Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Trong một thế giới đa cực

Trong một thế giới đa cực

- Cao Huy Thuần — published 01/07/2007 09:26, cập nhật lần cuối 01/07/2007 11:43
Nhân một bài viết của Pierre Hassner


SỐ PHẬN CỦA THẾ KỶ


Cao Huy Thuần


            Dưới nhan đề đó, The Fate of a Century, Pierre Hassner, cây bút xuất sắc nhất của Pháp về quan hệ quốc tế, vừa viết một bài rất có giá trị, sẽ đăng vào số tháng 8 của tạp chí danh tiếng The American Interest. Xuất bản trong một tạp chí Mỹ, tác giả không đứng trên cương vị của một người Pháp, cũng không đứng trên lợi ích riêng của Âu châu để nhìn thế giới, mà nhìn với mắt của một người phương Tây, cảm nhận với da thịt của phương Tây, the West, nghĩa là của cả Mỹ. Trên lợi ích chung của cả phương Tây như vậy, tác giả thấy số phận của thế giới trong thế kỷ đang còn non trẻ này thế nào ?

            Câu trả lời đến ngay từ câu đầu : thế kỷ mới này không còn là thế kỷ của Mỹ nữa. Có thể sức mạnh của Mỹ vẫn còn lớn, nhưng tính chính đáng của sức mạnh đó đang héo úa, lôi cuốn theo sự suy tàn của uy quyền nơi ngôn từ và mẫu mực của nước Mỹ. Tình trạng này không phải chỉ do chính quyền Bush gây ra mà là hậu quả của một nguyên nhân sâu xa hơn : đó là chiều hướng chối từ Tây phương hoá trong cấu trúc của quyền lực trên thế giới, và qua đó, chối từ, phá huỷ luôn cả cách định nghĩa thông dụng cho đến nay về những đơn vị chính trị cấu thành hệ thống quốc tế. Cho đến nay, những đơn vị đó là quốc gia ; định nghĩa ấy đang bị phá huỷ.

            Khắp nơi, trừ Đông Âu, trừ Israel, và có lẽ trừ Ấn Độ, bài Mỹ đã trở thành thái độ chung của một thế giới không còn chia sẻ với nhau về bất cứ cái gì chung. Khi Liên Xô tan rã, một tác giả đã vội vàng kêu lên, kết luận : "Lịch sử đã chấm dứt" ! Nghĩa là đã chấm dứt với toàn thắng của tự do. Thế kỷ này bắt đầu với khuynh hướng ngược lại : "chấm dứt của ý tưởng đây là thế kỷ của tự do". Tự do bị đe doạ bởi nhiều hiện trạng không lường được hết, nguy hiểm hơn. Dân chủ cũng vậy, vừa thành lập đã trở thành mong manh, chưa thành lập thì khó thành lập hơn trước. Can thiệp bằng vũ lực để xây dựng dân chủ và những giá trị khác của Tây phương khó thành công hơn mươi năm trước đây ; chuyện can thiệp ở Kosovo đã trở thành chuyện đời xưa khó tái diễn. Thế giới nhất cực, thu gọn trong lòng một bàn tay duy nhất của Mỹ, nép dưới uy quyền của một ngọc hoàng  duy nhất, đã trở thành bọt xà phòng, không còn ai chấp nhận. Chuyên chế và vô chính phủ đang rình rập để ngự trị thế giới. Vấn đề đặt ra cho Tây phương ngày nay là : làm sao bảo vệ lợi ích và nguyên tắc của Tây phương, làm sao thăng tiến hoà bình cùng với tự do trong một thế giới mà Tây phương chắc chắn không còn chiếm trọn trung tâm, một thế giới trong đó tính chính đáng của Tây phương bị chống đối, trong đó Tây phương không còn nắm quyền hành động như quan toà hay như nhà giáo dục cho toàn thể ?

