Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vấn nạn giao thông

Vấn nạn giao thông

- Hoà Vân — published 08/01/2007 15:06, cập nhật lần cuối 13/03/2007 21:47
Trong 11 tháng đầu năm nay, có hơn 11 000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Việt Nam. Người ta chờ đợi các nhà hữu trách đưa ra những biện pháp tổng hợp các khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, và cả văn hoá, với một lộ trình cụ thể để tăng cường trật tự kỷ cương trong giao thông đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển ngày càng cao của nền kinh tế và của xã hội. Thay vào đó, vẫn chỉ là những lời kêu gọi, những biện pháp duy ý chí...

   
Vấn nạn giao thông

   

Hoà Vân

   

Tình trạng mất an toàn giao thông ở Việt Nam có lẽ chưa bao giờ tệ hại như trong tháng 12 vừa qua, làm dấy động dư luận. Mở đầu là vụ một chiếc môtô đâm vào giáo sư Papert ngày 5.12, làm vị giáo sư nổi tiếng này bị ngã xuống, hôn mê bất tỉnh, tới nay tuy đã được mang về Mỹ điều trị nhưng chưa biết có qua khỏi được không. Giáo sư Seymour Papert, thuộc viện Công nghệ Massachussetts (MIT), năm nay 78 tuổi, chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, sang Việt Nam cùng với hơn 100 chuyên gia từ 30 nước để tham dự một hội nghị về giảng dạy toán học bằng công nghệ số diễn ra đầu tháng 12 ở Hà Nội. Tin vị khách mời nổi tiếng bị xe đâm lúc đang qua đường chưa làm người dân hết bàng hoàng, thì một tai nạn thứ hai mấy ngày sau (9.12) đã cướp đi sinh mạng của giáo sư Nguyễn Văn Đạo, cũng vì bị xe máy tông vào lúc đang đi bộ sang đường.

Theo báo Nhân Dân ngày 5.1.2007, trong tháng 12 vừa qua, tại Hà Nội đã xảy ra 98 vụ tai nạn giao thông, tăng 35 vụ so với tháng trước; làm 56 người chết, tăng 20 người; 61 người bị thương, tăng 26 người.

Trong số 54 vụ tai nạn nặng thì 15 vụ do ô-tô gây ra, 28 vụ do mô-tô gây ra, 11 vụ do người đi bộ qua đường thiếu thận trọng gây ra. Tuyến quốc lộ 3 xảy ra nhiều tai nạn nhất với 6 vụ... Chỉ trong 11 ngày cuối năm 2006, cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý 10.512 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, phạt tiền 633 triệu đồng...

Còn theo thống kê của uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), 11 tháng đầu năm 2006 đã xảy ra 13.253 vụ tai nạn giao thông trên cả nước, làm chết 11.489 người, bị thương 10.213 người, số người bị chết vì tai nạn giao thông đường bộ tính trên 10.000 phương tiện cơ giới đường bộ là : 6,6 người ; so với 11 tháng đầu năm 2005 tăng 47 vụ (tăng 3,91%), tăng 945 người chết (tăng 8,96%). Trong đó, các trường hợp vi phạm tốc độ chiếm tỷ lệ cao nhất 37,8% và độ tuổi gây tai nạn giao thông chủ yếu từ 16- tới 24, chiếm 34,4%. Đáng nói là có trên 73% số vụ tai nạn giao thông xảy ra do người tham gia giao thông bằng xe gắn máy gây ra, trong đó có 36% chạy quá tốc độ quy định.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng– bộ trưởng bộ Giao thông vận tải (GT-VT), chủ tịch uỷ ban ATGTQG, nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông là do trong năm 2006, phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy tăng nhanh so với tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã đăng ký mới hơn 2 triệu phương tiện xe cơ giới đồng bộ, trong đó có 74.000 xe ô tô và 2 triệu 300 ngàn xe gắn máy, nâng tổng số phương tiện cơ giới lên trên 19 triệu xe các loại. Tuy nhiên, hiển nhiên là lời giải thích đó của ông bộ trưởng chỉ là một cách đùn đẩy trách nhiệm, chẳng biết cho ai, trong khi trách nhiệm của bộ GT-VT phải chăng chính là, trên cơ sở những nghiên cứu khách quan, khoa học, mà mình là người đặt hàng, đưa ra những dự đoán chính xác nhất có thể về nhu cầu phát triển giao thông của nền kinh tế (chuyên chở hàng hoá) và của xã hội (việc đi lại của người dân), từ đó đề ra chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hợp lý để vừa đáp ứng vừa hướng nhu cầu đó vào những phương tiện hữu hiệu, ít tốn kém cho nền kinh tế, ít khả năng xảy ra tai nạn nhất. Rồi phối hợp (trong uỷ ban ATGTQG) với cảnh sát giao thông, với các phương tiện truyền thông v.v., để đề ra những biện pháp hữu hiệu nhất trong việc điều khiển hệ thống giao thông, tuyên truyền và hướng dẫn (kể cả bằng những biện pháp chế tài) người dân sử dụng phương tiện giao thông vừa đúng luật pháp, nghĩa là ít khả năng gây ra tai nạn nhất, vừa hợp lý và có lợi cho họ nhất (chẳng hạn như tăng phí bảo hiểm cho những người gây ra tai nạn)...

