Xem phim ĐỊA ĐẠO
ĐỊA ĐẠO,
MẶT TRỜI TRONG BÓNG TỐI (2025)
đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
Trần Đán
Trên mạng tôi đọc được nhiều bình luận về phim Địa Đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đa phần là khen, với một số ít tranh cãi sự trung thực của một vài tiểu tiết: hệ thống địa đạo Củ Chi không dài 200 km như tuyên truyền… Có người viết : “Chỉ là một phim tuyên truyền cho ngày 30/4 sắp tới để kích động lòng yêu nước, nhất là của giới trẻ.” Vì muốn tự mình tìm hiểu nên tôi đã đi xem phim Địa Đạo.
Tôi sẽ không bàn về tính trung thực tuyệt đối của phim. Đây không phải
là một phim tài liệu như loạt phim Chiến Tranh Việt Nam
của Ken Burns. Phim thuộc về “nghệ thuật điện ảnh” cho phép sự sáng tạo
trong câu truyện hư cấu. Câu hỏi là : Sự sáng tạo trong câu truyện hư
cấu đó mang thông điệp gì ? Một thông điệp nhân văn, hay một thông điệp
tuyên truyền hoặc thương mại.
Nhằm mục đích đó tôi sẽ so sánh phim Địa Đạo với 3
phim về chiến tranh Việt Nam do người Mỹ làm : Apocalypse Now, Rambo, và Platoon.

Phim Apocalypse
Now (1979) do Francis Coppola đạo diễn. Không thể chối cãi là
phông văn hóa của ông ấy rất sâu. Cụ thể, cho phim này, ông mượn cốt
truyện từ sách Chạm
Đáy Tăm Tối (Heart of Darkness)
của tác giả Joseph Conrad viết năm 1899. Sách nói về hành trình ngược
dòng sông Congo bên Phi châu của một lái buôn Anh đi tìm một đồng
nghiệp tên Kurtz mà người ta đồn là đã hóa điên. Coppola đã lai ghép
truyện sang cuộc chiến tại Việt Nam, trong đó trung úy Willard (Martin
Sheen) được giao trách nhiệm săn lùng một đại tá Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ
Kurtz (cùng tên với trong sách) đã “hóa điên.” Willard đi thuyền ngược
một dòng sông từ Việt Nam sang Campuchia. Tại đó Willard bị thuộc hạ
của đại tá Kurtz bắt, giao cho hắn ta. Giữa rừng đầu lâu người, Kurtz
để cho Willard hạ thủ mình, miệng thốt lên “Ôi, nỗi kinh hoàng, nỗi kinh hoàng”
(The horror, the horror!)
Thông điệp của Apocalypse
Now là gì? Đối với tôi, đó là : Sự ngây thơ, trong trắng, “văn
minh” của người da trắng bị “lây nhiễm” bởi sự man rợ của các giống
người khác, cần được gột rửa, tấy sạch. Thiện (biểu tượng là nhân vật
Willard) phải triệt tiêu đi cái Ác (biểu tượng là nhân vật Kurtz).
Phim Rambo, First
Blood Part II (1984) do Sylvester Stallone đạo diễn và thủ vai
chính. Trong phim một cựu biệt kích Mỹ, John Rambo, quay về Việt Nam để
giải cứu những tù nhân Mỹ không được trao trả sau hòa bình. Đơn thân
độc mã, Rambo phải chiến đấu chống lại những cai ngục Việt và những cố
vấn Nga hết sức tàn ác, và những kẻ phản bội và hèn nhát trong quân đội
Mỹ. Cuối cùng y triệt hạ tất cả và giải cứu tù binh.
Thông điệp của Rambo,
First Blood Part II là gì? Nó rất đơn giản. Biểu tượng của cái
Ác và cái Thiện được khắc họa rất thô thiển. Cái Ác chắc chắn sẽ bị cái
Thiện trừng trị, nguyên lý đó không bao giờ thay đổi. Việc phim này
đoạt doanh thu tại Mỹ khá lớn chứng tỏ người xem cảm thấy được “tẩy
rửa” khỏi vết nhơ lịch sử khi kẻ thù Việt, Nga, và nhất là những kẻ chủ
bại Mỹ bị trừng trị đích đáng. Về kỹ thuật phim được quay tại Mễ Tây
Cơ, trại tù Việt Nam được dàn dựng thật sơ sài, diễn viên Việt và Nga
không nói được tiếng của họ và diễn xuất như các con rối. Tuy bán được
nhiều vé nhưng phim bị các nhà phê bình cười nhạo. Trong các phim về
Việt Nam, theo tôi, đây là phim đoạt “Giải Ấu Trĩ” cao nhất!
