Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Về bài "giải thưởng toán học, cay đắng và thất vọng"

Về bài "giải thưởng toán học, cay đắng và thất vọng"

- Hà Dương Tường — published 07/03/2012 23:00, cập nhật lần cuối 08/03/2012 00:27

Một vài vấn đề trong bài « Giải thưởng toán học, cay đắng và thất vọng » của Đặng Đình Cung


Hà Dương Tường


Phải nói là chúng tôi đã thực sự phân vân khi đọc bài báo này. Những lập luận của tác giả khi bàn về khoa học và nghiên cứu khoa học quá kéo về trải nghiệm riêng của mình để có thể mang ra tranh cãi. Nhưng mặt khác, nó chứa đựng nhiều khẳng định dễ dẫn đến ngộ nhận, nhất là khi tác giả là một tên tuổi đã được biết đến qua nhiều bài viết đã đăng trên mặt báo này, về nhiều vấn đề dính tới các chính sách công nghệ của Việt Nam. Và khi đối tượng của sự "thất vọng" mà ông nêu trong bài lại dính tới Ngô Bảo Châu, một tên tuổi lẫy lừng của khoa học Việt Nam đồng thời là một đối tượng của rất, rất nhiều bàn cãi trên mọi phương tiện truyền thông của đất nước khốn khổ này, chỉ từ một vài tuyên bố của anh... Người nổi tiếng phải chịu sự săm soi, bình phẩm nhiều khi quá đáng, nhiều khi vô lý của xã hội, nhất là một xã hội có quá nhiều dị dạng như xã hội Việt Nam hiện nay - dị dạng do sự kết hợp giữa một thể chế cực kỳ độc tài và phản tiến bộ, với một mặt bằng dân trí tiền công nghiệp - cũng là điều bình thường. Nhưng phải chăng, chính vì thế mà chúng ta cần cẩn trọng hơn để không tiếp tay cho những luận điểm đầy cảm tính đã có quá nhiều ?

Trao đổi giữa vài anh em trong ban biên tập đi tới quyết định : cứ nên đăng bài, nhưng cũng nên có một bài « phản biện » ít ra là về vài vấn đề liên quan tới khoa học và chính sách khoa học. Tuy nhiên, dưới đây là những ý kiến cá nhân, mà người ký chịu trách nhiệm – nhất là những sai lầm, thiếu sót. Những đoạn in màu xanh lục, chữ đậm là trích từ bài « giải thưởng toán học » của anh Đặng Đình Cung.

1. Về toán học

Đặng Đình Cung định nghĩa "Toán học là một số kiến thức về lý luận logic dựa trên những số, hình, kết cấu và phép biến đổi những đối tượng đó." (đoạn in nghiêng do tôi nhấn mạnh).

Đó là một định nghĩa quá ngắn để có thể phản ánh trung thực hoạt động của toán học. Ở đây có hai vấn đề: i/ về lý luận, đẩy tới tận cùng, có thể dựa trên một số định đề (phản ánh sự thực quan sát được về những số, hình, kết cấu và phép biến đổi những đối tượng đó) và những nguyên tắc lý luận logic để bao quát hết toán học? Câu trả lời là không, từ khi Godel chứng minh định lý bất toàn của mình. ii/ về thực tiễn, có thể nói hầu hết các nhà toán học làm việc trên những đối tượng toán mình chọn (số học, đại số, hình học, giải tích, topo học, xác suất, thống kê,… cụ thể là một đề tài thuộc về hoặc liên quan tới một hay nhiều chuyên ngành kể trên) với tương đối ít "kiến thức về lý luận logic". Chính những cấu trúc bí ẩn (có người nói cái đẹp) của các đối tượng đó, hoặc những hệ luận có thể phỏng đoán nhưng chưa được chứng minh của những cấu trúc phức tạp, hay những ứng dụng mới của những kết quả toán học đã biết... mới là mục tiêu cụ thể của họ. Những định lý mới mà họ chứng minh được phần lớn là do tìm ra những mối liên kết sâu xa giữa những đối tượng toán học ấy với nhau hoặc với một ngành khoa học khác, chứ ít khi là do vận dụng những kiến thức logic mới.

Nhưng bài này không có mục tiêu tranh cãi về thế nào là toán học. Bản thân người viết dù đã nhiều năm trong nghề cũng chỉ có thể nói một phần rất nhỏ về toán học, như một người mù sờ voi, nên khá ngạc nhiên trước một định nghĩa "ngon lành" như trên.


