Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Việt Nam đang ở đâu ?

Việt Nam đang ở đâu ?

- Đào Như — published 29/12/2007 12:57, cập nhật lần cuối 29/12/2007 13:44
Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta phải nhìn lại lịch sử của ta. Vì trách nhiệm với hiện tình đất nước, với hậu thế, phải công bằng với lịch sử, với những ai đã nằm xuống vì tiền đồ của tổ quốc, nhìn-lại-lịch-sử của ta phải trung thực. Sau hơn 32 năm Thống Nhất và sau 27 năm Đổi Mới, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, Việt Nam đã nhìn ra Thế giới như thế nào ? Thế giới nhìn vào Việt Nam như thế nào ? Việt Nam Đang Ở Đâu trong cộng đồng nhân loại ?


Việt Nam đang ở đâu ?


Đào Như


Xuyên suốt qua hơn hai ngàn năm dựng nước, giữ nước, mãi đến đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt, Việt Nam lần đầu tiên nói lên tiếng nói của mình tại diễn đàn quốc tế với tư cách một quốc gia thống nhất, một dân tộc độc lập, tự do, bình đẳng! Trong lịch sử Việt Nam và lịch sử Thế giới, đây là lần đầu tiên vị lãnh đạo Việt Nam, từ diễn đàn quốc tế, gửi đến thế giới thông điệp nói lên những nhận định của chính phủ và nhân dân Việt Nam về chân giá trị của nhân loại hiện tại, đồng thời cùng những băn khoăn, bức xúc của Việt Nam trước sự tồn tại của những tệ nạn có tính cách toàn cầu của thế giới hôm nay! Trong thông điệp gửi đến cộng đồng nhân loại nhân dịp Đại Hội lần thứ sáu mươi hai của tổ chức Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi thế giới :

“ Thưa quí vị,

Khi nhân loại bước sang thiên niên kỷ mới, các dân tộc kỳ vọng về một thế giới yên bình hơn, một mối quan hệ quốc tế hữu nghị và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Gần một thập kỷ qua, niềm hy vọng ấy chưa trở thành hiện thực, chúng ta vẫn phải sống trong thế giới tuy có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đầy nghịch cảnh thách thức.

(…) chúng ta đã phải chứng kiến không ít cuộc chiến tranh xung đột cục bộ, nạn khủng bố quốc tế và sự tiếp diễn chạy đua vũ trang, kể cả vũ khí hạt nhân.

Nhờ những thành tựu kỳ diệu về khoa học và công nghệ, cuộc sống con người càng ngày càng được cải thiện. Song vẫn còn thực trạng đau lòng là khoảng cách về mức sống của các quốc gia và các tầng lớp dân cư càng sâu rộng thêm; trên hành tinh vẫn còn một tỷ người sống nghèo khổ cùng cực. Đồng thời cũng nảy sinh ra nhiều vấn đề bức bách mang tính cách toàn cầu, trong đó dịch bịnh môi trường và thay đổi khí hậu đang là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống con người.

(…) vẫn còn không ít những biểu hiện đối đầu căng thẳng, đơn phương áp đặt xâm phạm độc lập và chủ quyền quốc gia, sự bất bình đẳng và đối xử không công bằng trong quan hệ quốc tế.

(…) Việt Nam hoàn toàn chia sẻ những định hướng hoạt động của LHQ về hòa bình, an ninh hợp tác phát triển được đề ra trong các hội nghị cấp cao năm 2000 và 2005.

(…)

Xuất phát từ mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào những hoạt động của cộng đồng quốc tế, từ năm 1997 Việt Nam đã chính thức ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của HĐBA-LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

(…)

Được bầu vào cương vị này Việt Nam sẽ quán triệt tôn chỉ, mục đích và các nguyên tắc đề ra trong hiến chương LHQ (…) Việt Nam sẽ là luôn luôn một thành viên tích cực, xây dựng hợp tác có trách nhiệm trong đời sống quốc tế… ” 1.

