng sản lần thứ III và sẽ khó trả lời câu hỏi vì sao có sự chuyển giao quyền lực vừa nêu. Theo tôi, có rất nhiều khả năng Bộ tứ quyền lực thời chống Pháp : Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và những người cùng phe bị trói bởi điều lệ đảng sửa đổi do Lê Đức Thọ đọc. Thực tế này về sau họ mới biết thì đã muộn.
Trong kháng chiến chống Pháp Hồ Chí Minh lãnh đạo Đảng bằng tài năng, đức độ, uy tín của người cha, người thầy (thể hiện qua việc ông tự xưng hô là Bác, và nhiều người gọi ông bằng Bác).
Trong kháng chiến chống Mỹ, Lê Duẩn và cả Lê Đức Thọ thâu tóm quyền lực cũng bằng tài năng, bản lĩnh, thêm vào đó là luật pháp Đảng và cả bằng mưu mô thủ đoạn thể hiện qua Thư Vào Nam và việc khai thác đời tư (thât hay bịa đặt) do những thông tin mà người chủ trì cơ quan tình báo Trung ương (Lê Dức Thọ và các đồng nghiệp kế tiếp) thu lượm, xử lí và tạo tác.
Tại đại hội VI, phe Võ Nguyên Giáp thua phe Lê Đức Anh chủ yếu vì những thủ đoạn này. Để tranh giành quyền lực, người Cộng sản chẳng từ nan bất cứ hành vi, thủ đoạn tàn ác, xấu xa, đê tiện nào, không những đối với kẻ thù mà còn đối vớ đồng chí, đồng đội và nhân dân. Họ biện minh bởi một thứ triết lí hạ lưu : Cứu cánh biện minh cho phương tiến.
Bây giờ chúng ta tạm thời có cơ sở để trả lời câu hỏi nhảm nhí (xin lỗi ông Chu Sơn) : Liệu Hồ Chí Minh còn sống đến 1975…?
Như chúng ta đã biết : Hồ Chí Minh từ trần ngày 2 hay 3 tháng 9 năm 1969 (2 hay 3 gì đó thì cũng dĩ bất biến ứng vạn biến. Sự ứng biến này Lê Duẩn học được từ Hồ Chí Minh). Khả năng ông Hồ Chí Minh “ đi gặp ông Mác, ông Lê Nin ” trước đó hai ba năm (từ khi ông bắt đầu viết di chúc), bộ tứ quyền lực thời chống Mỹ thấy ông và phe của ông (bộ tứ quyền lực thời chống Pháp) là trở ngại cho sự nghiệp cách mạng của Đảng (muốn vất bỏ đi) trước đó mấy năm nữa. Như thế về tất cả mọi phương diện, nếu Hồ Chí Minh còn sống đến năm 1975 (85 tuổi) sẽ không có tác động gì đến “ Xu thế thời đại ” do bộ tứ làm nên lịch sử – “ Mùa Xuân đại thắng ” định hướng : Cả nước tiến lên Chủ nghĩa Xã hội không kinh qua phát triển Tư bản chủ nghĩa. Con đường này Trần Phú với sự đưa đường chỉ lối của Đảng Cộng sản Liên Xô (do Stalin đứng đầu) qua Đệ tam Quốc tế đã vạch ra trong luận cương của ông từ 1930.
Ông Chu Sơn thấy đó, ngay từ khi mới thành lập, lực lượng Thứ hai – Đảng Cộng sản – đã tự phân rẽ làm hai. Sự phân rẽ này kéo dài cho đến tận ngày nay như tôi đã mô tả ở trên.
Không những thế, trong quá trình hình thành và phát triển, lực lượng Thứ Hai đã bắn ra khỏi mình những đồng chí thiếu kiên định lập trường Quốc tế và đấu tranh giai cấp giáo điều, đã đẩy một bộ phận người yêu nước ra khỏi cuộc kháng chiến, đã gây thù kết oán với tất cả các Đảng Cách mạng và các giai tầng xã hội không Cộng sản khi xem họ là kẻ thù giai cấp cần bị tiêu diệt : Cải cách ruộng đất, rèn cán chỉnh quân, cải tạo công thương nghiệp, cải tạo văn hóa tư tưởng, cải tạo Ngụy quân, Ngụy quyền, đổi tiền, quốc hữu hóa ruộng dất, và đặc biệt là “ chấm dứt vai trò lịch sử ” của Mặt trận Giải phóng, của Phong trào đô thị (một trong hai mũi tiến công theo nghi quyết 15) và phong trào người Việt yêu nước ở nước ngoài. Đối tượng cuối cùng mà lực lượng Thứ Hai – Đảng Cộng sản, đã âm thầm thanh toán là những người chiến đấu trong hàng ngũ địch – những tình báo viên, và đặc biệt là giai cấp công nhân – lực lượng cách mạng nòng cốt trong cuộc cách mạng Tư sản nhân quyền. Đây là thực tế quái gở, không ai ngờ – kể cả ông Chu Sơn, có phải không ?
CS : Đề nghị anh giải thích rõ hơn điều quái
gở đó.
HVT : Cuộc cách mạng Tư sản dân quyền theo quan điểm của Quốc tế III và đảng Cộng sản Đông Dương qua luận cương tháng 10-1930 của Trần Phú lồng trong cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc. Khi quân miền Bắc tiến chiếm dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã khẳng định cuộc cách mạng ấy, cuộc kháng chiến ấy đã chấm dứt thắng lợi. Giai cấp công nhân trong thực tế của lịch sử Việt Nam chỉ xuất hiện trong lòng địch. Đảng Cộng sản Việt Nam quan niệm : “ những người chiến đấu trong lòng địch là nửa địch ”. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ chống Trung Quốc triệt để nhưng bê nguyên tư tưởng Mao Trạch Đông vào công cuộc thanh lý môn hộ trước khi bắt đầu cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa (bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa) long trời lở đất. Ông Chu Sơn thấy đó, ngoài Nguyễn Văn Trỗi đã chết, có người công nhân nào chiến đấu tại Sài Gòn và các thành thị miền Nam trở thành cán bộ lãnh đạo hay cán bộ “ dự nguồn ” của đảng Cộng sản đâu. Tất cả các cán bộ chủ chốt từ Trung ương xuống địa phương đều xuất thân từ nông thôn hết. Trong trường hợp cụ thể tại Việt Nam ngày nay : Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa thực chất là nông thôn hóa thành thị. Nông dân hóa Đảng. Như thế là mấy triệu Đảng viên gốc gác nông dân và nông thôn ấy đương đầu với cả dân tộc : Lực lượng Thứ hai, đảng Cộng sản (hay đảng Nông dân) với mấy triệu đảng viên chưa quá 5 % ấy đương đầu với 95 % người Việt Nam còn lại.
Mỹ cút, Ngụy nhào – lực lượng Thứ Nhất đã thua.
