Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vụ "Toà Khâm" : Tại anh hay tại ả ?

Vụ "Toà Khâm" : Tại anh hay tại ả ?

- Nguyễn Ngọc Giao — published 04/10/2008 15:42, cập nhật lần cuối 04/10/2008 16:48
Bình luận về cuộc tranh chấp giữa giáo hội và chính quyền


Vụ « Toà Khâm »


TẠI ANH hay TẠI Ả ?


Nguyễn Ngọc Giao



Thế là kể từ ngày 2.10.2008, « Toà Khâm » (1) ở 42 phố Nhà Chung, Hà Nội, đã trở thành « Vườn hoa Hàng Trống » (2). Nếu sự im ắng nhận thấy trong những ngày cuối tháng 9 tiếp tục (trái ngược với sự « đối đầu » trong những ngày 19-21 tháng 9, giữa một bên là hàng ngàn giáo dân cầu nguyện, đòi lại « Toà Khâm », và một bên là lực lượng công an triển khai để « bảo vệ » công nhân « khẩn trương » hoàn thành vườn hoa trong một thời gian kỉ lục), thì có thể nghĩ rằng cuộc tranh chấp về đất đai giữa giáo hội Công giáo và nhà nước đã chuyển sang một giai đoạn mới : bất đồng về quan điểm vẫn tồn tại, nhưng các bên có thể đi tới thoả thuận trên thực tế. Với điều kiện là chính quyền và giới chức sắc giáo hội thực sự muốn thoả thuận và không để cho những lực lượng quá khích gây ra những « sự cố đáng tiếc » mà mỗi bên sẽ quy trách nhiệm cho bên kia, đẩy nhau vào những tình huống nan giải.

Trong bài này, chúng tôi sẽ không trình bày trở lại diễn biến những sự kiện xảy ra từ cuối năm 2007 tại khu « Toà Khâm » và nhà thờ Thái Hà, Hà Nội. Bạn đọc có thể tìm đọc hai cách tường trình, (hay đúng hơn : hai cách tuyên truyền xứng đôi vừa lứa trong sự lố bịch) của chính quyền (báo Hà Nội Mới, và khi tình hình nóng lên, các cơ quan truyền thông chính thức : Thông tấn xã Việt Nam, VietNamNet, VnExpress ...) và của giáo hội (Thông tấn xã VietCatholic). Chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào so sánh lập trường « nguyên tắc » về chuyện nhà đất của hai bên và khu biệt những điểm hội tụ có thể dẫn tới giải pháp thoả hiệp.


Hai lập trường trái nghịch nhau


Hai lập trường trái nghịch nhau đã thể hiện rõ ràng trong cuộc gặp chiều ngày 1.10.2008 giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam Nguyễn Văn Nhơn. Lập trường nguyên tắc của nhà nước về vấn đề nhà đất được ông Dũng tóm tắt như sau : « Theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai, đồng thời, theo Nghị quyết 23 của Quốc hội khóa XI, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại cũng như không xem xét lại chủ trương và thực hiện chính sách về nhà đất mà Nhà nước đã ra quyết định quản lý, bố trí, sử dụng từ 01-7-1991 trở về trước. » (xem bản tin TTXVN). Còn Hội đồng giám mục thì khẳng định : « Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân » (Tuyên bố của HĐGMVN 26.9.2008 : VietCatholic). Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt (vắng mặt trong cuộc gặp) thì đã nói huỵch toẹt hơn : «  Thế thì trên mảnh đất 42 chúng tôi chưa được cái văn bản nào của nhà nước nói về cái sự thay đổi đó. Không có đi vào cái diện cải tạo tư sản, không có đi vào cái diện cải tạo nông nghiệp, cũng không có cái văn bản nói lên sự tịch thu hay là trưng thu trao cho cơ quan nào… hoàn toàn không có. Thực ra có thể nói việc quản lý của cơ quan nào đó là chưa có hợp pháp, trên cái căn bản là chúng ta phải có giấy tờ, chứ bây giờ kẻ cướp vào nhà chúng tôi rồi ngang nhiên ở đó rồi không có giấy tờ gì hết và họ mạnh chúng tôi không đuổi ra được thì đương nhiên họ chiếm hay sao?! » (phát biểu ngày 20.9.2008 trong cuộc gặp Uỷ ban Nhân dân Hà Nội). Trả lời phỏng vấn, TGM Kiệt nhân danh « quyền sở hữu » để đòi « trả lại » số 42 Nhà Chung và từ chối mọi đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố cung cấp cho Toà giám mục một thửa đất ở Hà Nội nếu có nhu cầu mở rộng sinh hoạt phụng vụ, tu hành.


