Trở lại Tây Nguyên
Tây Nguyên, nơi Việt Nam « đau lưng »
André MENRAS
Nỗi bất hạnh lớn nhất của con voi già là phải rời bỏ rừng xanh.
Trưa một ngày đầu tháng ba 2009, tại Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, cách biên giới Campuchia và Lào chừng vài chục cây số, một cụ già được một phụ nữ trẻ đỡ cánh tay, lọm khọm bước lên chiếc xe du lịch màu trắng. Ông cụ 98 tuổi mặc quần soọc, mình trần, lưng còng. Cụ nhắm mắt, đôi mi mắt mỏng tang, đuôi mắt ngấn lệ. Trời nắng chói mắt, hay cụ không giấu nổi xúc động trong lòng ? Người phụ nữ đùa, như nói với một đứa trẻ : « Bộ già muốn khóc hả ? ». Cụ già lên xe đi Buôn Mê Thuột để sống ít lâu với một người con trai.
Đăk Nông : đồi xanh trờ thành đồi trọc
Cụ chính là Ama Kông, dũng sĩ săn voi và dạy voi huyền thoại mà tiếng tăm đã vượt qua biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan từ ngày cụ dâng tặng voi trắng cho những quốc vương. Những công ty du lịch Tây Nguyên ngày nay đua nhau sử dụng hình ảnh cụ. Hàng trăm cửa hiệu ở Tây Nguyên và những nơi khác bầy bán thuốc cường dương bổ thận mang tên Ama Kông, quảng cáo được làm bằng bốn loại cây cỏ mà loài voi ưa tìm ăn. Chất phác, không biết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ không nhận được một xu tác quyền. Kinh doanh bất chính đã lan tràn tận Tây Nguyên, cướp đoạt không thương tiếc. Chưa hết, bà Ami Lĩnh, 70 tuổi, con gái của cụ, giữa hai miếng bã trầu đỏ quạnh nhổ lọt trúng khe hở giữa hai tấm ván sàn nhà, còn tiết lộ cho tôi biết là vết thương chưa rút chỉ khâu trên lòng bàn tay trái của cụ là dấu tích nhát rựa mà của bà vợ « út », 43 tuổi, trước đó mấy ngày, đã chém vào ( ! ). Chứng tỏ một sư tử Hà Đông còn đáng gờm hơn cả trăm thớt voi, nhất là trong chế độ mẫu hệ. Tóm lại, Ama Kông đang trải qua một thời kì không vui cho lắm và cũng không mấy vinh quang.
Là trưởng lão của một gia đình 5 thế hệ, có khoảng hai mươi người con, 43 người cháu, 27 chắt, 5 chít... săn bắt và thuần hoá được gần ba trăm con voi, thế nhưng nay trông dáng cụ phải cúi đầu rời rừng lên thành phố, bỏ lại đằng sau vương quốc núi rừng vùng vẫy một đời, để chịu đựng những âm thanh dị kì, chát chúa, với mùi khói xăng xốc óc, ánh đèn ma quái và những bức tường của thành phố xa lạ. Cụ ra đi. Và có thể cụ sẽ trở về, nhưng tôi sẽ không bao giờ hỏi cụ những câu hỏi mà tôi đã chuẩn bị kĩ trước khi gặp. Hình như một cuộc hẹn lỡ làng.
Lỗi hẹn với lịch sử
Trong suốt 7 ngày ngao du 1.000 km trên lưng chiếc xe gắn máy ở Tây Nguyên, qua Kontum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, tôi đã bỏ lỡ nhiều cuộc hẹn đầy kì vọng. Tôi gọi đó là những cuộc hẹn lịch sử dù đó là những cuộc hẹn của thế giới quá vãng mà tôi đinh ninh là vẫn còn sống mãi, được nâng niu quý trọng như linh hồn dân tộc, trên dải đất thiêng, dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Hơn một lần, tôi tưởng như đã thoáng gặp một thế giới đang bị san bằng bởi cái xe ủi của một thứ «hiện đại» sơ khai, nhồm nhoàm phàm ăn và cận thị...
Cuộc hẹn lỡ làng đầu tiên với lịch sử là ở Di tích lịch sử Đak Tô - Tân Cảnh, Kontum, nơi quân đội Mĩ và quân đội chế độ Sài Gòn, vào ngày 24.04.1972, đã gặp sông Pô Kô « chảy ngược », khi mà quân Giải phóng đã chiếm lĩnh những cứ điểm kiên cố trên các điểm cao. Đài kỉ niệm chiến thắng lịch sử ngày nay nằm sau một hàng rào sắt mà không biết ai đang giữ chìa khoá. Sự cô độc bi thương của những anh hùng liệt sĩ. Tôi phải nhảy qua những chấn song nhọn hoắt của hàng rào Khu di tích lịch sử để chụp dăm ba tấm ảnh.