Lực lượng Thứ Ba trá hình không còn lí do tồn tại.
Lực lượng Thứ Hai hiện nguyên hình là đảng Cộng sản đối đầu với cả dân tộc, lùa đẩy nhân dân đi vào con đường mà họ gọi là cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa long trời lở đất. Thực chất đây là cuộc xung đột ý thức hệ, cuộc chiến tranh kỳ quái giữa một bên là đảng Cộng sản nắm trong tay quá nhiều vũ khí (sản xuất từ ba nguồn : Nga – Tàu – Mỹ), không ít chiến lợi phẩm do Mỹ – Ngụy để lại, và toàn bộ của cải, tài nguyên của nhân dân và quốc gia (đường sá, phố chợ, công đường, nhà máy, hãng buôn, cơm áo gạo tiền, đất đai, núi rừng, sông biển) – và một bên là đại đa số nhân dân (đã từng hậu thuẫn cho cả hai phe lâm chiến hoặc là nạn nhân giữa hai lằn đạn) bị tước đoạt hết mọi thứ, chỉ còn lại hai bàn tay trắng với vũ khí là sự cam chịu, trốn chạy, sức ì và cả phá hoại.
Kết quả trước mắt là đảng Cộng sản đã thắng – nhân dân Việt Nam đã thua, đất nước Việt Nam tiến dần đến vực thẳm.
CS : Theo anh Tòng thì Hồ Chí Minh không có trách nhiệm gì
trước tình hình đất nước như anh mô tả là đang tiến
dần đến vực thẳm ấy sao ?
HVT : Ông Chu Sơn áp bức tôi rồi. Tôi chưa nói đến trách nhiệm của Hồ Chí Minh, chứ tôi không nói ông (Hồ Chí Minh) chẳng có trách nhiệm gì.
Nếu bảo Độc lập – Thống nhất là giá trị, là sứ mệnh to lớn “ không gì quý hơn ” mà dân tộc nhất thiết phải đạt được bằng tất cả sức lực, của cải của mình thì Hồ Chí Minh là người có công đầu. Ông Chu Sơn chú ý : Tôi nói Hồ Chí Minh là người có công đầu, chứ tôi không nói Hồ Chí Minh là thánh thần, là lãnh tụ anh minh, là nguyên nhân của mọi thắng lợi.
Nhưng nếu bảo Độc lập – Thống nhất nhất thiết phải gắn liền với tự do, hạnh phúc cho nhân dân và sự phồn vinh cho đất nước thì ông (Hồ chí Minh) phải chia phần trách nhiệm trước những sai lầm, tội ác do ý thức hệ Xã hội Chủ nghĩa mà ông đã rao truyền và do đảng Cộng sản mà ông đã thành lập. Tôi nói những sai lầm, tội ác do đảng Cộng sản, chứ tôi không nói tất cả sai lầm, tội ác mà nhân dân và đất nước Việt Nam phải gánh chịu.
Theo tôi, đứng về phía dân tộc mà nói : lịch sử Việt Nam cận, hiện đại là lịch sử của những sai lầm và tội ác phát xuất từ hai nguồn cội khác nhau : Thực dân – đế quốc với ý thức hệ Ky tô giáo – Tư sản thuộc địa và các thế lực phụ thuộc, tay sai là nguyên nhân đệ nhất. Ý thức hệ Xã hội Chủ nghĩa – phe Cộng sản, đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân đệ nhị. Đệ nhất, đệ nhị tôi nói ở đây thuộc về phạm trù thời gian và nguyên lí nhân quả – tương tác của hai lực lượng đối kháng. Tôi không hề có ý so sánh tầm vóc và mức độ của các thứ tội ác và sai lầm.
Theo tôi, chủ nghĩa Xã hội là thuốc, đảng Cộng sản là thầy thuốc trước căn bệnh nan y của thế giới và của đất nước, dân tộc : Nô lệ, đói nghèo và ngu dốt phát xuất từ nguyên nhân đệ nhất.
Điều bất hạnh là thuốc “ Xã hội chủ nghĩa ” chỉ là cao đơn hoàn tán lành ít dữ nhiều chứ không phải là linh dược như nhiều người nhầm tưởng và đảng Cộng sản rêu rao. Và thầy thuốc – đảng Cộng sản – có vai trò nhất định trong thời đoạn đấu tranh vì mục tiêu độc lâp – thống nhât. Nhưng đến thời đoạn “ tiến lên xây dựng Xã hôi chủ nghĩa ” Đảng đã trở thành lang băm sống bất lương trên lưng con bệnh Việt Nam kéo dài trong vô vọng.
Dù bản tâm lương thiện, động cơ ban đầu trong sáng (tôi nghĩ thế – nhiều người không nghĩ thế), Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm trước những sai trái, tội ác do Đảng của ông tạo nên và hậu quả lâu dài của nó.
CS : Những hiểu biết về Hồ Chí Minh về đảng Cộng sản
như anh Tòng vừa nói so với hồi trước 1975 có khác nhau
không ?
HVT : Xin lỗi ông Chu Sơn, ông đã tỏ ra ngớ ngẩn khi đặt câu hỏi như thế.
Nếu hồi 1973, lúc mới gặp ông, tôi chỉ biết về Hồ Chí Minh, về đảng Cộng sản chỉ bằng một nửa như thế này tôi đã không làm gì với ông hết. Và như thế đã không có chuyện ngày 30 tháng 4 tôi có mặt tại dinh Độc lập, tại đài phát thanh tiếp tay cho đảng Cộng sản để họ phản bội dân tộc, phá hoại đất nước như thế này.
Giả định rằng nhân dân Việt Nam biết trước mình sẽ bị phản bội thì Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản lấy gì để tiến hành hai cuộc kháng chiến ?
Giả định rằng Hồ Chí Minh biết trước những gì từ 1975 đảng Cộng sản sẽ làm cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam thì ông đã không sáng lập ra nó.
Không thiếu những ông cha, bà mẹ đã hối hận và thống khổ vì đã sinh đẻ nuôi nấng những đứa con hư đốn, ác độc, hèn hạ.
Theo tôi : Chúng ta, nhân dân miền Nam, nhân dân Việt Nam trong đó có Hồ Chí Minh đều là nạn nhân của một tấn tuồng bi thảm gọi là lịch sử cận hiện đại mà đảng Cộng sản là nhân vật phản diện làm chủ sân khấu màn cuối tưởng chừng kéo dài vô tận.
CS : Theo anh Tòng thì cái gọi là màn cuối của tấn
tuồng lịch sử cận hiện đại có thể kết thúc khác
hơn không ?
HVT : Không những có thể mà hoàn toàn có khả năng thực hiện nếu đảng Cộng sản không nói dối, không lừa bịp và không phản bội nhân dân.