Khả năng đi tới thoả thuận


Có thể nghĩ rằng sớm muộn, chính quyền Việt Nam sẽ phải sửa đổi hiến pháp để thừa nhận quyền sở hữu nhà đất của tư nhân. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử, điều đó không có nghĩa là trở lại quyền sở hữu « trước đây ». Đặc biệt trong trường hợp Giáo hội Công giáo Việt Nam, thừa kế nhà cửa đất đai của Giáo hội thuộc địa vốn là địa chủ lớn nhất Việt Nam đầu thế kỉ XX (tất nhiên, ngày nay, Quân đội Nhân dân VN đã chiếm lĩnh vị trí không mấy vinh quang này). Điều này lại càng rõ ràng trong trường hợp khu đất ở phố Nhà Chung. Luận điểm của tổng giám mục Ngô Quang Kiệt (đất 42 Nhà Chung là sở hữu « có giấy tờ » làm bằng của Giáo hội từ trăm năm nay rồi) không vững vàng chút nào khi ta biết rằng trước khi giám mục Puginier, tên thực dân khét tiếng, giành được đất này, nó là sở hữu của chùa Báo Thiên. Nếu phải « trả lại » thì « trả lại » cho ai ?

Điều có ý nghĩa là ngay đại sứ của tổng thống Mĩ về vấn đề tôn giáo, ông John V. Hanford, cũng đã tuyên bố như sau về vụ « Toà Khâm » : « Một trong những vấn đề là tài sản được sang tay nhiều lần. Trong trường hợp miếng đất nhiều người biết đến ở Việt Nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật giáo sau nhờ người Pháp mới thành của người Công giáo cho nên rất phức tạp ». (BBC, ngày 23.9.2008). Cũng cần nhắc lại là ngay từ cuối tháng 1.2008, Hồng y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh của Vatican, đã « nhân danh Đức Thánh Cha » yêu cầu TGM Kiệt tốp bớt con chiên của mình : « sự kiện mà những cuộc tụ họp như vậy cứ tiếp diễn không khỏi gây ra những lo lắng, bởi vì, như đã thường xẩy ra trong những trường hợp tương tự, có thể có nguy hiểm thực sự là người ta sẽ không kiểm soát được tình thế, khiến nó có thể biến thành biểu tình bạo ngôn hay bạo lực » (xem toàn văn ở đây).

Trong cuộc gặp ngày 1.10.2008, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi nhắc lại nguyên tắc, đã nói tiếp : « Trong khi pháp luật đang có hiệu lực thi hành, mọi người đều phải chấp hành. Mọi nhu cầu về nhà đất đều được xem xét, giải quyết cấp đất, giao đất theo pháp luật hiện hành. Việc cấp đất, giao đất cho tổ chức tôn giáo phục vụ nhu cầu hoạt động tôn giáo cũng được thực hiện theo nguyên tắc đó trên cơ sở đề xuất của tổ chức tôn giáo, chính sách đất đai, chính sách tôn giáo và quỹ đất của địa phương. Trong thực tế nhiều nơi đã thực hiện rất tốt việc này. Đối với Giáo hội Công giáo, có thể kể một số trường hợp sau: TP.HCM giao đất cho Tòa Giám mục xây Trung tâm mục vụ, tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột, TP Đà Nẵng cấp 9.000m2 cho Tòa Giám mục Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị giao 15 ha cho giáo xứ La Vang, tỉnh Lâm Đồng giao 10 ha để Giáo hội xây Trung tâm mục vụ giáo phận... Những trường hợp trên và nhiều trường hợp khác nữa đều được giải quyết với sự hợp tác tốt giữa giáo hội địa phương và chính quyền sở tại trên tinh thần đối thoại và cộng đồng trách nhiệm cao. » (nguồn : xem trên).