Là người Việt, dù ở bất cứ xu thế chính trị nào, ai cũng nức lòng khi nghe lời hiệu triệu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng! Lần đầu tiên Việt Nam bước ra ngoài góp mặt với thế giới, chia sẻ trách nhiệm cùng nhân loại để xây dựng một công đồng nhân loại tốt đẹp hơn, công bằng, văn minh, tiến bộ hơn! Với quyết tâm này, ngay trong ngày tái nhậm chức, 2 tháng 8 năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các Thành viên Nội các mới của ông: “ Khẩn trương chuẩn bị bước vào thực hiện chiến lược phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, tiến cùng thời đại và trở thành một nước công nghiệp theo chiều hướng hiện đại ” 2 ! Có phải chăng Thủ tướng Dũng đang nắm chắc thời cơ “ đưa thuyền ra biển lớn ”, đưa Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, tích cực góp sức cùng LHQ xây dựng một công đồng nhân loại? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa đất nước dấn thân vào “ Toàn Cầu Hoá ”, đưa cả nước vào cuộc chiến mới, cuộc chiến Kinh tế, Tín học Công nghệ. Có phải chăng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nội các của ông đang thách thức lịch sử ? Việt nam có kham nổi những va siết với thế giới ? Việt Nam có khả năng đáp ứng trọn vẹn với những gì mà Thủ tướng Dũng đã hứa cùng thế giới ?

 

Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta phải nhìn lại lịch sử của ta. Vì trách nhiệm với hiện tình đất nước, với hậu thế, phải công bằng với lịch sử, với những ai đã nằm xuống vì tiền đồ của tổ quốc, nhìn-lại-lịch-sử của ta phải trung thực. Sau hơn 32 năm Thống Nhất và sau 27 năm Đổi Mới, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, Việt Nam đã nhìn ra Thế giới như thế nào ? Thế giới nhìn vào Việt Nam như thế nào ? Việt Nam Đang Ở Đâu trong cộng đồng nhân loại ? Đó là câu hỏi đang vây khốn lòng yêu nước và niềm tự hào về dân tộc của ta… Chúng ta hãy lấy hết can đảm nhìn vào bản thống kê sau đây trích từ trong bài “ Việt Nam Thành Công Ra Sao ? ” của GS. Trần Văn Hiển, đăng trên BBC Việt Nam ngày 24/04/2007 (*):

– Về Kinh tế VN đang ở hạng 80/100
– Về Môi trường VN đang ở hạng 91/100
– Về Nhân quyền VN đang ở hạng 74/100
– Nội an, công bằng xã hội, và ngoại an còn nhiều bất ổn cần phải giải quyết…”

Chuyên về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, cũng theo TS. Trần Văn Hiển trong bài "giấc mơ Đại Việt", BBC Việt Nam ngày 16/06/2007  (*) :


VN đang ở hạng 

Chú thích

GDP (per capita)

80/100

Thu nhập mỗi đầu người

Nền Tảng Chính Quyền

59/100

Sự vững chãi của chính quyền hậu thuẫn cho phát triển kinh tế kinh tế

Chính Quyền Minh Bạch

68/100

Minh bạch hóa chính quyền, người dân có quyền biết chính quyền muốn làm gì, đang làm gì

Hạ Tầng Cơ Sở

66/100

Viễn thông, giao thông vận tải, hệ thống ngân hàng, y tế, giáo dục, xử lý chất phế thải

Tự Do Kinh Tế

88/100

Quyền tham gia vào mọi hoạt động kinh tế của người dân mà chính quyền không được cấm

Khả Năng Con Người

67/100

Khả năng sáng tạo, kỹ thuật và đầu óc kinh doanh, sáng kiến làm ăn..