Trong Thư vào Nam, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, ông Lê Duẩn nhắc nhở cho các cán bộ chủ chốt ở miền Nam rằng là trong lòng cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ còn có cuộc nội chiến, nên thực hiện chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc khi chiến tranh kết thúc.
CS : Nhưng chính anh Tòng cũng đã nói lúc nãy là
trong Thư vào Nam ông Lê Duẩn còn khẳng định với các
đồng chí của mình rằng : Cả nước sẽ tiến lên
Xã hội Chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển Tư bản
chủ nghĩa, sau khi cuộc chiến kết thúc. Như chúng ta đã
biết cái gốc của nội chiến trong trường hợp này là
sự khác biệt ý thức hệ. Như thế, nếu đảng Cộng
sản vẫn quyết tâm lùa đẩy nhân dân tiến lên làm cách
mạng Xã hội chủ nghĩa thì làm sao thực hiện được
hòa giải hòa hợp dân tộc ?
HVT : Vấn đề mấu chốt là ở đó. Có lẽ trong lòng đảng Cộng sản, trong từng lãnh tụ và cán bộ đảng viên thời chiến tranh Việt – Mỹ, không ít thì nhiều có sự tranh chấp giữa ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa dân tộc, quyền lợi dân tộc – như chủ trương, con đường của Hồ chí Minh, và ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa quốc tế, quyền lợi của đảng Cộng sản, của giai cấp vô sản quốc tế – như chủ trương, con đường của Trần Phú – Hà Huy Tập trước kia, nhưng rốt cùng Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và đảng Cộng sản đã chọn con đường chính thống : Liên kết với Liên xô và đấu tranh giai cấp mà Trần Phú đã thừa lệnh Mạc tư khoa vạch ra từ 1930 5.
Ông Chu Sơn có biết, có nhớ không : Mặc dù đã diễn ra cảnh tượng đầu hàng – tiếp nhận đầu hàng không đáng có giữa chính phủ Dương Văn Minh và những người sĩ quan xe tăng miền Bắc sáng ngày 30 tháng 4 tại dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn, hai ngày sau (2.5.1975) trung tướng Trần Văn Trà Chủ tịch Uỷ ban quân quản thành phố đại diện đảng Cộng sản và chính quyền cách mạng tiếp các vị trong chính quyền cũ với thái độ cởi mở, thân thiện và lời lẽ đại loại như thế này :
“ Giữa chúng ta, không có ai thắng ai. Trong cuộc chiến tranh vừa qua chỉ có nhân dân Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ ”. Cử chỉ và lời nói bày tỏ lập trường hòa giải hòa hợp của tướng Trà theo tôi không phải chỉ của riêng cá nhân ông mà là của một bộ phận không nhỏ trong Đảng, nhưng nó như một thứ ánh sáng đôm đốm chỉ lóe lên trong một tíc tắc rồi tắt ngấm vào một thời điểm nào đó trong tháng 6 sau hội nghị an ninh toàn quốc họp tại Thủ Đức do Lê Đức Thọ chủ trì.
Sau hội nghị an ninh bộ mặt thành phố và có lẽ của cả miền Nam cau lại : Cải tạo tiếp nối cải tạo. Đổi tiền rồi lại đổi tiền. Quốc hữu hóa ruộng đất là biện pháp tiếp theo nhằm vào tất cả mọi đối tượng, mọi giai tầng xã hội.
Cải tạo thực chất là chiến tranh ý thức hệ diễn ra theo qui trình cách mạng được vạch ra từ luận cương của Trần Phú (tháng 10-1930). Cải tạo sau 1975 khoét sâu thêm vết thương chiến tranh chưa hàn gắn và phục hồi lại ký ức đau thương từ cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, cải tạo văn hóa tư tưởng (điểm nóng là vụ nhân văn giai phẩm) diễn ra trên miền Bắc trước và sau 1954.
Đổi tiền và quốc hữu hóa ruộng đất đã vượt quá phạm trù đấu tranh giai cấp, đã mở rộng đối kháng đến đại đa số dân nghèo thành thị và nông dân ở nông thôn khi đồng tiền mảnh đất được tích góp từ mồ hôi nước mắt của họ bị đảng Cộng sản tước đoạt.
Bằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến hành sau 30- 4-1975 đảng Cộng sản đã đánh mất cơ hội ngàn vàng hòa giải hòa hợp cùng nhân dân trong độc lập, thống nhất và khát vọng đoàn kết xây dựng lại đất nước sau hàng trăm năm chìm đắm trong tăm tối, nô lệ, xâu xé, đổ nát và đói nghèo.
CS : Không phải là thành viên của chính phủ Dương Văn
Minh, không phải là lính xe tăng phái đi từ Miền Bắc,
anh Tòng đến dinh Độc lập rồi đài phát thanh Sài Gòn
trưa ngày 30 tháng 4 trong tư cách nào và để làm gì ?
HVT : Hồi ở Pháp, thời kỳ đầu tôi có tham gia tí chút trong Hội Người Việt yêu nước (1965-1969). Đến giữa năm 1969, khi Hội đàm Paris bắt đầu, tôi nghe được những lời chỉ trích Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp từ một người lãnh đạo Hội (Người Việt) mà tôi cho là người của Lê Đức Thọ 6. Tôi nghĩ đến tình trạng chia rẽ trong đảng Cộng sản, do vậy không còn thoải mái trong các sinh hoạt của Hội. Thời kỳ này tôi còn tập trung sức lực và thì giờ cho công việc nghiên cứu để hoàn thành luận án ở trường đại học nên hầu như ngưng hẳn các mối quan hệ với Hội Người Việt yêu nước. Đầu năm 1972 tôi về nước sau một chuyến đi dài 6 tháng tham quan các cơ sở truyền thông báo chí nổi tiếng thế giới tại Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật. Tiếp xúc với giới truyền thông và báo chí quốc tế, tôi cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết mình là người Việt Nam và khao khát hơn bao giờ hết được tham dự vào cuộc đấu tranh cho nền độc lập, thống nhất tổ quốc mà đáng ra tôi phải dấn thân sớm hơn như những người trẻ tuổi, bạn bè tôi tại quê nhà.
Với hành trang của mình, tôi có thể tìm được một vị trí tốt ở Viện Đại học Sài Gòn, ở Việt Nam Thông tấn xã, hay ở trường đại học Chính trị kinh doanh Đà Lạt. Nhưng không, tôi lại tìm đến với Đại học Vạn Hạnh – một đại học nghèo và của Phật giáo. Sự lựa chọn này do nhận thức chính trị của tôi lúc bấy giờ. Tôi muốn qua Vạn Hạnh, tìm đến với kháng chiến.