2. Về VIASM, Khoa học cơ bản và ứng dụng

 
a/Cắt hơn 650 tỷ đồng cho VIASM mà chỉ đòi hỏi chung chung, tăng tỷ lệ giảng viên toán có bằng tiến sĩ ở các trường đại học lớn lên 70 %, tăng số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010 và đưa vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế lên hàng thứ 40 là một quyết định kỳ dị. Người thì nói rằng số tiền đó quá lớn, kẻ thì nói là không đủ Đầu tư mà không có định hướng thì một xu cũng đã là phí phạm rồi.

– Ở đây, rất tiếc là tác giả, một người mà nghề nghiệp đòi hỏi thận trọng với những con số, lại mất đi sự thận trọng đó khi không đọc kỹ những văn bản gốc mà chỉ đọc các phát biểu rất cảm tính của nhiều người vốn có ác cảm với toán học và/hay với Ngô Bảo Châu. Nếu đọc kỹ, anh sẽ thấy rằng con số 651 tỉ đồng là dự toán của chính phủ cho một “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học – giai đoạn 2010-2020”, trong đó Viện Toán Cao cấp (VIASM) chỉ là một phần. Một số nội dung khác của Chương trình, như “Cử cán bộ nghiên cứu-giảng dạy toán đi đào tạo nâng cao... ở nước ngoài”, “Hỗ trợ một số đề tài nghiên cứu ứng dụng Toán học trọng điểm với kinh phí đủ cao”, có thể hiểu là không thuộc ngân sách của Viện này. Truy thêm từ website của Viện, có bản “thuyết minh chi tiết” của bộ Giáo dục về Chương trình trọng điểm nói trên, trong đó người ta sẽ thấy lại con số 651 tỉ cho toàn chương trình và 341 tỉ cho riêng VIASM. Có thể nói rằng như thế vẫn là nhiều, nhưng khi anh không tôn trọng sự chính xác ở chỗ dễ kiểm như thế thì ai tin anh tôn trọng nó ở chỗ khác?

– Việc nhà nước đưa ra cái mục tiêu số lượng “tăng tỷ lệ giảng viên toán có bằng tiến sĩ ở các trường đại học lớn lên 70 %, tăng số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010 và đưa vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế lên hàng thứ 40", như anh nói, là rất đáng trách. Nó phản ánh cái tư duy thành tích mà chính ông phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hồi còn làm bộ trưởng Giáo Dục đã từng to tiếng (to tiếng chứ không có biện pháp thực chất nào) chống lại. Nhưng tôi nghĩ cần trách đúng chỗ ấy – và cũng có thể trách thêm cái định hướng sai, thiếu đồng bộ, khi chỉ đầu tư cho toán mà không nói gì tới các ngành cơ bản và ứng dụng khác, nhưng đó là một chuyện khác. Còn thì, đầu tư cho khoa học cơ bản (ở đây là toán học) không thể gọi là đầu tư “không định hướng” (hay là anh muốn “định hướng” cụ thể tới từng chi tiết các kết quả mong đợi của nghiên cứu?). Ông Nguyễn Thiện Nhân cần bảo các nhà toán học phải nghiên cứu về bổ đề Langlands hay giả thuyết Poincaré mới là “định hướng” cho họ?

Thật ra, cần chỉ ra rằng ý đồ của chính phủ ông Dũng, ông Nhân khi cho tiền thành lập VIASM chẳng tốt đẹp gì. Họ muốn lợi dụng cái giải Fields của Ngô Bảo Châu để được thơm lây chứ họ chẳng thiết tha gì tới khoa học (cả ứng dụng lẫn cơ bản), như toàn bộ các chính sách, đối xử của họ đối với trí thức cho thấy. Còn bản thân cái VIASM, nó cũng chẳng ngốn bao nhiêu ngân sách (nên nhớ, cho 10 năm) như nhiều người đã chỉ ra, với những so sánh cả với nước ngoài và với các chi tiêu khác trong nước (xem chẳng hạn bài viết của giáo sư Phùng Hồ Hải trên tạp chí Tia Sáng), và nếu nó thành công thì cũng sẽ là một kinh nghiệm tốt cho các ngành khoa học khác, cả tự nhiên và xã hội.

b/ "Số lượng tiến sĩ và công trình công bố quốc tế đâu phải là chỉ báo của sức mạnh khoa học - kỹ thuật của một quốc gia hay của một trung tâm NCKHKT. Quan trọng là những tiến sĩ đó và những công trình đó có gắn bó chặt chẽ với ý đồ phát triển khoa học - kỹ thuật của quốc gia đó hay không."