Trong vụ « Toà Khâm », có lẽ TGM Kiệt đã muốn lợi dụng sự sơ hở (hay vô văn hoá ?) của Quận Hoàn Kiếm, biến ngôi nhà này thành quán karaoke và có những dự định kinh doanh lố lăng để nhân danh « tự do tôn giáo », đòi lại nhà đất : « Chúng tôi không tranh chấp với nhà nước. Bằng chứng đó là, như ông chủ tịch có nói đó, trong tờ kê khai của Linh Mục Nguyên Tùng Cương, lúc đó là quản lý Tòa Tổng Giám Mục, có 95 cơ sở. Chúng tôi có đòi cơ sở nào đâu, vì những cơ sở đó thực sự dùng vào những lợi ích chung. Chẳng hạn như cái trường Hoàn Kiếm, chúng tôi không bao giờ nói tới. Bệnh viện Xanh Pôn chúng tôi không bao giờ dám nói tới. Bệnh viện Bài Lao không bao giờ chúng tôi dám nói tới, vì sử dụng vào lợi ích chung. Nhưng khách san Láng Hạ chúng tôi sẽ nói tới, bởi vì sử dụng vào mục đích kinh doanh. Và cái Tòa Khâm Sứ đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có cái dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại. Chúng tôi nói tới bởi vì nó rơi vào tay tư nhân thế nên chúng tôi nói, thế nên chúng tôi không tranh chấp với nhà nước. Nhưng chúng tôi nói lên cái tiếng nói của công lý. Bằng chứng cái trường Hoàn Kiếm bên cạnh, chúng tôi có bao giờ dám đòi đâu. Bởi vì nó phục vụ lợi ích chung, các bệnh viện nó phục vụ lợi ích chung. » (phát biểu ngày 20.9.2008, xem ở trên).

Lời tuyên bố này không nhất quán với lập trường « bảo vệ quyền sở hữu », và tự nó làm mất cơ sở cho đòi hỏi về số 42 Nhà Chung (cũng như về mảnh đất ở Thái Hà) vì nay chính quyền (nếu có ý định) đã phải từ bỏ những toan tính kinh doanh và chia chác và đã quyết định biến hai nơi này thành vườn hoa công cộng (ở 42 Nhà Chung, toà nhà sẽ trở thành thư viện thiếu nhi – hi vọng đây sẽ là một thư viện thực sự, chứ không phải là nơi chơi « game » và chửi tục của trẻ em Hà Nội). Song nó mở ra khả năng giải quyết những cuộc tranh chấp có thể nổ ra trong những tình huống tương tự : xây dựng những công trình lợi ích công cộng thay vì lén lút tư nhân hoá những nhà đất mà nhà nước đã trưng dụng (nhiều khi khá tuỳ tiện) của các tôn giáo.

Nhân đây, cũng cần trở lại một lời tuyên bố của TGM Ngô Quang Kiệt đã gây sóng gió trong mấy ngày liền. Cũng trong cuộc gặp ngày 20.9, vị chủ chiên giáo phận Hà Nội đã tuyên bố như sau :

« (...) chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng. »

Tại chỗ, ngày hôm ấy, hai bên (Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và phái đoàn của Toà Tổng giám mục Hà Nội) đều tỏ ra thoả mãn về cuộc trao đổi « thẳng thắn, cởi mở ». Nhưng một ngày sau, Ban Tuyên giáo đã mở ra một chiến dịch kích động dư luận nhằm vào Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt bằng cách trích riêng đoạn câu : « Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam ». Nếu còn một chút sáng suốt, chắc TGM Kiệt cũng thấy ngay là mình hớ hênh, nói khích không phải chỗ (đó là không nói vai trò quá khứ của Giáo hội, nhất là Giáo hội miền Bắc, không cho phép ông nói khích kiểu đó). Nhưng lối tuyên truyền một chiều của chính quyền trong tuần lễ 21-28 tháng 9 vừa qua cần được lên án thích đáng, vì nó có thể khơi dậy những hiềm khích tôn giáo khó lường trước (chỉ cần đọc những phản ứng trên mạng, lên án hay bênh vực TGM Kiệt một cách mù quáng, cũng thấy rõ nguy cơ này). Cũng đáng phê phán là cách công bố quyết định xây vườn hoa (chiều ngày 18-9) rồi triển khai lực lượng công an trong đêm hôm đó để « bảo vệ » công nhân « khẩn trương » xây dựng : một công việc công minh chính đại không thể tiến hành một cách khuất tất.