Cuối năm 1972 khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, tôi quá nôn nao tìm kiếm một liên lạc với kháng chiến. Nhưng những người của Mặt trận (tôi gặp) muốn biến tôi thành một nhân vật tiêu biểu thuộc lực lượng Thứ Ba. Như ông Chu Sơn đã rõ, tôi chẳng thích thú gì để người khác nặn mình thành một thứ tượng đất nung vội. Làm gì cũng được, tôi muốn mình trực tiếp tham dự vào cuộc chiến. Giữa năm 1973, qua Nguyễn Hữu Thái, gặp ông Chu Sơn, tôi rất vui khi trở thành một “ Việt cộng ”. Việt cộng Sài Gòn hay Việt cộng Huế cũng là Việt Cộng thôi. Tôi nghĩ đơn giản như thế. Sau 1975 tôi mới nhận ra rằng suy nghĩ như thế là lầm to. Người Cộng sản kêu gọi thế giới liên hiệp lại trong trận đấu tranh cuối cùng, nhưng khi trận đấu tranh cuối cùng kết thúc thì Việt Cộng Huế, Việt cộng Sài Gòn là “ nước giếng không được phạm đến nước sông ”. Quyền lực và của cải vật chất là nguyên nhân của mọi chuyện tồi tệ.
Từ giữa năm 1973 đến cuối tháng 4-1975 tôi có được hai năm hạnh phúc vì cứ nghĩ rằng mình là người của kháng chiến dù chỉ là thành viên của một nhóm 4 người được chỉ đạo từ một địa phương nhỏ xa xôi với nhiệm vụ là liên kết với phong trào đô thị Sài Gòn góp sức xây dựng lực lượng Thứ Ba cho Huế và miền Trung. Tại đại học Vạn Hạnh, Đại học Cửu Long (nơi tôi là giáo sư thỉnh giảng) và đặc biệt bên cạnh thầy Trí Quang của lực lượng Hòa giải dân tộc, chúng tôi nhóm 4 người (Nguyễn Hữu Thái, Bùi Minh, Nguyễn Trực và tôi) đã bàn tính chia sẻ với nhau từng việc nhỏ với mục đích, khát vọng duy nhất là trực tiếp tham dự vào cuộc kháng chiến để đất nước sớm giành được Độc lập, Hòa bình và Thống nhất. Từ cuối năm 1974 khi ông Chu Sơn rời Sài Gòn, Trực và tôi vẫn ở căn nhà chúng ta thuê ở số 20 Tự Đức – Phú Nhuận. Nguyễn Hữu Thái và Bùi Minh vẫn hay lui tới chỗ đó. Chúng tôi tiếp tục công tác của mình theo sự đoán định tình hình từ các đài Giải Phóng và Hà Nội.
Đại học Vạn Hạnh như ông Chu Sơn đã nhận xét là “ địa bàn lõm của Mặt trận ”, và như chúng tôi thường nói đùa : “ là thánh địa của những người tự nhận mình thuộc lực lượng Thứ Ba ”. Có nhiều nhóm Thứ Ba ở Vạn Hạnh : Nhóm Thứ Ba của phong trào đô thị Sài Gòn, nhóm Thứ Ba chính hiệu của lực lượng Hòa giải, và đặc biệt là nhóm Thứ Ba của phong trào đô thị Huế. Chúng tôi nhận ra nhau, nhưng “ Việt cộng miền Nam ai làm nấy biết ”. Các nhóm Thứ Ba ấy thường tụ tập tại một khu vực chiếm lĩnh được trong khuôn viên Vạn Hạnh để bàn thảo kế hoạch trước khi chia nhau bung ra tham dự các cuộc xuống đường, mít tinh, biểu tình, hội thảo của Phong trào Nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Mặt trận cứu đói, Phong trào Dân tộc tự quyết, phong trào đấu tranh cho Tự do và cơm áo của giới ký giả, Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù, đặc biệt lực lượng Hòa giải dân tộc.
Những ngày cuối tháng 4 (1975) sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức và trốn chạy ra nước ngoài, chính phủ Việt Nam Cộng hòa chuyển giao cho Trần Văn Hương rồi Dương Văn Minh trong bối cảnh cuộc tấn công như vũ bảo của các binh đoàn quân miền Bắc, Đại học Vạn Hạnh trở thành đại bản doanh của các nhóm Thứ Ba. Nhiều người ngoài tuổi sinh viên, không thuộc đại học Vạn Hạnh như Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt), Nguyễn Vạn Hồng (thi sĩ Cung Văn) cũng lui tới đại bản doanh gần như thường xuyên. Tối 29 tháng 4- 1975 nhóm 4 người của chúng tôi (Nguyễn Hữu Thái, Bùi Minh, Nguyễn Trưc, Huỳnh Văn Tòng) họp nhau ở căn nhà số 20 Tự Đức – Phú Nhuận, quyết định : Sớm mai (30 tháng 4) Nguyễn Hữu Thái đến chùa Ấn Quang tác động thầy Trí Quang để lực lượng Hòa giải Dân tộc có hành động thích ứng kịp thời trước tình hình quân Giải phóng vào thành phố. Bùi Minh, Nguyễn Trực và tôi tới Vạn Hạnh tập hợp sinh viên chia đi các khu dân cư, các điểm đóng quân và pháo đài cát của quân Việt Nam Cộng hòa vận động quần chúng, sĩ quan và binh lính ổn định tinh thần, buông súng, bỏ ngũ, tin tưởng vào chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Mặt trận Giải phóng…
Quang cảnh Đại học Vạn Hạnh sáng 30 tháng 4 tấp nập sinh viên không còn phân biệt nhóm này nhóm kia, chúng tôi phối hợp rất khớp các kế hoạch vạch ra từ đêm trước. Tôi không biết Nguyễn Vạn Hồng, Phạm Thế Mỹ và… nhận mệnh lệnh từ đâu, các anh ấy cũng không có thì giờ để tra vấn chúng tôi gốc gác thế nào, mọi người lao vào công việc chung cứ như là những chi tiết của một guồng máy vận hành hoàn hảo do cùng một người điều khiển. Khoảng 9 giờ, Nguyễn Hữu Thái từ chùa Ấn Quang trở lại Vạn Hạnh nói rằng thầy Trí Quang đã bàn thảo với các thành viên của Lực lượng Hòa giải và liên lạc với dinh Độc lập để chính phủ Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng.
Tin tức Nguyễn Hữu Thái mang về càng làm tăng thêm sự phấn khích và tin tưởng về một hiện thực tốt đẹp sắp diễn ra tại Sài Gòn là chiến tranh kết thúc không qua một cuộc tắm máu và sự đổ nát kinh khủng như tuyên truyền từ các thế lực thù địch đã thua chạy. Chúng tôi tiếp tục lao vào công việc chuẩn bị các thứ để đón chào quân Giải phóng… Đến 9 giờ 30 qua đài phát thanh, chúng tôi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố sẵn sàng bàn giao quyền lực cho chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam… 11 giờ Nguyễn Vạn Hồng chở Nguyễn Hữu Thái và tôi vào dinh Độc lập. Tại đó, ngoài các nhân vật của chính phủ Dương Văn Minh, chúng tôi còn gặp nhiều người không thuộc lực lượng Thứ Ba. Sau này tôi mới biết một cách cụ thể có nhiều Việt cộng từ nhiều nguồn, nhiều hướng khác nhau đã ở bên cạnh cá nhân và chính phủ Dương Văn Minh trước khi xe tăng của miền Bắc mang cờ giải phóng tông sập cổng vào dinh Độc lập để “ bắt Tổng Thống và chính phủ Ngụy đầu hàng ”.