Vấn đề hiển nhiên không dễ. Nhưng khi phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đưa ra (trong hội nghị an toàn giao thông toàn quốc ngày 21.12 vừa qua tại TP HCM) 6 vấn đề lớn cần giải quyết để khắc phục vấn đề trật tự an toàn giao thông (TTATGT) « một cách căn bản và hiệu quả », đáng tiếc là người ta vẫn chỉ thấy những biện pháp duy ý chí (*), hẳn sẽ có chút hiệu quả ngắn hạn nếu được thi hành nghiêm chỉnh, song thật khó tin là sẽ giải quyết được vấn đề « một cách căn bản và hiệu quả », khi hoàn toàn vắng bóng một chiến lược và một lộ trình, với những tính toán kinh tế - kỹ thuật nghiêm túc, để giải quyết các vấn đề về hạ tầng cơ sở của giao thông mà chính ông bộ trưởng GT-VT đã nêu ra.
     

« Văn hoá giao thông »

   

Một vấn đề được báo chí trong nước nêu ra nhiều trong thời gian qua là sự thiếu tôn trọng luật pháp và tôn trọng người khác của người Việt Nam khi điều khiển một phương tiện giao thông. Người viết bài này, trong tháng 12, đã nhiều lần rùng mình khi phải qua đường ở Hà Nội, dù là sau khi đã đợi đèn dành cho người đi bộ bật xanh. Hàng chục chiếc xe gắn máy dù thấy đèn đỏ vẫn không hề tỏ ra muốn ngừng xe, chỉ giảm chút ít tốc độ, rồi lượn lách tránh người sang đường. Tai nạn quá dễ xảy ra nếu trong tích tắc lượn lách ấy, người lái xe chủ quan với sự khéo léo của mình, tính sai quỹ đạo xe dù chỉ nửa mét... Nhiều tờ báo đã ra hẳn chuyên đề với nhiều bài viết chống thái độ « lái nhanh, vượt ẩu » của những người lái phần lớn là trong tuổi đời còn rất trẻ.

Hiển nhiên, điều này gắn với vấn đề văn hoá ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, cũng như chuyện gian dối trong thi cử, hay chuyện các « tin tặc » dùng thẻ ngân hàng « chùa » mà không cảm thấy đó là một hành vi ăn cắp - không hơn không kém. Tác giả Trần Đức Nguyên, trên Tuổi Trẻ mạng ngày 20.12, có lý khi nêu ra : « Phải chăng cần phải đặt vấn đề thực hiện Luật giao thông ở tầm văn hóa, gây ý thức và dư luận xã hội coi mọi hành vi cố tình vi phạm Luật giao thông là thiếu văn hóa, đáng hổ thẹn? ».