Trong thực tế, ở trong nước hiện nay, sự phát triển Khoa học Công nghệ (một trong những yếu tố quyết định Khả Năng Con Người) còn yếu kém, mờ nhạt, chưa phát huy được vai trò chủ lực phát triển kinh tế của nó. Do đó chúng ta thiếu khả năng tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao. Theo bản báo cáo vào 30-10-07 về “ Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2007-2008 ” của WEF (World Economics Forum) Việt Nam từ vị trí thứ 64 đã rơi xuống vị trí thứ 68 về năng lực cạnh tranh. Theo báo Thanh Niên (Diễn đàn Liên hiệp Thanh niên Việt Nam-ngày 5-11-2007) thì bản xếp hạng của WEF căn cứ trên nhiều chỉ số về kinh doanh, chính sách kinh tế vĩ mô, điều kiện cơ sở hạ tầng: Y tế, Giao thông vận tải, Giáo dục... Theo sự nhận định của ông Ajay Chhipber, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, sở dĩ có sự tụt hạng về năng lực cạnh tranh như thế vì “ ...Về cải tiến kỹ năng sản xuất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của VN chưa cao, thiếu những kỹ năng tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao… VN còn phải cố gắng để vượt qua các trở ngại về thể chế, khắc phục những yếu kém của nền kinh tế thị trường, cần đẩy mạnh chống tham nhũng… ”

Những dữ kiện trên cho chúng ta thấy rằng trên mọi mặt chúng ta còn quá kém. Tự Do Kinh Tế Việt Nam đang ở hạng thứ 88%, nghĩa là gần chạm đáy của nhân loại ! Do đâu mà chúng ta không được Tự do Kinh tế? Câu trả lời ai cũng dư biết là do “ định-hướng-xã-hội-chủ-nghĩa ”, một dạng tư tưởng đi ngược lại trào lưu Toàn Cầu Hóa của nhân loại hiện tại ! Nó là ‘con đẻ’của Chuyên Chính Vô Sản (CCVS) ! Nói rõ ra là CCVS đã cản trở công việc “ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ” ! Toàn bản văn lời hiệu triệu của Thủ Tướng Dũng nhân Đại hội LHQ lần thứ 62, rất phù hợp với trào lưu thế giới hiện tại, nhưng có những điều Thủ tướng Dũng quên không nói đến hay không dám đụng đến : đó là tệ nạn CCVS. Tệ nạn CCVS còn tai hại hơn muôn vạn lần những “ dịch bịnh, môi trường và thay đổi khí hậu…những đơn phương áp đặt xâm phạm chủ quyền quốc gia... Sự bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế… ” ! Chuyên chính vô sản là nguồn cơn của tất cả tệ nạn trong nước ta, trì kéo tiến trình kinh tế, trì kéo tiến trình dân chủ hóa đất nước. Trong thực tế, Thủ tướng Dũng nắm chắc những điều này ! Trong ngày tái nhậm chức, ngày 2 tháng 8 năm 2007, Thủ tướng Dũng tuyên bố “ Thách thức lớn nhất đối với Chính phủ và hệ thống hành chánh nhà nước là phải vượt lên chính mình, xây dựng cho được một chánh phủ và hệ thống các cơ quan hành chánh thật sự là của dân, do dân và vì dân trong sạch và vững mạnh có kỷ luật kỷ cương và hiệu lực hiệu quả cao chủ động hội nhập kinh tế quốc tế... ” . Xây dựng cho được một chánh phủ thật sự là của dân, do dân và vì dân... nghĩa là gì ? Qua câu phát biểu này, cả nước ai cũng hiểu là trong thực tế, hiện tại chưa có một chính phủ thật sự là của dân, do dân và vì dân, cho nên Thủ tướng Dũng mới quyết tâm xây dựng cho được ! Để thực hiện quyết tâm trên, Thủ tướng Dũng và Nội các của ông quyết nỗ lực 3:


A - Thực hiện 3 nhóm vấn đề :

1- Tăng trưởng kinh tế từ 8.5% trở lên. Phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội ! 4

2- Đẩy mạnh cải cách hành chánh và thể chế cơ chế !

3- Tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng để ngăn chận đẩy lùi tham nhũng.


B - Cải cách Đổi mới 4 lãnh vực :

Một là : Cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Hai là : Cải cách thể chế tổ chức chế độ hành chánh nhà nước

Ba là : Cải cách đổi mới qui trình xây dựng pháp luật và ban hành quy phạm pháp luật và đảm bảo việc tổ chức và thực thi pháp luật nghiêm minh…

Bốn là : Cải cách đổi mới tài chánh công : “ Chính phủ tiếp tục quản lý tài chánh và ngân sách bảo đảm tính thống nhất tài chánh quốc gia và vai trò chỉ đạo ngân sách trung ương; đồng thời phát huy tánh chủ động sáng tạo và trách nhiệm của địa phương và các ngành trong việc điều hành tài chính và ngân sách. Bảo đảm quyền quyết định ngân sách địa phương của hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện cho chánh quyền địa phương xử lý các công việc ở địa phương ”


Đây là một vấn đề gai góc mà mấy đời Thủ tướng tiền nhiệm của ông đều tránh né. Một loại “ kỵ húy ” tai hại cho cả tương lai đất nước. Đọc thật kỹ ta thấy Thủ tướng Dũng đòi hỏi cho bằng được Chánh phủ phải có trọn quyền quản lý Ngân sách Nhà nước, và chỉ có Chính phủ thôi ! Nhân đây, tôi xin nhắc lại có lần ông Lê Hồng Hà đặt vấn đề này với đảng CSVN và Nhà nước Việt Nam : trong cuộc mạn đàm giữa ông ta với các ông Hà Sĩ Phu và Bùi Minh Quốc, ông Lê Hồng Hà tố cáo : “ Tổng số người ăn lương theo ngân sách nhà nước hiện nay là 66(?) vạn. Trong đó có : 21 vạn là viên chức hành chánh Nhà nước, 28 vạn là cán bộ phường xã. Như thế viên chức hành chánh nhà nước chỉ có 21 vạn mà biên chế của Đảng và đoàn thể từ Trung ương đến Địa phương lại đến 27 vạn. Cho nên nếu không giải quyết được vấn đề này thì bàn về cải cách hành chánh của 21 vạn chỉ là vô nghĩa. Tại sao nhân dân ta anh hùng như thế này mà không tập trung xây dựng ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cho tốt, mà phải thêm hệ thống cấp ủy Đảng lãnh đạo? Nó thành ra hệ thống chính quyền rất chồng chéo. Cho nên Hội nghị Trung Ương 4 vừa rồi không ai dám bàn đến ngân sách của Đảng đang được sở hữu và quản lý một khối lượng chi tiêu và tài sản khổng lồ ! Do đó là phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng và thanh lý cho bằng được hệ thống hai chính quyền ! ” 5. Như thế cho ta thấy quyết tâm của Thủ tướng Dũng thật là ‘bạo’ và can đảm biết chừng nào ! 

Nhưng có câu hỏi tiếp theo : những nỗ lực của Nội các của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong quyết tâm : A- Thực Hiện Ba Nhóm Vấn Đề B- Cải Cách Đổi Mới 4 Lãnh Vực đã tiến đến đâu ? Đang ở đâu ? Sự thật hiện tại là người dân không được chính phủ chia sẻ và thông tin đầy đủ về Chính phủ đang muốn gỉ ? Đang làm gì ? Và đang làm đến đâu ? Mặc dầu trong ngày tái nhậm chức, Thủ tướng Dũng mong rằng những việc làm của Chính phủ của ông “ được sự giám sát của báo chí và nhân dân ”. Theo bản xếp hạng của TS Trần Văn Hiển, về “ Chính Quyền Minh Bạch ” của ta còn thấp kém quá so với thế giới : 68/100 ! Lùi về quá khứ xa hơn nữa, vào ngày 7/10/2006, tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hà Nội Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra chính sách Cổ Phần Hóa (CPH) các Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) ! Đề nghị này coi như một bước đột phá lớn của Chính phủ cũng là xung lực đưa Việt Nam vào tổ chức WTO ! Mãi đến bây giờ người dân chưa hề được một thông tin gì về viêc CPH các DNNN đã làm chưa và làm đến đâu ? Bao nhiêu Ngân hàng Nhà nước và DNNN đã được cổ phần hóa rồi ? Hay các DNNN vẫn tiếp tục thua lỗ, Ngân Hàng Nhà Nước vẫn tiếp tục cho vay traí phép (bad Loans) hàng tỷ đô la, các cán bộ, đảng viên tiếp tục đục khoét ngân quỹ, tham nhũng ?