Xe tăng húc sập cổng, chạy vào sân trong. Bộ đội trên xe tăng nhảy xuống, mấy người dương súng, một người tay súng, tay cờ xông lên hét lớn : Tất cả dơ tay đầu hàng ! Súng đạn lách cách và tiếng thét ra lệnh nhắm vào mấy người đứng trước tiền sảnh. Chúng tôi nhận ra đó là các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẩu, Lý Quí Chung và mấy người nữa tôi không quen. Họ thấy xe tăng vào, từ phòng trong ra tiền sảnh để nghênh đón quân Giải phóng. Bị đặt trước tình thế nguy hiểm và nhục nhã bất ngờ, họ sợ hãi và thất vọng đưa cao hai tay. Chúng tôi ngỡ ngàng và bẽ bàng chứng kiến tình cảnh éo le ngoài dự kiến. Cả hai phía : tấn công và bị tấn công, đối với chúng tôi đều thân thiết và quý trọng. Những người này chúng tôi mới thấy lần đầu nhưng cứ như quen biết và thân thiết từ rất lâu – có lẽ từ những ngày đầu cả dân tộc vùng lên chống đuổi xâm lược – mặc dù lúc này họ tỏ ra rất hung tợn. Và những người kia, không trực tiếp thì gián tiếp, chúng tôi đã gặp nhau rất nhiều lần trong những hoạt động của lực lượng – thành phần Thứ Ba đấu tranh cho độc lập, hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Nhưng rồi cái bầu không khí gay cấn kia nhanh chóng được làm dịu đôi phần khi một “ Việt Cộng ” thấy cần phải hiện nguyên hình để cứu vãn tình thế. Ông ta nói với những người lính đang xông trận rằng ông ta là người của Mặt trận hoạt động nội thành, và các vị đây (chỉ các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẩu, Lý Quí Chung… “ là người thuộc lực lượng Thứ Ba đấu tranh cho hòa bình, độc lập, hòa giải, hòa hợp dân tộc, đề nghị các anh đối xử nhẹ nhàng ”. (Sau này tôi mới biết ông Việt cộng kia là kỹ sư Tô Văn Cang, tình báo viên, rất gần gũi với chính phủ Dương Văn Minh). Thêm hai xe tăng và mấy xe jeep vào. Nhiều sĩ quan và binh lính xông tới. Tình thế lại trở nên nhốn nháo và căng thẳng. Một trong số đó là sĩ quan cấp bậc cao nhất (trung tá Bùi văn Tùng) ra lệnh cho ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Trong khi hai ông Minh – Tùng đôi co về chuyện bàn giao hay đầu hàng, người sĩ quan trẻ cầm cờ (trung úy Bùi Quang Thận), yêu cầu ông Minh chỉ đường để thay cờ. Ông Minh bảo đại tá Chiêm dẫn đường. Đại úy Thận nhìn tôi và Thái có ý muốn cùng đi. Đại tá Chiêm, trung úy Thận, Thái và tôi lên sân thượng bằng thang máy. Cả bốn chúng tôi hoàn tất việc thay cờ. Chúng tôi trở xuống đại sảnh vừa lúc trung tá Tùng đề nghị các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẩu tới đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
Hai ông Dương Văn Minh,Vũ Văn Mẫu ngồi xe đại úy Phạm Xuân Thệ. Tôi, Thái, và nhà báo Borries Gallasch ngồi xe trung tá Bùi Văn Tùng. Lúc này khoảng 12 giờ. Đài phát thanh đã được chiếm đóng và bảo vệ bởi bộ đội và sinh viên thuộc phong trào đô thị (phát xuất từ Vạn Hạnh).
Trong lúc các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Bùi văn Tùng ngồi soạn văn bản ở tầng một, chúng tôi lục khắp ngõ ngách trong đài không thấy ai, cuối cùng tìm được một nhân viên kỹ thuật đang trốn trong một góc tủ. Sợ xanh mặt nhưng rồi lấy lại được bình tĩnh khi nghe chúng tôi giải thích đường lối của Mặt trận, anh ta chạy tìm thêm một kỹ thuật viên nữa có nhà ở gần đài. Buổi phát thanh có thể bắt đầu khi có nhân viên kỹ thuật. Nhưng việc soạn văn bản đầu hàng và chấp nhận đầu hàng của các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu, Bùi Văn Tùng chưa xong nên Nguyễn Hữu Thái ứng biến, mở đầu chương trình bằng tiết mục tự giới thiệu mình (Nguyễn Hữu Thái) và Huỳnh Văn Tòng thế này thế nọ đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng (do Thái nghĩ và đặt tên) thông báo cùng đồng bào Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định rằng quân Giải phóng đã làm chủ hoàn toàn thành phố, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã đầu hàng, chiến tranh đã thật sự kết thúc, miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, nước Việt Nam đã độc lập, thống nhất và hòa bình, chấm dứt 117 năm nô lệ và chia cắt. Cũng nhân danh Ủy ban nhân dân cách mạng, chúng tôi kêu gọi đồng bào các giới, các giai tầng và thành phần quần chúng yên tâm ổn định cuộc sống, tin tưởng và chân thành hợp tác với Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại đất nước.
Khi các văn bản soạn thảo xong, Nguyễn Hữu Thái lần lượt giới thiệu đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc bản tuyên bố đầu hàng, ông Vũ Văn Mẫu, thủ tướng, nói lời kêu gọi… Và trung tá Bùi Văn Tùng đại diện quân giải phóng tuyên bố chấp nhận…
CS : Hơn 35 năm sau cái ngày lịch sử (30-4) mà gần
như tình cờ anh Tòng tham dự, có bao giờ anh tự nhìn lại
mình, nhìn lại đất nước khi nhớ nghĩ lại những gì
mình đã làm, những gì mình đã nói tại dinh Độc lập
và Đài phát thanh Sài Gòn ?
HVT : Không phải chỉ “ có bao giờ ” mà rất nhiều và gần như thường trực tôi cứ hỏi tại sao ? Tại sao ? Tại sao cái cơ hội ngàn năm một thuở ấy bị bỏ lỡ, bị phí phạm một cách đáng tiếc ? Không phải chỉ với cá nhân tôi, kẻ muốn làm một Việt cộng tép riu (thuộc lực lượng Thứ Hai) hơn làm một “ nhân vật ” đứng giữa (thuộc lực lượng Thứ Ba), cũng không phải những người đứng giữa (thuộc lực lượng Thứ Ba) mà cả một số không ít những người phía bên kia (thuộc lực lượng Thứ Nhất – Việt Nam Cộng hòa) cũng tiếc một cách quay quắt không được tham dự vào vận hội hòa giải hòa hợp dân tộc, xây dựng đất nước trong hòa bình độc lập và thống nhất sau biến cố 30-4-1975.