            Muốn trả lời, phải phân tích hỗn loạn đang diễn ra như màn kịch thứ ba sau màn kịch Liên Xô tan vỡ và màn kịch khủng bố lộng hành ngày 11 tháng 9. Trên sân khấu, nước Mỹ đang thảm nhục ở Irak ; Âu châu vừa ngẩn ngơ trước thất bại phê chuẩn hiến pháp Liên Hiệp ; ông khổng lồ Trung Quốc vươn vai ngáp một cái chấn động cả vũ trụ ; bộ xương Ấn Độ thoắt biến dạng thành da thịt phì nhiêu ; nước Nga hồi phục làm Tây phương bối rối, không tin chàng mà phải chơi với chàng. Diễn viên xuất sắc nhất hiển nhiên là Mỹ, ai cũng hưng phấn, chỉ ông là xìu lốp, lôi cuốn theo một thế giới vô trật tự.

            Dưới mắt Tây phương, thế giới này trở thành dị biệt, không đồng nhất, đầy mâu thuẫn, ở bên trong các đơn vị chính trị cũng như giữa các đơn vị với nhau. Căng thẳng, liên kết, đối chọi, trước hết là giữa Tây và Nam  giữa nước giàu và nước nghèo  nhưng bây giờ với Trung Quốc và Nga chơi trò trọng tài, không phải chỉ trong Hội Đồng Bảo An, mà còn trong tương quan với Tây phương, vì hai chàng vừa là đối tác bắt buộc, vừa là kẻ cạnh tranh nguy hiểm, vừa là đối thủ thẳng tay trong vài hoàn cảnh. Căng thẳng, liên kết, đối chọi thứ hai là hố sâu tôn giáo bên trong các nước phương Nam, nhất là ở Trung Đông, có thể đưa đến những liên kết mới nếu Mỹ đã biết khôn ngoan lợi dụng thời cơ. Căng thẳng thứ ba là nội chiến đe doạ khắp các lục địa, Á châu, Trung Đông, Phi châu, vì lý do tôn giáo, chủng tộc hay ý thức hệ, những nội chiến mà không ai kiểm soát được nữa, dù là cường quốc hay tổ chức quốc tế.

            Tất cả những biến chuyển đó nâng đỡ, hỗ trợ cho các nước ngoài Tây phương để chống Tây phương và tạo khí thế cho những tập đoàn hoạt động bên trong các quốc gia hay liên quốc gia. Can thiệp của Mỹ vào Irak thổi thêm gió cho chiều hướng đó, Âu châu góp miệng thổi thêm với thất bại phê chuẩn hiến pháp Liên Hiệp, Israel phồng má thổi thêm nữa với thất bại trước lực lượng Hisballah mùa hè 2006. Siêu cường Mỹ tụt từ thượng tầng mục hạ vô nhân xuống hàng mãnh hổ nan địch quần hồ. Làm sao bây giờ ? Rút ra khỏi thế giới này, ngủ khoèo trong pháo đài Bắc Mỹ như trường phái cô lập vẫn hằng chủ trương ? Tất nhiên là không. Nhưng Mỹ không còn kiểm soát được thế giới này nữa, mà Mỹ cũng chẳng hiểu gì thế giới này rồi.

            Đánh nhau với Đức phát xít, với Nhật quân phiệt, với Liên Xô cộng sản, với Trung Quốc Mao-ít, Mỹ chơi ngon. Nhưng Mỹ hết hiểu rồi cái thế giới này với những đe doạ mới, không phải từ những đại cường mà từ những nguy hiểm hỗn mang, không mặt mũi rõ rệt, không biên giới, không chiến tuyến. Địch thủ mới của Mỹ hăng say hơn chính Mỹ, mà vũ lực lại không đến nỗi kém tương xứng lắm. So với thời trước, thế giới này chứng kiến hai địch thủ có bất bình đẳng giữa nhau nhưng không toàn vẹn, có ứng xử hỗ tương với nhau nhưng không hoàn hảo. Tình trạng không hoàn toàn bất bình đẳng, cũng không hoàn toàn hỗ tương đó dễ thấy trong hai lĩnh vực then chốt : chiến tranh và an ninh thế giới, nhất là trong vấn đề phóng nhiễm vũ khí hạt nhân.

