Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vụ "THƠ TRẦN DẦN" : phải chăng chính quyền đã phải "đằng sau, quay !" ?

Vụ "THƠ TRẦN DẦN" : phải chăng chính quyền đã phải "đằng sau, quay !" ?

- Tiền Phong — published 09/03/2008 11:46, cập nhật lần cuối 09/03/2008 17:05
Toàn văn bài báo TIỀN PHONG (chủ nhật 9-3-2008) cho biết quyết định của Cục xuất bản : "phạt vạ" Nhã Nam 15 triệu đồng và tịch thu 19 cuốn sách tồn kho (không dám thu hồi những cuốn đang còn bán ở các hiệu sách)

Giấu đầu, hở đuôi... chuột


“ Trần Dần - Thơ ” :
Không thu hồi, phạt 15 triệu đồng


Lời toà soạn

Vụ "ngưng phát hành tập THƠ TRẦN DẦN" phải chăng đã chấm dứt với vụ "phạt 15 triệu đồng" công ti Nhã Nam và "tịch thu" 19 cuốn sách đã bị "niêm phong" từ ngày 26-2-08 trong khi cả ngàn cuốn đã và đang còn bày bán tại các nhà sách ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..., như bài báo TIỀN PHONG số đề ngày hôm nay, chủ nhật 09-03-2008, cho biết ?

Để tóm tắt vụ việc , qua bài báo mà chúng tôi đăng lại toàn văn dưới đây, bạn đọc có thể thấy rõ : việc xuất bản (từ khâu biên tập đến in ấn và phát hành) đã tiến hành theo đúng thủ tục.  Nhưng ngày 26-2, Cục xuất bản đã đến công ti Nhã Nam, ra lệnh ngưng phát hành 19 tập thơ còn tồn kho (bị niêm phong). Lí do : thủ tục hành chính không được tuân thủ. Bằng chứng : quyết định ngày 11-8-2007 của giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng (mà Diễn Đàn xin công bố trong khung đi kèm).  Quyết định (từ sáu tháng trước), công ti Nhã Nam (đối tác của nxb Đà Nẵng) chưa hề được thông báo, và ông Nguyễn Đức Hùng, phó giám đốc kiêm tổng thư kí Nhà xuất bản, người trực tiếp liên quan, cũng chưa hề được đọc, mà ngay "Cục xuất bản" cũng chỉ nhận được vào ngày... 25-2-2008 (xem dấu "công văn đến" trong hình).  

Hành trình của "quyết định", đi từ Đà Nẵng ngày 11-8-2007 (nếu thực sự nó được ký ngày hôm ấy) đến Hà Nội ngày 25-2-2008, đáng là một đề tài điều tra và nghiên cứu.  Song hình như cục A25 của Bộ công an có thông tin nhanh hơn Cục xuất bản : ngày 20-2-2008, họ đã "phôn" cho Nhã Nam, cấm không cho công ti này phát hành tập thơ tại Văn Miếu (ngày hội thơ 21-2). Một giả thuyết : cái "quyết định" nói trên, có thật nó được ký ngày 11-8-2007, hay là giữa ngày 21-2 và ngày 26-2-2008 ?

Có điều chắc chắn : việc phạt vạ 15 triệu và tịch thu 19 cuốn sách, không dám ra lệnh thu hồi cả ngàn cuốn đang được bày bán, có thể hiểu như một màn "giơ cao đánh khẽ", thực chất là một hành động cấm đoán trong bóng tối. Khi bị đưa ra ánh sáng (từ Văn Miếu đến "Thư ngỏ") thì nó dẫn tới một kịch bản chữa cháy vội vã (nên vụng dại), và cuối củng đẻ ra con chuột  15 triệu tiền phạt và 19 cuốn sách bị tich thu. Thời xưa (không phải chỉ thời Tần Thuỷ Hoàng), 19 cuốn ấy bị "phần thư" là cái chắc. Ngày nay, quân hồi vô phèng, người ta sẽ chia nhau làm chiến lợi phẩm, đỡ mất công ra phố Đinh Lễ tìm mua.

Dưới suối vàng, Trần Dần không nên kể cho Vũ Trọng Phụng nghe. Tác giả Xuân Tóc Đỏ chắc sẽ đòi tái sinh để tiếp tục một sự nghiệp còn dang dở.