Tôi trở về nước đầu năm 1972 sau một thời gian khá dài (9 năm) tiếp cận với nền học thuật Pháp – Tây phương. Sự tiếp cận đó cho phép tôi nhận ra rằng trí thức, quần chúng Pháp và Tây phương có điều kiện thời gian và nền tảng học thuật để nhận biết chủ nghĩa Marx, phong trào Cộng sản quốc tế và cách mạng tháng 10 Nga sớm và chính xác hơn trí thức và quần chúng Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp và các đảng Cộng sản Tây phương thành lập sớm hơn đảng Cộng sản Việt Nam hàng chục năm, nhưng rồi nhân dân Pháp và phương Tây đã không chọn mô hình Xã hội Chủ nghĩa để đổi mới đất nước họ như khẳng định của các lý thuyết gia Cộng sản là sự phát triển kinh tế của phương Tây đã chín mùi và sự trưởng thành của giai cấp công nhân và quần chúng lao động ở các nước này đã sẵn sàng để cách mạng Xã hội Chủ nghĩa nổ ra và thắng lợi. Sự chọn lựa này chủ yếu do nền tảng văn hóa truyền thống của họ sâu dày và trình độ học thuật của họ cao. Họ thừa nhận Marx – Engels và các nhà hoạt động cách mạng theo ý thức hệ Cộng sản ôm ấp lý tưởng và khát vọng trong sáng và cao đẹp. Nhưng đồng thời họ nghi ngờ khả năng hiện thực của học thuyết Marx và chủ nghĩa Lenin. Cuối cùng đảng Cộng sản Pháp và các đảng Cộng sản Tây phương đành chấp nhận làm lực lượng đối trọng chính trị và phản biện xã hội đóng vai trò thúc đẩy sự đổi mới, sự tiến bộ trong các nước Tư bản chủ nghĩa, và ủng hộ công cuộc giải trừ các thế lực thực dân đế quốc tại các thuộc địa.
Trong khi đó lý tưởng cộng sản, cách mạng tháng 10 Nga, chủ nghĩa Lenin lại nhanh chóng chiếm lĩnh tâm trí đa số người Việt ở trong nước cũng như Việt kiều tại Pháp. Lý do của sự quy hướng này là khát vọng độc lập tự do, công bằng xã hội vô cùng mãnh liệt nơi một số bộ phận không nhỏ trí thức, và ước mơ đổi đời một cách cấp thiết của toàn thể đòng bào cùng khổ (90% là nông dân) trước tình cảnh đói nghèo và nô lệ cùng cực do chế độ thực dân và nhà nước phong kiến. Còn một lý do nữa của sự quy hướng này là mặt bằng nhận thức chung của dân tộc chưa đủ để vượt qua tình trạng mê tín dị đoan đã biến học thuyết Marx thành những tín điều tôn giáo và đảng Cộng sản thành một giáo hội không sai lầm, một guồng máy bạo lưc có quyền lực tuyệt đối trong mọi lãnh vực của đời sống đất nước.
Tôi đã từng nhận định như thế về đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng trong quá trình nghiên cứu để hoàn thành luận án ở trường đại học, đặc biệt là sau chuyến viếng thăm, quan sát, học hỏi dài ngày (6 tháng) tại những cơ quan thông tấn báo chí danh tiếng trên thế giới, tôi đã hiểu vì sao Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng tìm thấy con đường giải phóng đất nước dân tộc sau khi đọc luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Lòng yêu nước sâu nặng và sự phẫn nộ mãnh liệt trước tội ác của bọn đế quốc thực dân đã lấn lướt khả năng suy luận lạnh lùng và khách quan của những người ngoài cuộc, hay của những người đã tìm thấy nơi học thuyết Tư sản Dân quyền những giá trị cách mạng triệt để như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và đặc biệt Nguyễn An Ninh vào thời điểm thập niên thứ hai, thứ ba của thế kỷ trước.
Tôi trở về nước với ý định tìm đường tham gia kháng chiến để giải tỏa day dứt là kẻ thờ ơ vô trách nhiệm trước tình hình đất nước ngày một lún sâu vào thảm cảnh chiến tranh xâu xé vô vọng. Hòa bình, độc lập, thống nhất đối với tôi vào thời điểm đó vẫn là mục tiêu hàng đầu. Vấn đề thể chế sẽ là sự đồng thuận của cả dân tộc sau khi đạt được các mục tiêu ấy. Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ rút kinh nghiệm từ những sai lầm tai hại trong các cuộc cải cách, cải tạo mà họ đã thực hiện trên miền Bắc trước và sau 1954. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không thể không biết tới những tội ác kinh khủng : giết chết và đày đọa hàng trăm triệu con người trong các cuộc thanh trừng, đấu tranh giai cấp đẫm máu và sự điêu tàn suy sụp toàn diện tại Liên Xô, Trung quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa. Tôi đã sai lầm khủng khiếp.
Do suy nghĩ đơn giản như vậy, tôi chấp nhận đề nghị của ông Chu Sơn cùng với Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Trực, Bùi Minh (những người thân cận của thượng tọa Trí Quang) tiếp sức cho phong trào đô thị Huế bằng hành động cụ thể là thúc đẩy lực lượng Hòa giải dân tộc sớm thành lập, liên kết nó với các tổ chức, phong trào đô thị Sài Gòn và miền Nam, góp phần hình thành lực lượng Thứ Ba tại Sài Gòn, tạo điều kiện mở rộng hoạt động của nó ra các tỉnh miền Trung, kết nối tất cả thành lực lượng Thứ Ba thống nhất cho cả Miền Nam.
Ông Chu Sơn cần chú ý : sáu nhân vật hàng đầu của chính phủ Dương Văn Minh, trừ luật sư Nguyễn Văn Huyền là người Công giáo, năm người còn lại là Phật giáo đồ, là Phật tử thuần thành. Hai trong số đó là luật sư Vũ Văn Mẫu, giáo sư Bùi Tường Huân là nhân vật lãnh đạo của lực lượng Hòa giải do thượng tọa Trí Quang bàn thảo cùng đại tướng Dương Văn Minh sắp xếp đề cử vào chức vụ Thủ tướng và Bộ trưởng bộ quốc phòng. Việc giáo sư Bùi Tường Huân giữ chức bộ trưởng quốc phòng là chủ ý của thượng tọa Trí Quang thể hiện ý chí và khát vọng hòa bình theo tinh thần của đạo Phật và đường lối chủ trương của giáo hội Phật giáo. Việc Dương Văn Minh đề cử các nhân vật khác từ Phó Tổng thống trở xuống đêu có sự đồng thuận của thượng tọa Trí Quang.
