Vụ xử hai nhà báo
Bịt miệng báo chí : một tội ác
Hoà Vân
Sáng nay, ngày 14.10.2008, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) và hai sĩ quan cảnh sát, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc nguyên Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), và thượng tá Đinh Văn Huynh, nguyên trưởng phòng điều tra C14, bị đưa ra toà án Hà Nội xét xử về việc đưa tin trong vụ án PMU 18 (xem Diễn Đàn các số 159, tháng 2.2006 và 161, tháng 4.2006).
Vụ án được khởi tố vào ngày 13.5.2008, với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" cho cả 4 bị can. Tuy nhiên, trước các luận điểm cho rằng cả 4 người này đã không hưởng lợi gì trong vụ này, cuối cùng cơ quan an ninh đã thay đổi tội danh : hai sĩ quan Quắc, Huynh bị đề nghị truy tố tội "cố ý làm lộ bí mật công tác" (điều 286, luật Hình sự). Các nhà báo Hải và Chiến bị cáo buộc tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" (điều 258). Ba ông Huynh, Hải và Chiến đã bị bắt tạm giam từ ngày 12.5, còn ông Quắc được tại ngoại.
Ngay khi được tin các đồng nghiệp của mình, những người từng nổi tiếng trong mảng thông tin chống tham nhũng và tiêu cực xã hội, nhiều tờ báo đã phản ứng mạnh mẽ. Nhưng chỉ sau một ngày, tất cả đã rơi vào im lặng. Một lệnh miệng đã đến với tất cả các tổng biên tập các báo trong nước : cấm không được đưa tin, bình luận, kể cả gián tiếp (như trên Tuổi Trẻ, với loạt bài Khi nhà báo rơi vào vòng lao lý, nói về các nhà báo nước ngoài lâm nạn nghề nghiệp, bị buộc phải ngưng giữa chừng ! – xem bình luận của Diễn Đàn về việc này tại đây và đây). Tiếp theo đó, ngày 1.8, những nhà báo đã có phản ứng quyết liệt nhất (là Bùi Thanh, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ ; Nguyễn Quốc Phong phó tổng biên tập báo Thanh Niên ; Huỳnh Kim Sánh, tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên ; và Dương Đức Đà Trang, trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội) bị bộ Thông tin và Truyền thông cách chức và rút thẻ nhà báo vì các tội "đã trực tiếp viết bài, hoặc với trách nhiệm được cơ quan báo giao đã không kiểm chứng nguồn tin, biên tập, duyệt đăng các tin bài về vụ PMU18 trong đó có những thông tin sai sự thật nghiêm trọng", và nhất là đã "đưa ra các thông tin kích động phản đối hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật" trên các báo sau sự kiện hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị khởi tố và bắt tạm giam (thông báo ngày 22.8.2008 của Cục báo chí, bộ TT&TT).
Trở lại phiên toà, dù chưa có thông tin nào được rò rỉ, người ta cũng thừa biết là các bản án đã được « cấp trên » quyết định sẵn, với những mục tiêu cổ điển : răn đe - ở một mức độ mà chính quyền cho rằng « có lợi » về chính trị - mọi ý muốn đòi mở rộng quyền tự do cho báo chí, quyền can thiệp vào chính trị của Đảng, thông qua ngọn cờ chống tham nhũng. Người ta còn nhớ rằng ban Tổ chức trung ương Đảng đã « cơ cấu » sẵn các ông Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng bộ Giao thông – Vận tải và Cao Ngọc Oánh, thiếu tướng, thủ trưởng công an điều tra (đầu năm 2006), để được « bầu » vào ban chấp hành trung ương ở đại hội X. Nhưng khi vụ PMU 18 bùng nổ, những nghi vấn hai nhân vật này có liên quan đến bị can chính – tổng giám đốc PMU18 Bùi Tiến Dũng -, một người với tư cách là cấp trên, « ô dù » của BT Dũng, một người bị cho là được tiếp cận để « nhờ » chạy tội cho Dũng, thì cả hai đành ngậm ngùi nhìn ghế trung ương lùi xa – và với ghế đó, còn là chức bộ trưởng GT-VT cho ông Tiến, chức thứ trưởng bộ Công an cho ông Oánh kèm theo quân hàm trung tướng1…
Nhưng dù « toà » tuyên án như thế nào2, việc khởi tố, bắt giam hai nhà báo Hải và Chiến, cùng với việc cách chức, thu thẻ nhà báo của 4 nhà báo khác, đã đạt kết quả có lẽ còn vượt qua cả ý muốn của ban lãnh đạo Đảng. Các tờ báo chưa bao giờ « ngoan » như mấy tháng vừa qua. Ngay cả về những điều kiện ở tù của phóng viên của mình ra sao, sức khoẻ thể chất và tinh thần của anh ấy như thế nào, các sự bàn thảo với luật sư tiến diễn ra sao, những điều rất bình thường ấy cũng không được phép có một dòng tin nào trên các báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Lệnh bịt miệng hiển nhiên là đã đến từ cấp cao nhất. Không cần chờ toà xử, không cần biết là chẳng có điều nào trong luật báo chí cấm đưa tin về một người bị bắt tạm giam.