            Chiến tranh ngày nay của Mỹ là chiến tranh kỹ thuật, với những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, nhắm chính xác trong việc sử dụng vũ lực, với mục đích không phải để tiêu diệt kẻ thù mà để tiêu diệt ý định của nó. Nhưng đừng tưởng kẻ thù của Mỹ bất bình đẳng trăm phần trăm trước kỹ thuật tối tân kia ! Cứ xem Al Qaeda, Hisballah : quá khích trong hăng say đi đôi với những khí giới đáng khiếp. Những toán người rất nhỏ có thể gây những tổn hại rất lớn cho những đại cường và cho những xã hội kỹ nghệ tân tiến. Không phải dễ dàng đâm được máy bay vào hai toà nhà chọc trời ở New York, chưa biết ai chính xác hơn ai. Và coi chừng, siêu cường biết mà vẫn rơi tõm vào cái bẫy của chiến tranh du kích thành phố.

            Mà cũng đừng tưởng dễ dàng phóng ra chiến tranh phòng ngừa như ông Bush chủ trương. Dội bom, xâm chiếm, Mỹ có thể làm được. Nhưng làm gì nữa sau đó ? Dẫn trẻ con đi học ? Ở lại bao lâu ? Rút ra lúc nào ? Làm sao biện minh được tính chính đáng của chiến tranh khi bị sa lầy ? Làm sao biện minh trước kẻ thù, trước thế giới, trước cả dư luận nội bộ ? Huống hồ sử dụng vũ lực đâu có phải giống nhau trong giai đoạn tấn công và trong giai đoạn xây dựng hoà bình ? Xây dựng không xong, biện minh thế nào ? Hơn lúc nào hết, sử dụng vũ lực trở thành vấn đề chính trị, ngoại giao.

            Trong căng thẳng hạt nhân lại càng vậy. Trước đây, giữa Liên Xô và Mỹ, hai bên hoàn toàn bình đẳng với nhau vì cả hai đều có đủ sức để xoá hẳn văn minh của nhau trên bản đồ, và vì vậy hai bên bắt buộc phải đối xử hỗ tương toàn vẹn trong việc ngăn cấm nhau tấn công trước, nếu không thì chôn xác cả hai. Ngày nay, sự tình không còn như vậy nữa. Thứ nhất, khí giới hạt nhân dễ kiếm hơn trước và khả năng sử dụng không còn ở ngoài tầm tưởng tượng nữa nếu rơi vào tay các vị quá khích coi cái chết của mình  và của thiên hạ  nhẹ hơn lông vịt. Thứ hai, phóng nhiễm khí giới hạt nhân không thể chấm dứt được bởi vì các nước có khí giới hoặc sắp có khí giới ấy sẽ không ai từ bỏ nó. Thứ ba, trật tự hạt nhân do hiệp ước cấm phóng nhiễm lập ra đã mất tính chính đáng, mất lòng tin trước mắt thế giới ngoài Tây phương vì giả dối quá lộ liễu. Giả dối, vì hiệp ước được lập ra khi các nước hạt nhân toàn là các cường quốc Tây phương (Nga cũng là Tây phương về văn hoá), trật tự đó nhắm bảo vệ nguyên trạng ưu thế hạt nhân của phương Tây. Giả dối, vì Mỹ nhắm cả hai mắt khi Israel có khí giới hạt nhân, mà mở mắt trừng trừng khi một nước Hồi giáo muốn có. Mỹ nhắm một mắt thôi khi Ấn Độ và Pakistan nổ bom rồi nhắm cả hai con, mở cửa cho cả hai vào câu lạc bộ hạt nhân. Bất chấp hiệp ước, Mỹ giúp Ấn Độ phát triển hạt nhân, xác nhận đây là một lựa chọn chính trị vượt lên trên tính toán an ninh thế giới. Cuối cùng, thứ tư, những hành động vũ lực phòng ngừa chống lại các nước có khả năng hạt nhân có thể dễ đưa đến hậu quả khốc liệt cho trật tự thế giới và cho vị thế của nước Mỹ và của Tây phương hơn là đưa đến chấm dứt phóng nhiễm. Chính quyền Bush không ngớt lớn tiếng hăm doạ đánh phủ đầu nước đang mang thai trái bom, doạ thay đổi chế độ của nước thù nghịch, can thiệp tại Irak không có hạt nhân mà lại thương thuyết với Bắc Hàn sắp có hạt nhân, thế nghĩa là gì ? Là dạy bài học mà các "nước côn đồ" đang học thuộc lòng : nếu mày muốn tao không can thiệp, hãy trở thành hạt nhân càng nhanh  và càng lặng lẽ  càng tốt. Bush tự đóng gông giam mình trong cái thế tiến thoái lưỡng nan : hoặc tấn công, hoặc nhượng bộ. Thế giới đang cần một thế thứ ba cho trật tự hạt nhân, dựa trên nguyên tắc hỗ tương, vô hiệu hoá địch thủ thay vì trừng phạt, ngăn cấm nhau tấn công ở mức tối thiểu và chỉ tự vệ mà thôi.