 

Có điều mâu thuẫn của cả nước hôm nay : những khó khăn, những rào cản trước mắt của Thủ tướng Dũng và Nội các của ông không phải đến từ những đối tác hay những thế lực đối trọng, cũng không phải đến từ những thế lực phản động chống lại sự vươn lên của đất nước ta, mà những rào cản và những khó khăn này đến từ đảng CSVN. Cũng như toàn thể 85 triệu người Việt Nam luôn luôn ghi công và nhớ ơn đảng CSVN, họ đã góp phần to lớn trong việc đấu tranh giành Độc lập và Thống nhất đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nội các của ông, đang nuông chiều theo đảng CSVN và cũng đang tìm cách tháo gỡ, dỡ bỏ CCVS. Chuyên Chính Vô Sản là cốt lõi, là cột sống của chủ nghĩa Cộng sản. Mỗi khi CCVS bị xói mòn, thì quyền lực thống trị của đảng Cộng sản mất ! Theo tình hình trong nước và quốc tế, từ năm 1991, tư tưởng XHCN không còn phù hợp với nhân loại tiến bộ nữa. Nó lạc hậu ! Khi chính quyền vô sản yếu kém, không còn lý do để tồn tại nữa, thì họ càng bám chặt vào CCVS để xây dựng quyền lực, để vơ vét, để tham những, trước khi dân tộc họ đẩy họ vào bóng tối của lịch sử. Đảng CSVN cũng không ra ngoài qui luật ấy ! Điều quan trọng là nhịp độ tháo gỡ dỡ bỏ CCVS của Thủ tướng Dũng có đủ nhanh, có thể hoàn tất trước khi CCVS loại trừ ông ? Quyết tâm lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nội các của ông là theo đuổi cho bằng được một thể chế pháp quyền xây dựng trên tư tưởng Xã hội Dân sự, biết lắng nghe và đáp ứng thích nghi với tinh thần phản biện của báo chí và của người dân. Nhưng trong hiện tình, đảng CSVN còn nắm Công an và Bộ đội, còn chỉ huy súng ! Nghĩa là CCVS vẫn còn nguyên đó như nỗi ám ảnh, như mối đe dọa cho những ai muốn đổi mới đất nước.

Đồng thời chúng ta cũng thấy có sự xoay chiều, được xem như những biểu hiện ‘tốt’ của những người Cộng sản bấy lâu nay bám vào CCVS, như ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc Hội, nhân dịp phỏng vấn của VNExpress hôm 4/6/07 ông An phát biểu : “ Theo quan điểm của tôi bây giờ Đảng phải hóa thân thêm một lần nữa vào Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt của Đảng là phải nắm vị trí chủ chốt của Nhà nước. Tất cả các nước đều làm như thế, hình như chỉ còn có Việt Nam thôi ! Đảng phải thông qua bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ để thực hiện lãnh đạo hợp pháp trực tiếp của Đảng, không việc gì mà Đảng phải làm bộ máy trùng với Nhà nước. ” ! Qua câu nói của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, chúng ta có quyền hy vọng chăng : Sự Lãnh Đạo Của Đảng CSVN Phải Được Luật Hóa Và Hệ Thống Hai Chính Quyền Phải Được Thanh Lý ! Dù cho những thành phần già nua, bảo thủ, lạc hậu trong đảng CSVN hiện nay có cố ý vận dụng CCVS để trục lợi, để tham nhũng cũng không được nữa, GS Tương Lai khẳng định : “sự vận động của lịch sử đã chứng minh, cuộc sống sẽ tự mở lấy đường đi cho nó bất chấp mọi trở lực. Đó là qui luật không sao đảo ngược được…” 6. Hơn lúc nào hết, hôm nay, đảng CSVN phải biết ăn năn, đã đến lúc từ bỏ CCVS, vì sự phồn vinh của tổ quốc, sức tiến lên của dân tộc. Hy vọng đảng CSVN sẽ từ bỏ CCVS thật sự bằng cách đổi tên đảng CSVN thành Đảng Lao Động Việt Nam hay một tên nào đó, để xứng đáng với tư tưởng Hồ Chí Minh nguyên thủy: " Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam " 7.