Tờ báo Tuổi Trẻ, trước đây luôn luôn đi hàng đầu trong các vụ chống tiêu cực, tham nhũng, bây giờ mở ra toàn những tin thi cử, bóng đá, ngôi sao, tin kinh tế - xã hội vô thưởng vô phạt3…, những vấn đề « nóng » của xã hội mờ nhạt đi.
Điển hình gần đây là vụ 4 nhà lãnh đạo công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) của Nhật bị chính phủ Nhật truy tố về tội đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam để thắng thầu trong dự án xây dựng « đại lộ Đông – Tây » ở thành phố Hồ Chí Minh. Báo chí Nhật đưa rất rõ ràng, người nhận hối lộ là ông Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc sở Giao thông - Công chính TP HCM kiêm giám đốc ban quản lý dự án, số tiền là 820 000 đô la4. Nhưng báo chí Việt Nam (trừ một số rất ít ngoại lệ mà Diễn Đàn đã phản ánh, ở đây), đều cúi đầu, ngậm miệng. Thậm chí, đọc một vài tin trên các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên v.v., người ta còn không biết là báo Nhật đưa tin PCI hối lộ cho một « quan chức nước ngoài » là nước nào ! Nói chi tới việc cử phóng viên đi điều tra, phỏng vấn đương sự và những người liên quan, tìm hiểu đường dây hối lộ mà các quan chức PCI đã thú nhận, khai báo rất rõ ràng. Những vết nứt ở đường hầm Thủ Thiêm trên đại lộ Đông – Tây, nếu không được khám phá sớm rất có thể gây ra những tai nạn lớn với thiệt hại khôn lường, nhưng ngay cả khi tin hối lộ lớn (10% vốn ODA) đã được phía Nhật xác định, chẳng ai có thể điều tra về một giả thuyết liên hệ tự nhiên tới chuyện tham nhũng này : công trình đã bị « rút ruột », như ở nhiều trường hợp khác đã biết.
Trong một vụ khác, nhiều câu hỏi về nguyên nhân sập cầu Cần Thơ trong lúc đang xây dựng (cũng với vốn ODA Nhật, như ở PMU 18, hay đại lộ Đông – Tây), làm chết hàng mấy chục người, vẫn chưa được giải đáp. Tin chính thức cho biết, sau khi công bố kết quả điều tra về nguyên nhân gây ra tai biến, bộ Công an đã « khởi tố vụ án » về trách nhiệm các bên. Nhưng đó chỉ là các nguyên nhân kỹ thuật, và không có một báo nào đăng lên một bài điều tra độc lập về nguyên nhân của các nguyên nhân kỹ thuật đó. Với lệnh cấm tò mò, các báo còn đợi tin TTXVN.
Vụ công ty bột ngọt Vedan liên tục 14 năm xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cùng vài vụ tương tự được đưa ra sau đó, các báo cũng chỉ dám nói bóng gió rất xa xôi về trách nhiệm của các quan chức trung ương hay địa phương, sơ hở hay " thiếu trách nhiệm" trong công tác quản lý môi trường. Tuyệt không có một cuộc điều tra nào về khả năng (có xác suất cao !) là có sự thông đồng, hối lộ và ăn hối lộ, giữa các công ty phạm tội và các quan chức để những người này ngoảnh mặt làm ngơ, dù cho các dòng sông đang dần mòn bị giết chết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng chục triệu người, trong đó có chính bản thân và gia đình họ.
