Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vụ "Quán Cụ Hồ" đi tới đâu rồi ? (Phần II)

Vụ "Quán Cụ Hồ" đi tới đâu rồi ? (Phần II)

- Phóng Viên — published 06/01/2012 00:25, cập nhật lần cuối 11/07/2013 08:10
Một chiêu "thiếu vệ sinh"


Vụ « Quán Cụ Hồ » đi tới đâu rồi ?

(phần II)


Dùng côn đồ không xong,
thương lượng cù cưa và
giở mẹo... thiếu "vệ sinh"


Tổ Phóng Viên Diễn Đàn


Tiếp theo PHẦN I



Lẽ ra lần này, như đã viết trong phần I, chúng tôi sẽ trình bày nguyên ủy vụ Quán Monge, giải thích tại sao "Quán Cụ Hồ" đông khách, trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, một địa chỉ quen thuộc ở Khu Latinh Paris, đối với người Việt, người Pháp và khách nước ngoài, bỗng diễn ra cảnh côn đồ đột nhập, tại sao, sau Hội người Việt Nam tại Pháp, sứ quán Việt Nam tại Pháp lại quyết định "dẹp" Quán Monge, đuổi cho bằng được vợ chồng ông Võ Văn Thận và nhân viên phục vụ, mà không chịu bồi thường sa thải theo đúng luật lao động.

Câu chuyện ấy, đành xin khất sang phần sau, vì chiều nay, ngày thứ năm 5 tháng 1 năm 2012, vào lúc 18g30, cảnh sát đã mang lệnh "đóng cửa tức thời" của Sở công an (Préfecture) Paris, theo nghị định 2012-0001 ký ngày 02.01.2012 mang chữ ký của ông giám đốc văn phòng. Nghị định này căn cứ vào báo cáo của "Sở bảo vệ dân chúng Paris" sau cuộc thanh tra vệ sinh ngày 28.12.2011 ghi nhận "những khiếm khuyết quan trọng về quy tắc vệ sinh và bảo trì chung các nơi chốn và thiết bị". Sở công an ra lệnh "đóng cửa Foyer des Etudiants vietnamiens" kể từ ngày thông báo nghị định (tức là ngày 5.1.12) (điều 1) ; và quyết định huỷ bỏ biện pháp đóng cửa này tùy thuộc vào việc cơ quan hữu quan ghi nhận đã "thực hiện toàn bộ các công việc chấn chỉnh kê khai trong phụ lục đính kèm" (điều 2).

Bản kiến nghị ủng hộ Quán Monge và gia đình Võ Văn Thận, tính đến ngày 5.1.12, đã được hơn 2050 chữ ký.

Bạn đọc muốn ký tên, có thể gửi tên họ, nghề nghiệp, địa chỉ về họa sĩ M. Mabilleau, chủ tịch ủy ban ủng hộ qua internet :

m.mabilleau@free.fr

hay qua bưu điện :

Mme Martine Mabilleau,
1 rue Jacques Desforges,
95110 SANNOIS, France

Ông Võ Văn Thận đã được mời đến Phòng cảnh sát Quận 5 để ký nhận bản nghị định. Theo lời khuyên của luật sư, ông Thận chỉ nhận ký với điều kiện biên bản có ghi thêm : "người ký hợp đồng thuê trụ sở là sứ quán Việt Nam tại Pháp" và "trong khi tiến hành việc sửa sang, sứ quán Việt Nam có nhiệm vụ giải quyết nhà ở cho gia đình Võ Văn Thận" và sẽ thông báo với sứ quán đến ký nhận. Viên sĩ quan cảnh sát không chịu, và ngạc nhiên thốt lên : "Thì chính sứ quán muốn tống ông đi mà".

Vô tình hay cố ý, câu nói của viên sĩ quan cho thấy biện pháp "vệ sinh" nghiêm khắc này "dzậy mà không phải dzậy". Nó xác nhận lời nói của viên thanh tra đến quán Monge ngày 28.12.2011 nói với ông Thận : "Tôi làm theo chỉ thị của cấp trên là đóng cửa". Những năm qua, hai năm một lần, theo lời ông Thận, chính viên chức này vẫn tới thanh tra, và những yêu cầu về  sửa đổi tương tự đều được thực hiện và ghi nhận. Chỉ khác là lần này, những khiếm khuyết ấy lại được coi là lý do để ra lệnh đóng cửa. Và quy trình quyết định được tiến hành hết sức khẩn trương : thanh tra ngày thứ tư 28.12.11, viết báo cáo, gửi giám đốc sở, sở gửi lên Công an, nghị định ký ngày thứ hai 2.1.2012. Dường như các viên chức liên quan tới việc này cố tình "khẩn trương" để người bàng quan cũng thấy tính chất tạo dựng nếu không nói là dàn cảnh.

Có lẽ không cần bình luận gì thêm, ngoài một câu hỏi :

Sau vụ côn đồ thất bại sáng thứ bảy 12.11.2011, thì sáng thứ ba 15.11.2011, luật sư của sứ quán đã liên hệ với luật sư của ông Võ Văn Thận để thương lượng về điều kiện và số tiền bồi thường (trong khi, suốt một năm trước đó, HNVNTP và sứ quán khăng khăng không chịu tiếp xúc với ông luật sư). Theo những thông tin từ Hà Nội, sự nhanh nhẹn và thái độ biết điều của luật sư đại diện sứ quán không phải không liên quan tới phản ứng và chỉ thị của ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước (nhiều nhân sĩ, cán bộ trong nước đã kịp thời thông báo vụ việc với ông chủ tịch và giới lãnh đạo).

Việc thương lượng kéo dài hơn một tháng rưỡi, rồi bây giờ là quyết định đóng cửa khá kịch tính. Thương lượng cù cưa để hoãn binh, hay "trên bảo dưới không nghe" ?

Có lẽ cả hai. Một điều chắc chắn là : côn đồ đã thiếu mỹ thuật, vận động để đóng cửa vì lí do vệ sinh một cách quá lộ liễu như vậy càng... "thiếu vệ sinh".

Mong rằng nhà cầm quyền Việt Nam và ông đại sứ mới sớm chận đứng những hành động làm hại đến thanh danh Việt Nam.





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us