 

Việt Nam có đầy đủ khả năng của một nước lớn, hùng cường và giàu mạnh, có chỗ đứng xứng đáng với sự nể vì của cộng đồng nhân loại. Hy vọng chúng ta sẽ không phải ngửa tay tiếp tục xin vay của chương trình ODA trong một ngày gần đây. Hiện nay, Việt Nam là Thành viên Không Thường Trực của HDBA-LHQ. Chắc chắn, Việt Nam sẽ đáp ứng trọn vẹn thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đến Thế giới nhân buổi họp lần thứ 62 của Hội Đồng LHQ tại New York. Dân tộc ta là một trong những dân tộc lớn về nhân số, thông minh và cần mẫn, biết hòa hợp hòa giải, biết đồng thuận, biết chịu đựng cũng như biết quật cường khi cần. Trước mặt chúng ta là những thử thách rất lớn, nhưng những thôi thúc, những hy vọng vượt qua những thử thách đó để tiến đến một tương lai rực sáng, tổ quốc hùng cường, dân tộc phồn vinh, lại lớn hơn. Suy nghĩ lớn, quyết tâm làm việc lớn, sẽ làm được việc lớn, để lại cho đời những thành tích lớn. Chúng ta không chấp nhận thái độ của những kẻ nhìn tương lai của tổ quốc qua đôi kính râm của họ mang. Chúng ta nhớ lại câu nói thời danh của Goethe : “ Lý thuyết thì màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi ”. Chúng ta không có lý do gì cứ mãi theo sau màu xám của lý thuyết. Một thực tế sống động, sự vươn lên của Việt Nam hôm nay, như “ cây đời mãi mãi xanh tươi ” đang vẫy gọi, đang thách thức chúng ta!./.


Đào Như

Oak park, Ill. USA,
24-12-07



Chú thích


(*) Để cho dễ hiểu các chỉ số đều đưa về chỉ số bách phân: 1/100 là cao nhất, tốt nhất, 100/100 là tệ nhất, xấu nhất. (ý kiến của TS Trần Văn Hiển)

1 nguồn : trang thông tin chính thức của chính phủ VN :
http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,128127&_dad=portal&_schema=PORTAL&item_id=4735748

2 nguồn : trang điện tử bộ ngoại giao :
http://www.mofa.gov.vn/vi/cs_doingoai/pbld/ns070802150433

3 phỏng vấn trên Vietnamnet ngày 25/07/2007), tác giả Đ.N. tóm tắt và đánh số.

4 Phát triển kinh tế phải đồng bộ với cởi mở chính trị ! ( Đ.N. bình luận)

6 nguồn : báo người đại biểu nhân dân :
http://www.nguoidaibieu.com.vn/pPrint.aspx?itemid=15890

7 tuyên bố trước Quốc hội ngày 31-10-1946 , nguồn :  Tạp chí cộng sản :
http://www.tapchicongsan.org.vn/print_preview.asp?Object=3437480&news_ID=23451290

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us