« Vườn hoa Hàng Trống » đã « hoàn thành », nhưng chắc còn cần thời gian để hoa độc và cỏ dại biến khỏi 42 Nhà Chung. Cần hơn cả thời gian là sự tỉnh táo để chính quyền từ bỏ thói quen áp đặt, và toà tổng giám mục chấm dứt sự lầm lẫn giữa tự do tôn giáo và phương pháp Chí Phèo.

3.10.2008

Nguyễn Ngọc Giao




(1) « Toà Khâm » nằm giữa hàng phở Lý Quốc Sư và Toà Tổng giám mục Hà Nội (cạnh đó là Nhà thờ lớn). Nằm giữa thửa đất khá rộng này, có một toà nhà hai tầng, trong những năm 1950, là trú sở của giám mục John Dooley, người được giáo hoàng Pio XII cử làm « khâm mạng » tại Việt Nam. Khét tiếng chống cộng, giám mục Dooley là người thúc đẩy Hội đồng giám mục Việt Nam thi hành đường lối của giáo hoàng bằng một văn bản năm 1951, cấm người Công giáo Việt Nam, đặc biệt là các linh mục Việt Nam, tham gia kháng chiến và hợp tác với « cộng sản ». Sau Hiệp định Geneve 1954, Vatican chủ trương tổ chức giáo dân miền Bắc di cư vào Nam, nhưng giám mục Dooley vẫn ở lại Hà Nội cho đến khi mắc bệnh nặng. Tháng 8 năm 1959, người thay thế ông, giám mục Terenz O’Driscoll, bị trục xuất. Và, theo bản tin « Giáo hội Châu Á » của Hãng thông tấn của Hội Thừa sai Missions Etrangères de Paris (xem  ở đây) thì « chính quyền dân sự đã thu hồi khu đất và toà nhà này ».

Theo thông tin do một bạn đọc Diễn Đàn cung cấp, Hàng phở Lý Quốc Sư từ sau tết âm lịch vừa qua đã phải dẹp để nhường chỗ cho Nhà văn hoá Quận Hoàn Kiếm.


(2) Người ta không khỏi ngạc nhiên về cái tên mà chính quyền Hà Nội vừa đặt cho vườn hoa này : « hàng Trống ». Đúng là phố hàng Trống ở cách đó không xa, song song với phố Lý Quốc Sư – Nhà Chung, giữa phố này và bờ hồ Hoàn Kiếm. Nhưng thửa đất « Toà Khâm » nằm bên số chẵn phố Nhà Chung, không ăn nhằm gì tới phố Hàng Trống cả. Toà nhà đối diện với « Toà Khâm » là trường Tràng An (trước đây là đất của các nữ tu) mới có thể thông ra phố Hàng Trống ở đằng sau (có thể xem bản đồ chi tiết Hà Nội tại đây). Có cảm tưởng như « nhà nước » muốn tránh cả chữ « nhà chung ». Thế thì tại sao không đặt tên là « vườn hoa Nhân Hoà » như chúng tôi đã đề nghị ngày 1.1.2008 khi đưa ra ý tưởng xây dựng một công viên, phục vụ lợi ích chung (xem mục Thấy trên mạng) ? Kể ra với cách làm không mấy đường đường chính chính của chính quyền trong những ngày hạ tuần tháng 9.2008 và lối kích động của giáo hội trong thời gian qua (ở Hà Nội cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh, không kể Orange County, Hoa Kì), triển vọng « nhân hoà » hơi bị lùi xa.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us