TP- Chưa đầy 1 tháng phát hành, Trần Dần - Thơ đã được dư luận đặc biệt quan tâm nhất là khi có tin đồn sách đứng trước nguy cơ “đình chỉ, thu hồi đến nơi”. May mà cuối cùng tình trạng u u minh minh về số phận cuốn sách cũng chấm dứt. 

Chưa hưởng mùa xuân đã phải chịu mùa hè

Thế nào mà câu thơ này của Trần Dần lại như vận vào tình cảnh cuốn di cảo mới ra lò của ông. Chỉ sau 4 ngày phát hành, 25/2, Cty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam - đơn vị liên kết với NXB Đà Nẵng để xuất bản cuốn sách đã nhận được công văn từ Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) yêu cầu báo cáo, giải trình bởi “không đúng qui định xuất bản”.

Sau đó, chiều 26/2, một đoàn cán bộ Bộ TTTT, Cục Xuất bản... tới Nhã Nam lập biên bản ngừng phát hành tập thơ, niêm phong toàn bộ sách trong kho. Tuy nhiên số sách này, nói như ông Chánh thanh tra Bộ thì “hình như họ in nhiều, giờ trong kho chẳng còn đáng mấy ” -  mà đã kịp bày đầy quầy sách lớn nhỏ ở Hà Nội (con số phát hành chính thức đợt đầu tiên là 1.500 cuốn).

Liền sau đó là cuộc lùng sục của bạn đọc đối với Trần Dần, trước hết vì đại danh của ông, sau là đối với một sản phẩm nghe đâu “có vấn đề”  (nên mới bị..., và mua mau kẻo hết). Hôm 27/2, Mỹ Linh, cộng tác viên mảng dịch thuật của báo - mang tặng biên tập viên Tiền phong cuốn sách của ông ngoại mình. Cô nói gia đình cũng nghe tin sách có thể gặp trục trặc nên không chờ Nhã Nam biếu mà tranh thủ ra hiệu sách mua một ít tặng bạn bè thân hữu. Gương mặt thoáng buồn nhưng cô nữ sinh mới tốt nghiệp khoa Ngôn Ngữ- Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn vẫn đùa : “Nhiều bài của ông em, trong gia đình cũng không hiểu nên chỉ mong có người phân tích cho mà hiểu ”.

Cho đến chiều 7/3, điện thoại xin gặp ông Chánh thanh tra Bộ TTTT Nguyễn Thanh Hải để phỏng vấn về việc cuốn Trần Dần - Thơ vì sao có sự mù mờ thông tin, phóng viên nhận được câu trả lời : “ Đã ngừng phát hành rồi, chắc sẽ bị tiêu hủy ”. Ông Hải cũng nói thêm : “ Không ai kết luận sách vi phạm nội dung, mà là sai phạm về trình tự thủ tục xuất bản. Phải có quyết định xuất bản của Giám đốc NXB, nếu không có quyết định của Giám đốc mà vẫn in thì đã sai phạm về quy trình. Nhã Nam ký hợp đồng với Phó Giám đốc, mà theo Luật Xuất bản thì Phó Giám đốc không được ký hợp đồng in”.

Tuy nhiên, Công văn số 145/QĐ- XPHC ngày 7/3 do ông Nguyễn Thanh  Hải ký, không nói gì đến tiêu hủy hay đình chỉ, mà là : Xử phạt Nhã Nam 15 triệu đồng vì “tội” : “Xuất bản Thơ Trần Dần không có quyết định của Giám đốc Nhà xuất  bản”. Cụ thể “Cty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam không kiểm tra giấy ủy quyền của Phó Giám đốc, đã ký hợp đồng với Phó Giám đốc vào ngày 10/8/2007, nên đã thực  hiện hợp đồng vô hiệu”. Ngoài 15 triệu tiền mặt thì hình thức phạt bổ sung là : Tịch thu 19 cuốn “Thơ Trần Dần” (vốn bị niêm phong từ hôm 26/2).

Xử không vì nội dung mà vì thủ tục hành chính ?

Trao đổi với phóng viên, phía quản lý luôn nhấn mạnh việc xử phạt này không phải “vì Trần Dần”, mà là qui trình xuất bản nói chung !