Tôi còn lỡ hẹn với cả nhà ngục Kontum nằm bên bờ sông Đakbla nổi tiếng từ thời Pháp. Đồng hồ chỉ 12g30, tôi vào khu nhà ngục và không gặp một ai, lẳng lặng chụp 2 bia mộ khắc tên tuổi những người tù nạn nhân của cuộc đàn áp năm 1931, thì bỗng ở đâu, người bảo vệ xuất hiện quát tháo, xua đuổi. Y ta còn mắng thêm, « Ra đi, 1g30 mới mở cửa. Ồn ào làm mất giấc ngủ trưa của « lãnh đạo » ở toà nhà bên cạnh ».
Tại tỉnh Pleiku tôi lại thêm một cuộc hẹn lỡ làng với Lịch sử ở làng Stơr của anh hùng Núp, người lãnh đạo dân tộc Ba Na nổi dậy chống quân đội thực dân Pháp. Vừa bảo vệ được đồng bào, gìn giữ được của cải, từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia, họ đã cầm chân cả một trung đoàn, chỉ với tên nỏ, bẫy chông.
Để giải thích sự lỡ hẹn này, người ta đã đưa ra nhiều lí do : nào là hôm đó là ngày chủ nhật, nào là tôi đến không được thông báo chuẩn bị đúng quy cách, nào là cô gái có nhiệm vụ trông coi ngôi nhà của anh hùng Núp lại đi nghỉ phép, mang theo chìa khoá, không sao liên lạc dược. Thế là, thay vì anh hùng Núp, tôi được diện kiến những « người hùng » không tên, chẳng hạn một vị đi xe gắn máy tới gặp tôi tại sân uỷ ban xã Ta Tung, tự nhận mình chỉ là một nhân viên « bình thường », nhưng sau tôi được biết vị đó là bí thư xã. Trên đường trở về, tôi lại vinh dự gặp người tự giới thiệu tên Nam, áo T Shirt trắng thẳng thớm, điện thoại di động cầm tay, sau khi điều tra tại chỗ, mới xưng danh phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, ngỏ ý rất tiếc không có chìa khoá của ngôi nhà lịch sử, mời tôi quay về Pleiku và hôm sau, lội ngược 150 km bằng xe gắn máy, trở lại đây để... họ mở cửa nhà anh hùng Núp cho vào tham quan. Tôi bỗng nhớ tới buổi chiều hôm trước ở Bến Được, Củ Chi. Đúng 5g30 chiều, trời còn xanh và sáng, người gác đóng sầm cửa nhà kỉ niệm trước mặt tôi và những người khách từ xa đến viếng thăm với lời nhắn gọn lỏn : « Sáng mai trở lại ! »
Tôi có cảm tưởng ở những địa phương này, kí ức về một quá khứ vinh quang ngày nay đã trở thành câu chuyện quản lí chùm chìa khoá và giờ giấc. Việc tưởng niệm những tấm gương hi sinh cao cả cho tự do từ bao giờ đã được « kế hoạch hoá » bằng cửa đóng then cài. Diễn văn thì cứ diễn văn, những cánh cửa nhẽ ra phải mở ra cho thế hệ sau bước chân vào khám phá quá khứ hào hùng của cha ông, vẫn được quản lý bằng giờ giấc hành chánh, dung tục đến thô thiển ! Những nơi này có thể đóng cửa, nhưng một người thường trực để có thể giải thích hoặc hướng dẫn cho du khách (đặc biệt là khách nước ngoài) với thái độ và tinh thần có văn hoá là hết sức cần thiết !
Lỡ hẹn với thiên nhiên
Phá rừng ở Tây Nguyên
Trước khi khởi hành từ TP.HCM, tôi cũng đã thầm hẹn với Thiên nhiên, như để « phục thù » với Lịch sử. Từ năm 1969 đến nay, tôi chưa trở lại thăm vùng này trên chiếc xe gắn máy, trong đầu óc tôi còn giữ nguyên những hình ảnh hoang tàn, chết chóc. Hàng trăm hecta cây cối trụi lá, khẳng khiu quằn quại như những bộ xương khô, nâu nâu hay xám xịt. Hàng chục hecta đất bị những xe ủi khổng lồ của quân đội Hoa Kì cày xới, hoang hoá để « khai quang » vành đai chung quanh những căn cứ quân sự…
Và cuộc hẹn « màu xanh » này của tôi coi như cũng bị lỡ làng.