Phim Platoon
(1986) do Oliver Stone, một cựu chiến binh Việt Nam, đạo diễn, theo
chân một trung đội lính Mỹ truy lùng lính Bắc Việt tại Việt Nam dọc bên
giới Campuchia. Đội quân vượt qua các cuộc phục kích, chứng kiến đồng
đội bị tra tấn, thảm sát. Đến một làng nọ, mâu thuẫn giữa trung sĩ
Barnes, sôi máu phục thù, và trung sĩ Elias, mà lương tâm không cho
phép hại người dân làng vô tội, bộc phát dữ dội, đẩy trung đội thành
hai phe, trong đó có tân binh Chris Taylor (Charlie Sheen). Lợi dụng sự
hỗn loạn trong một trận đụng độ, Barnes hạ thủ Elias. Cuối cùng Taylor
giết chết Barnes.
Thông điệp của phim Platoon là gì?
Vẫn là thông điệp ngầm : kẻ địch đã biến một số chúng ta thành những
tên sát nhân, nhưng cuối cùng, Thiện căn trong chúng ta cũng diệt được
cái Ác trong chúng ta. Vào thời điểm đó, với doanh thu cao hơn hai phim
trước và hai giải Oscar cho Stone, có lẽ người Mỹ đã nhận ra không thể
xem cuộc chiến Việt Nam dưới cặp mắt trắng đen đơn thuần. Đó là sự tiến
bộ về tư duy so với hai phim trước.
Trong cả 3 phim Hollywood đã theo đúng một công thức: phim phải có
Thiện và Ác rõ ràng, biểu trưng bởi những nhân vật cụ thể, và cuối cùng
Thiện phải thắng Ác. Khán giả đòi hỏi điều đó. Sau khi xem phim họ phải
cảm nhận một cách sâu sắc sự “tẩy rửa tâm hồn” (catharsis) mà triết gia Hy Lạp
Aristotle từng nói về bi kịch. Và kết quả đo đếm được là sự thành công
về doanh thu vé.
Tôi không hề phản bác công thức này. Nó tuân thủ một nền đạo đức nhân
bản : Thiện phải thắng Ác. Tôi chỉ muốn nói đến tính trung thực, không
phải tính trung thực trong các tiểu tiết của câu truyện mà là tính
trung thực với sự sống : trong cuộc sống không phải lúc nào Thiện cũng
thắng Ác.
Phim Địa Đạo,
theo tôi, bác bỏ công thức của Hollywood. Nó không đặt trọng tâm vào
kết quả cuối cùng của cuộc giao đấu giữa Thiện và Ác. Nó vinh danh sự
chọn lựa : dù biết ta yếu, dù biết ta thua, nhưng khi tin vào chính
nghĩa ta sẽ không chịu khuất phục.
Chỉ huy Bảy Theo (Thái Hòa đóng), du kích Ba Hương (Hồ Thu Anh), du
kích Út Khờ (Lamoon Diễm Hằng) và 18 du kích khác trụ tại địa đạo Bình
An Đông chống lại sự càn quét của quân đội Mỹ trên mặt đất với B-52,
phi cơ, tăng, thuyền, súng phun lửa, hơi độc, chó săn, v.v... Nhiệm vụ
của họ là tạm thời chặn đường tiến quân của quân Mỹ để đội truyền tin
chuyển đi những tin mật tối quan trọng. Họ đã hoàn thành điều đó, nhưng
hy sinh gần hết : người bị súng phun lửa thiêu cháy, người bị hơi độc,
người bị hầm sập, người bị ngộp nước, v.v...
Vậy thông điệp của phim Địa Đạo là gì ?
Theo tôi đó là sự bất khuất của sức mạnh tinh thần trên sức mạnh vật
chất. Tinh thần “châu chấu đá voi”. Tinh thần “lấy trứng chọi đá” như
Nguyễn Trãi nói trong Bình Ngô Đại
Cáo. Và nhất là tinh thần yêu nước, một thứ tinh thần không phải
trừu tượng mà rất cụ thể đối với người dân Củ Chi trong tình yêu đối
với làng mạc, ruộng đồng, hàng xóm khi bị ngoại bang tàn phá.
Nhiều năm trước tôi cũng có đọc sách Địa Đạo Củ Chi
(2005) của hai nhà báo kỳ cựu Tom Mangold và John Penycate của BBC. Qua
các cuộc phỏng vấn các cựu chiến binh hai bên, các tác giả miêu tả cuộc
sống khắc nghiệt dưới địa đạo của du kích Việt Nam, và sức sáng tạo của
họ trong cuộc chiến để sống còn, như bếp Hoàng Cầm để nhả khói mà không
bị phi cơ phát giác, những biện pháp cách ly hầm để chống hơi độc, cách
sử dụng xà phòng để chống chó đánh hơi, v.v... Về phía Mỹ họ cũng phỏng
vấn một số các sĩ quan chỉ huy các trận càn, và lính được mệnh danh
“Chuột cống địa đạo” (Tunnel Rat),
những lính Mỹ nhỏ người đặc trách luồn sâu vào địa đạo. Sau khi xem
phim, khán giả có thể tra cứu sách để biết thêm thông tin từ phía Mỹ.