Không phải chuyện tình cờ khi sáng sớm ngày 30 tháng 4 Nguyễn Hữu Thái tới chùa Ấn Quang và sau đó thượng tọa Trí Quang điện thoại đề nghị các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẩu nhanh chóng chấp nhận đầu hàng. Nguyễn Hữu Thái và tôi tới dinh Độc lập và Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30 tháng 4 có manh mối từ những cơ duyên như thế, chứ không phải tình cờ như ông Chu Sơn đã nhận xét. Những việc chúng tôi làm, những điều chúng tôi nói tại dinh Độc lập và Đài phát thanh đơn giản nhằm thực hiện câu châm ngôn mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã hành xử suốt đời ông : Dĩ bất biến ứng vạn biến. Cái bất biến đối với chúng tôi vào thời điểm đó là hòa giải, hòa hợp dân tộc, toàn dân chung sức chung lòng xây dựng đất nước sau 117 năm bị xâm lược, chiến tranh tàn phá và xâu xé, tương tàn.
Lời kêu gọi ấy sau hơn một phần ba thế kỷ chắc chắn câu chữ có thay đổi do ký ức hao mòn nhưng nội dung vẫn trước sau như một. Làm sao quên được khi tôi biết chăc chắn rằng nhiều người trong số học trò, bạn bè, bà con thân thuộc và cả một số quen biết tôi gián tiếp vì lời kêu gọi ấy mà tin tưởng, mà ở lại để rồi phải chịu đọa đày, sỉ nhục, đói khổ, tù đày, tuyệt vọng, chết chóc. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản tiến hành sau 1975 đã biến tôi thành kẻ lừa dối. Thậm chí có một cô học trò đã nói thẳng vào mặt tôi rằng : “ Ông đích thực là một con cò mồi. Gia đình tôi vì ông vì ông mà bị sập bẫy ”.
Ông Chu Sơn biết không : cô học trò ấy là một trong những sinh viên thân thiết nhất của tôi, đã cộng tác hết mình với nhóm chúng tôi trong suốt hai năm “ tôi nghĩ rằng mình là một Việt cộng ”, là đồng chí, đồng sự của ông Chu Sơn trong nhiệm vụ hỗ trợ cho phong trào đô thị Huế. Suốt hai năm ấy tôi nhận được từ cô sự tin tưởng và quý trọng. Cô vận động cha cô – một trung tá trong quân đội Việt Nam Cộng hòa – cùng gia đình (mẹ và bốn em) ở lại để cùng với đất nước làm lại cuộc đời. Nhưng rồi họ đã bị sập bẫy – chính xác như lời cô nói – cha cô đã bị đưa đi cải tạo dài ngày. Đứa em trai kế thi đậu nhưng không được vào đại học vì là con ngụy quân. Cô tiếp tục học hai năm cuối, tốt nghiệp cử nhân nhưng không xin được việc làm cũng vì là con ngụy. Mẹ và cô phải lăn ra chợ trời để lo cái ăn cho cả nhà và thăm nuôi cho chồng, cho cha. Tù đày, đói khổ, cực nhục và tuyệt vọng là những gì họ nhận được từ ngày “ miền Nam được giải phóng ”. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã đoan chắc với cô ấy trước 30 tháng 4. Quả thực tôi là kẻ nói dối, là một thứ cò mồi… Cô ấy đã hoàn toàn chính xác khi không gọi tôi là Thầy mà gọi tôi là ông, và xỉ vả tôi như thế…
CS : Xin lỗi anh Tòng. Tôi thấy trên trán anh đã lấm
tấm mồ hôi. Tôi đã hành anh suốt cả buổi chiều. Tuy
vậy tôi vẫn muốn chính anh, chứ không phải tôi, kết
thúc cuộc trò chuyện này bằng một vài câu ngắn gọn.
HVT : Hồi học bên Pháp tôi may mắn làm học trò của ba vị thầy lỗi lạc : Giáo sư Chesneaux, giáo sư Jean Lacouture và giáo sư Phillipe Devillers. Các vị ấy và nền đại học, truyền thông báo chí Pháp và quốc tế dạy cho tôi phương pháp nghiên cứu khoa học và tư duy lịch sử trên cơ sở của nền văn minh phương Tây – Ky tô giáo. Qua các vị ấy và nền tảng văn hóa học thuật ấy, tôi hiểu nhiều hơn về thế giới và đất nước dân tộc mình.
Về dạy đại học Vạn Hạnh và làm “ Việt cộng nội thành ”, tôi lại may mắn tiếp cận với ba vị thầy lỗi lạc và thâm trầm hơn : Thầy Thích Minh Châu, thầy Thích Trí Quang, thầy Hồ Hữu Tường. Ba vị này và môi trường đại học Vạn Hạnh dạy cho tôi tình yêu đất nước, lòng bao dung, trách nhiệm nhân loại và chúng sinh theo cốt tủy đạo Phật và tinh hoa Phật giáo Việt Nam.
Qua các cuộc trao đổi, các vị ấy thường nhắc nhở tôi câu châm ngôn : “ Tồn tại là tồn tại trong những tương quan ”. Câu châm ngôn này với những giải bày của các vị ấy giúp tôi nhìn nhận văn hóa, lịch sử Việt Nam, hiện tình đất nước và các mối quan hệ quốc tế chính xác và công bình hơn.
Chúng ta đang ở trong đất nước. Đất nước đang ở trong thế giới. Tất cả thường trực vận động và đang trên đà chuyển hóa. Kết quả của cuộc vận động chuyển hóa ấy thế nào tùy thuộc vào nhận thức và bản lãnh sống của tất cả mọi chủ thể tham dự.
Khẳng định như thế để thấy rằng : mỗi chủ thể tồn tại từ cá nhân, gia đình, địa phương, thành phần dân tộc, đảng phái, tôn giáo, quốc gia, cộng đồng khu vực và quốc tế đều chia phần trách nhiệm trước quá khứ và hiện thực cuộc sống.
Không đổ hết trách nhiệm, cái xấu và lỗi lầm lên đầu đối phương, không dùa hết cái tốt, cái đúng, cái ưu việt về phía mình.
Không trông chờ sự tôn trọng của kẻ khác, của quốc gia dân tộc khác khi bản thân mình, cộng đồng mình, dân tộc đất nước mình chìm đắm trong chia rẽ, xâu xé, nô lệ và hủ bại.
Đất nước chưa có độc lập, hòa bình, thống nhất ; dân tộc chưa có tự do và hạnh phúc như chúng ta đã mơ tưởng, như đảng Cộng sản đã rêu rao và tiếp tục lảm nhảm.