Nơi đây, xã Nhân Cơ (Đăk Nông) sẽ khai thác bô-xit : dòng nước trong xanh này bao lâu sẽ đỏ lựng như máu ?
Đúng là đâu đâu tôi cũng thấy tận mắt sức sống sôi nổi, trong cơn sốt xây dựng tràn trề sức trai bạo liệt. Dọc đường, không có đoạn nào không có nhà cửa đang xây. Xe ben, xe lăn, xe ủi đất nhiều hơn cả những cột cây số. Những đoạn đường mới toanh vừa hoàn thành, thênh thang, phẳng phiu. Nhưng biết bao đoạn khác còn đang là những công trường, và bấy nhiêu cuộc hẹn lỡ dở đối với những giá trị của văn hoá và văn minh. Đường sá đã trở thành một chiến trường mà trên đó quy luật giao thông duy nhất là : kẻ yếu muốn sống còn phải lép vế kẻ mạnh ; tài xế xe đò và xe tải tác oai tác quái như những tên sát nhân hung bạo, phóng nhanh, bóp còi inh ỏi, bất chấp những chiếc xe máy tội nghiệp đi ngược chiều đã phải chạy dẹp sang bên lề đường chưa được gia cố. Trên đường đi từ Buôn Mê Thuột về ĐakNông, tôi phải trải qua không biết bao nhiêu giờ phút kinh hoàng lẫn phẫn uất.
Bất luận thế nào, từ nay đối với tôi Tây Nguyên không còn là « vùng sâu vùng xa » nữa rồi. Không đủ thời gian và thiếu thông tin, hẳn tôi đã đi qua mà không biết rất nhiều thắng cảnh. Song có một điều chắc chắn : cả vùng Tây Nguyên đang biến đổi theo một vận tốc chóng mặt. Đồi xanh trở thành đồi trọc, mặt đất nhiều nơi hoang hoác như trên mặt trăng. Dưới thung lũng, sông suối đỏ lựng như dòng máu tuôn chảy từ thân thể một vùng đất bị tử thương như ở Nhân Cơ, Gia Nghĩa tỉnh ĐakNông. Dân số người Kinh áp đảo dân số các sắc tộc bản địa đang sống lay lắt, như những cây rừng bị bứng rễ.
Nguyên Ngọc và André Menras
May mắn cho tôi, có một cuộc hẹn tình cờ rất thú vị tại thị xã Kontum với nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả tác phẩm nổi tiếng Đất nước đứng lên mà nhân vật chính là anh hùng Núp tôi nói trên. Là người Kinh nhưng với những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hoá, phong tục, tâm lý người dân tộc thiểu số, môi trường, thậm chí linh hồn Tây Nguyên của ông, tôi nghĩ Nguyên Ngọc là một Già làng thứ thiệt. Là thầy giáo nhưng ông không ngừng tự học mỗi ngày. Đi nhiều với sự dẻo dai hiếm có của một « già làng » 77 tuổi, ông đã từng lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ nền văn hoá xã hội quí báu, độc đáo của thiên nhiên và lịch sử con người vùng ấy khi nó bị đe doạ bởi quyết tâm vô tâm của con người.
Tới đây, tôi phải nói thực lòng : trong chuyến đi ngắn ngày, đầy ắp những cuộc hẹn lỡ làng vừa qua, tôi đã nhiều lần nhìn thấy nét mặt của cả một vùng đất bị xâm phạm, biến dạng và đánh mất bản sắc. Vùng đất ngày hôm qua còn là cái mái nhà của toàn bộ bán đảo, hiên ngang, độc đáo, huyền bí mà bao dung, tự trọng và được kính trọng, nay đang trở thành cái bậc tam cấp lè tè, vất vưởng trước bốn phương gió chướng. Ảo ảnh giàu sang dễ dàng đấy, nhưng chắc chắn phù du ? Viễn cảnh lợi nhuận kếch sù cho một số người, cho tất cả hay cho những ai ? Mục đích của tôi không phải là trả lời những câu hỏi ấy. Chẳng chóng thì chày, tương lai sẽ trả lời !
Tôi chỉ muốn nói, như Ama Kông, rằng ngà voi, một khi nhổ đi rồi, sẽ chẳng bao giờ mọc lại.
André MENRAS
(Thái Bình dịch)
bài và hình ảnh do tác giả cung cấp
Các thao tác trên Tài liệu