Còn nhà văn Thanh Thảo trong bài « Làm sao để có văn hoá giao thông ? » đăng trên báo điện tử Tổ Quốc (của bộ Văn hoá – Thông tin) ngày 1.1.2007 và báo Thanh Niên cùng ngày thì mượn ý của một bài thơ khóc cố giáo sư Nguyễn Văn Đạo để gọi thẳng thủ phạm gây ra các vụ tai nạn thương tâm kia là « sự hung bạo ». Thanh Thảo phân tích tiếp nguồn gốc theo ông có từ rất lâu, rất xa của « sự hung bạo » đó : " Sau chiến tranh, chúng ta đã phải sống một thời gian khá dài trong sự ức chế xã hội. Sự ức chế “tập thể” này dẫn tới những ức chế cá nhân biểu hiện ra bằng rất nhiều kiểu nhiều cách. Từ chỗ hô hào “làm chủ tập thể” mà không ai thực sự làm chủ, kể cả làm chủ bản thân mình, đã dẫn tới những biểu hiện “vô chính phủ” trên đường. Mạnh ai nấy đi, bất chấp luật lệ, bất chấp người đồng hành. Và mỗi khi có va quệt, đụng độ là lập tức “văn hoá ga Hàng Cỏ” sẽ cất tiếng ! " (**)

Kinh nghiệm cũng cho thấy, những khẩu hiệu tuyên truyền treo, dán, nhan nhản trên đường phố, nhiều khi được lập đi lập lại trên các phương tiện truyền thông của nhà nước, chẳng có mảy may tác động tới người dân - nếu không nói là tác động ngược lại, khi hành động của chính những người cầm quyền rất hay trái với những điều mà họ muốn nhân dân tuân thủ đó. "Văn hoá giao thông" thật ra trước hết là sự tôn trọng luật giao thông. Song uỷ ban ATGTQG đã có những nghiên cứu, thống kê nào cho thấy sự thi hành luật có chỗ nào là vướng mắc (điều luật nào chưa hợp lý khiến người dân khó tuân theo, điều nào chưa giúp người dân dễ giải quyết với nhau những đụng độ ?), chỗ nào là do chính những bộ phận công quyền chưa áp dụng nghiêm chỉnh, tại sao..., để dần dần vừa tăng cường sự tuân thủ luật pháp, vừa điều chỉnh những bất hợp lý để luật có hiệu lực hơn ? Thay vì chỉ là những tuyên truyền, kêu gọi, ít hiệu quả và rất mau rơi vào quên lãng.

Đáng tiếc là cũng như đối với các khía cạnh kinh tế - kỹ thuật, trong khía cạnh văn hoá các nhà trách nhiệm giao thông cũng không đề ra được một giải pháp khả thi nào nhằm góp phần làm giảm mạnh tai nạn giao thông.

Hoà Vân


(*) Theo Thông tấn xã VN, 6 « vấn đề lớn » đó là : Kiên quyết bảo đảm tuyệt đối hành lang an toàn giao thông; Tất cả các phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo chất lượng an toàn phải đình chỉ hoạt động; Người điều khiển giao thông không đủ trình độ, tiêu chuẩn như (không có bằng lái, uống rượu bia…) không được tham gia điều khiển phương tiện giao thông; Các bộ, ngành, địa phương, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT cho nhân dân để nâng cao ý thức trách nhiệm cho người tham gia giao thông; Xác định rõ chế độ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc đảm bảo TTATGT. Nơi nào cấp ủy không thường xuyên kiểm tra, để xảy ra tình trạng mất an toàn trật tự giao thông sẽ phải chịu trách nhiệm cụ thể; Nâng cao trách nhiệm xã hội đối với vấn đề TTATGT trong từng tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, đoàn thể và nhân dân.

Đâu là tầm nhìn về sự phát triển giao thông của đất nước ?

(**) Có thể tranh cãi về phân tích đó, song thật đáng tiếc là báo Thanh Niên đã thấy phải kiểm duyệt bỏ nó đi. Nếu không có dũng cảm nêu ra gốc rễ của rất nhiều ứng xử vô văn hoá đang diễn ra hàng ngày, liệu có bao giờ xã hội giải quyết được những tệ nạn mà chúng gây ra, trong đó tai nạn giao thông chỉ là một khía cạnh ?

   

Một số bài báo liên hệ

Hà Nội sẽ thực hiện một số giải pháp mạnh để hạn chế tai nạn giao thông : http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=52&article=83583

Giải pháp tổng thể cho bài toán an toàn giao thông :  http://vietnamnet.vn/baylenvietnam/suaminh/2007/01/649739/

Cam kết nào về cải cách giao thông đô thị? :  http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=179163&ChannelID=87

Báo động đỏ giao thông Hà Nội  : http://www.hanoimoi.com.vn/vn/41/114924/

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us