Hết nô lệ Pháp, Mỹ, chúng ta đang nô lệ Tàu. Hết bị áp bức bóc lột bởi chế độ vua quan phong kiến, chúng ta đang bị đàn áp bóc lột tồi tệ hơn, triệt để hơn bởi bạo quyền lý Toét, xã Xệ, thị Nở và Chí Phèo.
Sau hơn một thế kỷ rưỡi chiến tranh, chết chóc, đọa đày và đổ nát để rồi chúng ta có được ngày nay sao ?
Câu hỏi bỏ lửng của anh Tòng kết thúc cuộc trò chuyện của chúng tôi vào khoảng 8 giờ tối một ngày cuối tháng 4 năm 2010, chưa đầy một năm ba tháng trước ngày anh chuyển hóa (tháng 7- 2011).
Mấy trang ghi chép này chắc chắn không tránh được những sai sót ngoài ý muốn. Xin anh Tòng rộng lòng tha thứ.
Chu Sơn
1 (tất cả các chú thích là của người biên tập Diễn Đàn) Chúng tôi không rõ Huỳnh Văn Tòng căn cứ vào đâu để khẳng định ông Phạm Quỳnh là tín đồ Công giáo.
2 Thực ra, cho đến thập niên 1940 (và có nơi, sau nữa) tổ chức của Quốc tế III có phần tương tự như tổ chức của Giáo hội Công giáo Roma : đảng viên Cộng sản là thành viên của Quốc tế III, sinh hoạt ở đâu thì thuộc đảng Cộng sản của nước đó (đảng Cộng sản một nước X là đảng bộ nước X của “Đảng cộng sản” : Đảng cộng sản Pháp (PCF) khi mới thành lập năm 1920, mang tên là SFIC / Đảng bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Ngay Đảng xã hội Pháp, trong nhiều thập niên, cũng mang tên SFIO (Đảng bộ Pháp của Quốc tế Thợ thuyền / Section Française de l’Internationale Ouvrière). Nguyễn Ái Quốc là đảng viên sáng lập SFIC (Đảng cộng sản Pháp) năm 1920, khi sang Liên Xô, đương nhiên là đảng viên ĐCS Liên Xô. Đầu thập niên 30, ở Thượng Hải, khi bị loại ra khỏi ban lãnh đạo ĐCS Đông Dương, Nguyễn được trao nhiệm vụ làm liên lạc giữa ban lãnh đạo này và Đông phương bộ của QTCS. Hiện nay, văn khố của QTCS còn giữ một lá thư của Nguyễn Ái Quốc hỏi QTCS : hiện nay tôi ở “đảng” nào ? (không còn thuộc đảng Pháp, không sinh hoạt với đảng Trung Quốc, và ở ngoài rìa của đảng Đông Dương).
3 Tháng giêng 1941, khi Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Pắc Bó, thì bộ máy đàn áp của thực dân đã đập tan hầu như toàn bộ lãnh đạo của ĐCS – sau thất bại của cuộc Khởi nghĩa Nam Kì – là những người đã từng lên án những “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc. Mặt khác, chiến tranh Thế giới vào lúc ác liệt, liên lạc từ núi rừng Việt Bắc với Moskva, Diên An và ĐCS Pháp đứt đoạn : đó là thời cơ để Nguyễn triển khai chính sách mặt trận dân tộc ấp ủ từ năm 1930. Sự ủng hộ của Trường Chinh đã dẹp bớt được những thắc mắc của những người như Hạ Bá Cang tức Hoàng Quốc Việt (còn hỏi : giấy ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản đâu ?). Lực lượng tả khuynh đi theo chủ trương “giai cấp chống giai cấp” của Stalin tuy nhiên vẫn tồn tại : từ 1948 đến 1950, ở Praha, Trần Ngọc Danh (em ruột tổng bí thư Trần Phú, cũng được đào tạo ở Trường Đông Phương) đã gửi ít nhất cho Stalin hai bản báo cáo tố cáo “đường lối sai lầm” của Hồ Chí Minh.
4 Từ 1960 (Đại hội III) đến 1976 (Đại hội IV), Lê Duẩn không phải là Tổng bí thư, mà là Bí thư thứ nhất. Quá trình lấn lướt quyền bính của cặp Lê Duẩn – Lê Đức Thọ kéo dài suốt thời gian này.
5 Tình hình sau năm 1975 có lẽ phức tạp hơn. Sự chọn lựa liên minh với Liên Xô, thống nhất Nam Bắc và “tiến nhanh tiến mạnh” lên chủ nghĩa xã hội được quy định bởi mấy yếu tố cơ bản : chính sách Đại Hán của Trung Quốc, sự thiếu hiểu biết hầu như hoàn toàn về “chủ nghĩa xã hội” hiện thực, ảo tưởng về sức mạnh của kinh tế và xã hội của các nước XHCN Đông Âu, sự kiêu ngạo sau đại thắng. Ngoại trừ những trường hợp cá biệt ở miền Nam như Trần Bửu Kiếm (yên lặng ẩn dật), sự chọn lựa này là quyết định nhất trí ở Bộ chính trị (cho đến 1985, ông Trường Chinh là người bảo vệ “đường lối xã hội chủ nghĩa” cứng rắn nhất, trước khi kiên quyết đổi mới từ 1986). Xem Bên Thắng Cuộc (vừa xuất bản) của Huy Đức.
6 Chúng tôi tin tưởng vào sự trung thực của anh Huỳnh Văn Tòng, song có lí do để nghĩ rằng có sự ngộ nhận về vai trò của người nào đó đã chê bai Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Từ năm 1959 đến giữa năm 1969, Liên hiệp Việt kiều tại Pháp bị chính quyền De Gaulle giải tán, phong trào phải hoạt động bí mật, nửa công khai. Năm 1965, hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp mới thành lập, 1968 hội Liên hiệp trí thức. Cuộc trấn áp “nhóm xét lại chống Đảng” (nhằm đối tượng chủ yếu là Võ Nguyên Giáp) xảy ra mùa hè 1967 trong vòng bí mật, bên ngoài không ai biết (kể cả CIA). Trong hàng ngũ những Việt kiều ủng hộ ĐCSVN, có thể có những sắc thái “mao-ít”, chống “xét lại Liên Xô” (vì Liên Xô, nhất là Krushev, không tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mĩ), nhưng có thể khẳng định chắc chắn là không ai gắn liền tên tuổi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp với "chủ nghĩa xét lại". Giả định của chúng tôi, là : trong thời kì 66-68, xu hướng “mác xít lê nin nít” phát triển khá mạnh trong giới sinh viên cộng sản Pháp, có thể anh Tòng đã gặp một anh em Việt Nam nào sinh hoạt trong tổ chức “M-L”, mà anh tưởng rằng là người lãnh đạo phong trào Việt kiều. Rất tiếc anh Tòng không còn nữa để chúng tôi được hỏi rõ.
Các thao tác trên Tài liệu