Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vài suy nghĩ đầu năm về giáo dục

Vài suy nghĩ đầu năm về giáo dục

- Hà Dương Tường — published 10/12/2013 17:40, cập nhật lần cuối 07/04/2014 21:54
Luật đại học, Nghị quyết trung ương về "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo"... và tại sao thủ tướng không nói gì về giáo dục trong "thông điệp đầu năm"

Vài suy nghĩ đầu năm về giáo dục


Hà Dương Tường


Xin nói ngay, đầu năm 2014.

Tháng giêng nào thời tiết cũng đại khái như nhau. Trừ khi ở nam bán cầu và vùng xích đạo, đó là những ngày mùa đông, cũng có khi đẹp trời nhưng phần lớn là lạnh lẽo, ảm đạm. Còn thời tiết chính trị, kinh tế hay xã hội thì thay đổi nhiều hơn, tuỳ ở tình hình khách quan hay chủ quan ở mỗi nước trong năm trước. Do đó mà 2014 khác với 2013, 2012 v.v.

Vậy thì, tình hình giáo dục Việt Nam – chủ đề của bài này - năm qua có gì đáng chú ý ?

1. Trước hết, ngày đầu năm, 1.1.2013 là ngày có hiệu lực của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội ban hành ngày 18.6.2012. Cũng lạ, một bộ Luật trong đó có đủ loại qui định mà bộ Giáo dục và các đại học phải tuân thủ, từ định nghĩa và cơ cấu tổ chức của các cơ sở đại học, nhiệm vụ và quyền hạn của người thầy, tới chương trình đào tạo, học phí và lệ phí tuyển sinh..., lại bắt đầu có hiệu lực hơn ba tháng sau khi năm học đã bắt đầu, khi các trường đã tuyển sinh xong – theo cơ chế khác hoặc chưa được Luật vạch ra -, khi thầy và trò đã đi vào giảng dạy và học tập theo những chương trình đào tạo chưa được xây dựng theo những chuẩn mực, mục tiêu mà Luật đề ra, v .v. Nếu những lề luật cũ mà họ tuân theo không phù hợp với Luật mới thì bỏ đi mấy tháng công sức ấy để bắt đầu lại từ đầu, hay Bộ Giáo dục sẽ nhắm mắt bỏ qua, cho hết năm ? Bộ Luật đã phải trải qua mấy năm trời xây dựng, sao không dành hẳn một năm cho các nhà quản lý, các nhà giáo làm quen (theo từ ngữ hành chính là “tập huấn”) với những qui định mới để mọi sự bắt đầu một cách đường hoàng, minh bạch vào đầu niên khoá sau (2013-2014) ? Có phải vì thế mà tới đầu niên khoá này, cụ thể là ngày 24.10.2013, nghĩa là chỉ hơn một tháng sau ngày khai giảng, thủ tướng chính phủ phải ra một Nghị định “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học” ?

Điều lạ nữa là trong khi Nghị định của Thủ tướng nói rõ các căn cứ theo Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009; cũng như Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; thì bản thân Luật này, trên văn bản chính thức do ông chủ tịch Quốc hội ký, không hề “căn cứ” vào Luật Giáo dục 2005 hay 2009, dù nhiều điều khoản của các luật này nói về giáo dục đại học! Quốc hội sợ rằng một vài điều khoản của Luật Giáo dục đại học có thể mâu thuẫn với Luật Giáo dục (chung), và do đó, sẽ khó áp dụng? Nếu thế, và cứ lần theo các văn bản của Nhà nước mà soi với thực tế thì quả ông chủ tịch quá lo bò trắng răng, xưa nay Nhà nước ta có biết sợ mâu thuẫn, sợ lời nói không đi đôi với việc làm bao giờ. Trong bài viết Giáo dục năm 2013 liệu đã chạm... đáy?, tác giả, TS Dương Xuân Thành, đã kể sơ vài sự kiện mà ông gọi là “bi hài” của ngành GD trong năm, như “trường cao đẳng kiện Thanh tra Bộ, giảng viên trường Kinh tế Quốc dân kiện Bộ trưởng, Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương kiện Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh…”, mà theo ông, một trong các nguyên nhân bất ổn là “một số điều khoản trong luật, các văn bản, quy phạm pháp luật ban hành gầy đây và công tác thanh tra của Bộ”. Bài có nêu một vài ví dụ, ông chủ tịch và những ai quan tâm có thể tìm đọc trên báo Giáo dục Việt Nam mà không sợ lạc sang lề trái. Người viết bài này không phải là người duy nhất nghĩ rằng các bất cập, nếu không muốn nói là sự tuỳ tiện trong việc soạn thảo và ban hành các văn bản luật là một nguồn quan trọng của những bất ổn xảy ra sau đó.