Trong một cuộc hội thảo ở Paris ngày 4.10 vừa qua về vấn đề năng lượng nguyên tử ở Việt Nam, ông đại diện công ty điện của Pháp (EDF) nhấn mạnh « từ chính » (maître mot) của ngành phải là từ « trong suốt » (transparence). Những hiểm nguy tiềm tàng trong một nhà máy nguyên tử đúng là quá lớn để có thể xem thường bất kỳ một chi tiết kỹ thuật nào, che giấu bất kỳ một sự cố nào xảy ra trong quá trình xây dựng, điều hành nhà máy. Yêu cầu "trong suốt" đó có thể được đảm bảo trong một cơ chế mà nhà báo bị bịt miệng ? Nếu những vụ đi đêm xảy ra như ở dự án đại lộ Đông – Tây, nếu các quan chức có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những vi phạm của nhà thầu, nhà xây dựng (như trong vụ Vedan), vì báo chí không được quyền điều tra, không được quyền công khai đặt ra các câu hỏi cần thiết khi một sự cố xảy ra, một tai nạn như Tchernobyl hoặc khủng khiếp hơn, là hoàn toàn có thể xảy ra, giết hại hàng vạn người (hay nhiều hơn), khiến cả một vùng rộng lớn của đất nước bị san bằng, mọi sự sống bị huỷ diệt…
Tự do báo chí là một đòi hỏi cơ bản của xã hội hiện đại, dù ở thể chế nào. Ở Việt Nam, sự đặt toàn bộ báo chí dưới « sự lãnh đạo của Đảng » đã là một vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cơ bản ấy. Tuy nhiên, trong những năm qua, những nhà báo chân chính, dũng cảm, trong một số chừng mực vẫn vượt qua được những giới hạn mà bộ máy quản lý của ĐCS đặt ra, để phản ánh được nhiều vấn đề thực của xã hội, của nền kinh tế, văn hoá v.v. Những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, khi được đưa lên báo, tạo ra nguồn dư luận, một sức ép có thật đối với nhiều quan chức, buộc họ phải « giải trình » hay buộc cấp trên của họ phải có quyết định. Phản ứng của bộ máy, ít ra là từ hơn một năm nay, như các vụ xử các nhà báo cho thấy, là siết chặt, là buộc báo chí phải « đi đúng lề đường bên phải » theo như cách nói của một ông thứ trưởng bộ TT&TT (lề đường mà ban tuyên giáo và bộ 4T toàn quyền vẽ ra).
Về thực chất, đó là tước quyền tham gia chính trị (với tư cách công dân) của các nhà báo, và qua đó, của xã hội. Sự bổ nhiệm các quan chức, dù họ bất tài, dù họ tham ô, là chuyện của Đảng, không ai khác được có tiếng nói. Giải quyết chuyện tham nhũng, thất thoát của công, là chuyện « nội bộ » của Đảng.
Chưa nói về các nguyên tắc cao xa của một chính quyền « do dân, vì dân » hay gì gì khác, chỉ cần so với những tác hại nó gây ra trong vài ví dụ kinh tế - xã hội kể trên (thậm chí có thể gây ra ở cấp độ trầm trọng hơn), người ta thấy ngay tính chất của cái quyết định bịt miệng các nhà báo ấy : trước hết, đó là một tội ác.
Như mọi tội ác, thủ phạm thường không phải là tất cả những người có mặt trên hiện trường, mà là một người hay một số người, một tập thể cụ thể nào đó. Ở đây là những người nắm thực quyền sinh sát về công tác tư tưởng, tuyên giáo của ĐCS. Những người khác trong bộ máy lãnh đạo của Đảng nghĩ gì ? Ngăn chặn những kẻ phạm tội tiếp tục hoành hành, hay ngoảnh mặt « lo chuyện của mình » ?
Hoà Vân
Chú thích:
1 Ông Tiến sau mấy tháng bị tạm giam để điều tra về các tội tham nhũng, cố ý làm trái gây hiệu quả nghiêm trọng v.v., đã được trả tự do, nhưng đã bị truất tất cả các chức vụ trong Đảng và chính phủ, còn tướng Oánh được bạch hoá mọi cáo buộc nhận tiền chạy tội của Bùi Tiến Dũng, và vừa được thăng trung tướng vào tháng 6 năm nay.
2 Theo điều 286 của bộ Luật hình sự, các ông Quắc và Huynh có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, nếu bị coi là « phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng » thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Còn theo điều 258 thì các ông Hải và Chiến có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu bị coi là « phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng » thì có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3 Xem bài viết « Bỗng dưng muốn khóc » trên blog của nhà báo Huy Đức.
4 Người Sài Gòn nói là ông này được che chở vì là xui gia của ông Lê Thanh Hải, uỷ viên bộ chính trị, bí thư thành uỷ TPHCM. Nếu đúng thì nền "kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa" thật chẳng kém gì một "chủ nghĩa tư bản cánh hẩu" kiểu mafia!
Các thao tác trên Tài liệu