– Dĩ nhiên, nếu phần lớn hay khá lớn tiến sĩ chỉ là tiến sĩ dỏm thì con số các ông nghè đó không phải là chỉ báo của sức mạnh khoa học của quốc gia. Có thể nói rằng ngược lại là đằng khác, vì trong trường hợp đó tình trạng gian dối đã thành phổ biến tới mức không thể không nghi ngờ là nó đã huỷ hoại tới nền tảng ngôi nhà khoa học và giáo dục của quốc gia đó. Còn như, trong một tình trạng bình thường, khi các con số có ý nghĩa trung thực của chúng, thì con số tiến sĩ và tương quan với nó, số lượng công trình công bố quốc tế tuy không phải là một thước đo hoàn chỉnh nhưng vẫn là những số liệu thuộc loại khả tín nhất để đo sức mạnh khoa học của quốc gia đó. Còn như, nếu một quốc gia có lực lượng đủ mạnh trong một ngành khoa học nào đó nhưng chính phủ của nó lại không biết sử dụng vào những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội (bằng những chính sách, những hướng đầu tư khuyến khích hợp lý) thì đó là chuyện của chính phủ nước đó, chứ đâu có thể vì thế mà phủ nhận những kết quả được quốc tế thừa nhận ? Quỹ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản NAFOSTED đã phải vượt qua bao nhiêu rào cản bảo thủ để hình thành mới 2,3 năm nay, phải chăng nên bỏ đi, và khoa học Việt Nam nên trở lại thời kỳ đóng cửa « ta với ta » ?

c/ "Nhưng chúng tôi trách chính phủ đã không hướng dẫn du học sinh Ngô Bảo Châu đến những đề tài liên quan trực tiếp tới bát cơm manh áo của người dân Việt Nam (...) Nhưng một chính phủ, nhất là chính phủ một nước nghèo như nước ta, đâu có thể để cho một sinh viên đi du học mà lại không nhắn em đó nên học gì, nên nghiên cứu gì cho thích hợp với kế hoạch NCKHKT của chính-phủ"

– Tôi thực tình ngạc nhiên khi đọc những hàng chữ trên. Chính sách khoa học dài hạn của quốc gia đâu có giống như chiến lược của một công ty kinh doanh, dù lớn? Thế nào là một « đề tài liên quan trực tiếp tới bát cơm manh áo của người dân », và học đến cỡ nào thì đủ cho đề tài ấy ? Phải chăng, trong số hàng chục nghìn sinh viên du học, không nên có bất kỳ một người nào theo đuổi một ngành nghiên cứu khoa học cơ bản (chưa nói khoa học xã hội và nhân văn) ? Và bộ Giáo dục cần có chỉ thị hướng dẫn từng sinh viên du học về học tập, nghiên cứu sao cho « thích hợp với kế hoạch NCKHKT của chính phủ » ? (kế hoạch 1 năm, 2 năm hay 5 năm ? 10 năm ?). Sinh viên du học tự túc hay có học bổng nước ngoài cũng vậy, anh muốn học gì ngoài kế hoạch đó thì miễn đi, ở nhà làm việc khác « có ích hơn » ? Văn hoá ư : vô ích ! Nghệ thuật : vô ích ! Những giấc mơ của tuổi trẻ : mất thì giờ, chả có gì « liên quan trực tiếp tới bát cơm manh áo » của người dân cả ! Chưa kể tính bất khả thi của những « hướng dẫn » sát sườn tới từng du học sinh như thế, cần nói thẳng, đó là cách tốt nhất để triệt tiêu những khao khát học tập, những ước vọng phát triển năng khiếu của mỗi người tới mức xa nhất có thể, và rồi, lâu dài là triệt tiêu mọi khả năng phát triển của dân tộc.

Đừng nói khoa học cơ bản, liệu « khoa học ứng dụng » có thể phát triển trong kiểu "kế hoạch hoá" nhân lực duy ý chí, chỉ đặt nặng mục tiêu kinh tế (thường rất chủ quan!) và coi nhẹ yếu tố con người như thế ? 

Hà Dương Tường


   

Vài hàng tái bút. Bài này tác giả rút xuống để chỉnh sửa lại vài câu không rõ ý, 15 phút sau khi đã xuất bản. Nhân thể, xin nói thêm điều này sau khi nhận được góp ý của một người đọc : Đoạn c/ trên đây không có nghĩa là tác giả chống lại mọi chính sách nhằm vào sự phân bổ một cách tương đối hài hoà luồng sinh viên được cử đi du học nước ngoài. Nhưng một chính sách như thế không thể là sự "hướng dẫn" mỗi sinh viên phải học ngành gì, bất chấp năng khiếu riêng của bạn ấy ra sao. Còn chính sách ấy nên như thế nào lại là một đề tài khác, xin không bàn ở đây.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us