2.  Vẫn nói về văn bản trong ngành giáo dục, năm 2013 cũng được đánh dấu bằng “Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khoá XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, được ông tổng bí thư ĐCS ban hành vào ngày 4.11.2013, ba tuần sau khi Hội nghị trung ương này bế mạc. Một nghị quyết đã được chuẩn bị trong thời gian khá lâu, với nhiều đề án được đưa ra cho các chuyên gia bàn thảo, và có vẻ như một số góp ý của những nhà giáo đã được lắng nghe. Ít ra cho đến ngày thứ nhì của hội nghị (1.10.2013), khi báo Thể thao – Văn hoá đăng một bài viết với nhan đề hấp dẫn “Giáo sư Hoàng Tụy: Đã tìm ra điểm đột phá để phát triển giáo dục”. Bài viết, được Bauxite Việt Nam đăng lại ngày 4.10, có câu hỏi và trả lời sau, đáng được trích nguyên văn... và so với thực tế chỉ vài ngày sau.

* Trong bản Dự thảo Đề án này nêu quan điểm triết lý giáo dục mới . Giáo sư có đồng tình với triết lý này hay không?

- Phần chính của Đề án chủ yếu nói về triết lý giáo dục, nêu quan điểm trong thời đại hiện nay chúng ta phải đào tạo con người như thế nào? Thật ra triết lý giáo dục ấy chúng ta thảo luận trong nhiều năm rồi.. Nói chung bây giờ nhiều người đã đồng thuận rồi. Nghĩa là bây giờ không thể đào tạo con người thụ động mà phải đào tạo con người có tinh thần độc lập, có đầu óc phê phán, trung thực, con người luôn luôn cởi mở với cái mới - có như vậy con người mới sáng tạo được. Triết lý này trong nhiều năm thảo luận còn có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng thì tại Đề án mới nhất đã đồng thuận.

Đề án đã thể hiện rõ nét và kỹ lưỡng về triết lý giáo dục tiến bộ ấy. Đây là vấn đề cơ bản, phải thống nhất trước khi bước vào giải quyết các vấn đề cụ thể khác.

Nếu quả vậy, chả có gì khó hiểu về sự “tán đồng” của nhà giáo khả kính đối với nghị quyết. Nhưng, chỉ khi toàn văn nghị quyết được ban hành (có thể xem tại đây), người ta mới có thể kiểm lại. Tự do học thuật, trong một nền giáo dục khai phóng, đúng như nhà giáo Hoàng Dũng nhận xét trong bài trả lời phỏng vấn của báo Người đô thị ngày 7.11, vẫn còn là một “con đường xa ngái”. Không khó để thấy rằng các cụm từ “tinh thần độc lập”, “đầu óc phê phán” hoàn toàn vắng mặt trong nghị quyết. Còn từ “trung thực” được xuất hiện hai lần, đều chỉ để nói về việc thi cử mà những biểu hiện gian lận đã làm cho xã hội quá bức xúc trong những năm gần đây – và không hề chấm dứt trong năm 2013. Việc Bauxite Việt Nam đăng lại bài của GS Hoàng Tuỵ giữa lúc hội nghị trung ương còn đang bàn thảo có đánh động và làm lùi bước các vị cầm cân nảy mực ở mức cao nhất đối với một đề án mà cấp dưới của họ có thể đã dễ dãi thông qua? Câu hỏi “Ba Đình học” này chỉ có ý nghĩa tương đối. Thực tế là chẳng có triết lý giáo dục “mới” nào được nghị quyết đưa ra, và sự “lãnh đạo của Đảng” vẫn được coi như điều kiện bảo đảm cho sự “đổi mới căn bản, toàn diện” của một nền giáo dục không ngừng xuống dốc, chưa... chạm đáy, như không biết bao nhiêu chứng từ đã đưa ra, trên cả mặt báo chính thống, về những hiện tượng gian dối hay “tiêu cực” trong xã hội liên quan đến trường học, từ cấp mẫu giáo tới đại học – ở cấp cao nhất trong bộ máy là sự sử dụng gần như đại trà các loại bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ dỏm làm cơ hội tiến thân. Bản thân giáo sư Hoàng Tuỵ, trong bài nói chuyện với báo Tuổi Trẻ ngày 17.10.2013, một tuần sau khi nghị quyết được thông qua – tuy chưa công bố -, không còn nói gì nữa về sự tán thành của ông đối với triết lý giáo dục mới trong nghị quyết, đơn giản là từ đề án nó đã bay theo mây khói khi trở thành chính thức, dù ông bộ trưởng có “gửi email báo kết quả và cảm ơn những góp ý (của ông)”. Giáo sư nói thêm với bộ trưởng:

vấn đề quan trọng là phải thực hiện, có một nghị quyết tốt chưa bảo đảm công cuộc chấn hưng giáo dục sẽ được thực hiện thắng lợi. Lấy ví dụ Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng cuối cùng nhiều anh em khoa học nói vui là “quốc sách đầu hàng”. Nếu lần này giáo dục không đổi mới được thì có lẽ không bao giờ người ta còn tin tưởng nền giáo dục này nữa...