            Chính trị và ngoại giao quan trọng và hữu hiệu hơn hăm doạ chiến tranh phòng ngừa. Đánh võ mồm kiểu đó chỉ thúc đẩy dân Iran, dù có người bất đồng với ông tổng thống bảo thủ, đoàn kết với nhau chung quanh ông và chung quanh trái bom, vì tự hào dân tộc, vì phẫn nộ ngôn từ hai lưỡi của Mỹ giữa Iran và Israel. Về kỹ thuật cũng như về quyết tâm chính trị, tình trạng hiện nay là khó cấm Iran bước lên bậc thang hạt nhân. Đối với Iran trong vấn đề hạt nhân này, cũng như đối với các nước độc tài trong vấn đề thay đổi chế độ, "hợp tác hoà bình" và "tấn công hoà hoãn", hai biện pháp đã đưa đến chiến thắng trong chiến tranh lạnh, có thể khôn ngoan hơn, thích nghi hơn, trong tình trạng vô trật tự ngày nay. Chiến lược này không chối bỏ việc sử dụng vũ lực, nhưng phối hợp vũ lực và khéo léo ngoại giao. Nước Mỹ có những tin tưởng vững như núi, và những tin tưởng đó rất hay. Nhưng nghĩ rằng tin tưởng của mình phải là tin tưởng của thế giới dễ đưa nước Mỹ đến chỗ vỡ mộng. Có những thứ tin tưởng có thể trở thành kẻ thù khốc liệt cho sự thật hơn là nói láo. Nên ngẫm nghĩ câu nói đó của Nietzsche.

***

            Trên đây là tóm tắt rất giản lược những ý chính của tác giả Pierre Hassner. Ông nhìn thế giới trên chỗ đứng của một người phương Tây. Ta suy ngẫm cách nhìn của ông, nhưng ta có cách nhìn của ta, của người Việt Nam phải sống trong một khu vực trên đó sự suy yếu của Mỹ là quan tâm của mọi nước lớn nhỏ. Chiến tranh và hoà bình trong khu vực của ta phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa các nước lớn. Tình trạng này gây ra hai điều đáng lo : một, là nếu kẻ này mạnh hơn thì kẻ kia cũng phải mạnh hơn, hoà bình sẽ bị đe doạ ; hai, là kẻ mạnh nhất trong vùng sẽ ngự trị đế vương. Đây là khả năng đang diễn ra trước mắt. Không ai có quyền ngủ yên trước nguy cơ đó. Tìm giải pháp sống còn là trách nhiệm của mọi người, dù là những kẻ trói gà không chặt.

            Trong mục đích đó, Hội thảo Hè, do một nhóm trí thức tổ chức hàng năm với sự tham gia của đồng nghiệp trong nước, cố gắng đóng góp suy nghĩ của mình, dù rất nhỏ mọn. Năm nay, Hội Thảo sẽ tổ chức tại Đại Học Nantes (Pháp) vào hai ngày 23-24 tháng 7, với đề tài : "Phát triển trong thế giới đa cực". Không phải triết gia như Nietzsche, cũng không phải là người Mỹ, chúng tôi ăn nói suy nghĩ một cách quê mùa : không có kẻ thù nào khốc liệt cho sự thật hơn là nói láo. 

Cao Huy Thuần

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us