Về mặt kĩ thuật sự nghiêm túc của ê kíp làm phim thật đáng phục. Mai
Lâm phụ trách phục trang đã dầy công nghiên cứu cách ăn mặc của du kích
Việt Nam thời đó. Jefferson Cabral được mời lo phần hóa trang. Xác của
một du kích bị thiêu do súng phun lửa phải mất rất nhiều thì giờ và
công sức để hóa trang. Phần âm nhạc do Clovis Schneider phụ trách : ông
gạt đi âm nhạc giao hưởng để tận dụng nhạc cụ Việt, âm hưởng Việt nhưng
được hiện đại hóa. Toàn cảnh địa đạo được phục dựng thành phim trường
vì không thể quay trong địa đạo thật. Để quay dưới hầm tối với nguồn
sáng duy nhất là từ đèn cầy hay đèn pin, họ đã phải nhờ hãng Sony thiết
kế máy quay tối nhạy. Tôi thấy sự nghiêm túc của ê kíp Địa Đạo không
kém gì ê kíp Nhật Bản làm phim Shogun.
Tương tự như trong phim Platoon, các
diễn viên bị bắt buộc phải qua những cuộc huấn luyện gian khổ, tuân thủ
các chế độ ăn nghiêm khắc để giảm cân (diễn viên Quang Tuấn đóng vai Tư
Đạp mất 14 kí sau hai tháng, và sau đó phải báo cáo số cân hàng tuần),
và những buổi quay phim trong thời tiết thiêu đốt.
Có vài “hạt sạn” đã được các facebookers nêu ra.
Với tôi điểm dở nhất là cuộc thoại của Chú Sáu sau khi bị lính Mỹ bắt.
Ông rao giảng cho các lính Mỹ non choẹt về sức kháng cự của Việt Minh
tại Hà Nội trước quân đội Pháp. Cái thời kỳ xa xôi đó của Việt Nam có ý
nghĩa gì đối với lính Mỹ mặt còn hôi sữa ? Hơn nữa, nếu ông là một cán
bộ cấp cao, vì sao ông không được nhiều cận vệ đi theo mà luôn đi một
mình để dễ dàng bị bắt sống ?
Hạt sạn kia là về 2 cảnh “nóng” (rất thoáng qua trong bóng tối) trong
phim giữa du kích Ba Hương và Tư Đạp : tôi thấy nó chỉ nói lên những
khát khao rất đời thường khi cái chết gần kề từng giây từng phút.
Hạt sạn khác là vụ Út Khờ bị cưỡng hiếp trong bóng tối bởi một đồng đội
mà không nhận diện được thủ phạm. Mặc dù Ba Hương quyết đưa ra tòa án
binh, nhưng vào phút cuối sự thật bị chôn vùi khi địa đạo bị đánh sập,
giết chết hầu như tất cả mọi người.
Một bạn tôi e ngại phim sẽ được nhà nước dùng để tuyên truyền cho chủ
nghĩa yêu nước cực đoan trong dịp 30/4. Theo tôi, chẳng phải sự kiện
lớp trẻ Việt Nam tấy chay các lớp dạy sử tại trường học, so với việc họ
nồng nhiệt đón nhận phim này, đã nói lên sự trưởng thành của họ ? Họ
quá biết phân biệt đâu là tuyên truyền và đâu là sự trung thực.
Nói tóm lại tôi hãnh diện về đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê kíp của ông
đã hoàn thành một phim như vậy. Tác phẩm của ông không hề muốn bôi nhọ
kẻ thù, không muốn hạ thấp họ để nâng mình lên. Nó cũng chẳng tạo cảm
giác hả hê, gột rửa, về Thiện thắng Ác. Nó chỉ muốn nói lên sự quả cảm
của kẻ yếu, ý chí muốn sống, muốn yêu và tình đồng đội khi chống lại sự
bạo cuồng của kẻ mạnh. Nó nhắc nhở: chiến tranh đã xa rời và hòa bình
có được ngày hôm nay là do sự hy sinh thầm lặng của người đi trước.
À quên, tôi còn cảm phục đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về lựa chọn xuất sắc
của anh về người đóng vai chính Bảy Theo. Đúng là một ... Việt Cộng,
không điển trai như Tom Cruise hay Alain Delon.
Tôi tin rằng phim sẽ được đón nhận nồng nhiệt khi được đưa đi tranh
giải quốc tế, đặc biệt là tại châu Âu, nơi có truyền thống điện ảnh
nhân văn hơn tại Mỹ.
Trần Đán
Các thao tác trên Tài liệu