3.  Nhân đây, cũng xin góp đôi lời về câu chuyện “quốc sách hàng đầu” này. Nghị quyết TƯ8 cũng nhắc lại “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”. Chắc không cần dài lời về tính đầu môi chót lưỡi của tuyên bố “hoành tráng” này. Chỉ cần nhắc lại đôi ba sự kiện.

Về chất lượng giáo dục phổ thông, trong một buổi giải trình trước quốc hội cuối năm 2012, bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận “Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến từng môn học; không có một tổng chủ biên sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12”. Nhưng, rút “kinh nghiệm xương máu” này, ông lại xin hoãn đến năm 2015 để đổi mới chương trình – sách giáo khoa, trong khi, như nhiều nhà giáo có kinh nghiệm, có uy tín (GS Nguyễn Xuân Hãn, GS Hoàng Tuỵ...) đã nhấn mạnh việc hoàn thành một chương trình giáo dục phổ thông có giá trị lâu dài đã từng được thực hiện trong quá khứ với thời gian và công sức ít hơn nhiều. GS Hoàng Tuỵ cũng nhấn mạnh, trong bài nói chuyện với báo Tuổi Trẻ đã dẫn, “việc đổi mới thi cử nên bắt đầu ngay trong năm 2014 chứ đừng chôn chân đợi 2-3 năm nữa”. Có điều, vấn đề đâu có được coi là quốc sách (chưa nói “hàng đầu”)?

Cũng chưa bao giờ người ta được thấy vị trí của người thầy được coi như một vấn đề “quốc sách” - ngoài cam kết năm 2008 của ngài bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, rằng “năm 2010 các nhà giáo sẽ sống được bằng lương”, cam kết về một chính sách thuộc một lĩnh vực mà trách nhiệm hiển nhiên thuộc về chính phủ chứ không chỉ là của một bộ. Năm 2010 trôi qua đã bốn năm nay... Năm 2013, sau những kết quả khả quan về công tác chống gà nhập lậu, ông Nhân được “kick up” lên Bộ chính trị, đồng thời ra khỏi chính phủ để về làm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc... Còn việc bổ nhiệm một uỷ viên bộ chính trị thực sự có... vị thế chính trị (ngang hàng chứ chưa nói trên cấp so với các uỷ viên phụ trách quốc phòng, công an, thậm chí tuyên giáo chẳng hạn) vào chức vụ bộ trưởng bộ Giáo dục thì chắc phải đợi đến... tết Congo?

Và, đối với những ai còn nghi ngờ về tính chất “quốc sách hàng đầu” này của giáo dục, chỉ xin thêm một thông tin cuối: “giáo dục” là một cụm từ mà đố bạn tìm được trong bản Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một văn bản thuộc hàng “hot” nhất trên báo chí chính thống cũng như trên mạng trong tháng giêng này.

Người viết này đã từng phát biểu ý kiến rằng chính sự can thiệp quá sâu của Đảng vào nền giáo dục mới là nguyên nhân sâu xa nhất của sự xuống cấp không phanh, không đáy của nó. Tình hình thực tế cho thấy, sự thế tục hoá giáo dục hơn bao giờ hết là một yêu cầu cấp bách để đưa giáo dục vào quỹ đạo của nó, phù hợp với triết lý mà lẽ ra nó phải có như GS Hoàng Tuỵ đã nhắc sơ trên kia. Nhưng, hội nghị trung ương 8 họp vào đầu tháng 10.2013 khi những khuynh hướng “sửa đổi như cũ” những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp 1992 đã được khẳng định (qua những tuyên bố gang thép của ông tổng bí thư về các biểu hiện “suy thoái” tư tưởng), chỉ còn chờ được chính thức thông qua, nghị quyết của hội nghị về “đổi mới” giáo dục còn có thể làm gì khác ngoài việc áp dụng “điều 4” vào lĩnh vực này? Ít ra là tạm thời, mọi sự đã an bài. Có phải vì thế mà thủ tướng, với hơn 50 năm kinh nghiệm công tác "theo sự phân công của Đảng", không nói một câu, một chữ nào về lĩnh vực mà ông thừa biết rằng chỉ là “quốc sách hàng đầu” dỏm này trong Thông điệp đầu năm của mình? Câu trả lời, một lần nữa xin nhường cho các chuyên gia về thâm cung bí sử.

Đầu năm mới, đọc lại một vài thông tin, vài văn bản liên quan tới chủ đề này, lại phải nói ra một vài ý cũ, chẳng vui gì, mong được bạn đọc lượng thứ.

HDT

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us