Còn theo tìm  hiểu của chúng tôi, trình tự xuất bản cuốn sách diễn biến như sau :

Ngày 10/8/07, ông Nguyễn Đức Hùng (tức nhà văn Đà Linh) – Phó GĐ kiêm Tổng biên tập NXB Đà Nẵng ký quyết định xuất bản  Trần Dần - Thơ, kèm theo một hợp đồng kinh tế với đối tác là Cty Nhã Nam (Hà Nội). Hợp đồng nêu rõ : Nhã Nam chỉ được triển khai in ấn sau khi bản thảo đã thẩm định xong ; và sau khi nhận được bản thảo chính thức từ phía NXB Đà Nẵng có đóng dấu giáp lai vào từng trang... Việc thẩm định bản thảo bắt đầu từ văn bản thẩm định ngày 25/7/07, do nhà văn Đà Linh – thường trực Chi hội Nhà văn VN tại Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nhà văn TP Đà Nẵng thực hiện.

Sau đó là các thẩm định bằng văn bản của nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn VN (2 khoá) và GS Hoàng Ngọc Hiến. Các ý kiến thẩm định đều khẳng định giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của thơ Trần Dần được nhìn nhận dưới ánh sáng của Đổi Mới, và tuyển tập là một chân dung tinh thần khá đầy đủ mà lâu nay vẫn còn ẩn kín của thi tài độc đáo bậc nhất Việt Nam này.

GS Hoàng Ngọc Hiến khẳng định : “Trần Dần đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước. Trần Dần đã được chiêu tuyết. Tuy nhiên chiêu tuyết bằng sự truy tặng giải thưởng vẫn là một sự chiêu tuyết bằng biện pháp hành chính (tôi vẫn nhìn nhận cách chiêu tuyết này là hết sức cần thiết). Nhà văn trước hết phải được chiêu tuyết bằng tác phẩm. Tôi xem việc xuất bản tập “Trần Dần - Thơ” mới thực sự là chiêu tuyết cho Trần Dần, là sự bổ sung cơ bản cho sự chiêu tuyết bằng truy tặng giải thưởng...”.     

quyetdinh
nguồn : tư liệu của Diễn Đàn

Tính pháp lý cao nhất cho việc xuất bản cuốn sách, theo ông Hùng, đó là bản thảo này đã được đưa vào kế hoạch, đăng ký đề tài xuất bản từ năm 2006, đã được chủ quản là UBND TP Đà Nẵng thông qua, sau đó được Cục Xuất bản chấp nhận bằng Văn bản số 816-2006/CXB/05/79/DaN (ngày 2/11/2006). Do không chuẩn bị kịp, sang năm 2007, bản thảo này được đăng ký lại, ủy ban thành phố một lần nữa thông qua, sau đó lại được Cục Xuất bản chuẩn y theo kế hoạch xuất bản hàng năm bằng Văn bản số 279-2007/CXB/33-27/DaN (ngày 17/4/2007). 

Đáng ngạc nhiên, ngay sau khi ông Nguyễn Đức Hùng ký quyết định xuất bản, thì ngày 11/8/07, Giám đốc NXB Đà Nẵng - ông Nguyễn Hữu Chiến (mới về NXB được 10 ngày) lại ký quyết định khác thu hồi quyết định cho xuất bản ký trước đó 1 ngày, mà như ông Hùng khẳng định, bản thân ông cũng như các bên liên quan cũng không hề được trao đổi, và cũng không nhận được quyết định mới này ! “Suốt 23 năm qua tại NXB Đà Nẵng tôi đã từng ký xuất bản hàng trăm cuốn sách, nhưng chưa khi nào xảy ra sự việc như thế này... Là Phó GĐ trực - Tổng biên tập kiêm Bí thư Đảng ủy, từ trước tới nay giữa các đời giám đốc và tôi cùng chịu trách nhiệm như nhau trong mọi quyết định của NXB, điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Luật Xuất bản ...”.

Một điều nữa, dù quyết định ngưng việc xuất bản Trần Dần - Thơ do ông Nguyễn Hữu Chiến ký từ ngày 11/8/07, nhưng mãi đến 25/2/08, tức là hơn 6 tháng sau, Cục Xuất bản mới nhận được (?), trong khi việc in ấn, nộp lưu chiểu đã tiến hành đầy đủ theo luật định, và sách chính thức phát hành sau khi nộp lưu chiểu 15 ngày !

Dù sao, cuối cùng đơn vị ấn hành một phần di cảo của người “ thích công tác ở Việt Nam mùa ”, tác giả Cổng tỉnhNhất định thắng... cũng chỉ nhận “án phạt” 15 triệu đồng, sản phẩm không thu không đình gì cả. Một phen hú vía cho người yêu thơ và bạn đọc của Trần Dần ! 

Trần Tuấn - Dương Thị - Trần Thanh

nguồn : Tiền Phong, chủ nhật 9-3-2008

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us